Đoàn công tác do đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn; đồng chí Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Phó trưởng đoàn.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) năm 2017, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, qua đó góp phần giải quyết những vướng mắc về pháp luật cho người dân nói chung và đối tượng được trợ giúp pháp lý nói riêng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, một số ít cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác trợ giúp pháp lý. Công tác phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đôi lúc còn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời; vụ việc hiện tại đang tập trung trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình; số lượng trợ giúp viên pháp lý còn ít.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đình Chung cho biết thêm, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và Thông tư liên tịch số 10 có hiệu lực đã tạo ra hành lang pháp lý để hoạt động của công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng đi vào ổn định và đạt kết quả cao, số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL ngày càng tăng. Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, vướng măc như: chưa kiện toàn được các chức danh Phó Giám đốc Trung tâm và lãnh đạo cấp phòng thuộc Trung tâm, chưa có đủ Trợ giúp viên phân công chuyên sâu theo mảng, lĩnh vực. Trung tâm phải tổ chức đi cơ sở nhiều (hàng năm đi truyền thông TGPL từ 70 - 80 xã) khó chủ động thực hiện các nhiệm vụ TGPL tại cơ sở.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Chưa hoàn thiện được việc xây dựng và vận hành điểm cầu phiên tòa trực tuyến. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, cần thường xuyên tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng cho đội ngũ người thực hiện TGPL, mở rộng đến các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động của Hội đồng ở tỉnh, tăng kinh phí cho Trung tâm TGPL để thực hiện các vụ việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, cũng như các nhiệm vụ của hoạt động phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng.
Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, nghiêm túc Thông tư liên tịch số 10 và Quy chế, Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp và của các ngành thành viên ở tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách và tổ chức TGPL, quyền được TGPL. Có những cách thức phù hợp với trình độ dân trí, đặc điểm của từng địa bàn, khu vực. Tổ chức các Hội nghị tập huấn chuyên sâu về kỹ năng tham gia tố tụng và Thông tư liên tịch số 10 cho đội ngũ người thực hiện TGPL và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành thành viên trong Hội đồng và các cấp, các ngành có liên quan trong hoạt động tố tụng và hoạt động TGPL, triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành phòng phiên tòa trực tuyến tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần, trong đó có điểm cầu thành phần tại Trung tâm TGPL.Các ngành thành viên căn cứ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành mình theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10, hướng dẫn các phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt trách nhiệm của ngành trong công tác phối hợp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Phó trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Phó trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác TGPL của tỉnh Hưng Yên trên quan điểm không ai bị bỏ lại phía sau, tính nhân văn của TGPLvà trước những khó khan thách thức trong giai đoạn mới đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên quan tâm hơn đến nguồn kinh phí cho công tác phối hợp và công tác TGPL, Sở Tư pháp chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, thu hút sự tham gia của luật sư, tổ chức hành nghề luật làm công tác TGPL.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu tại buổi làm việc. |
Qua nghe ý kiến kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo Sở Tư pháp và đoàn công tác, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh Hưng Yên chú trọng bảo đảm cơ cấu, số lượng người làm việc của Trung tâm TGPL tương xứng với vai trò là đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 2069/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu thuộc ngành Tư pháp và Quyết định số 2070/QĐ-TTg ngày 08/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành Tư pháp đến năm 2025 (Biên chế Trung tâm TGPL nhà nước giai đoạn 2021-2025 "không thuộc trường hợp giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021").
Đối với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hưng Yên, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức các ngành thành viên của Hội đồng về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, chủ động triển khai các nội dung của Thông tư liên tịch số 10 cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chỉ đạo sát sao các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của hoạt động TGPL, tăng cường kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL.
Nhất là các huyện chưa thực hiện tốt; tập trung kiểm tra việc giải thích về quyền được TGPL, kiểm tra việc lưu hồ sơ, trong đó có biên bản giải thích về quyền được TGPL, giới thiệu đối tượng được TGPL đến Trung tâm, xem xét trách nhiệm của từng ngành đối với những trường hợp nếu phát hiện đối tượng là người được TGPL mà không thực hiện giải thích, thông báo về quyền được TGPL cho đối tượng, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 1603/CTPH-BTP-TATCgiữa Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao và Chương trình phối hợp số 1178/CTPH-STP-TAND ngày 25/10/2022 giữa Sở Tư pháp và Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên về người thực hiện TGPL trực tại Toà án nhân dân.
Đổi mới hình thức hoạt động của Hội đồng, kiểm tra các đơn vị phải thực chất hơn (nhất là hồ sơ các vụ án có đối tượng TGPL), kết hợp với việc chỉ đạo, giải đáp vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc tại địa phương về Hội đồng Trung ương để được hướng dẫn theo thẩm quyền. Các ngành thành viên quan tâm lập dự toán và bố trí kinh phí của ngành mình thực hiện công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 23 Thông tư liên tịch số 10.
Đối với Sở Tư pháp, tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan thường trực Hội đồng trong việc chủ động tham mưu cho Hội đồng thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước, thường trực giúp việc của Hội đồng tỉnh cần nỗ lực, sáng tạo, chủ động hơn nữa để kết nối với các đối tượng thuộc diện được TGPL.
Tham mưu triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại tòa án nhân dân, tham gia phiên tòa trực tuyến; đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngành thành viên trong Hội đồng để nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp, trong đó có việc giới thiệu, chuyển gửi vụ việc, tập trung thực hiện vụ việc, đặc biệt vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian tới, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triển khai thực hiện điểm cầu Trung tâm TGPL nhà nước tham gia phiên tòa trực tuyến, chuyển đổi số có hiệu quả.
Đức Dương
Nguồn: baophapluat.vn