Abstract: This paper analyzes the mechanism of handling secured assets according to the Civil Code of 2015 and points out issues to be completed in order to effectively implement provisions of the Civil Code on secured transactions.
1. Nhận diện về xử lý tài sản bảo đảm
Tài sản bảo đảm là đối tượng của giao dịch bảo đảm trong quan hệ dân sự đối với nghĩa vụ cần được bảo đảm. Ở nước ta hiện nay, khái niệm xử lý tài sản bảo đảm được quy định cụ thể ở một số văn bản pháp luật chuyên ngành. Theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008, xử lý tài sản bảo đảm là hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền xử lý xong tài sản cầm cố, thế chấp thông qua hình thức bán đấu giá tài sản, sau khi trừ đi các chi phí thi hành án, số tiền còn lại sẽ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm[1]. Còn theo khoản 2 Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, trong trường hợp khách hàng không trả được nợ đến hạn, nếu các bên không có thỏa thuận khác thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hợp đồng cấp tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì xử lý tài sản bảo đảm là quyền của bên nhận bảo đảm được thực hiện khi: (i) Nợ đến hạn (nghĩa vụ đến hạn phải thực hiện) nhưng bên có nghĩa vụ không trả được nợ hay không thực hiện được nghĩa vụ và không đạt được thỏa thuận khác với bên nhận bảo đảm; (ii) Xử lý tài sản bảo đảm là hành vi thực hiện quyền theo hợp đồng bảo đảm.
Các hành vi khác để xử lý nợ do tổ chức tín dụng thực hiện như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ là thực hiện quyền theo quy định của pháp luật mà không thuộc phạm vi xử lý tài sản bảo đảm, mặc dù, về mục đích thì xử lý tài sản bảo đảm hay các biện pháp khác đều nhằm thu hồi khoản nợ cho bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, khi bên nhận bảo đảm thực hiện quyền theo hợp đồng để xử lý tài sản bảo đảm thì trình tự, thủ tục phải tiến hành theo quy định của pháp luật. Tóm lại, xử lý tài sản bảo đảm là quyền theo hợp đồng, theo đó, bên có quyền (bên nhận bảo đảm) thực hiện các biện pháp đối với tài sản bảo đảm để thu hồi nợ (gốc và lãi nếu có).
2. Cơ chế xử lý tài sản bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 2015
2.1. Về tài sản bảo đảm
Khoản 1 Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm”, trừ trường hợp cầm giữ tài sản và bảo lưu quyền sở hữu. Việc sử dụng từ “tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi và bao quát các đối tượng có thể được sử dụng trong giao dịch dân sự như vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Quy định này làm gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các bên trong các giao dịch dân sự nói chung và trong các giao dịch dân sự có bảo đảm nói riêng. Việc sử dụng thuật ngữ chung “tài sản” mà không liệt kê từng loại tài sản cho phép khai thác tối đa các loại tài sản vào biện pháp bảo đảm và đây là hướng đi cần thiết đối với Bộ luật Dân sự[2]. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm. Đối với trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất thì bên bảo đảm phải có quyền sử dụng đất. Trong trường hợp bên bảo đảm dùng tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình vào các giao dịch dân sự để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản. Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được. Trong trường hợp này, pháp luật hiện hành không đòi hỏi việc sử dụng tài sản vào giao dịch bảo đảm phải mô tả tỉ mỉ, rõ ràng, cụ thể về tài sản bảo đảm mà chỉ yêu cầu tài sản đó phải “xác định được”.
Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản bảo đảm có thể có giá trị lớn hơn, bằng hoặc có giá trị nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm[3]. Trường hợp tài sản bảo đảm có giá trị nhỏ hơn nghĩa vụ cần bảo đảm thì vẫn được pháp luật chấp nhận với thỏa thuận và đồng ý từ bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Quy định này được cho là góp phần thúc đẩy các giao dịch dân sự. Bởi vì, nếu trong trường hợp tài sản bảo đảm bằng hoặc lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm thì quyền lợi của người nhận bảo đảm sẽ được “chắc chắn hơn” và giao dịch được thực hiện một cách dễ dàng. Còn trong trường hợp tài sản bảo đảm nhỏ có giá trị hơn nghĩa vụ cần bảo đảm thì phần nghĩa vụ chỉ được bảo đảm một phần tương ứng với giá trị tài sản bảo đảm, phần nghĩa vụ còn lại không có bảo đảm. Tuy nhiên, bên nhận bảo đảm chấp nhận rủi ro, đồng ý với thỏa thuận của bên bảo đảm. Đây cũng là quy định mới thể hiện pháp luật dân sự mở rộng sự công nhận, tôn trọng tự do thỏa thuận của các chủ thể trong quan hệ dân sự.
2.2. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
Theo Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015 các trường hợp xử lý tài sản gồm: (i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; (ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; (iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định. Các quy định này được kế thừa từ các quy định về xử lý tài sản bảo đảm trong Bộ luật Dân sự năm 1995 và năm 2005, đặc biệt là từ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm[4]. Nếu trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định việc xử lý tài sản xảy ra trong trường hợp các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, thì tại Bộ luật Dân sự năm 2015 đã được nâng lên thành các bên thỏa thuận hoặc “luật” có quy định. Điều này phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với nguyên tắc quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[5].
2.3. Thông tin về xử lý tài sản bảo đảm
Thông báo về việc xử lý tài sản là rất quan trọng, nhưng phải đến Bộ luật Dân sự năm 2015 mới quy định nội dung này. Theo khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác”. Như vậy, Bộ luật đã quy định rõ chủ thể phải thực hiện hoạt động thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm là bên nhận bảo đảm. Còn bên nhận thông tin là bên bảo đảm. Trong trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, thì người nhận thông tin về việc xử lý tài sản bảo đảm còn là những bên nhận bảo đảm khác. Hình thức thông tin là thông báo bằng văn bản. Tuy nhiên, việc quy định chỉ liệt kê hai đối tượng nhận được thông tin xử lý tài sản là chưa hợp lý, bởi vì ngoài hai đối tượng là bên bảo đảm và bên cùng nhận bảo đảm khác thì những người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng cần biết thông tin tài sản được xử lý để thực hiện nghĩa vụ.
Khoản 1 Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó. Trong trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo cho các đối tượng nêu trên về việc xử lý tài sản bảo đảm mà gây ra thiệt hại đối với tài sản bảo đảm thì phải bồi thường cho bên bảo đảm hoặc người cùng nhận bảo đảm khác.
2.4. Giao tài sản để xử lý khi phát sinh nghĩa vụ
Điều 301 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Điều này có nghĩa là khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ thì người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Nhưng nếu người đang giữ tài sản không giao tài sản cho bên nhận bảo đảm xử lý thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, quy định này lại “làm khó” cho bên nhận bảo đảm. Bởi vì, trên thực tiễn việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ diễn ra thuận lợi khi bên nhận bảo đảm hoặc người đang cầm giữa tài sản bảo đảm tự nguyện giao tài sản bảo đảm. Trường hợp các bên bảo đảm hoặc người cầm giữ tài sản không tự nguyện giao tài sản bảo đảm để bên nhận bảo đảm xử lý thì họ sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài “yêu cầu Tòa án giải quyết” theo quy định của pháp luật. Như vậy, bên nhận bảo đảm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền đòi nợ của mình.
2.5. Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm
Trong xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm đều mong muốn tài sản được xử lý với giá cao nhất để bù trừ vào nghĩa vụ của bên bảo đảm. Tuy nhiên, không phải lúc nào mong muốn của bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm cũng giống nhau. Nhiều trường hợp bên nhận bảo đảm muốn xử lý nhanh tài sản bảo đảm nên xác định giá tài sản thấp. Ngược lại, bên bảo đảm lại mong muốn tài sản bảo đảm phải được xử lý với giá cao để bù trừ được nhiều nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Vì vậy, việc xác định phương thức xử lý tài sản bảo đảm để hài hòa lợi ích giữa các bên là rất quan trọng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015, có ba phương pháp để xử lý tài sản bảo đảm cơ bản mà các bên trong hợp đồng có thể thực hiện đó là:
(i) Bán tài sản bảo đảm (được thực hiện qua phương thức tự bán hoặc bán đấu giá):
- Bên nhận bảo đảm có quyền bán tài sản bảo đảm trong trường hợp hợp đồng cầm cố, thế chấp có nội dung thỏa thuận bên nhận bảo đảm có quyền bán tài sản bảo đảm. Đây là phương thức được sử dụng nhiều nhất trong thực tế xử lý tài sản bảo đảm. Trong các nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm, pháp luật hiện nay coi trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc sử lý tài sản, đó là: (i) Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của các bên, nếu không có thoả thuận thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật; (ii) Trong trường hợp tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản đó được thực hiện theo thoả thuận của bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm, nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì tài sản được bán đấu giá theo quy định của pháp luật6.
- Bán đấu giá chỉ áp dụng trong trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật hoặc khi các bên không có thỏa thuận hay không thỏa thuận được về phương thức xử lý tài sản. Khoản 1 Điều 304 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản”. Hiện nay, việc bán đấu giá tài sản bảo đảm phải được thực hiện thông qua một tổ chức bán đấu giá. Tổ chức bán đấu giá là một trung tâm dịch vụ công trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề dịch vụ bán đấu giá tài sản. Tổ chức bán đấu giá phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản bảo đảm. Đối với trường hợp khi các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, nhưng có thể xác định được giá cụ thể, rõ ràng trên thị trường thì người xử lý tài sản được bán theo giá thị trường mà không phải qua thủ tục bán đấu giá, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác (nếu có)[7].
(ii) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm: Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2015 có hai trường hợp bên nhận bảo đảm có thể nhận tài sản bảo đảm để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm: (a) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nếu có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm; (b) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi bên bảo đảm đồng ý bằng văn bản. Ngoài ra, bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm.
Điểm khác biệt giữa phương thức bán tài sản bảo đảm với phương thức nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ là trong trường hợp bán tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có thể bán tài sản bảo đảm cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Ngược lại, trong trường hợp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế việc thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận tài sản chính là bên nhận bảo đảm.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định phương thức xử lý tài sản trong trường hợp cầm cố, thế chấp mà không quy định về phương thức xử lý tài sản đối các biện pháp bảo đảm khác. Điều này xuất phát từ chỗ, cầm cố, thế chấp là hai biện pháp phát sinh quyền xử lý tài sản trong 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Còn các biện pháp bảo đảm khác nếu nghĩa vụ phát sinh thì tài sản sẽ thuộc về bên nhận bảo đảm (đặt cọc, ký cược, ký quỹ); hoặc không phát sinh tài sản bảo đảm (tín chấp, bảo lãnh); hoặc không có việc xử lý tài sản bảo đảm (bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ tài sản).
(iii) Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ đối với bên thứ ba.
2.6. Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán
Khoản 1 Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên theo thứ tự sau đây:
(i) Chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp.
(ii) Theo thỏa thuận của các bên. Các bên được nhận tiền thanh toán có thể thỏa thuận thứ tự được ưu tiên thanh toán. Trường hợp thế quyền trong giao dịch bảo đảm thì bên thế quyền chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
(iii) Nếu các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng.
(iv) Nếu có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước.
(v) Nếu các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm. Ngoài ra, khoản 2 và khoản 3 Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể việc xử lý các khoản thanh toán từ tài sản bảo đảm được xử lý[8].
Các quy định này được kế thừa từ Điều 338 (Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố) và Điều 355 (Xử lý tài sản thế chấp) của Bộ luật Dân sự năm 2005.
3. Một số giải pháp nhằm thực thi hiệu quả các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về xử lý tài sản bảo đảm
Để các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giao dịch bảo đảm nói chung và về xử lý tài sản nói riêng áp dụng minh bạch, thuận tiện, Chính phủ cần ban hành Nghị định về giao dịch bảo đảm mới, trong đó, về xử lý tài sản bảo đảm cần quy định theo hướng sau:
Thứ nhất, về tài sản bảo đảm, điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định: “Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất”. Quy định này đã gây khó khăn đối với người có nhu cầu thế chấp chính tài sản hình thành trong tương lai không thực hiện được, vì trên thực tế đa số các tài sản hình thành trong tương lai đều gắn với quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc không cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là quyền sử dụng đất dẫn đến bên nhận thế chấp khó khăn trong việc xử lý phần giá trị quyền sử dụng đất này khi xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, cần có quy định phân biệt đối với tài sản hình thành trong tương lai không gắn với quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn với quyền sử dụng đất, cách thức xác lập đối kháng với người thứ ba khi thế chấp tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai mà không thế chấp quyền sử dụng đất.
Thứ hai, về thông tin xử lý tài sản bảo đảm, cần có quy định cụ thể về “thời gian hợp lý” được quy định tại Điều 300 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thời gian cụ thể có thể được quy định trong một khung thời gian được phân loại theo các đối tượng dựa vào vị trí địa lý. Ngoài ra, Nghị định mới cũng cần có quy định chi tiết về đối tượng mà bên xử lý tài sản bảo đảm có nghĩa vụ phải thông báo thông tin bao gồm bên bảo đảm và các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh đó, Nghị định cũng cần bổ sung chế tài áp dụng đối với bên xử lý tài sản bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ thông báo.
Thứ ba, cần có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi không tự giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm trong trường hợp nghĩa vụ phát sinh khi có điều kiện thực hiện, tránh tình trạng bên bảo đảm cố tình chây ì, gây khó khăn cho bên nhận bảo đảm để kéo dài thời gian.
Tóm lại, các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về xử lý tài sản bảo đảm đã có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên để các quy định này phát huy hiệu lực và hiệu quả trong giao dịch dân sự, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ có liên quan cần có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành theo phương châm “cụ thể, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thuận tiện cho công tác thanh tra, kiểm tra”.
& Đinh Văn Linh
Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
[1]. Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
[2]. Lê Vũ Nam, Hoàn thiện quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 13 (7/2015) tr. 27.
[3]. Khoản 4 Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Gíá trị tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm”.
[4]. Theo quy định tại Điều 56 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP các trường hợp sử lý tài sản bảo đảm bao gồm: 1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; 2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; 3. Pháp luật quy định tài sản bảo đảm phải được xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; 4. Các trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định.
[5]. Khoản 2 Điều 2 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về “Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự”.
[6]. Khoản 1 và khoản 2 Điều 58 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
[7]. Điều 65 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
[8]. Khoản 2 và khoản 3 Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán”.