Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng[1], thì định lượng được hiểu là việc xác định số lượng hay số lượng quy định. Như vậy, định lượng được xem như một phương tiện, thước đo để xác định số lượng, giá trị của sự vật. Định lượng nói chung là một phạm trù triết học quy định vật biểu thị số lượng, quy mô, nhịp điệu, trình độ và biểu hiện này có thể được xác định bằng một đơn vị đo lường cụ thể hoặc được xác định bằng những đánh giá khái quát. Dưới góc độ khoa học luật hình sự, định lượng là một vấn đề khá mới, chưa có những số liệu thống kê cụ thể. Định lượng trong luật hình sự được hiểu là các quy định của Bộ luật Hình sự thông qua một đại lượng có thể xác định được một cách cụ thể và nó liên quan đến yếu tố vật chất của tội phạm.
Yếu tố vật chất được xác định là định lượng thể hiện trong các cấu thành tội phạm cụ thể rất đa dạng, nó phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, là cơ sở để phân biệt giữa tội phạm với các vi phạm pháp luật khác. Ví dụ: Định lượng trong các tội phạm về ma túy được thể hiện ở khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy (tàng trữ, sử dụng, mua bán, chiếm đoạt bao nhiêu gam, mililít chất ma túy); định lượng trong các tội phạm về môi trường (bao nhiêu kilôgam, m3; nồng độ khí ô nhiễm trong không khí, nồng độ chất thải trong nguồn đất, nguồn nước…); định lượng trong các tội phạm về chức vụ (giá trị tài sản chiếm đoạt, đưa hoặc nhận hối lộ được thể hiện dưới dạng VNĐ…); định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu được thể hiện ở giá trị tài sản chiếm đoạt, hậu quả thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe… (bao nhiêu VNĐ, số người chết, số người bị thương tích, tỷ lệ tổn thuơng cơ thể…). Có thể khẳng định, các tội xâm phạm sở hữu chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số các loại tội phạm xảy ra ở nước ta những năm vừa qua, đây là loại tội phạm phổ biến trong đời sống xã hội, việc nhà làm luật quy định yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để phân biệt giữa tội phạm và vi phạm pháp luật khác, bảo đảm cho việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước đối với nhóm tội này một cách thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả.
Trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của Bộ luật Hình sự năm 1999, bảo đảm phù hợp với thực tiễn công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện về mặt kỹ thuật lập pháp theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi, tính dự báo của các quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng tại chương các tội xâm phạm sở hữu, đặc biệt, đã quy định các dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung mang tính định tính trước đây theo hướng định lượng cụ thể, nâng mức định lượng tài sản làm căn cứ để xử lý hình sự cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm xâm phạm sở hữu là khác nhau[2].
Có thể khẳng định rằng, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu có những ưu điểm nổi bật, thể hiện tính ưu việt về kỹ thuật lập pháp hình sự, đã tạo ra những thuận lợi nhất định:
Thứ nhất, quy định về yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tạo ra sự thống nhất cho các chủ thể trong việc xác định tội phạm cũng như áp dụng hình phạt. Nếu như Bộ luật Hình sự năm 1985 chưa đưa yếu tố định lượng vào việc xác định dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung trong các tội phạm xâm phạm sở hữu thì ở Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội bằng một đại lượng có thể cân, đo, đong, đếm được một cách cụ thể. Định lượng tối thiểu trong các tội xâm phạm sở hữu là giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng (hoặc có trường hợp từ 4.000.000 đồng) trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng (hoặc có trường hợp dưới 4.000.000 đồng) cần kèm theo các dấu hiệu khác như: Đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, đã bị kết án về một trong các tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Định lượng tối đa được nâng lên đối với các hành vi gây thiệt hại đối với tài sản có giá trị 2.000.000.000 đồng trở lên. Đây có thể được xem là điểm tiến bộ trong hoạt động lập pháp, tạo ra ranh giới phân biệt giữa tội phạm với các vi phạm pháp luật khác để việc áp dụng pháp luật hình sự được thuận lợi, dễ dàng.
Thứ hai, quy định về yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tạo ra sự công bằng trong xử lý tội phạm, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Định lượng là một dấu hiệu phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội cả ở phương diện định tội cũng như định khung hình phạt. Định lượng càng cụ thể thì tính khả thi trong việc áp dụng quy định của pháp luật hình sự càng cao.
Thứ ba, quy định về yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bảo đảm sự thống nhất trong tương quan với các quy định khác của Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành, phù hợp với bối cảnh và sự phát triển nền kinh tế hiện tại, có tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, con người. Việc quy định này còn bảo đảm sự cân bằng hợp lý của sự tồn tại các yếu tố định lượng và một số yếu tố định tính.
Bên cạnh ưu điểm nêu trên, thực tiễn cho thấy, quy định về yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) chứa đựng những bất lợi, hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến việc nhận thức cũng như áp dụng pháp luật, cụ thể:
Một là, quy định về giá trị tài sản bị chiếm đoạt: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt vừa là một dấu hiệu định tội, vừa là dấu hiệu định khung trong phần lớn các tội phạm sở hữu. Mức khởi điểm “cần và đủ” để xác định giá trị tài sản chiếm đoạt là vấn đề luôn được nhà làm luật quan tâm và tranh luận sôi nổi ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể khẳng định, biến động trong sự thay đổi các điều kiện kinh tế, xã hội, giá cả thị trường, mức sống vùng miền… là những yếu tố tác động trực tiếp đến việc xác định giá trị tài sản chiếm đoạt, bị gây thiệt hại trong các tội xâm phạm sở hữu. Cho nên lựa chọn được một mức độ giá trị tài sản hợp lý, bảo đảm được yêu cầu đặt ra trong việc xác định tội phạm cũng như xử lý người phạm tội là vấn đề không đơn giản. Đặt trong mối quan hệ với những đòi hỏi của pháp luật, đặc biệt là tính ổn định của nó thì dường như yếu tố định lượng lại trở thành rào cản, không phù hợp khi các điều kiện về kinh tế, xã hội thay đổi từng ngày. Người áp dụng pháp luật không nên áp dụng một cách rập khuôn, máy móc. Khi xác định tội phạm cần kết hợp với các dấu hiệu khác như: Yếu tố lỗi, nhân thân người phạm tội, hoàn cảnh thực hiện tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…, chứ không nên coi dấu hiệu định lượng là yếu tố duy nhất.
Hai là, quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe: Các tội xâm phạm sở hữu không chỉ xâm phạm đến quan hệ về sở hữu mà còn xâm phạm đến quan hệ về nhân thân (tính mạng, sức khoẻ của con người). Do vậy, việc nhà làm luật cân nhắc quy định yếu tố định lượng thiệt hại về tính mạng, sức khỏe trong cấu thành tội phạm tăng nặng tại các khoản 2, 3, 4 Điều 168; các khoản 2, 3, 4 Điều 169; các khoản 2, 3, 4 Điều 171 là hết sức cần thiết để xác định và xử lý triệt để tội phạm, bảo đảm nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt. Việc quy định này hoàn toàn phù hợp với các điều luật khác trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành[3]. Tuy nhiên, quy định yếu tố định lượng thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cũng tạo ra những khó khăn, vướng mắc nhất định trong quá trình định tội danh đối với hành vi thỏa mãn dấu hiệu của nhiều cấu thành tội phạm về việc khi nào hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu với dấu hiệu định khung tăng nặng là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và khi nào hành vi vừa phạm tội xâm phạm sở hữu, vừa phạm tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của con người.
Ba là, về khả năng chứng minh tội phạm: Chứng minh tội phạm là vấn đề cần thiết, cốt lõi trong mọi vụ án hình sự. Đối với các tội xâm phạm sở hữu, xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong trường hợp tài sản có giá trị về mặt tinh thần (không đơn thuần mang giá trị về mặt vật chất) là một vấn đề phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được ban hành cách đây khá lâu, chưa đầy đủ và áp dụng đối với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, chưa dự liệu được việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt đối với tài sản khó định giá như tài sản là cây kiểng, thú vật nuôi, đồ thờ cúng có giá trị về mặt tâm linh, tài sản là phương tiện kiếm sống của người bị hại hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt… Như vậy, cần có một hướng dẫn cụ thể giải thích trong các trường hợp yếu tố định lượng có tính tương đối, trừu tượng trở nên cụ thể, dễ áp dụng. Ngoài ra, liên quan đến các vụ án cần phải xác định định lượng thì việc thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị tài sản chiếm đoạt trong các tội xâm phạm sở hữu cũng chưa có hướng dẫn và quy chế cụ thể để thực hiện thống nhất ở các địa phương, điều đó phần nào ảnh hưởng đến tiến trình điều tra, giải quyết vụ án[4]. Thiết nghĩ, đây cũng là một khó khăn cần được tháo gỡ nhằm phục vụ cho việc chứng minh tội phạm xâm phạm sở hữu một cách nhanh chóng, kịp thời.
Tóm lại, yếu tố định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm nghiên cứu, trao đổi, tranh luận sôi nổi duới góc độ khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật của các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý, các cán bộ thực tiễn, đây là vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn, chính trị pháp lý sâu sắc, đặc biệt là chủ đề mang tính thời sự rất cao, bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề có hay không việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người. Có thể khẳng định, quy định của pháp luật hình sự càng cụ thể bao nhiêu thì việc áp dụng càng thuận lợi, dễ dàng bấy nhiêu. Quan trọng nhất là việc các chủ thể tiến hành tố tụng cần nhận thức đúng tinh thần trong quy định của pháp luật để việc áp dụng định lượng trong các tội xâm phạm sở hữu không trở nên máy móc, cứng nhắc, vừa bảo đảm được yêu cầu của nguyên tắc pháp chế, vừa thực hiện đuợc nguyên tắc công bằng trong xử lý đối với người phạm tội.
Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Nguyễn Như Ý (2001), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 268.
[2]. Xem các điều từ Điều 168 đến Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[3]. Xem: Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế Quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
[4]. Xem: Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.