Cải cách thủ tục hành chính có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc của nhân dân, góp phần tích cực và có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.
|
|
Theo Báo cáo về kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp, tổng số điểm đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2020 là 94.02/100 điểm, đây là năm thứ năm liên tiếp Bộ Tư pháp tăng giá trị điểm và là năm thứ ba liên tiếp giữ vị trí xếp hạng trong nhóm ba bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục duy trì là lĩnh vực được đánh giá cao nhất của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, trong đánh giá Chỉ số cải cách hành chính năm 2020, Bộ Tư pháp từ vị trí thứ 10/17 bộ năm 2019 lên vị trí thứ 02/17 bộ năm 2020. Kết quả đó đã phản ánh sự nhìn nhận cũng như ủng hộ tốt hơn của lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ, lãnh đạo các Sở Tư pháp cũng như của các hội, hiệp hội thuộc lĩnh vực quản lý đối với việc thực hiện trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ Tư pháp.
|
|
Về đánh giá chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), năm 2020 tiến hành đánh giá đối với 06 sở: Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tư pháp, mỗi sở 02 dịch vụ công. Trong đó tại Sở Tư pháp, thực hiện đo lường đối với 02 dịch vụ công là: Lý lịch tư pháp và Trợ giúp pháp lý nhà nước. Kết quả chung chỉ số hài lòng chung đối với 02 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 89.58% - xếp thứ 2 trong 06 Sở thuộc diện đo lường (chỉ số hài lòng chung cả nước là 85.48%, năm 2019 chỉ số hài lòng đối với 02 dịch vụ công lý lịch tư pháp và trợ giúp pháp lý là 83.99%, xếp thứ 05 trong 06 Sở thuộc diện đo lường).
|
|
Phân tích kết quả chỉ số hài lòng về các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp thuộc diện đo lường năm 2020 có thể thấy rằng, chỉ số hài lòng chung đã đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 là “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020”, trong đó, các chỉ số về tiếp cận dịch vụ công, thủ tục hành chính, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, kết quả dịch vụ công đều đạt mức trên 80% theo yêu cầu của Chính phủ. Kết quả nói trên đã thể hiện nỗ lực của cơ quan tư pháp tại các địa phương trên phạm vi cả nước để hướng đến đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các dịch vụ công.
|
|
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ, Ngành Tư pháp, các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần nghiên cứu sâu hơn về kết quả đo lường xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, hàng năm đánh giá tổng kết việc thực hiện theo phương châm đổi mới và hiệu quả; đổi mới cung cách làm việc và phục vụ; tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ, Ngành trong từng lĩnh vực; thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác tư pháp địa phương; kịp thời tổng hợp, xử lý các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý; tăng cường công tác truyền thông phổ biến chính sách pháp luật, chủ động thông tin tuyên truyền ngay từ khâu soạn thảo văn bản, đổi mới công tác xây dựng pháp luật; thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, 4; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin thông qua việc luân chuyển văn bản điện tử và chữ ký số; gắn công tác đánh giá, xếp hạng thi đua khen thưởng, coi là nhiệm vụ kép để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Vũ Hải Việt