1. Thực trạng việc tái chiếm tài sản sau cưỡng chế thi hành án và hướng giải quyết của các địa phương
Việc tái chiếm lại tài sản thi hành án sau khi cơ quan THADS tổ chức cưỡng chế THA, trên thực tế đã xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp, đơn cử một số vụ việc cụ thể như:
Vụ việc thứ nhất: Theo Bản án sơ thẩm số 38/2019/DSST ngày 28/11/2019, Tòa án nhân dân thị xã PM, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên buộc bà N giao trả QSDĐ cho ông V nhưng bà N không tự nguyện thực hiện. Vì vậy, ngày 24/6/2020, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã PM đã tổ chức cưỡng chế để giao tài sản cho ông V. Sau đó, bà N chiếm lại căn nhà nên ông V đã báo cho Công an phường và nhiều lần gửi đơn lên Ủy ban nhân dân phường TP, Công an thị xã PM và cơ quan THADS địa phương nhờ xem xét giải quyết nhưng không được. Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường TP cho biết, địa phương chỉ có thể tiến hành hòa giải nhưng không thành do bà N không hợp tác nên đã hướng dẫn ông V gửi đơn lên Công an thị xã PM để được giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, Công an thị xã PM cho rằng, ông V mở cửa cho bà N vào lấy đồ rồi bà ở lại luôn, chứ bà N không tự ý mở cửa vào nhà hay có hành vi hù dọa, đánh đuổi ông ra khỏi nhà để chiếm giữ căn nhà. Vì vậy, cơ quan này nhận thấy bà N không có dấu hiệu phạm tội nên không có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của ông V[1].
Vụ việc thứ hai: Theo Bản án dân sự số 191/2019/DS-PT ngày 20/10/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh H thì bà N và bà T được hưởng thừa kế 100 m2 đất, trên đó có nhà cấp 04, sân và một ki ốt bán hàng; người phải THA là bà Đ. Do bà Đ không tự nguyện THA nên ngày 27/12/2019, Chi cục THADS huyện G tỉnh H tổ chức cưỡng chế THA, tổ chức bảo vệ cho hai gia đình bà N và bà T xây dựng bức tường gạch dài 13 m, cao 0,7 m để ngăn cách phần đất mà các bà được hưởng thừa kế với đất của bà Đ. Tuy nhiên, sau đó, bà Đ đã phá tường, phá khóa vào nhà. Khi phát hiện sự việc, bà N và bà T đã yêu cầu bà Đ trả lại nhưng không được nên đã đề nghị Ủy ban nhân dân xã giải quyết. Ủy ban nhân dân xã đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu bà Đ ra khỏi căn nhà và xây lại bức tường để giao lại nhà cho bà N, bà T nhưng Đ không những không chấp hành mà còn cho người khác sử dụng ki ốt để kinh doanh. Tổng số tài sản mà bà Đ chiếm đoạt có giá trị là 510.000.000 đồng.
Đối với vụ việc này, quá trình giải quyết có nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh đối với bà Đ. Cụ thể: Quan điểm thứ nhất cho rằng, bà Nguyễn Thị Đ phạm tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự). Hành vi phá bức tường chỉ là hậu quả của hành vi chiếm đoạt nên không cấu thành tội huỷ hoại tài sản. Quan điểm thứ hai cho rằng, bà Đ đã phạm hai tội là “Không chấp hành án” theo Điều 380 Bộ luật Hình sự và “Huỷ hoại tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự. Quan điểm thứ ba cho rằng, không đủ cơ sở kết luận bà Đ phạm tội[2].
Vụ việc thứ ba: Theo Bản án số 05/2010/DSST ngày 30/9/2010 của Tòa án nhân dân huyện K thì bà M phải trả cho ông L và bà H số tiền 22.000.000 đồng và lãi suất do chậm THA. Bản án do Chi cục THADS huyện K tổ chức thi hành. Do bà M không tự nguyện THA nên chấp hành viên đã kê biên, bán đấu giá tài sản của vợ chồng bà M là quyền sử dụng đất diện tích 5.045 m2 để thi hành án. Bà T là người mua trúng đấu giá và đã nộp đủ tiền mua tài sản. Cơ quan THADS đã tiến hành cưỡng chế giao tài sản cho bà H và ngày 06/10/2014, bà H đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Tuy nhiên, sau đó, ông V (là con của bà M, người phải THA) đã chiếm lại đất nhà đất đã bán đấu giá nói trên. Đồng thời, có đơn khiếu nại cho rằng chấp hành viên cưỡng chế trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khiếu nại của ông V đã được các cơ quan thẩm quyền trả lời là không có căn cứ thụ lý giải quyết.
Bà T đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện K để yêu cầu ông V phải trả lại lô đất trên mà bà đã trúng đấu giá. Tòa án huyện K xác định quan hệ tranh chấp là “tranh chấp về quyền sử dụng đất”, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện. Do vậy, ngày 30/9/2021, Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, ngày 06/10/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện K đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án huyện, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nêu trên. Viện kiểm sát cho rằng, Tòa án đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của đương sự. Vụ việc đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Qua một số vụ việc thực tế như trên cho thấy, việc xử lý người có hành vi tái chiếm tài sản do cơ quan THADS đã tổ chức giao cho người được THA hoặc người mua trúng tài sản đấu giá hiện nay còn khá nhiều quan điểm khác nhau. Để giải quyết thực trạng trên, cần xem xét các quy định pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm này.
2. Pháp luật thi hành án dân sự quy định về trường hợp tái chiếm tài sản sau cưỡng chế thi hành án
Trong hoạt động THADS, cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên sẽ tiến hành giao là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất hoặc cưỡng chế giao khi người phải THA, người quản lý tài sản không tự nguyện THA trong các trường hợp sau:
- Người được THA được nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất theo quyết định, bản án. Đây là trường hợp trong bản án, quyết định tuyên rõ người được THA được nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, có diện tích, số lô, số thửa… cụ thể. Trường hợp này thường xảy ra khi thi hành các bản án về tranh chấp hợp đồng, tranh chấp QSDĐ, tranh chấp về thừa kế, ly hôn…
- Người được THA nhận tài sản là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để thi hành án. Đây là trường hợp mặc dù bản án, quyết định không tuyên người được THA được nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, tuy nhiên, trong quá trình tổ chức THA thì các bên thỏa thuận để người được THA nhận tài sản là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất để cấn trừ nợ, thỏa thuận nhận tài sản đã kê biên để trừ vào số tiền được thi hành án[3] hoặc trường hợp “từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án”[4].
- Người mua QSDĐ và tài sản gắn liền với đất thông qua thủ tục đấu giá tài sản thi hành án.
Người nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất trong tất cả các trường hợp trên sẽ được pháp luật bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp, cụ thể, tại Điều 106 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định: “Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”. Như vậy, ngay cả trường hợp bản án, quyết định đang thi hành bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì quyền lợi của người mua trúng đấu giá vẫn được bảo đảm.
Người được cơ quan THADS, chấp hành viên giao tài sản là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất (việc giao nhận được thể hiện bằng văn bản) theo trình tự, thủ tục do pháp luật về THADS quy định thì họ đã được xem là chủ sở hữu, sử dụng hợp pháp đối với tài sản đó và được pháp luật bảo vệ (người nhận tài sản có thể còn phải thực hiện một số thủ tục để được cấp giấy chứng nhận). Do đó, mọi hành vi cản trở, xâm phạm, chiếm đoạt QSDĐ và tài sản gắn liền với đất của người nhận tài sản theo thủ tục THADS là hành vi vi phạm pháp luật. Để xử lý đối với hành vi này thì pháp luật về THADS mà cụ thể là khoản 4 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định 62/2015/NĐ-CP) quy định: “Tài sản đã được giao trên thực tế cho người nhận tài sản và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cơ quan thi hành án dân sự không có trách nhiệm giao lại tài sản cho người được nhận tài sản. Người đã nhận tài sản có quyền đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại cho họ. Nếu người chiếm lại tài sản không trả lại thì người nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyển xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Từ quy định trên cho thấy, pháp luật về THADS đã xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu nói chung và hành vi tái chiếm QSDĐ và tài sản gắn liền với đất của người nhận tài sản theo thủ tục THADS nói riêng sẽ được giải quyết bởi các cơ quan có thẩm quyền khác và pháp luật chuyên ngành khác chứ không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật THADS và không còn thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự. Do đó, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan THADS giao trên thực tế cho người nhận và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản nhưng sau đó bị chiếm lại thì cần phải áp dụng các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan để giải quyết.
3. Áp dụng quy định pháp luật để xử lý người có hành vi tái chiếm tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
Như đã nêu ở các vụ việc trên, việc xử lý người có hành vi tái chiếm QSDĐ và tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan THADS, chấp hành viên giao cho người nhận (sau đây gọi tắt là tái chiếm tài sản THA) có một số quan điểm giải quyết như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, đây là tranh chấp dân sự, tranh chấp QSDĐ và tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự.
Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi tái chiếm tài sản THA có dấu hiệu của tội “không chấp hành án” theo Điều 380 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm thứ ba cho rằng, hành vi này có dấu hiệu của tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự.
Mặc dù có quan điểm khác nhau về cách giải quyết ở Tòa án nhưng các quan điểm trên đều thống nhất ở bước giải quyết đầu, thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền nơi có tài sản. Trước hết, chúng tôi cho rằng, để áp dụng đúng quy định pháp luật trong việc xử lý người có hành vi tái chiếm tài sản THA, cần xác định đúng bản chất của hành vi này.
3.1. Hướng xử lý theo thủ tục Tố tụng dân sự
Về mặt hình thức thì hành vi tái chiếm tài sản thi hành án có thể xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu được pháp luật dân sự bảo vệ. Vì vậy, người theo quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi tái chiếm tài sản THA là tranh chấp dân sự nên người có quyền sở hữu áp dụng quy định tại Điều 164 Bộ luật Dân sự năm 2015 về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản để yêu cầu Tòa án giải quyết, cụ thể khoản 2 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, xem hành vi tái chiếm tài sản THA như một tranh chấp dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự là chưa hợp lý, bởi: (i) Hành vi tái chiếm tài sản THA không đơn thuần là tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng giữa các cá nhân với nhau mà bản chất là người có hành vi tái chiếm đã cố tình chống đối lại bản án đã được thi hành, chống đối lại quyết định của cơ quan có thẩm quyền. (ii) Khách thể, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất là một loại tài sản đặc biệt được các quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh. (iii) Giả sử, nếu giải quyết bằng vụ án dân sự thì vụ việc sẽ không có hồi kết vì cứ sau khi có bản án, cơ quan THADS thi hành xong thì họ lại tái chiếm, rồi lại tiếp tục khởi kiện, rồi lại thi hành…, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người nhận tài sản và làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật. Do vậy, hành vi tái chiếm tài sản THA cần phải được giải quyết dứt điểm bằng các quy định pháp luật phù hợp.
3.2. Truy tố tội “Không chấp hành án” theo Điều 380 Bộ luật Hình sự
Đối với quan điểm thứ hai, xem hành vi tái chiếm tài sản THA là hành vi có dấu hiệu của tội “Không chấp hành án” theo Điều 380 Bộ luật Hình sự. Tác giả cho rằng, quan điểm này cần phải xem xét lại, bởi tại khoản 1 Điều 380 quy định: “Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Theo đó, hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi của người có điều kiện thi hành án mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Như vậy, hành vi này là hành vi xảy ra trong quá trình tổ chức THA, khách thể của tội phạm là hoạt động bình thường của cơ quan THA, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của người được THA. Đồng thời, hành vi này xảy ra làm cản trở, gián đoạn hoạt động THA và do đó, vụ việc THA chưa được thi hành xong. Khi đối chiếu hành vi của tội phạm này với hành vi tái chiếm tài sản THA thì rõ ràng là không tương thích, vì hành vi tái chiếm tài sản THA xảy ra sau khi cơ quan THADS, chấp hành viên đã giao trên thực tế cho người nhận và người đó đã ký nhận vào biên bản giao, nhận tài sản. Có nghĩa là, vụ việc THA đã được cơ quan THADS thi hành xong (việc giao nhận có thể được thực hiện bằng biện pháp tự nguyện giao nhận của các bên đương sự hoặc bằng biện pháp cưỡng chế THA giao tài sản) hoặc ít nhất là đã thi hành xong phần giao tài sản. Do vậy, hành vi tái chiếm tài sản THA không xâm phạm đến khách thể là hoạt động bình thường của cơ quan THADS nên không thỏa mã dấu hiệu của tội “Không chấp hành án” theo Điều 380 Bộ luật Hình sự.
3.3. Truy tố tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự
Đối với hành quan điểm thứ ba cho rằng, hành vi tái chiếm tài sản THA có dấu hiệu của tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự. Tác giả đồng tình với hướng giải quyết này, vì hành vi tái chiếm tài sản THA có đầy đủ dấu hiệu của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, cụ thể: Về mặt khách quan, người tái chiếm tài sản THA hầu hết đều có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần che giấu, hành vi đó được thực hiện trước mặt người bị hại và những người khác, thậm chí là khi đã có sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền họ vẫn không chấm dứt hành vi vi phạm của mình.
Tuy nhiên, nghiên cứu Điều 172 Bộ luật Hình sự, tác giả vẫn còn khá phân vân vì theo cách thức quy định của điều luật về giá trị của tài sản thì khách thể của tội phạm này dường như chủ yếu hướng đến đó là quyền sở hữu đối với tài sản là động sản mà không phải là bất động sản. Do vậy, nếu áp dụng để xử lý hành vi tái chiếm bất động sản, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, đặc biệt, nếu tài sản chỉ có QSDĐ thì theo tác giả, nên cân nhắc áp dụng Điều 228 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” để xử lý thì phù hợp hơn, cụ thể, điều luật này quy định: “1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”. Theo đó, hành vi tái chiếm quyền sử dụng đất sẽ thỏa mãn các dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính: Khi có người thực hiện hành vi tái chiếm tài sản thi hành án, theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì người nhận tài sản cần liên hệ và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản giải quyết, yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại cho họ. Nếu người chiếm lại tài sản không trả lại thì người nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể hiểu, hành vi tái chiếm tài sản THA có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu của người có tài sản mà không bắt buộc phải xử phạt vi phạm hành chính trước. Tuy nhiên, cũng theo quy định trên thì trước đó người có tài sản đã yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết. Do vậy, nếu người tái chiếm vẫn không trả lại tài sản thì Ủy ban nhân dân tiếp tục thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp. Cụ thể, Ủy ban nhân dân áp dụng quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP) để tiến hành thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hoặc chiếm giữ tài sản của người khác và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép). Nếu người vi phạm vẫn không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Ủy ban nhân dân đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, về truy cứu trách nhiệm hình sự: Trường hợp người có hành vi tái chiếm không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì Ủy ban nhân dân cần chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Trong trường hợp này, cần xem xét đối tượng tài sản bị chiếm để áp dụng pháp luật hình sự phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội. Theo đó, như đã phân tích ở phần trên, tác giả cho rằng, có thể truy tố theo hai tội sau: (i) Nếu tài sản bị chiếm bao gồm QSDĐ và tài sản gắn liền với đất, đồng thời công dụng chủ yếu của tài sản là để làm nơi ở, nơi sinh sống mà không phải là để sản xuất nông nghiệp hoặc khai thác QSDĐ cho mục đích khác thì cần xem xét đề nghị truy tố tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự. (ii) Nếu tài sản bị chiếm không phải là nhà ở hoặc chỉ có quyền sử dụng đất thì đề nghị truy tố tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo Điều 228 Bộ luật Hình sự.
Hành vi tái chiếm tài sản THA là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án vì nó không chỉ ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền sở hữu của người được THA, người nhận tài sản do cơ quan THADS giao mà nó còn thể hiện rõ sự xem thường pháp luật, không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của người vi phạm. Chính vì vậy, tác giả cho rằng, việc xử lý hình sử đối với hành vi này là cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ có hướng giải quyết như vậy thì các cơ quan chức năng mới có thể xử lý dứt điểm được các vụ việc tái chiếm tài sản THA mà hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người nhận tài sản THA và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Hồ Quân Chính
Học viện Tư pháp cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh
[1] Thanh Hải, Chiếm lại nhà vừa cưỡng chế thi hành án, phạm tội gì?, https://baobariavungtau.com.vn/phap-luat/202105/chiem-lai-nha-vua-cuong-che-thi-hanh-an-pham-toi-gi-926351/, truy cập ngày 29/3/2022.
[2] Nguyễn Xuân Kỳ, Chiếm lại nhà vừa bị cưỡng chế thi hành án, tội gì?, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/chiem-lai-nha-vua-bi-cuong-che-thi-hanh-an-toi-gi, truy cập ngày 29/3/2022.
[3] Điều 100 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
[4] Khoản 2 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).