Tính chất các tội phạm do phụ nữ gây ra trong thời gian gần đây ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều vụ án nổi tiếng đều do phụ nữ cầm đầu. Trong một số vụ án ma tuý lớn thường có nhiều đối tượng là phụ nữ tham gia. Thủ đoạn gây án của đối tượng là phụ nữ cũng rất tinh vi, xảo quyệt, không kém phần tàn bạo, trắng trợn, công khai và coi thường pháp luật. Phụ nữ biết triệt để lợi dụng mọi hoàn cảnh, điều kiện cho phép cũng như khéo léo lợi dụng thế mạnh giới tính của mình, tạo ra những điều kiện, lôi kéo đồng phạm để phạm tội và họ rất dễ thành công hơn nam giới trong một số nhóm tội. Đặc biệt, là quyết tâm thực hiện tội phạm của phụ nữ quyết liệt hơn nam giới. Hậu quả, tác hại của tội phạm do phụ nữ gây ra có hệ quả rất lớn đối với xã hội. Với vai trò là người mẹ, người chị trong gia đình, phụ nữ phạm tội rất có thể sẽ để lại những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách xấu và trở thành kẻ phạm tội sau này của con em. Phụ nữ với những khả năng riêng, có thể làm tha hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, dụ dỗ họ tiếp tay phạm tội. Hơn thế nữa, hậu quả của hành vi phạm tội của phụ nữ đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người Việt Nam.
Để có các giải pháp ngăn chặn tích cực đối với tình trạng phụ nữ phạm tội hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần phải có những giải pháp thích hợp. Phải nghiên cứu tận gốc rễ nguyên nhân của tình trạng này để có các giải pháp vĩ mô và cụ thể. Qua nghiên cứu cho thấy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến phụ nữ phạm tội như: Sự giáo dục của gia đình, sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân người phụ nữ; do chính sách xã hội và sự quản lý của nhà nước về các hoạt động xã hội...
Các nguyên nhân mang tính xã hội đã đưa đẩy những người phụ nữ đến con đường phạm tội có thể chỉ ra là:
Một là, điều kiện về kinh tế- xã hội. Các chính sách xã hội không theo kịp tiến trình phát triển kinh tế, đặc biệt là một số chính sách xã hội đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng. Phần lớn các chính sách được đưa ra nghiêng về chính sách xã hội chung chung, không mang tính đặc thù của lao động nữ. Do vậy, chính sách tổng thể thường có lợi cho nam giới, phụ nữ thường bao giờ cũng chịu thiệt thòi, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi. Chúng ta cũng chưa có chính sách khuyến khích thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân nông thôn. Sức lao động nông thôn chưa được giải phóng triệt để và chưa tạo ra được động lực mới trong việc sử dụng có hiệu quả lao động nông thôn, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn xảy ra nghiêm trọng. Bên cạnh đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở nước ta, kéo theo của một bộ phận lớn nông dân cũng gia tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm, hoặc việc làm không phù hợp, không đảm bảo tối thiểu và nhất là lại thiếu sự quản lý của gia đình, nhà trường và xã hội, nên tội phạm nói chung gia tăng, trong đó có tội phạm do phụ nữ gây ra cũng tăng cao.
Hai là, điều kiện về văn hóa - giáo dục. Sau thời gian đổi mới và phát triển đất nước, chúng ta cũng đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng để lại nhiều mối lo ngại, nhất là trên lĩnh vực văn hóa. Xã hội đang đối mặt với sự xuống cấp của đạo đức. Nếu trước đây, một người phụ nữ có các hành vi lệch chuẩn đạo đức xã hội thì bị cả gia đình, xã hội lên án, thì ngày nay dư luận ít quan tâm đến vấn đề này. Ông cha ta nói: “Hổ dữ không ăn thịt con” nhưng ngày nay nhiều người phụ nữ đang tâm giết hại con mình chỉ vì mâu thuẫn với chồng. Hoặc có nhiều phụ nữ vì ghen tuông đã đang tâm cắt luôn của “quý” của chồng. Thậm chí, giết chồng một cách dã man tàn bạo, phi nhân tính.
Nguyên nhân sâu xa của những vụ án như trên là do sự xuống cấp của đạo đức, văn hóa. Lối sống thực dụng, vì lợi nhuận, vì đồng tiền và lợi ích cá nhân đã chà đạp lên tình ruột rà, máu mủ. Một bộ phận thanh thiếu niên, trong đó có rất nhiều phụ nữ ảnh hưởng của các loại băng hình, sách báo tranh ảnh mang tính bạo lực đã tự cho mình cách cư xử bằng bạo lực.
Ba là, điều kiện về tâm lý - xã hội. Do định kiến của xã hội thể hiện trong phong tục, văn hóa, quan hệ xã hội còn phân biệt tạo sự bất bình đẳng nam nữ, cho nên, một bộ phận phụ nữ trong xã hội ta không cam chịu và an phận đã tự mình nỗ lực vươn lên bằng mọi cách. Với những người có nhân cách tốt, có cách thực hiện đúng, hướng phấn đấu đúng thì phần lớn họ đều thành công. Ngược lại, nhiều phụ nữ lao vào kiếm tiền, làm giàu bằng mọi cách, bất chấp pháp luật. So với nam giới, phụ nữ dễ bị tác động, bị cám dỗ trước lợi ích vật chất, dễ bị kích động, mặc cảm và tự ti hơn. Vì vậy, họ dễ dàng bị lừa vì sự nhẹ dạ, cả tin và cũng vì dễ bị kích động nên họ sẵn sàng bất chấp pháp luật để trả thù những kẻ đã lừa họ.
Bốn là, do công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cho phụ nữ chưa đạt kết quả cao. Mặc dù đã được Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành rất quan tâm, song công tác giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên thực tế còn có những hạn chế nhất định, trình độ nhận thức của nhân dân không đồng đều, nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật vẫn còn chậm đổi mới, còn dàn trải. Các hình thức tuyên truyền pháp luật phổ thông trên các phương tiện thông tin đại chúng qua con đường chính thống chưa thật phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện thực tế của phụ nữ, nhất là ở những nơi khó khăn. Việc chậm khai thác lợi thế của tập quán (luật tục) ở các tộc người chưa được thực hiện một cách chính thức là một tồn tại lớn trong việc đưa thông tin pháp luật đến với phụ nữ vùng núi, dân tộc ít người
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã góp phần ngăn chặn các hành vi phạm tội mới, nguy hiểm như buôn bán ma túy, phụ nữ, trẻ em, trốn thuế... Song nhìn chung, công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của cuộc sống thay đổi nhanh chóng.
Để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng phụ nữ phạm tội gia tăng, theo chúng tôi cần quan tâm một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, cần nâng cao đời sống về kinh tế - xã hội, kiên quyết đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội
Để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, trong thời gian tới, Nhà nước ta cần hướng vào giải quyết các vấn đề thất nghiệp và thiếu việc làm, giải quyết các ảnh hưởng đối với lao động không có tay nghề mà số đông là nữ. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông thôn, nhất là phổ cập nghề, dạy nghề cho lao động nông nghiệp vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chuyển đổi nghề nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Cần chú ý hơn nữa hỗ trợ việc làm, việc làm có chất lượng và thu nhập cao cho lao động nông thôn thông qua chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, ngành nghề phi nông nghiệp và dịch vụ, kinh tế trang trại, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn; Hỗ trợ thị trường lao động nông thôn, trước hết là cung cấp lao động nông thôn đáp ứng đủ nhu cầu về lao động tại chỗ; Phát triển thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, đưa hội chợ việc làm về nông thôn; Giải quyết các vấn đề xã hội của lao động nhập cư từ nông thôn vào các thành phố, khu công nghiệp tập trung để tìm việc làm. Cũng cần xem xét, rút kinh nghiệm về việc tha giảm án đối với các phạm nhân thi hành án phạt tù thời gian qua. Có chính sách xã hội để tạo công ăn việc làm cho người phạm tội nói chung, phụ nữ phạm tội nói riêng mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.
Chính sách xóa đói giảm nghèo cần tập trung vào khu vực nông thôn theo hướng vững chắc và gắn với phát triển trên cơ sở có chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực, nhất là năng lực thị trường của người nghèo và tạo cơ hội cho hộ nghèo, xã nghèo, phụ nữ nghèo vươn lên làm giàu; mở rộng cơ hội cho phụ nữ nghèo ở nông thôn tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện để ổn định đời sống và tạo điều kiện cho nhóm xã hội yếu thế ở nông thôn, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp họ hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng bằng việc sửa đổi, bổ sung chế độ trợ cấp thường xuyên, phù hợp với lối sống tối thiểu của xã hội; nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với việc trợ giúp, chăm sóc các đối tượng xã hội tại cộng đồng theo hướng xã hội hóa.
Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về các hoạt động dịch vụ xã hội, không để các loại hình văn hóa độc hại du nhập vào nước ta ảnh hưởng đến mỗi người và mỗi gia đình. Có chính sách quản lý xã hội hợp lý, kiên quyết bài trừ, không để ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội nảy sinh và phát triển. Tăng cường điều tra khám phá tội phạm, hạn chế và đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, ổn định xã hội công bằng, văn minh mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho phụ nữ
- Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác giáo dục pháp luật cho phụ nữ. Huy động những người có trình độ pháp luật, các cơ sở giáo dục, các trung tâm bồi dưỡng chính trị, cán bộ làm công tác pháp luật tham gia vào hoạt động giáo dục pháp luật cho phụ nữ.
- Nhà nước cần quan tâm mở các chuyên mục giáo dục pháp luật dành riêng cho phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa có chính sách hỗ trợ để các gia đình nghèo có tiền mua các phương tiện tivi, radio... để tiếp thu sự tuyên truyền pháp luật. Cần triệt để khai thác thế mạnh của Luật tục vùng đồng bào dân tộc để tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Các cơ quan chức năng tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục pháp luật cho phụ nữ. Đổi mới và tăng cường hoạt động kiểm tra tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giáo dục pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ cần chú trọng việc nâng cao năng lực giáo dục pháp luật cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp, đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở để xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội phụ nữ. Trong quá trình tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ, cần thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, lựa chọn và hoàn thiện các hình thức giáo dục pháp luật phù hợp cho phụ nữ
ThS. Phạm Quang Thắng
Trưởng Công an Phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội