1. Một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức
Thứ nhất, về quy định về xử lý kỷ luật viên chức khi có quyết định khởi tố bị can.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định, chưa xem xét xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, các trường hợp như thế nào là “theo quyết định của cấp có thẩm quyền” là khó xác định, cấp có thẩm quyền được xác định là cấp có thẩm quyền quản lý viên chức theo phân cấp, hay là cấp có thẩm quyền trong các giai đoạn của quá trình tố tụng? Điều này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật.
Thứ hai, chưa có sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định về xử lý kỷ luật khi viên chức là đảng viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Khoản 2 Điều 17 Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (Quy định số 22-QĐ/TW) quy định: “Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam hoặc do cơ quan thanh tra, kiểm toán cung cấp nội dung vi phạm pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chủ động, kịp thời kiểm tra, kết luận và xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, không chờ kết luận hoặc tuyên án của Tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán; không cần quyết định cho đảng viên, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt mới xem xét, xử lý kỷ luật. Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án hoặc kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán, nếu thấy cần thiết, tổ chức đảng có thẩm quyền kỷ luật xem xét lại việc kỷ luật đảng đối với đảng viên đó”. Khoản 10 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm (Quy định số 69-QĐ/TW) quy định: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Đảng viên bị kỷ luật về đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể”. Trong khi đó, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định không xử lý kỷ luật khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, giữa văn bản của Đảng (Quy định số 22-QĐ/TW, Quy định số 69-QĐ/TW) và văn bản hướng dẫn thi hành xử lý kỷ luật (Nghị định số 112/2020/NĐ-CP) có sự không thống nhất. Điều này dẫn đến khi áp dụng trên thực tế, các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không đủ căn cứ pháp lý để xử lý kỷ luật đối với viên chức vi phạm.
Thứ ba, về sử dụng viên chức khi có quyết định khởi tố nhưng không bị tạm giam.
Như phân tích ở trên, nếu viên chức có hành vi vi phạm và có quyết định khởi tố thì sẽ phải xử lý kỷ luật về Đảng ngay mà không cần có kết luận cuối cùng của cơ quan tố tụng, trước tiên, viên chức vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức “đình chỉ sinh hoạt đảng”. Câu hỏi đặt ra là, về phía chính quyền, có được đình chỉ công tác chuyên môn hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Viên chức năm 2010 thì: “Trong thời hạn xử lý kỷ luật, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định tạm đình chỉ công tác của viên chức nếu thấy viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật. Thời gian tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 30 ngày. Hết thời gian tạm đình chỉ công tác, nếu viên chức không bị xử lý kỷ luật thì được bố trí vào vị trí việc làm cũ”. Như vậy, pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức không quy định về hình thức đình chỉ công tác mà chỉ có hình thức “tạm đình chỉ công tác” và có điều kiện là nếu tiếp tục đi làm có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật.
Khi không có căn cứ thì về nguyên tắc, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải bố trí công tác cho viên chức đã bị khởi tố. Tuy nhiên, đặc thù của đơn vị sự nghiệp công lập là các đơn vị cung ứng dịch vụ công của Nhà nước và nhiệm vụ của họ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác có liên quan. Chính vì vậy, nhiều đơn vị sự nghiệp “khó xử” khi quyết định có tạm đình chỉ công tác hay không, hoặc nếu không tạm đình chỉ thì bố trí cho viên chức hoạt động chuyên môn của họ như thế nào, đồng thời cũng sẽ liên quan trực tiếp đến chế độ đặc thù ngành của họ.
Đơn cử: Viên chức A là giáo viên của một trường học B có hành vi vi phạm và bị khởi tố nhưng không bị áp dụng lệnh tạm giam để phục vụ điều tra. Trường học B không đủ cơ sở xác định việc tiếp tục đi dạy của giáo viên A có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật nên vẫn phải bố trí công tác chuyên môn. Trường hợp này sẽ phát sinh 02 tình huống:
- Tình huống 1: Tiếp tục cho viên chức A giảng dạy (công việc chuyên môn đặc thù). Quyết định này là đúng với quy định của pháp luật, song sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà trường cũng như dư luận xã hội không tốt đối với viên chức.
- Tình huống 2: Không bố trí cho viên chức giảng dạy mà phân công thực hiện các nhiệm vụ khác cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định này là phù hợp và cũng không vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên, hậu quả là việc chi trả các khoản phụ cấp nhà giáo cho giáo viên đó như thế nào? Cụ thể, theo Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23/01/2006 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập (Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC) thì viên chức không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau: (i) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; (ii) Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 03 tháng; (iii) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên; (iv) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành; (v) Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.
Như đã phân tích trên, hiện nay, pháp luật về viên chức không có quy định về đình chỉ công tác mà chỉ có “tạm đình chỉ công tác” với thời hạn tối đa 30 ngày, do đó, không đủ căn cứ để cắt phụ cấp ưu đãi nghề (phụ cấp đứng lớp) đối với viên chức này, cho dù đơn vị không bố trí giảng dạy với viên chức thời gian 01 tháng, 03 tháng hoặc lâu hơn thế. Bên cạnh đó, nếu vẫn duy trì phụ cấp đứng lớp mà không trực tiếp giảng dạy cũng chưa thực sự hợp lý vì phụ cấp chỉ áp dụng với người đang trực tiếp giảng dạy.
Có thể thấy, quy định trên đây là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay vì nếu lựa chọn tính hợp pháp (vẫn cho giảng dạy) thì không bảo đảm tính phù hợp (bảo đảm về uy tín về chất lượng giảng dạy); nếu lựa chọn tính hợp lý (không giảng dạy mà bố trí công tác khác) thì lại không đủ căn cứ để xác định về chế độ đối với viên chức.
2. Kiến nghị
Từ những phân tích nêu trên, tác giả cho rằng, việc kịp thời khắc phục những bất cập của pháp luật về vấn đề xử lý kỷ luật đối với viên chức khi có quyết định khởi tố là điều cần thiết, tập trung ở một số nội dung như sau:
Một là, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những cá nhân không còn xứng đáng, nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, giáo dục tổ chức đảng, đảng viên và các quy định về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm được Đảng ban hành đã kịp thời đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, các đường lối, chủ trương của Đảng, việc hiện thực hóa xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải được thể hiện bẳng các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành.
Theo tác giả, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa Quy định số 22-QĐ/TW và Quy định số 69-QĐ/TW, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP theo hướng sẽ tiến hành xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức kể cả khi viên chức bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam, không cần chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật. Khởi tố là giai đoạn đầu tiên và quan trọng của quá trình tố tụng hình sự, với nguyên tắc suy đoán vô tội, bản thân cơ quan điều tra phải rất thận trọng khi đưa ra quyết định khởi tố bị can đối với chủ thể có dấu hiệu vi phạm. Đối với cán bộ, công chức, viên chức được xác định là bị can thì cơ quan điều tra cần phải thận trọng hơn nữa trước khi đưa ra quyết định. Với quyết định khởi tố bị can, mặc dù chưa xác định viên chức có phải tội phạm hay không, song, cũng có thể xác định bản thân cá nhân đó cũng đã có những hành vi vi phạm nghĩa vụ của viên chức theo quy định tại Điều 16 Luật Viên chức năm 2010. Giả sử, cá nhân được tuyên bố là hành vi chưa cấu thành tội phạm, thì cũng sẽ phải xử lý hành chính, đó cũng là biểu hiện của hành vi vi phạm nghĩa vụ của viên chức. Quy trình xử lý kỷ luật viên chức cũng phải được thực hiện cho dù có kết luận không cấu thành tội phạm.
Vì vậy, để bảo đảm tính răn đe, tính giáo dục, nêu cao tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên, viên chức nên tiến hành quy trình xử lý kỷ luật viên chức mà không có sự phân biệt khi nào có kết luận cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng hình sự.
- Có sự phân biệt về thời điểm tiến hành xử lý kỷ luật để phù hợp với văn bản của Đảng như sau: (i) Đối với viên chức không phải là đảng viên thì tiến hành xử lý kỷ luật trong vòng 30 ngày, kể từ khi có quyết định khởi tố bị can với viên chức; (ii) Đối với viên chức là đảng viên thì tiến hành xử lý kỷ luật trong vòng 30 ngày, kể từ sau khi có quyết định xử lý kỷ luật đảng viên.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về “tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc” với viên chức khi bị khởi tố mà không có quyết định tạm giam, tạm giữ để có cơ sở chi trả các chế độ phụ cấp đặc thù nghề nghiệp cho viên chức.
- Như phân tích trên, tạm đình chỉ công tác được tính trong thời hạn xử lý kỷ luật và phải xác định nếu viên chức tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý kỷ luật thì mới được tạm đình chỉ công tác. Tác giả cho rằng, quy định này chỉ phù hợp với những vụ việc xử lý kỷ luật thông thường, không áp dụng với viên chức bị khởi tố.
Viên chức là người làm việc theo chế độ hợp đồng với đơn vị sự nghiệp công lập nên về nguyên tắc, có thể áp dụng các quy định về tạm hoãn thực hiện hợp đồng khi viên chức bị tạm giữ, tạm giam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019. Song, quy định này cũng sẽ là chưa trọn vẹn bởi nếu viên chức bị khởi tố nhưng cho tại ngoại thì không được tạm hoãn hợp đồng. Do đó, tác giả cho rằng, đối với xử lý kỷ luật khi viên chức bị khởi tố, nên quy định cụ thể tại Luật Viên chức năm 2010 hoặc Nghị định số 112/2020/NĐ-CP theo hướng: “Đơn vị sự nghiệp công lập được quyền quyết định tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc với viên chức đã bị khởi tố đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền theo quy trình tố tụng hình sự”. Nghĩa là, không cần phụ thuộc có quyết định tạm giam, tạm giữ hình sự đối với viên chức hay không, mà việc quyết định tạm hoãn thực hiện hợp đồng sẽ do đơn vị sự nghiệp công lập cân nhắc, quyết định sao cho hợp tình và hợp lý với mỗi trường hợp. Quy định này nhằm hạn chế tối đa những hậu quả cả về tư tưởng, uy tín và hiệu quả công việc có thể xảy ra khi viên chức bị khởi tố tiếp tục làm việc.
- Cập nhật, sửa đổi quy định về điều kiện hưởng chế độ hưởng phụ cấp nhà giáo. Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC đã cho thấy sự chưa phù hợp khi quy định không chi trả chế độ phụ cấp với “thời gian bị đình chỉ giảng dạy”. Vì thế, cần sửa đổi quy định đình chỉ giảng dạy bằng căn cứ “thời gian bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng làm việc giảng dạy” đã được đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.
ThS. Trịnh Thị Thu Hiền
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai