Do đó, các văn bản quy phạm pháp luật (luật và nghị định) điều chỉnh hoạt động thi hành án dân sự cũng dành vị trí, số lượng điều luật nhất định để quy định về hệ thống tổ chức và từng chức danh trong cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Cụ thể, Chương II Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) dành 11 điều (từ Điều 13 đến Điều 23) và Nghị định số 62/2015/NĐ-CP[1] dành 21 điều (từ Điều 52 đến Điều 72) để quy định rõ về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án cũng như quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức các chức danh trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự. Không những vậy, ở góc độ phục vụ cho công tác quản lý, chỉ riêng trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã ban hành 02 văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức thông tư: Thông tư số 02/2017/TT-BTP[2] và Thông tư số 03/2017/TT-BTP[3] để quy định cụ thể hơn đối với các chức danh trong hệ thống thi hành án dân sự. Đây được coi là sự quan tâm đặc biệt đối với công tác tổ chức cán bộ của hệ thống thi hành án dân sự.
1. Quy định của pháp luật đối với chức danh thẩm tra viên
Cùng với chấp hành viên, thẩm tra viên là một trong hai chức danh tư pháp đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự từ trung ương đến địa phương được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Khoản 1 Điều 66 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Thẩm tra viên là công chức, có nhiệm vụ giúp thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan quản lý, cơ quan thi hành án trong quân đội thực hiện nhiệm vụ thẩm tra thi hành án và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”. Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định thẩm tra viên có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: (i) Thực hiện việc thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đã và đang thi hành; thẩm tra xác minh các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo theo sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự; thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự và những hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự; (ii) Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, kiểm tra và đề xuất biện pháp giải quyết theo nhiệm vụ được phân công; (iii) Tham mưu cho thủ trưởng cơ quan trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền; (iv) Thực hiện các nhiệm vụ khác do thủ trưởng cơ quan giao.
Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 03/2017/TT-BTP quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của thẩm tra viên: (i) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 67 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; (ii) Thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành do chấp hành viên sơ cấp thực hiện theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự, đề xuất hướng giải quyết và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình; (iii) Thẩm tra thống kê, báo cáo, dữ liệu thi hành án dân sự của chấp hành viên sơ cấp, của các cơ quan thi hành án dân sự trực thuộc; (iv) Tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự: Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo thẩm quyền đối với những vụ việc đơn giản; tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những vụ việc đơn giản thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự; (v) Thẩm tra, kiểm tra, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; (vi) Thẩm tra, kiểm tra, tổng hợp báo cáo liên quan đến công tác thi hành án dân sự, báo cáo kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự của các đơn vị trực thuộc; (vii) Tham mưu xây dựng dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự; (viii) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác thẩm tra theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan; (ix) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện công tác thẩm tra các vụ việc được phân công theo quy định của pháp luật…
Các quy định trên đây cho thấy, thẩm tra viên trong các cơ quan thi hành án dân sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu giúp thủ trưởng thực hiện chức năng “thẩm tra” ở tất cả các hoạt động thi hành án dân sự từ công tác nghiệp vụ cho đến việc đột xuất. Trong khi đó, theo định nghĩa từ điển tiếng Việt, “thẩm tra” tức là điều tra, xem xét lại xem có đúng, có chính xác như đã biết không[4]. Điều này có nghĩa là, để làm được công tác thẩm tra đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ này phải giỏi hơn người trực tiếp làm công tác chuyên môn. Thẩm tra viên trong cơ quan thi hành án dân sự cũng không là ngoại lệ. Từ các quy định liên quan đến nhiệm vụ của thẩm tra viên có thể suy ra rằng, để phù hợp thì các quy định khác liên quan đến thẩm tra viên như tiêu chuẩn bổ nhiệm về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hay về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cũng như kinh nghiệm thâm niên công tác đều phải yêu cầu khó và chặt chẽ hơn so với các chức danh khác (cụ thể là chấp hành viên). Bởi muốn thực hiện được nhiệm vụ phát hiện ra cái chưa đúng, còn thiếu sót hay sai phạm của chấp hành viên hoặc tham mưu hướng giải quyết khắc phục cho thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đòi hỏi thẩm tra viên phải là người có năng lực giỏi hơn chấp hành viên.
2. Một số quy định của pháp luật liên quan đến chức danh thẩm tra viên so với chấp hành viên
Trong thời gian qua, bằng những việc đã làm và kết quả đem lại, thẩm tra viên đã ngày càng chứng minh được vị trí, vai trò quan trọng của mình và sự cần thiết tồn tại của chức danh này trong các cơ quan thi hành án dân sự. Quan trọng như vậy, nhưng khi đối chiếu các quy định pháp luật liên quan đến chức danh thẩm tra viên như điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh tư pháp và chức danh quản lý… cho thấy, có sự chưa tương ứng, xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ đã đề ra, từ đó dẫn đến trên thực tế, vai trò và vị trí của thẩm tra viên chưa được coi trọng so với chấp hành viên. Cụ thể:
Một là, việc quy định chức danh thẩm tra viên và chấp hành viên trong các văn bản quy phạm pháp luật
Trong khi chức danh chấp hành viên được Luật Thi hành án dân sự quy định rõ từ “khái niệm” đến “những việc không được làm” tại các điều từ Điều 17 đến Điều 21, thì thẩm tra viên, dù cũng là chức danh tư pháp trong cơ quan thi hành án dân sự nhưng mới chỉ được quy định dừng lại dưới góc độ nghị định và thông tư hướng dẫn. Điều này có thể dễ dẫn đến cách hiểu theo hướng không đúng hoặc có sự so sánh khi cho rằng thẩm tra viên không phải là một chức danh tư pháp và có một vị trí thấp hơn so với chấp hành viên trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự. Như vậy là có sự bất cập với nhiệm vụ của thẩm tra viên ngay từ việc không được quy định trong Luật. Mặt khác, khi đối chiếu với các quy định liên quan đến hệ thống cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát thì việc quy định như hiện nay của Luật Thi hành án dân sự liên quan đến các chức danh giữa thẩm tra viên với chấp hành viên là chưa có sự phù hợp. Bởi theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, thẩm tra viên (Tòa án) và kiểm tra viên (Viện kiểm sát) được quy định ngay trong Luật và xác định rõ là một trong những chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng cùng với các chủ thể tiến hành tố tụng khác của hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.
Hai là, các tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm tra viên so với chấp hành viên
Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và khoản 3 Điều 10 Thông tư số 03/2017/TT-BTP, bên cạnh các tiêu chuẩn chung về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ mang tính định tính như: Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên để vận dụng vào công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; nắm vững các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và nghiệp vụ thẩm tra, kiểm tra thi hành án dân sự, nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo; nắm được tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương liên quan đến công tác thi hành án dân sự; có năng lực phối hợp với các đơn vị, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nắm vững quy trình giải quyết công việc, có kỹ năng soạn thảo văn bản và thuyết trình các vấn đề được giao nghiên cứu, tham mưu…, thì để được bổ nhiệm vào chức danh chấp hành viên sơ cấp, công chức “phải tham dự kỳ thi tuyển” vào ngạch chấp hành viên sơ cấp. Điều này có nghĩa là, cho dù công chức đang giữ ngạch chuyên viên đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chung mang tính định tính (như đã nêu) cũng như định lượng về thời gian công tác pháp luật 03 năm (tương đương 36 tháng) cũng chưa thể đương nhiên được bổ nhiệm chấp hành viên vì phải thông qua kỳ thi tuyển do Bộ Tư pháp tổ chức.
Trong khi đó, quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với thẩm tra viên thì khác, chỉ cần công chức đang giữ ngạch chuyên viên đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chung mang tính định tính cũng như định lượng về thời gian công tác pháp luật 03 năm (tương đương 36 tháng) sẽ có thể được “đề nghị” bổ nhiệm vào ngạch thẩm tra viên mà không cần phải trải qua kỳ thi tuyển như chấp hành viên. Như vậy, so với quy định về chức năng, nhiệm vụ thì quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh thẩm tra viên lại có phần đơn giản hơn chấp hành viên. Đây là điều không phù hợp.
Ba là, thẩm tra viên trong mối quan hệ thẩm tra hồ sơ của chấp hành viên giữ vị trí lãnh đạo
Dưới góc độ quản lý hành chính, thẩm tra viên là một công chức và đương nhiên là người dưới quyền, phải chịu sự quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự hoặc Chi cục Thi hành án dân sự. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành án dân sự, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là chấp hành viên. Khi là chấp hành viên, các chủ thể này cũng có thể phải trực tiếp thực hiện giải quyết hồ sơ thi hành án. Do đó, ở góc độ thực tiễn, trong chừng mực nào đó, thẩm tra viên sẽ rất khó thực hiện việc kiểm tra hồ sơ cũng như mạnh dạn chỉ ra các sai sót trong hồ sơ do các chấp hành viên giữ vị trí quản lý lãnh đạo trực tiếp thực hiện (nếu có phát hiện sai sót). Hoặc khi đã phát hiện và chỉ ra vi phạm thì không phải thẩm tra viên nào cũng có đủ bản lĩnh về nghiệp vụ và kinh nghiệm để bảo vệ chính kiến của mình đến cùng.
Bốn là, liên quan đến các tiêu chuẩn để được quy hoạch và bổ nhiệm vào các chức danh quản lý, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự
Đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp Chi cục Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 17, khoản 2 Điều 18 Thông tư số 02/2017/TT-BTP quy định: Đáp ứng các tiêu chuẩn của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, khoản 1 Điều 72 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và quy định khác có liên quan. Đối với tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo cấp Cục Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2017/TT-BTP quy định: Đáp ứng các tiêu chuẩn của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 72 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và quy định khác có liên quan.
Trong khi đó, cùng với các tiêu chuẩn khác, điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 72 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn để bổ nhiệm các chức danh thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là: “Chấp hành viên sơ cấp trở lên (đối với Chi cục trưởng và Phó Chi cục trưởng)” và “chấp hành viên trung cấp trở lên (đối với Cục trưởng và Phó Cục trưởng)”.
Với những quy định này, nếu công chức được bổ nhiệm giữ chức danh thẩm tra viên thì sẽ không có cơ hội để được quy hoạch cũng như bổ nhiệm vào các vị trí chức danh quản lý trong cơ quan thi hành án dân sự. Vì vậy, đây cũng là điểm mâu thuẫn, bất hợp lý cần có sự quan tâm hơn so với vị trí quan trọng của thẩm tra viên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Năm là, liên quan đến chế độ giữa thẩm tra viên và chấp hành viên
Nhiệm vụ, chức năng quan trọng thì đi kèm với đó là trách nhiệm cũng nặng hơn. Do vậy, nếu theo quy luật thông thường, với trách nhiệm của thẩm tra viên như đã phân tích thì chế độ phụ cấp của chức danh này cũng phải có sự tương xứng. Vấn đề này cũng đã được Chính phủ quan tâm bằng việc quy định cho thẩm tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm nghề giống như chấp hành viên.
Tuy nhiên, Điều 2 Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg ngày 21/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với chấp hành viên, công chứng viên, thẩm tra viên và thư ký thi hành án quy định: Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề tính theo tỷ lệ % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) được quy định như sau: (i) Mức 15% áp dụng đối với thẩm tra viên cao cấp thi hành án và công chứng viên; (ii) Mức 20% áp dụng đối với chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên chính thi hành án, thư ký thi hành án và thư ký trung cấp thi hành án; (iii) Mức 25% áp dụng đối với chấp hành viên trung cấp và thẩm tra viên thi hành án; (iv) Mức 30% áp dụng đối với chấp hành viên sơ cấp.
Xét về phụ cấp trách nhiệm giữa thẩm tra viên và chấp hành viên tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg có sự chênh lệch. Trong khi mức phụ cấp trách nhiệm theo nghề tính theo tỷ lệ % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của thẩm tra viên ở mức cao nhất chỉ có 25% thì chấp hành viên là 30%. Điều này cũng có thể là một điểm cần xem xét trong tổng thể chức năng, nhiệm vụ của thẩm tra viên.
Từ nhiều quy định còn chưa hợp lý về thẩm tra viên so với chức năng và nhiệm vụ được giao nên dù chưa được thống kê, báo cáo chính thức nhưng tại các địa phương đang tồn tại một số thực trạng liên quan như: Hầu như rất ít công chức có mong muốn phấn đấu để trở thành thẩm tra viên so với chấp hành viên. Hoặc nếu công chức đã là thẩm tra viên nhưng còn trẻ và có năng lực sẽ đều cố gắng để trở thành chấp hành viên mà không có sự gắn bó lâu dài hay tâm huyết dành cho công việc của thẩm tra viên. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là số lượng thẩm tra viên trong cơ quan thi hành án dân sự còn thiếu nhiều, trung bình mỗi địa phương trong khu vực phía Nam (bao gồm cả cấp Cục và Chi cục cũng chỉ có khoảng 10 thẩm tra viên)[5]. Đồng thời, kết quả công việc bị ảnh hưởng và chất lượng trong công tác chuyên môn sẽ không cao (vì vừa thiếu lại vừa thừa). Bên cạnh đó, tại một số địa phương, thẩm tra viên chỉ làm công việc đánh bút lục, sắp xếp hồ sơ cho phù hợp để đưa vào lưu trữ thay vì thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình là thẩm tra, kiểm tra và đề xuất hướng xử lý.
Chính vì vậy, để khắc phục những tồn tại như hiện nay, thiết nghĩ, Tổng cục Thi hành án dân sự sớm nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại kịp thời một số quy định cho phù hợp với các chức danh khác trong hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, tạo cơ chế và động lực để cho thẩm tra viên an tâm công tác và gắn bó lâu dài với chức danh đã được bổ nhiệm.
Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp
[1]. Nghị định ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
[2]. Thông tư ngày 23/3/2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự.
[3]. Thông tư ngày 05/4/2017 của Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệm vụ các ngạch công chức chuyên ngành thi hành án dân sự.
[4]. http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Th%E1%BA%A9m_tra.
[5]. Theo Báo cáo số 345/BC-CCTPN ngày 18/10/2017 của Cục Công tác phía Nam, hiện nay số lượng thẩm tra viên trong khu vực phía Nam (gồm 25 tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Cà Mau) chỉ có 262 người.