Tóm tắt: Bài viết khái quát thực trạng vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam hiện nay, phân tích, làm rõ các vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật môi trường, từ đó, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Abstract: The article summarizes the current situation of environmental law violations in Vietnam, analyzes and clarifies the shortcomings and inadequacies in the regulation and application of the law on handling violations of the environmental law, from there, recommends to improve the law and improve the efficiency of state management in this field.
1. Thực trạng vi phạm pháp luật môi trường tại Việt Nam hiện nay
Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật môi trường (VPPLMT) diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:
Một là, trong lĩnh vực công nghiệp: Thực trạng VPPLMT trong lĩnh vực công nghiệp vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về môi trường, không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; không xử lý chất thải, các chất độc hại trước khi thải vào môi trường; không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải công nghiệp theo quy định, hoặc có nhưng không vận hành, hoặc chỉ vận hành để đối phó vẫn còn diễn ra khá phổ biến[1]. Tại một số khu công nghiệp, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng chưa được bảo đảm. Theo thống kê trên toàn quốc, có 274 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 244 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%[2]. So với trước đây, việc đầu tư xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp đã có sự tiến bộ tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Hai là, trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản: Cùng với việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, cây lương thực, hoa màu đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm nguồn nước tại các sông, kênh, hồ, mương, đồng ruộng ở khu vực nông thôn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Tại các cơ sở chế biến, đặc biệt là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ nông, lâm, thủy sản, việc kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế… Tình trạng lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm, hủy hoại nghiêm trọng.
Ba là, trong lĩnh vực xây dựng, đô thị, giao thông vận tải: Đối với lĩnh vực xây dựng, việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng chưa bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) còn khá phổ biến. Nhiều công trình xây dựng chưa có biện pháp kiểm soát việc phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Tại các đô thị, vấn đề ô nhiễm bụi, tiếng ồn, ánh sáng, bức xạ vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao. Trong hoạt động giao thông vận tải, tình trạng sử dụng các loại phương tiện giao thông vận tải chưa được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường diễn ra khá phổ biến. Việc thực hiện che chắn cẩn thận khi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, chất thải để tránh tình trạng phát tán bụi, khí thải, chất thải ra môi trường chưa thực sự được bảo đảm. Đặc biệt, việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường trong nhiều trường hợp chưa được các chủ thể thực hiện một cách nghiêm túc. Việc sử dụng còi xe chưa tuân thủ yêu cầu bảo vệ môi trường vẫn còn diễn ra gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng.
Bốn là, trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu: Trong hoạt động thương mại, tình trạng các chủ thể VPPLMT khá phổ biến, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các yêu cầu về phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý các loại chất thải theo đúng quy định. Trong lĩnh vực dịch vụ, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng rất nghiêm trọng, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Tình trạng khách du lịch thải bỏ các loại rác tại các khu du lịch, lễ hội, tụ tập đốt lửa trại hoặc karaoke ồn ào, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh còn thường xuyên xảy ra. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là hoạt động nhập khẩu phế liệu cũng gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bởi các hành vi VPPLMT. Tình trạng nhậu khẩu trái phép rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại, phế liệu chưa được làm sạch vào Việt Nam còn diễn biến phức tạp.
Năm là, trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học: Trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, tình hình VPPLMT diễn ra khá nghiêm trọng. Đa phần các chủ thể tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản chưa chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật về BVMT[3]. Trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, tình trạng vi phạm pháp luật cũng xảy ra rất nghiêm trọng và chưa có xu hướng dừng lại. Theo thống kê sơ bộ, từ năm 2010 đến năm 2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 174 nghìn vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, số vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã là 4.305 vụ, tịch thu hàng nghìn kg sản phẩm động vật hoang dã và hơn 60 nghìn cá thể động vật hoang dã các loại, trong đó, 3.418 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm[4].
Sáu là, trong lĩnh vực y tế: Tại các bệnh viện, lượng chất thải hàng ngày ra môi trường rất lớn nhưng mới chỉ có khoảng trên 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo quy chế xử lý chất thải y tế. Nhiều loại rác thải y tế nguy hại như bệnh phẩm, vỏ chai, dây chuyền dịch, bơm kim tiêm đã qua sử dụng để lẫn lộn với rác thải thông thường. Nhân viên một số bệnh viện không nắm rõ quy trình thu gom, xử lý, thậm chí một số bệnh viện còn cho phép thu gom để bán cho cơ sở tái chế để tận thu, vi phạm các quy định về quản lý, xử lý chất thải y tế[5].
Như vậy, từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy rằng, hiện nay, tình trạng VPPLMT ở nước ta vẫn còn đang diễn ra rất phức tạp và chưa có xu hướng giảm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này đã làm suy giảm chất lượng môi trường cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.
2. Một số nguyên nhân cơ bản
Một là, các chính sách, pháp luật điều chỉnh về hoạt động BVMT trong các lĩnh vực còn chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ. Hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam về cơ bản đã được xây dựng, ban hành và không ngừng hoàn thiện, tuy nhiên, các nội dung BVMT vẫn còn quy định rời rạc, dàn trải trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Khoáng sản năm 2010… Hiện nay, các luật này vẫn còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất và còn tồn tại một số khoảng trống pháp lý chưa được quy định đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước trong vấn đề kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Một số điều, khoản chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chưa có sự hướng dẫn rõ ràng dẫn đến chưa bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng. Một số vấn đề mới phát sinh về BVMT chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh đã tạo cơ hội cho các chủ thể dễ dàng tận dụng để thực hiện các hành vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Một số cơ chế, chính sách BVMT chưa thực sự phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Yếu tố môi trường trong một số trường hợp chưa được coi trọng và tính đến nhiều trong quá trình xây dựng và ban hành các luật về thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế bởi những yêu cầu về phát triển kinh tế. Một số văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế còn chưa tính đến chi phí môi trường trong sản xuất, kinh doanh; thiếu vắng những công cụ kinh tế nhằm BVMT… làm cho công tác BVMT không phát huy được sự kích thích từ góc độ kinh tế đối với những chủ thể sử dụng các thành phần môi trường cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái[6]. Các loại thuế, phí về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để xử lý, khắc phục, cải tạo và phục hồi môi trường, “người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải trả tiền” chưa phát huy được vai trò là công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô, hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo hướng tăng trưởng xanh. Một số của quy định của pháp luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động BVMT.
Vấn đề quy định phân công trách nhiệm, thẩm quyền, phân cấp quản lý nhà nước về BVMT vẫn còn thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý dẫn đến công tác quản lý, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chưa phát huy được tính hiệu quả. Các cơ chế pháp lý trong việc kiểm soát những hoạt động tác động vào tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái chưa thực sự hữu hiệu. Một số quy định về xử phạt đối với các hành vi VPPLMT trong các lĩnh vực chưa thực sự đủ sức răng đe để phòng ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm… Những quy định về biện pháp xử lý vi phạm giữa các văn bản pháp luật về môi trường còn có những khoảng trống nhất định nên dẫn đến thiếu các biện pháp xử lý thích hợp đối với chủ thể vi phạm. Vì vậy, hiệu quả của việc xử lý các hành vi VPPLMT còn hạn chế.
Hai là, công tác thực thi pháp luật môi trường chưa thực sự bảo đảm tính hiệu quả. Về phía tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các chủ thể này vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên trong nhiều trường hợp, khi thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh nhưng chưa chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, thậm chí còn coi đây là giải pháp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nguy hiểm hơn nữa là có những doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải nhưng luôn cố tình vi phạm, lén lút xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn để xả ra môi trường những chất xả thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn[7]. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự quyết liệt, chưa thực hiện tốt các quy định trong việc quản lý, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi VPPLMT, còn thụ động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đủ năng lực hoặc chưa giữ nghiêm kỷ cương trong khi thi hành công vụ, thậm chí còn nhận hối lộ, bao che, tiếp tay cho các vụ VPPLMT, khai thác bừa bãi tài nguyên khoáng sản của đất nước, chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép, xả những chất thải độc hại chưa qua xử lý vào môi trường… gây thiệt hại không nhỏ đến các hoạt động kinh tế cũng như đời sống của người dân. Chính các vấn đề này cũng là một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng VPPLMT vẫn tiếp tục diễn ra trên tất cả các lĩnh vực mà chưa có xu hướng giảm.
Ba là, nhận thức về công tác BVMT, phát triển bền vững của một bộ phận các chủ thể chưa bảo đảm. Hiện nay, các chủ thể này đều coi trọng phát triển kinh tế và xem nhẹ vấn đề BVMT. Nhiều địa phương, do chính sách ưu tiên phát triển kinh tế nên đã kêu gọi đầu tư dàn trải, cấp phép kinh doanh ồ ạt, chưa quan tâm đến việc thẩm định, đánh giá ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực trọng điểm đã dẫn đến tình trạng việc chấp hành pháp luật BVMT trong các lĩnh vực cơ bản bị xem nhẹ trong thời gian dài, các yêu cầu BVMT trong quá trình triển khai hầu như chỉ mang tính thủ tục, hình thức, đối phó, thiếu cơ chế giám sát thực hiện hiệu quả, từ đó, dẫn đến tình trạng VPPLMT ngày càng gia tăng.
3. Một số kiến nghị
Để khắc phục tình trạng VPPLMT nêu trên, cần thực hiện hiệu quả một số giải pháp, cụ thể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường theo hướng đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành để khắc phục tính thiếu nhất quán, chưa cụ thể, chưa rõ ràng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT. Khi sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định liên quan đến môi trường trong các luật chuyên ngành cần bảo đảm chú trọng các yếu tố môi trường, đồng thời cần giải quyết được mối quan hệ giữa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh về môi trường trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất[8]. Bên cạnh đó, cần tiếp tục ban hành văn bản mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT chưa được điều chỉnh nhằm kiểm soát hiệu quả các hành vi vi phạm.
Các quy định pháp luật môi trường khi được hoàn thiện phải bảo đảm phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Khi xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế cần tính đến chi phí môi trường trong sản xuất, kinh doanh, yếu tố môi trường phải được thực sự coi trọng. Bên cạnh đó, cần tạo được hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động BVMT để tận dụng và phát huy mọi nguồn lực cần thiết vào công tác kiểm soát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc quy định về phân công trách nhiệm, thẩm quyền, phân cấp quản lý nhà nước về theo dõi, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi VPPLMT, phân định rõ trách nhiệm quản lý; đặc biệt là cần có một cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc kiểm soát các hoạt động tác động vào tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nhằm hạn chế các hành vi vi phạm xảy ra.
Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các quy định xử phạt trong lĩnh vực môi trường theo hướng nghiêm ngặt nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa và hạn chế tối đa những hành vi vi phạm. Đặc biệt, với tình trạng vẫn còn những khoảng trống pháp lý, cần nhanh chóng đưa ra các quy định xử phạt cụ thể để có biện pháp xử lý thích hợp đối với chủ thể vi phạm, tránh trường hợp bỏ lọt các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về BVMT mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và xác định rõ hiệu lực pháp lý của cam kết quốc tế đó. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đó tại Việt Nam để góp phần vào việc kiểm soát, phát hiện và xử lý hiệu quả các hành vi VPPLMT trên cơ sở phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật môi trường. Để hạn chế tình trạng VPPLMT, đòi hỏi cần phải nâng cao trách nhiệm thực thi hiệu quả pháp luật môi trường ở cả góc độ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội.
Dưới khía cạnh quản lý nhà nước, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước, tham mưu ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung rà soát, bổ sung các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT bảo đảm hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ để chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm soát, xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm. Trong quá trình áp dụng pháp luật, để kiểm soát, xử lý các hành vi VPPLMT, cần phát huy đồng bộ các biện pháp được quy định trong luật hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế trong việc xử lý các hành vi VPPLMT, đặc biệt là các biện pháp kinh tế để bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và yêu cầu BVMT, thực hiện tốt pháp luật về môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức trong hoạt động kiểm soát, phát hiện, xử lý hành vi VPPLMT. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thực hiện pháp luật về BVMT bằng cách tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác BVMT để phục vụ hiệu quả cho việc kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi VPPLMT. Hơn nữa, cần phải xây dựng được cơ chế kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm, tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT để răn đe, từ đó góp phần thay đổi hành vi xử sự của các chủ thể đối với môi trường theo hướng bảo đảm phát triển bền vững trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật.
Dưới góc độ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, bản thân các chủ thể này phải tự ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như những lợi ích mà mình được hưởng trong vấn đề BVMT, tích cực đáp ứng các yêu cầu BVMT, phát triển bền vững trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để góp phần hạn chế tình trạng VPPLMT.
Ba là, cần thay đổi tư duy về vấn đề BVMT và phát triển bền vững. Theo đó, thay vì duy trì tư duy ưu tiên tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ BVMT thì một bộ phận các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước cần hình thành thói quen tuân thủ các yêu cầu về phát triển bền vững trong phát triển kinh tế và BVMT. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế gắn liền với BVMT, tránh kêu gọi đầu tư một cách ồ ạt, dàn trải, phải nhất quán với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
ThS. Trần Linh Huân
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
ThS. Phạm Thị Hồng Tâm
Trường Đại học Phan Thiết
[1]. Ngô Ngọc Diễm (2019), “Thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong giai đoạn hiện nay - Một số nguyên nhân và giải pháp”, Tạp chí Công thương, số 11, tháng 6/2019, tr. 74.
[2]. Vũ Nam, “Gần 90% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung”, https://nangluongsachvietnam.vn/d6/vi-VN/news/Gan-90-khu-cong-nghiep-co-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-tap trung-6-179-6527, truy cập ngày 22/11/2022.
[3]. Xem thêm: Khánh Toàn & Kim Tiến, “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm tại Vị Xuyên”, https://nhandan.vn/moi-truong/kien-quyet-xu-ly-cac-doanh-nghiep-khai-thac-khoang-san-gay-o-nhiem-tai-vi-xuyen-301833/, truy cập ngày 22/11/2022.
[4]. Trung Tuyến, “Chống săn bắt, buôn bán động vật hoang dã để bảo đảm đa dạng sinh học”, https://nhandan.vn/moi-truong/chong-san-bat-buon-ban-dong-vat-hoang-da-de-bao-dam-da-dang-sinh-hoc-291121/, truy cập ngày 22/11/2022.
[5]. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2021), “Tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”, Tạp chí quản lý Nhà nước, số 300, tr. 66.
[6]. Nguyễn Trần Điện, “Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7/2012, tr. 61.
[7]. Hồng Hà & Tuấn Anh, “Xử lý triệt để việc Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường”, https://nhandan.vn/thoi-su-phap-luat/xu-ly-triet-de-viec-cong-ty-vedan-gay-o-nhiem-moi-truong-591540, truy cập ngày 22/11/2022.
[8]. Nguyễn Trần Điện (2012), “Thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 7 (215), tr. 62.