Bài viết làm rõ những bất cập của các quy định về xử lý hợp đồng đang có hiệu lực của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo pháp luật phá sản Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
1. Một số bất cập của quy định pháp luật
Khi doanh nghiệp chưa bị tuyên bố phá sản đồng nghĩa với việc tư cách chủ thể của doanh nghiệp vẫn còn, về nguyên tắc, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó và đang có hiệu lực. Tuy nhiên, với mục đích tối đa hóa tài sản cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của tập thể chủ nợ, “trên cơ sở tiếp thu luật phá sản của các nước”[1], pháp luật Việt Nam đã có một số quy định về việc xử lý hợp đồng đang có hiệu lực trong quá trình giải quyết phá sản. Theo Luật Phá sản năm 2014, đối với hợp đồng đang có hiệu lực của các doanh nghiệp đang trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản (nhưng chưa bị tuyên bố phá sản) có thể bị xử lý theo một trong các hướng sau:
- Tạm đình chỉ đối với hợp đồng có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp
Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp thì chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, nếu chấp nhận thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng; nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết. Trường hợp Tòa án quyết định không mở thủ tục phá sản thì Tòa án hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Biện pháp này được xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính doanh nghiệp và các chủ nợ của doanh nghiệp, giúp tối đa hóa tài sản của doanh nghiệp, tăng cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp nên việc pháp luật trao quyền yêu cầu cho chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là hoàn toàn phù hợp. Biện pháp này cũng được xây dựng phù hợp với Nguyên tắc C5.1 trong Hệ thống nguyên tắc cộng đồng của Ngân hàng Thế giới về khả năng thanh toán hiệu quả và hệ thống quyền chủ nợ/con nợ[2] (Nguyên tắc ICR), cụ thể: “Khi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được nộp, trước khi Tòa án ra quyết định, cần áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ nếu cần để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và quyền lợi của cổ đông”[3].
- Đình chỉ đối với hợp đồng có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp/tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng không gây bất lợi cho doanh nghiệp
Theo Điều 61, Điều 62 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án phải xem xét các hợp đồng bị tạm đình chỉ để ra quyết định tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp; hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng gây bất lợi cho doanh nghiệp. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán. Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.
- Giám sát chặt chẽ nếu doanh nghiệp tự ý chấm dứt hợp đồng đang có hiệu lực
Về nguyên tắc, nếu sau khi doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản, những hợp đồng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp luôn được khuyến khích thực hiện. Vì vậy, Điều 49 Luật Phá sản năm 2014 quy định, doanh nghiệp phải báo cáo với quản tài viên (QTV), doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản (DNQLTLTS) trước khi tự ý chấm dứt thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp thì QTV, DNQLTLTS có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp về việc được thực hiện hoặc không được thực hiện và phải chịu trách nhiệm về việc trả lời của mình. QTV, DNQLTLTS phải báo cáo thẩm phán về nội dung trả lời của mình. Nếu việc tự ý chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực mà không có sự đồng ý của QTV, DNQLTLTS thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, pháp luật đã có sự chú ý đến việc xử lý hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, về thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng
Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định, thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong khi, Điều 40 Luật Phá sản năm 2014 lại quy định việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn. Như vậy, còn rất ít thời gian tính từ khi thông báo việc thụ lý đến khi hết thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng (02 ngày làm việc), chưa kể còn phải có một thời gian nhất định từ khi thông báo đến khi nhận được thông báo. Quy định về thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng quá “gấp gáp” làm thu hẹp cơ hội doanh nghiệp và chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với những hợp đồng mà việc thực hiện có thể gây bất lợi cho bản thân doanh nghiệp, làm tăng nguy cơ thất thoát tài sản doanh nghiệp và không đạt được mục đích bảo toàn và tối đa hóa tài sản doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Thứ hai, về các hợp đồng bị đình chỉ
Việc pháp luật quy định chỉ xem xét đình chỉ đối với những hợp đồng bị tạm đình chỉ trước đó là không hợp lý vì theo Luật Phá sản năm 2014, chủ thể yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng chỉ bao gồm chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Mặc dù pháp luật phá sản không hạn chế chủ nợ được quyền gửi đơn yêu cầu nhưng vì trong số các chủ thể được thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không bao gồm chủ nợ mà chỉ đề cập đến “người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản”[4] nên có thể hiểu chỉ trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ thì chủ nợ đó sẽ được thông báo việc thụ lý, đồng thời có quyền yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng một chủ nợ bao quát tất cả các hợp đồng của doanh nghiệp là điều không thể, nên chủ thể yêu cầu chủ yếu vẫn là bản thân doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp người quản lý doanh nghiệp mặc dù biết việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đó là không có lợi cho doanh nghiệp nhưng họ vì một số lý do nào đó vẫn muốn hợp đồng được tiếp tục thực hiện (là cơ hội để họ tẩu tán tài sản, đối tác trong hợp đồng là người có liên quan…) thì họ sẽ không thực hiện quyền yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản thì hợp đồng vẫn tiếp tục được thực hiện mà không bị đình chỉ. Điều này có thể gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ.
Thứ ba, dấu hiệu “có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp” nên được thay thế bằng một dấu hiệu khác rõ ràng hơn
Pháp luật không nên dùng từ “có khả năng” - thể hiện sự không chắc chắn trong cơ sở ra quyết định tạm đình chỉ hay quyết định đình chỉ đối với hợp đồng đang có hiệu lực của Tòa án. Theo gợi ý của Nguyên tắc ICR, có thể sử dụng thuật ngữ “hợp đồng trở thành gánh nặng cho khối tài sản của doanh nghiệp”[5], hoặc theo Luật Phá sản của Liên bang Nga thì sử dụng dấu hiệu “giao dịch đó cản trở việc khôi phục khả năng thanh toán của con nợ”[6].
Thứ tư, về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng đã bị tạm đình chỉ
Có thể thấy, sẽ rất vô lý khi một hợp đồng đã bị tạm đình chỉ với lý do việc tiếp tục thực hiện hợp đồng “sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp” mà ngay sau đó, Tòa án lại ra quyết định tiếp tục thực hiện hợp đồng đó với lý do “nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp”. Pháp luật cần sớm khắc phục hạn chế này.
Thứ năm, về hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị đình chỉ
Hiện nay, quy định về hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị đình chỉ trong Luật Pháp sản năm 2014 chưa nhất quán với quy định trong Luật Thương mại năm 2005, được sửa đổi một số điều bởi Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (Luật Thương mại). Theo khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại thì: “Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng”. Trong khi Điều 62 Luật Phá sản năm 2014 lại quy định: Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán. Cách quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng theo pháp luật phá sản không giống cách quy định về hậu quả pháp lý của đình chỉ hợp đồng theo pháp luật thương mại mà giống hủy bỏ hợp đồng theo tinh thần của Luật Thương mại (hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng - Điều 314 Luật Thương mại).
Thứ sáu, về việc bổ sung các quy định đối với việc xác định hiệu lực của các thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của hợp đồng khi một trong các bên trong hợp đồng bị mở thủ tục phá sản
Trong thực tế, các hợp đồng thường có một điều khoản quy định hợp đồng sẽ tự động chấm dứt hay trao cho một bên quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên kia lâm vào tình trạng phá sản (ipso facto clauses)[7]. Mặc dù vậy, pháp luật phá sản hiện nay chưa có quy định về việc xác định hiệu lực của những điều khoản này. Một khi pháp luật không cấm thì các bên có quyền thỏa thuận và thỏa thuận đó sẽ vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, những thỏa thuận này đôi khi làm mất đi cơ hội phục hồi hoặc cơ hội tăng tài sản cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, gây bất lợi cho các chủ nợ. Pháp luật các quốc gia có cách quy định khác nhau đối với vấn đề này. Án lệ Anh công nhận giá trị pháp lý của các điều khoản cho phép tự động chấm dứt hợp đồng hay trao cho một bên của hợp đồng quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mở thủ tục phá sản đối với bên kia của hợp đồng. Bộ luật phá sản của Mỹ vô hiệu hóa mọi quy định của hợp đồng đặt ra điều kiện cho phép một bên được chấm dứt hợp đồng khi bên kia lâm vào tình trạng phá sản. Pháp luật Pháp nghiêm cấm mọi điều khoản hợp đồng quy định việc mở thủ tục phá sản là điều kiện để hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt hợp đồng đang được thực hiện và đặt ra nguyên tắc, theo đó, bên kia của hợp đồng (bên không lâm vào tình trạng phá sản) phải thực hiện các nghĩa vụ của mình cho dù bên lâm vào tình trạng phá sản đã vi phạm nghĩa vụ xác lập trước khi mở thủ tục phá sản[8]. Pháp luật Việt Nam cần sớm bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, pháp luật nên quy định chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày các chủ thể này nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thay vì thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như cách quy định hiện nay. Đây là khoảng thời gian hợp lý đủ để chủ nợ cũng như bản thân doanh nghiệp xem xét đối với các hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp hay không.
Thứ hai, pháp luật phá sản nên quy định theo hướng sau khi mở thủ tục phá sản, bên cạnh việc xem xét đình chỉ đối với các hợp đồng đã bị tạm đình chỉ thì QTV, DNQLTLTS được quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đó sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Sự sửa đổi này phù hợp với Nguyên tắc ICR cũng như pháp luật một số quốc gia. Nguyên tắc ICR cho rằng, nên trao quyền cho “người hành nghề đại diện phá sản” (insolvency representativ) trong việc đình chỉ, chấm dứt hợp đồng cũng như giải quyết tất cả những hậu quả phát sinh từ việc đình chỉ hợp đồng đó[9]. Pháp luật phá sản của Mỹ cho phép tín thác viên, theo sự chấp thuận của Tòa án, có thể thừa nhận hoặc từ chối bất kỳ hợp đồng đang phải thực thi nào hoặc hợp đồng thuê chưa hết hạn của con nợ[10].
Thứ ba, theo tác giả, tại Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 nên thay thế thuật ngữ “hợp đồng trở thành gánh nặng cho khối tài sản của doanh nghiệp” (theo gợi ý của Nguyên tắc ICR) thay vì “có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp”.
Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng đã bị tạm đình chỉ nên xuất phát từ việc vì những thay đổi từ thực tế của việc thực hiện hợp đồng khiến cho hợp đồng không còn là gánh nặng cho khối tài sản doanh nghiệp mà thậm chí còn là cơ hội để doanh nghiệp tăng giá trị tài sản so với việc không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; hoặc xuất phát từ sai sót trong việc đánh giá dấu hiệu “hợp đồng trở thành gánh nặng cho khối tài sản của doanh nghiệp” khi ban hành quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng trước đó.
Thứ năm, với mục đích tối đa hóa tài sản của doanh nghiệp và cũng để phù hợp với quy định của Luật Thương mại, Điều 62 Luật Phá sản năm 2014 nên quy định theo hướng: Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp chưa thực hiện phần nghĩa vụ đối ứng (đáng lẽ phải thực hiện trước thời điểm đình chỉ) thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối ứng đó; nếu doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đối ứng thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán.
Thứ sáu, để các quy định pháp luật về xử lý hợp đồng phát huy hiệu quả tối đa, tác giả cho rằng, nên quy định theo hướng vô hiệu hóa các quy định của hợp đồng cho phép một bên được chấm dứt hợp đồng khi bên kia lâm vào tình trạng phá sản.
Thứ bảy, hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định đối với hợp đồng đang có hiệu lực thì có thể xử lý theo một trong các hướng: Tiếp tục thực hiện hợp đồng, tạm đình chỉ, đình chỉ hợp đồng, chấm dứt hợp đồng dưới sự giám sát của QTV, DNQLTLTS. Để tăng tính linh hoạt cho việc xử lý hợp đồng đang có hiệu lực, pháp luật cần bổ sung các hướng xử lý khác như hoãn thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn nhất định, chuyển giao hợp đồng cho chủ thể khác thực hiện (như một cách bù trừ nghĩa vụ) với điều kiện những sự can thiệp này sẽ làm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán.
Thứ tám, pháp luật phá sản của Việt Nam cần bổ sung một số ngoại lệ đối với việc xử lý hợp đồng như cách mà pháp luật một số quốc gia quy định để đảm bảo tính linh hoạt trong việc xử lý các hợp đồng đang được thực hiện cũng như để bảo vệ các lợi ích công cộng, lợi ích xã hội hoặc quyền lợi của người lao động. Theo gợi ý của Nguyên tắc ICR thì các trường hợp ngoại lệ so với nguyên tắc chung về xử lý hợp đồng trong thủ tục phá sản cần có giới hạn, định nghĩa rõ ràng và chỉ được phép áp dụng khi có các lợi ích thương mại, công cộng hoặc xã hội đủ thuyết phục, ví dụ như những trường hợp sau đây: Bảo vệ các quyền bù trừ, theo các nguyên tắc tránh giao dịch bất lợi; bảo vệ các điều khoản tự động chấm dứt hợp đồng, bù trừ nghĩa vụ có trong hợp đồng tài chính; ngăn chặn việc tiếp tục và chuyển giao các hợp đồng dịch vụ cá nhân không thể thay thế được, khi luật pháp không yêu cầu một bên khác phải chấp nhận, nghiệm thu việc thực hiện hợp đồng; thiết lập các quy tắc đặc biệt đối với các hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể[11].
[1]. Vũ Thị Hồng Vân (2008), Quản lý và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật phá sản Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 83.
[2]. Legal and regulatory frameworks with respect to Insolvency and Creditor/debtor Rights - ICR.
[3]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”, http://pubdocs.worldbank.org/en/ 919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 18/6/2020, C5.1.
[4]. Điều 40 Luật Phá sản năm 2014.
[5]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”,
http://pubdocs.worldbank.org/en/919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 15/6/2020, C10.3.
[6]. Chương IV Luật Phá sản Liên bang Nga, http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_ 39331/0ee71e7ad6b9d875b491d560c16244a18789529d/.
[7]. Bùi Đức Giang, Pháp luật về thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật số 8/2012, tr. 49.
[8]. Bùi Đức Giang, Pháp luật về thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật số 8/2012, tr. 53 - 54.
[9]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”,
http://pubdocs.worldbank.org/en/919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 20/6/2020, C10.3.
[10]. Điều 365 Luật Phá sản Hoa Kỳ, https://www.usbankruptcycode.org/chapter-3/subchapter-iv-administrative-powers/section-365-executory-contracts-and-unexpired-leases/.
[11]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”, http://pubdocs.worldbank.org/en/ 919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 28/6/2019, C10.4.
1. Một số bất cập của quy định pháp luật
Khi doanh nghiệp chưa bị tuyên bố phá sản đồng nghĩa với việc tư cách chủ thể của doanh nghiệp vẫn còn, về nguyên tắc, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó và đang có hiệu lực. Tuy nhiên, với mục đích tối đa hóa tài sản cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của tập thể chủ nợ, “trên cơ sở tiếp thu luật phá sản của các nước”[1], pháp luật Việt Nam đã có một số quy định về việc xử lý hợp đồng đang có hiệu lực trong quá trình giải quyết phá sản. Theo Luật Phá sản năm 2014, đối với hợp đồng đang có hiệu lực của các doanh nghiệp đang trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản (nhưng chưa bị tuyên bố phá sản) có thể bị xử lý theo một trong các hướng sau:
- Tạm đình chỉ đối với hợp đồng có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp
Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp thì chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, nếu chấp nhận thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng; nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết. Trường hợp Tòa án quyết định không mở thủ tục phá sản thì Tòa án hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
Biện pháp này được xây dựng nhằm bảo đảm quyền lợi cho chính doanh nghiệp và các chủ nợ của doanh nghiệp, giúp tối đa hóa tài sản của doanh nghiệp, tăng cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp nên việc pháp luật trao quyền yêu cầu cho chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là hoàn toàn phù hợp. Biện pháp này cũng được xây dựng phù hợp với Nguyên tắc C5.1 trong Hệ thống nguyên tắc cộng đồng của Ngân hàng Thế giới về khả năng thanh toán hiệu quả và hệ thống quyền chủ nợ/con nợ[2] (Nguyên tắc ICR), cụ thể: “Khi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được nộp, trước khi Tòa án ra quyết định, cần áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ nếu cần để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và quyền lợi của cổ đông”[3].
- Đình chỉ đối với hợp đồng có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp/tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng không gây bất lợi cho doanh nghiệp
Theo Điều 61, Điều 62 Luật Phá sản năm 2014, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án phải xem xét các hợp đồng bị tạm đình chỉ để ra quyết định tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp; hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng gây bất lợi cho doanh nghiệp. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán. Trường hợp việc đình chỉ thực hiện hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với khoản thiệt hại.
- Giám sát chặt chẽ nếu doanh nghiệp tự ý chấm dứt hợp đồng đang có hiệu lực
Về nguyên tắc, nếu sau khi doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản, những hợp đồng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp luôn được khuyến khích thực hiện. Vì vậy, Điều 49 Luật Phá sản năm 2014 quy định, doanh nghiệp phải báo cáo với quản tài viên (QTV), doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản (DNQLTLTS) trước khi tự ý chấm dứt thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của doanh nghiệp thì QTV, DNQLTLTS có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp về việc được thực hiện hoặc không được thực hiện và phải chịu trách nhiệm về việc trả lời của mình. QTV, DNQLTLTS phải báo cáo thẩm phán về nội dung trả lời của mình. Nếu việc tự ý chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực mà không có sự đồng ý của QTV, DNQLTLTS thì bị đình chỉ thực hiện, khôi phục lại tình trạng ban đầu và giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, pháp luật đã có sự chú ý đến việc xử lý hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, về thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng
Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 quy định, thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Trong khi, Điều 40 Luật Phá sản năm 2014 lại quy định việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn. Như vậy, còn rất ít thời gian tính từ khi thông báo việc thụ lý đến khi hết thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng (02 ngày làm việc), chưa kể còn phải có một thời gian nhất định từ khi thông báo đến khi nhận được thông báo. Quy định về thời hạn yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng quá “gấp gáp” làm thu hẹp cơ hội doanh nghiệp và chủ nợ có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với những hợp đồng mà việc thực hiện có thể gây bất lợi cho bản thân doanh nghiệp, làm tăng nguy cơ thất thoát tài sản doanh nghiệp và không đạt được mục đích bảo toàn và tối đa hóa tài sản doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Thứ hai, về các hợp đồng bị đình chỉ
Việc pháp luật quy định chỉ xem xét đình chỉ đối với những hợp đồng bị tạm đình chỉ trước đó là không hợp lý vì theo Luật Phá sản năm 2014, chủ thể yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng chỉ bao gồm chủ nợ và doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Mặc dù pháp luật phá sản không hạn chế chủ nợ được quyền gửi đơn yêu cầu nhưng vì trong số các chủ thể được thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không bao gồm chủ nợ mà chỉ đề cập đến “người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản”[4] nên có thể hiểu chỉ trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là chủ nợ thì chủ nợ đó sẽ được thông báo việc thụ lý, đồng thời có quyền yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng một chủ nợ bao quát tất cả các hợp đồng của doanh nghiệp là điều không thể, nên chủ thể yêu cầu chủ yếu vẫn là bản thân doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Vấn đề đặt ra là, trong trường hợp người quản lý doanh nghiệp mặc dù biết việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đó là không có lợi cho doanh nghiệp nhưng họ vì một số lý do nào đó vẫn muốn hợp đồng được tiếp tục thực hiện (là cơ hội để họ tẩu tán tài sản, đối tác trong hợp đồng là người có liên quan…) thì họ sẽ không thực hiện quyền yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản thì hợp đồng vẫn tiếp tục được thực hiện mà không bị đình chỉ. Điều này có thể gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, đồng thời ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ.
Thứ ba, dấu hiệu “có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp” nên được thay thế bằng một dấu hiệu khác rõ ràng hơn
Pháp luật không nên dùng từ “có khả năng” - thể hiện sự không chắc chắn trong cơ sở ra quyết định tạm đình chỉ hay quyết định đình chỉ đối với hợp đồng đang có hiệu lực của Tòa án. Theo gợi ý của Nguyên tắc ICR, có thể sử dụng thuật ngữ “hợp đồng trở thành gánh nặng cho khối tài sản của doanh nghiệp”[5], hoặc theo Luật Phá sản của Liên bang Nga thì sử dụng dấu hiệu “giao dịch đó cản trở việc khôi phục khả năng thanh toán của con nợ”[6].
Thứ tư, về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng đã bị tạm đình chỉ
Có thể thấy, sẽ rất vô lý khi một hợp đồng đã bị tạm đình chỉ với lý do việc tiếp tục thực hiện hợp đồng “sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp” mà ngay sau đó, Tòa án lại ra quyết định tiếp tục thực hiện hợp đồng đó với lý do “nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp”. Pháp luật cần sớm khắc phục hạn chế này.
Thứ năm, về hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị đình chỉ
Hiện nay, quy định về hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị đình chỉ trong Luật Pháp sản năm 2014 chưa nhất quán với quy định trong Luật Thương mại năm 2005, được sửa đổi một số điều bởi Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (Luật Thương mại). Theo khoản 1 Điều 311 Luật Thương mại thì: “Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng”. Trong khi Điều 62 Luật Phá sản năm 2014 lại quy định: Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu tài sản mà doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nhận được từ hợp đồng vẫn còn tồn tại trong khối tài sản của doanh nghiệp thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền đòi lại tài sản và thanh toán số tiền đã nhận của doanh nghiệp; nếu tài sản đó không còn thì bên giao kết có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán. Cách quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng theo pháp luật phá sản không giống cách quy định về hậu quả pháp lý của đình chỉ hợp đồng theo pháp luật thương mại mà giống hủy bỏ hợp đồng theo tinh thần của Luật Thương mại (hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng - Điều 314 Luật Thương mại).
Thứ sáu, về việc bổ sung các quy định đối với việc xác định hiệu lực của các thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của hợp đồng khi một trong các bên trong hợp đồng bị mở thủ tục phá sản
Trong thực tế, các hợp đồng thường có một điều khoản quy định hợp đồng sẽ tự động chấm dứt hay trao cho một bên quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bên kia lâm vào tình trạng phá sản (ipso facto clauses)[7]. Mặc dù vậy, pháp luật phá sản hiện nay chưa có quy định về việc xác định hiệu lực của những điều khoản này. Một khi pháp luật không cấm thì các bên có quyền thỏa thuận và thỏa thuận đó sẽ vẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, những thỏa thuận này đôi khi làm mất đi cơ hội phục hồi hoặc cơ hội tăng tài sản cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, gây bất lợi cho các chủ nợ. Pháp luật các quốc gia có cách quy định khác nhau đối với vấn đề này. Án lệ Anh công nhận giá trị pháp lý của các điều khoản cho phép tự động chấm dứt hợp đồng hay trao cho một bên của hợp đồng quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi mở thủ tục phá sản đối với bên kia của hợp đồng. Bộ luật phá sản của Mỹ vô hiệu hóa mọi quy định của hợp đồng đặt ra điều kiện cho phép một bên được chấm dứt hợp đồng khi bên kia lâm vào tình trạng phá sản. Pháp luật Pháp nghiêm cấm mọi điều khoản hợp đồng quy định việc mở thủ tục phá sản là điều kiện để hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt hợp đồng đang được thực hiện và đặt ra nguyên tắc, theo đó, bên kia của hợp đồng (bên không lâm vào tình trạng phá sản) phải thực hiện các nghĩa vụ của mình cho dù bên lâm vào tình trạng phá sản đã vi phạm nghĩa vụ xác lập trước khi mở thủ tục phá sản[8]. Pháp luật Việt Nam cần sớm bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, pháp luật nên quy định chủ nợ, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày các chủ thể này nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thay vì thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như cách quy định hiện nay. Đây là khoảng thời gian hợp lý đủ để chủ nợ cũng như bản thân doanh nghiệp xem xét đối với các hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp hay không.
Thứ hai, pháp luật phá sản nên quy định theo hướng sau khi mở thủ tục phá sản, bên cạnh việc xem xét đình chỉ đối với các hợp đồng đã bị tạm đình chỉ thì QTV, DNQLTLTS được quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đó sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Sự sửa đổi này phù hợp với Nguyên tắc ICR cũng như pháp luật một số quốc gia. Nguyên tắc ICR cho rằng, nên trao quyền cho “người hành nghề đại diện phá sản” (insolvency representativ) trong việc đình chỉ, chấm dứt hợp đồng cũng như giải quyết tất cả những hậu quả phát sinh từ việc đình chỉ hợp đồng đó[9]. Pháp luật phá sản của Mỹ cho phép tín thác viên, theo sự chấp thuận của Tòa án, có thể thừa nhận hoặc từ chối bất kỳ hợp đồng đang phải thực thi nào hoặc hợp đồng thuê chưa hết hạn của con nợ[10].
Thứ ba, theo tác giả, tại Điều 61 Luật Phá sản năm 2014 nên thay thế thuật ngữ “hợp đồng trở thành gánh nặng cho khối tài sản của doanh nghiệp” (theo gợi ý của Nguyên tắc ICR) thay vì “có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp”.
Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với các hợp đồng đã bị tạm đình chỉ nên xuất phát từ việc vì những thay đổi từ thực tế của việc thực hiện hợp đồng khiến cho hợp đồng không còn là gánh nặng cho khối tài sản doanh nghiệp mà thậm chí còn là cơ hội để doanh nghiệp tăng giá trị tài sản so với việc không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; hoặc xuất phát từ sai sót trong việc đánh giá dấu hiệu “hợp đồng trở thành gánh nặng cho khối tài sản của doanh nghiệp” khi ban hành quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng trước đó.
Thứ năm, với mục đích tối đa hóa tài sản của doanh nghiệp và cũng để phù hợp với quy định của Luật Thương mại, Điều 62 Luật Phá sản năm 2014 nên quy định theo hướng: Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện, nếu bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp chưa thực hiện phần nghĩa vụ đối ứng (đáng lẽ phải thực hiện trước thời điểm đình chỉ) thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối ứng đó; nếu doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đối ứng thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp có quyền như một chủ nợ không có bảo đảm đối với phần chưa được thanh toán.
Thứ sáu, để các quy định pháp luật về xử lý hợp đồng phát huy hiệu quả tối đa, tác giả cho rằng, nên quy định theo hướng vô hiệu hóa các quy định của hợp đồng cho phép một bên được chấm dứt hợp đồng khi bên kia lâm vào tình trạng phá sản.
Thứ bảy, hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định đối với hợp đồng đang có hiệu lực thì có thể xử lý theo một trong các hướng: Tiếp tục thực hiện hợp đồng, tạm đình chỉ, đình chỉ hợp đồng, chấm dứt hợp đồng dưới sự giám sát của QTV, DNQLTLTS. Để tăng tính linh hoạt cho việc xử lý hợp đồng đang có hiệu lực, pháp luật cần bổ sung các hướng xử lý khác như hoãn thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn nhất định, chuyển giao hợp đồng cho chủ thể khác thực hiện (như một cách bù trừ nghĩa vụ) với điều kiện những sự can thiệp này sẽ làm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán.
Thứ tám, pháp luật phá sản của Việt Nam cần bổ sung một số ngoại lệ đối với việc xử lý hợp đồng như cách mà pháp luật một số quốc gia quy định để đảm bảo tính linh hoạt trong việc xử lý các hợp đồng đang được thực hiện cũng như để bảo vệ các lợi ích công cộng, lợi ích xã hội hoặc quyền lợi của người lao động. Theo gợi ý của Nguyên tắc ICR thì các trường hợp ngoại lệ so với nguyên tắc chung về xử lý hợp đồng trong thủ tục phá sản cần có giới hạn, định nghĩa rõ ràng và chỉ được phép áp dụng khi có các lợi ích thương mại, công cộng hoặc xã hội đủ thuyết phục, ví dụ như những trường hợp sau đây: Bảo vệ các quyền bù trừ, theo các nguyên tắc tránh giao dịch bất lợi; bảo vệ các điều khoản tự động chấm dứt hợp đồng, bù trừ nghĩa vụ có trong hợp đồng tài chính; ngăn chặn việc tiếp tục và chuyển giao các hợp đồng dịch vụ cá nhân không thể thay thế được, khi luật pháp không yêu cầu một bên khác phải chấp nhận, nghiệm thu việc thực hiện hợp đồng; thiết lập các quy tắc đặc biệt đối với các hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể[11].
Phan Nữ Hiền Oanh
Khoa Luật, Đại học Vinh
Khoa Luật, Đại học Vinh
[1]. Vũ Thị Hồng Vân (2008), Quản lý và xử lý tài sản theo quy định của pháp luật phá sản Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 83.
[2]. Legal and regulatory frameworks with respect to Insolvency and Creditor/debtor Rights - ICR.
[3]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”, http://pubdocs.worldbank.org/en/ 919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 18/6/2020, C5.1.
[4]. Điều 40 Luật Phá sản năm 2014.
[5]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”,
http://pubdocs.worldbank.org/en/919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 15/6/2020, C10.3.
[6]. Chương IV Luật Phá sản Liên bang Nga, http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_ 39331/0ee71e7ad6b9d875b491d560c16244a18789529d/.
[7]. Bùi Đức Giang, Pháp luật về thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật số 8/2012, tr. 49.
[8]. Bùi Đức Giang, Pháp luật về thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật số 8/2012, tr. 53 - 54.
[9]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”,
http://pubdocs.worldbank.org/en/919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 20/6/2020, C10.3.
[10]. Điều 365 Luật Phá sản Hoa Kỳ, https://www.usbankruptcycode.org/chapter-3/subchapter-iv-administrative-powers/section-365-executory-contracts-and-unexpired-leases/.
[11]. WB, “Principles for effective insolvency and creditor/debtor regimes”, http://pubdocs.worldbank.org/en/ 919511468425523509/ICR-Principles-Insolvency-Creditor-Debtor-Regimes-2016.pdf, truy cập ngày 28/6/2019, C10.4.