1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về hoạt động đối chất đối với người dưới 18 tuổi
Đối chất là biện pháp điều tra do những người có thẩm quyền theo luật định tiến hành bằng cách hỏi hai người cùng một lúc về cùng một vấn đề nhằm giải quyết mâu thuẫn trong lời khai trước đây giữa họ. Hoạt động đối chất phải là hỏi và đáp trực tiếp và trực diện, mặc dù hoạt động đối đáp diễn biến theo sự điều hành chủ trì của điều tra viên chủ động sắp xếp để giải quyết từng tình tiết mâu thuẫn[1].
Đối chất là một biện pháp điều tra được quy định tại Điều 189 và Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Chủ thể tiến hành biện pháp này là điều tra viên, kiểm sát viên, Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Điều kiện để áp dụng biện pháp đối chất được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì điều tra viên tiến hành đối chất”[2]. Việc tiến hành đối chất phải dựa trên đánh giá lời khai có sự mâu thuẫn (điều kiện cần) và đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn (điều kiện đủ) thì mới tiến hành đối chất.
Hoạt động đối chất đối với người dưới 18 tuổi được thực hiện theo thủ tục chung về đối chất quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đồng thời, do người dưới 18 tuổi là chủ thể đặc biệt nên còn phải áp dụng các quy định tại Chương XXVIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể là tại Điều 421.
Đối chất đối với người dưới 18 tuổi phải bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi; giữ bí mật cá nhân của người dưới 18 tuổi, quyền tham gia tố tụng của người đại diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, đoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt. Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến của người dưới 18 tuổi, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi[3].
Người tiến hành biện pháp đối chất đối với người dưới 18 tuổi, ngoài những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và trình độ chuyên môn do pháp luật quy định còn phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi[4]. Từ đó, sử dụng các phương pháp, thủ thuật tác động tâm lý hiệu quả nhằm giúp người dưới 18 tuổi vượt qua rào cản tâm lý, mạnh dạn chia sẻ, cởi mở cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động đối chất.
Ngoài điều kiện có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng vẫn không giải quyết được mâu thuẫn thì khoản 6 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”. Cơ quan tiến hành tố tụng phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi, đặc biệt là đối chất giữa bị hại dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo.
Về trình tự, thủ tục đối chất đối với người dưới 18 tuổi phải tuân thủ theo những quy định chung về đối chất tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, do đặc điểm chủ thể được đối chất là người dưới 18 tuổi nên cần chú ý xây dựng kế hoạch đối chất; các câu hỏi phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với lứa tuổi và nhận thức của người dưới 18 tuổi, dự kiến các câu trả lời và hướng xử lý đối với từng câu trả lời; dự kiến cách giải quyết đối với trường hợp người dưới 18 tuổi từ chối đối chất, thay đổi lời khai, hoảng loạn hay mất tự tin, xấu hổ... Điều tra viên cũng cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, trang thiết bị (máy ghi âm, ghi hình) bố trí phù hợp để có sự chủ động trong quá trình tiến hành đối chất[5].
Điều tra viên phải thông báo trước thời gian, địa điểm đối chất cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Quá trình đối chất đối với người bị buộc tội phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ. Đối với bị hại, người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.
Trường hợp cần thiết hoặc khi người dưới 18 tuổi có yêu cầu, có thể mời cán bộ chuyên trách, cán bộ trợ giúp, tư vấn về pháp lý, y tế cùng tham gia để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái. Trường hợp đại diện gia đình của người bị tạm giữ, bị can không thể có mặt, để bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng được tiến hành kịp thời theo quy định thì việc đối chất người bị tạm giữ, hỏi cung bị can vẫn được thực hiện nhưng cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cán bộ thuộc một trong các cơ quan lao động - thương binh và xã hội, hội phụ nữ, đoàn thanh niên hoặc luật sư tham gia đối chất. Họ có thể được bố trí ngồi cạnh người dưới 18 tuổi để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho người dưới 18 tuổi.
Khi tiến hành đối chất, người dưới 18 tuổi phải bảo đảm ổn định về sức khỏe, có cảm hứng giao tiếp. Điều tra viên phải có những kỹ năng thân thiện như: Thái độ tích cực khi tiếp xúc, giao tiếp thể hiện từ lời nói, cử chỉ, trang phục, tư thế, biểu cảm… Điều tra viên phải tôn trọng, cân nhắc, xem xét các ý kiến, quan điểm, nguyện vọng của người dưới 18 tuổi tham gia đối chất và phải hiểu tâm lý giới tính, nhu cầu; bình tĩnh, có thái độ cởi mở, cảm thông và chia sẻ; tránh căn vặn quy kết lỗi; tuyệt đối không nôn nóng, không lặp lại câu hỏi, sử dụng câu hỏi mở ngắn gọn, ngôn ngữ phù hợp[6], bảo đảm cho người dưới 18 tuổi có thể hiểu và trả lời đúng câu hỏi. Việc một người dưới 18 tuổi “đứng trước” việc đối đáp giải quyết mâu thuẫn sẽ gây tâm lý căng thẳng, sợ sệt ảnh hưởng đến hiệu quả đối chất, do đó, buổi đối chất thân thiện là tiêu chí mà người tiến hành tố tụng phải thực hiện thật tốt.
Trong quá trình đối chất, xét thấy cần thiết, điều tra viên cũng có thể cho người đại diện, người bào chữa hỏi người dưới 18 tuổi, những câu hỏi mang tính chất động viên, thuyết phục, giáo dục. Người đại diện, người bào chữa không được hỏi những câu hỏi mang tính chất gợi ý, định hướng, câu hỏi mang tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án, nếu phát hiện có dấu hiệu “thông cung, mớm cung” phải lập tức yêu cầu dừng ngay việc hỏi và lập biên bản về việc này. Sau mỗi lời khai giải quyết mâu thuẫn người bào chữa, người đại diện có thể yêu cầu được hỏi người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi nếu được điều tra viên, kiểm sát viên đồng ý.
Thời gian đối chất đối với người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp[7]. Thời gian đối chất cần được tiên lượng dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe và yêu cầu điều tra. Buổi đối chất phải được tạm dừng ngay khi các em có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
Việc đối chất có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, tại trụ sở nơi làm việc của điều tra viên, kiểm sát viên hoặc phòng hỏi cung của nhà tạm giữ, trại tạm giam. Tuy nhiên, cần lưu ý nguyên tắc bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi. Vì vậy, điều tra viên có thể lựa chọn nơi có không gian yên tĩnh, thoáng mát và thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật và danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi nhưng cần được bố trí theo cách thức phù hợp để làm giảm bớt sự căng thẳng. Việc đối chất đối với bị hại, người làm chứng tiến hành đối chất với người bị buộc tội không nên tiến hành tại nơi ở của bị hại, bởi sẽ gây tác động xấu và ảnh hưởng đến nơi sống của người dưới 18 tuổi.
2. Thực trạng hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Đối chất là một biện pháp khó và phức tạp, đòi hỏi điều tra viên phải có năng lực thì mới tiến hành có hiệu quả, đặc biệt là tiến hành đối chất đối với những người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định cơ bản về hoạt động đối chất đối với người dưới 18 tuổi, do đó, hoạt động đối chất đã có nhiều hiệu quả tích cực. Trong đó, người dưới 18 tuổi đã mạnh dạn tham gia hoạt động đối chất khi có yêu cầu, góp phần giải quyết hiệu quả các vụ án hình sự. Tuy nhiên, tính hiệu quả của biện pháp đối chất chưa thực sự cao bởi một số vướng mắc nhất định khi áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về đối chất đối với người dưới 18 tuổi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, vướng mắc về căn cứ thực hiện đối chất đối với người dưới 18 tuổi: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể căn cứ tiến hành đối chất đối với người dưới 18 tuổi, do đó vẫn dựa vào Điều 189 và chỉ quy định tiến hành đối chất trong “…trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”. Quy định này được xem là một căn cứ đối chất hay là một nhận định tình huống mang tính chủ quan, dẫn đến thực tiễn áp dụng không thống nhất. Một số trường hợp tiến hành đối chất không đúng, gây tổn thương nặng nề tâm lý của người dưới 18 tuổi nhưng không đạt được kết quả hoặc có thể sử dụng biện pháp điều tra khác mà không cần thiết tiến hành đối chất. Điều này chưa bảo đảm yêu cầu của pháp luật về nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em cũng như nguyên tắc bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với người dưới 18 tuổi.
Thứ hai, vướng mắc về năng lực, nhận thức của người dưới 18 tuổi khi tham gia đối chất: Đối chất là biện pháp điều tra có tính tương tác về tâm lý, đòi hỏi khả năng giao tiếp và tranh luận - bác bỏ hoặc đồng ý - khuất phục. Trong khi đó, người dưới 18 tuổi phần lớn chưa có nhận thức đầy đủ để hiểu và trả lời câu hỏi của điều tra viên. Mặt khác, họ dễ bị tác động từ gia đình, sợ hãi khi tiếp xúc với đối tượng thực hiện hành vi xâm hại, phản ứng hoảng loạn khi tham gia đối chất.
Thứ ba, vướng mắc về điều kiện cơ sở vật chất nơi tiến hành đối chất: Việc đối chất đối với người dưới 18 tuổi có thể diễn ra tại trụ sở nơi làm việc của điều tra viên, kiểm sát viên hoặc phòng hỏi cung của nhà tạm giữ, trại tạm giam, với không gian nhỏ hẹp, việc bố trí vị trí chưa bảo đảm khoảng cách cần thiết. Vì vậy, về tiêu chuẩn phòng làm việc bảo đảm thân thiện theo quy định của pháp luật chưa thực sự được áp dụng trên thực tiễn. Đây cũng là một trong những hạn chế trong hoạt động đối chất nói chung và đối chất đối với người dưới 18 tuổi nói riêng.
Bên cạnh đó, năng lực, kinh nghiệm cũng như khả năng, “hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi” của người tiến hành tố tụng nói chung và nhất là điều tra viên, kiểm sát viên trực tiếp tiến hành đối chất nói riêng đóng một vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, như thế nào là hiểu biết “cần thiết” thì pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định tiêu chí cụ thể.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự đối với người dưới 18 tuổi
Thứ nhất, bổ sung quy định về đối chất đối với người dưới 18 tuổi: Khoản 6 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “…trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án” còn mang tính chất tùy nghi, chưa cụ thể trường hợp nào được coi là “không thể giải quyết vụ án” nên chưa bảo đảm hiệu quả pháp lý trong thực tiễn, do đó, cần có hướng dẫn chi tiết và quy định những trường hợp cụ thể là điều kiện bắt buộc mới có thể tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với người bị buộc tội. Vì vậy, có thể quy định theo hướng như sau: Chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với người bị buộc tội trong những trường hợp: Cần làm rõ một tội phạm mới hoặc để phát hiện đồng phạm; cần làm rõ tình tiết quan trọng mà nếu không đối chất có thể làm thay đổi bản chất vụ án; cần làm rõ tình tiết có ý nghĩa định tội hoặc định khung hình phạt.
Thứ hai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với người dưới 18 tuổi khi tham gia đối chất dưới mọi tư cách tố tụng: Hoạt động đối chất đối với người dưới 18 tuổi thực hiện theo thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi, tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”, như vậy, đối với người làm chứng, người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi, việc đối chất với bị can, bị cáo hoặc bị hại, người làm chứng thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định. Do đó, tại khoản 6 Điều 421 có thể quy định theo hướng: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất đối với người dưới 18 tuổi để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”. Như vậy, sẽ bảo đảm quyền của người dưới 18 tuổi dù tham gia với bất kỳ tư cách tố tụng nào.
Thứ ba, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị phòng đối chất bảo đảm các điều kiện cần thiết để người tham gia đối chất dưới 18 tuổi thoải mái, yên tâm trả lời các câu hỏi mà điều tra viên đưa ra, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, góp phần tạo nên thành công của buổi đối chất.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của điều tra viên khi tiến hành đối chất đối với người dưới 18 tuổi, cần nghiên cứu để nắm rõ những nội dung cơ bản của hoạt động đối chất có người dưới 18 tuổi tham gia được quy định trong các văn bản pháp quy, tránh rơi vào tình trạng tiến hành hoạt động đối chất khi chưa nắm vững những quy định của pháp luật về hoạt động này. Đồng thời, cần khắc phục tình trạng điều tra viên ngại khó khi tiến hành hoạt động đối chất, xem đối chất là biện pháp cuối cùng để khép lại hồ sơ vụ án.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, trình độ của người tiến hành đối chất, người bảo vệ quyền và lợi ích cho người dưới 18 tuổi tham gia đối chất. Điều tra viên, kiểm sát viên phải thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, kiến thức nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật và đặc biệt, cần nghiên cứu về tâm lý học để nắm rõ đặc điểm tâm lý của người dưới 18 tuổi trong quá trình đối chất.
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa người tiến hành đối chất với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Viện kiểm sát, Trại tạm giam, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… bảo đảm hoạt động đối chất tiến hành đúng quy định và đạt được hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền của người dưới 18 tuổi trong quá trình đối chất.
Lê Thị Huyền Trân
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
[1]. Nguyễn Ngọc Chí (2013), Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 215.
[2]. Khoản 1 Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[3]. Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[4]. Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
[5]. Khổng Minh Tuấn, Ngô Sỹ Hiền, Phạm Xuân Thủy (2007), Kỹ thuật điều tra hình sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[6]. Trương Công Am (2001), Tác động tâm lý trong hoạt động điều tra hình sự, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội.
[7]. Khoản 4 Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 397), tháng 1/2024)