Trong số những việc công chứng viên tiếp nhận và giải quyết theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng hiện nay thì thừa kế là mảng công việc được coi là phức tạp và khó đối với hầu hết các công chứng viên, đòi hỏi các công chứng viên phải nắm vững và vận dụng một cách linh hoạt các quy định pháp luật. Theo quy định của Luật Công chứng năm 2006, những văn bản công chứng trong mảng này cũng rất đa dạng, bao gồm: Chứng nhận di chúc, nhận lưu giữ di chúc, chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế, chứng nhận văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, chứng nhận văn bản từ chối quyền hưởng di sản thừa kế. Tuy nhiên, nếu xét về thứ tự thời gian, chỉ có di chúc và văn bản nhận lưu giữ di chúc là hai việc được công chứng viên thực hiện trước thời điểm mở thừa kế, còn ba việc còn lại đều được thực hiện sau thời điểm này. Khi thực hiện công chứng đối với những yêu cầu được đưa ra sau khi người để lại di sản chết (hay nói cách khác là sau thời điểm mở thừa kế), có rất nhiều vấn đề mà công chứng viên cần phải lưu ý, cần phải cân nhắc trong việc xác định người thừa kế là cá nhân đối với cả hai trường hợp thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
Để hiểu thêm việc xác định người thừa kế trong hoạt động công chứng, độc giả có thể xem bài viết: “Xác định người thừa kế trong hoạt động công chứng” của tác giả Đặng Trung Kiên và Trần Phương Anh được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số Chuyên đề “Pháp luật về công chứng” tháng 5/2014. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả đã đề cập tới vấn đề xác định người thừa kế là cá nhân, ai là người có quyền hưởng di sản thừa kế? có bao nhiêu người có quyền hưởng di sản thừa kế? một số lưu ý khi xác định người thừa kế là cá nhân; những trường hợp tổ chức, cá nhân có quyền hưởng di sản thừa kế; xác định người thừa kế trong hoạt động công chứng...
Việt Tiến