Bài viết tập trung phân tích một số vấn đề lý luận liên quan tới việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam, đồng thời chỉ ra một số hạn chế trong quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, từ đó, đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
1. Vài nét khái quát về tài sản trí tuệ và góp vốn bằng tài sản trí tuệ để thành lập doanh nghiệp
1.1. Tài sản trí tuệ
Tài sản trí tuệ là một bộ phận của tài sản vô hình của một doanh nghiệp đang hoạt động, khác với khả năng không thể/khó có thể tái tạo của tài sản hữu hình, tài sản trí tuệ lại có khả năng tái tạo. Tài sản có thể xác định được là tài sản có giá trị thương mại hoặc giá trị hợp lý có thể đo lường được tại một thời điểm nhất định và được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích trong tương lai cho công ty. Những tài sản này có ý nghĩa kinh tế quan trọng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh sáp nhập và mua lại[1].
Tài sản trí tuệ luôn gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ. Trong nhiều trường hợp, các khái niệm về tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu trí tuệ được sử dụng với cùng một nghĩa. Do vậy, trong khuôn khổ bài viết, tác giả sẽ định hướng nghiên cứu tài sản trí tuệ theo hướng đồng nghĩa với quyền sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, tài sản trí tuệ là kết quả của hoạt động khoa học và công nghệ. Khoa học trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa cả khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Công nghệ trong trường hợp này là công nghệ có thể chuyển giao độc quyền và cả công nghệ chuyển giao không độc quyền. Bên cạnh đó, tài sản trí tuệ có khả năng tái tạo và phát triển, dễ dàng bị sao chép, tồn tại các chi phí ngầm và có thể định giá bằng tiền, có thể được trao đổi trên thị trường.
1.2. Góp vốn bằng tài sản trí tuệ để thành lập doanh nghiệp
Góp vốn bằng tài sản trí tuệ ngoài mang đặc điểm chung của việc góp vốn thành lập doanh nghiệp thì còn có một số đặc điểm riêng như sau:
Thứ nhất, khi góp vốn bằng tài sản trí tuệ, đặc biệt là quyền tác giả thì chỉ có thể chuyển giao quyền tài sản, còn quyền nhân thân thì không. Điều này quy định rõ tại khoản 2 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005: “Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này”.
Đối với chủ thể sở hữu hợp pháp tài sản trí tuệ thì bên góp vốn phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ hoặc thuộc các trường hợp chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản trí tuệ muốn góp vốn và không rơi vào trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, đối với việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ, về mặt nội dung chính là sự góp vốn về quyền sử dụng và định đoạt quyền này. Trong nhiều trường hợp, nhiều quốc gia trên thế giới công nhận việc góp vốn bằng quyền sử dụng tài sản trí tuệ mà không nhất thiết phải yêu cầu góp vốn quyền sở hữu.
Thứ ba, việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ mang tính tương đối và có thời hạn. Lý do cho điều này vì đặc tính quyền sở hữu trí tuệ có phạm vi thời hạn và không gian bảo hộ. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, về cơ bản, nhãn hiệu có thể được bảo hộ mãi mãi với điều kiện chủ sở hữu phải tiến hành gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 10 năm. Do vậy, trường hợp hết thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu không gia hạn thì công ty nhận vốn góp bằng tài sản trí tuệ là nhãn hiệu sẽ mất đi quyền với tài sản trí tuệ được góp vốn. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức trong việc định giá và xác định quyền đối với tài sản trí tuệ góp vốn các bên nhận vốn góp. Tuy nhiên, với bản chất của một giao dịch dân sự, các bên có thể thỏa thuận việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ bằng việc giới hạn sử dụng, chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận của các bên.
Thứ tư, về định giá tài sản trí tuệ góp vốn, theo quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Do chưa có những quy định cụ thể về phương pháp cũng như tiêu chuẩn để định giá tài sản sở hữu trí tuệ, việc định giá tài sản trí tuệ ở nước ta dựa vào phương pháp chung trên thế giới. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều phương pháp định giá tài sản trí tuệ, mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Theo Ủy ban Kinh tế Liên Hợp quốc, hiện các phương pháp được sử dụng rộng rãi như:
- Phương pháp tiếp cận từ chi phí (cost approach): Cách tiếp cận chi phí ước tính giá trị tài sản vô hình căn cứ vào chi phí tái tạo ra tài sản vô hình giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản vô hình tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành[2].
- Phương pháp tiếp cận từ thị trường (market approach): Giá trị của tài sản vô hình cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường[3].
- Phương pháp tiếp cận từ thu nhập (income approach): Thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản vô hình mang lại[4].
2. Một số bất cập trong quy định pháp luật về góp vốn bằng tài sản trí tuệ
Thứ nhất, pháp luật Việt Nam chưa có quy định thống nhất về cách thức định giá tài sản trí tuệ. Việc không xác định rõ cách thức định giá tài sản góp vốn đối với tài sản trí tuệ có nhiều khả năng gây ra sự sai sót trong việc định giá, hậu quả là rất có thể phạm phải “điều cấm” của pháp luật doanh nghiệp về định giá khống tài sản góp vốn. Trong báo cáo của nhóm chuyên gia về định giá tài sản trí tuệ do Ủy ban châu Âu (EC) thành lập đã giải thích lý do của sự phức tạp trong việc định giá tài sản trí tuệ rằng, không có hai tài sản sở hữu trí tuệ nào giống nhau. Do vậy, họ cho rằng, tính đặc biệt của tài sản trí tuệ khiến việc định giá tài sản trí tuệ dựa trên phương pháp so sánh với các tài sản trí tuệ khác trở nên khó khăn. Theo đó, việc định giá dựa trên so sánh hay nói cách khác là phương pháp tiếp cận từ thị trường không thực sự hiệu quả đối với tài sản trí tuệ. Ngoài ra, việc xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ phải do các chuyên gia thực hiện và phải cụ thể đối với từng trường hợp.
Thứ hai, việc giao nhận tài sản trí tuệ khi góp vốn khó có thể được xác định theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản”. Đối với tài sản trí tuệ, có một số loại tài sản không yêu cầu bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu như tên thương mại, nhãn hiệu hay bí mật kinh doanh. Do vậy, theo điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020, việc góp vốn bằng quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng này phải được thực hiện theo thủ tục giao nhận tài sản và có xác nhận bằng biên bản. Tuy nhiên, quyền sở hữu trí tuệ là tài sản vô hình, do vậy, không thể thực hiện việc giao và nhận loại tài sản này như đối với tài sản hữu hình.
Thứ ba, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cho trường hợp xử lý phần vốn góp là giá trị tài sản trí tuệ khi hết thời hạn bảo hộ, đặc biệt là các loại tài sản trí tuệ không theo cơ chế bảo hộ tự động như sáng chế. Một sáng chế muốn được bảo hộ phải thông qua thủ tục đăng ký và được cấp bằng sáng chế hoặc đối với nhãn hiệu nổi tiếng phải thông qua thủ tục công nhận nhãn hiệu. Điều này đặt ra vấn đề pháp lý có thể phát sinh như việc xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể góp vốn bằng tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp góp vốn, gây ra sự e ngại trong việc góp vốn bằng tài sản trí tuệ tại Việt Nam, mặc dù đây là loại tài sản mà pháp luật công nhận được sử dụng như một loại vốn góp.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ
Thứ nhất, cần bổ sung quy định nhằm làm rõ khái niệm tài sản trí tuệ và thống nhất các văn bản pháp luật. Hiện nay, định nghĩa về tài sản và các khái niệm khác liên quan đến tài sản như hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tài sản quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau gây ra sự chồng chéo, không nhất quán. Việc không quy định cụ thể khái niệm tài sản trí tuệ sẽ gây ra nhiều bất cập và rủi ro cho chủ thể liên quan đến việc sử dụng tài sản trí tuệ để tạo lợi nhuận, đặc biệt đối với quá trình góp vốn để thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, cần đưa ra quy định thống nhất phương pháp định giá tài sản trí tuệ. Đối với đề xuất phương pháp định giá tài sản trí tuệ, việc định giá thường dựa trên các giả định về việc sử dụng tài sản trí tuệ trong tương lai, những mốc quan trọng nào sẽ được đáp ứng và những quyết định quản lý nào sẽ được đưa ra. Vì tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc biệt cả về nội dung và hình thức, do vậy không thể lựa chọn một cách tùy tiện phương pháp định giá. Sự tùy tiện rất dễ có thể xảy ra, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp tự định giá tài sản. Điều này sẽ gây ra tình trạng định giá sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Thứ ba, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 để phù hợp trong trường hợp chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn là tài sản trí tuệ theo hướng, cần có ngoại lệ đối với trường hợp tài sản trí tuệ, cụ thể là, lược bỏ đi nghĩa vụ giao nhận tài sản trí tuệ, chỉ bao gồm biên bản xác nhận giữa chủ sở hữu tài sản trí tuệ và doanh nghiệp nhận góp vốn về việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ chủ sở hữu cho doanh nghiệp.
Thứ tư, với đặc thù là tài sản vô hình, tài sản trí tuệ thường có thời hạn bảo hộ (ví dụ như nhãn hiệu, sáng chế…) nên nếu phần vốn góp là các tài sản trí tuệ hết thời hạn bảo hộ thì kéo theo đó, phần vốn này cũng bị ảnh hưởng về giá trị pháp lý hay nói cách khác nó không đương nhiên tồn tại. Do vậy, để tránh các trường hợp xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể liên quan, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020 cần hướng dẫn cụ thể về việc chấm dứt tư cách thành viên góp vốn (đối với các thành viên góp vốn vào công ty bằng tài sản trí tuệ). Ngoài ra, cần ban hành những hướng dẫn cụ thể đối với thủ tục giảm vốn điều lệ khi hợp đồng (hoặc thỏa thuận) góp vốn là tài sản trí tuệ không còn hiệu lực.
ThS. Lương Mỹ Linh
Học viện Chính sách và Phát triển
[1]. Adam Hayes, Identifiable Assets. Xem tại: https://www.investopedia.com/terms/i/identifiable_asset.asp.
[2]. Mục 10.1 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
[3]. Mục 9.1 Tiêu chuẩn định giá số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
[4]. Mục 11.1 Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)