1. Vươn lên từ những khó khăn
Năm 2003, thực hiện Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Phòng Văn bản pháp quy (nay là Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình được tách ra từ Phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian đầu, Phòng chỉ có trưởng phòng, chưa có nhân viên, trang thiết bị phục vụ rất sơ sài. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Lãnh đạo Sở Tư pháp, đến nay, đội ngũ công chức của Phòng đã được bổ sung gồm 03 biên chế chuyên trách làm công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Cả 3 công chức đều có trình độ Đại học Luật, có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ, có trách nhiệm cao, nhiệt tình, tâm huyết với công việc.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, Phòng đã giúp Lãnh đạo Sở tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá như: Củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong quá trình thẩm định, kiểm tra và xử lý văn bản; tham mưu bố trí kinh phí cho công tác văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương; xây dựng và hoàn thiện thể chế về văn bản quy phạm pháp luật ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, Phòng đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp ở địa phương. Đây là cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ chế phối hợp giữa Ngành Tư pháp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng đánh dấu sự khởi sắc, chuyển mình và cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND đối với Ngành Tư pháp nói chung và công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh nói riêng. Bên cạnh đó, Phòng đã giúp lãnh đạo Sở tham mưu cho UBND tỉnh củng cố, kiện toàn 175 công chức làm công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền (Sở Tư pháp Ninh Bình: 3 công chức; phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã: 26 công chức; tư pháp xã, phường, thị trấn: 145 công chức); thành lập đội ngũ cộng tác viên kiểm tra văn bản gồm 15 công chức, trong đó có 7 cộng tác viên của các sở, ngành ở tỉnh và 08 cộng tác viên của phòng tư pháp cấp huyện.
2. Những kết quả đáng ghi nhận
Kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là một việc làm vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ này phải có năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng tổng hợp, thống kê chi tiết, qua đó kiểm tra các thuộc tính của văn bản như hiệu lực thi hành, căn cứ pháp lý, kỹ thuật trình bày, thẩm quyền ban hành, tính hợp hiến, hợp pháp… Từ năm 2003 - 2014, Phòng đã thực hiện tự kiểm tra và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa đối với 3.877 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh và HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, tự kiểm tra đối với 276 nghị quyết của HĐND tỉnh Ninh Bình, 437 quyết định và 45 chỉ thị của UBND tỉnh, 359 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện; rà soát, hệ thống hóa 2.760 văn bản. Trong đó, Phòng đã phát hiện 12 nghị quyết, 76 quyết định sử dụng sai căn cứ pháp lý; 3 quyết định ban hành trái thẩm quyền; 12 nghị quyết, 48 quyết định có một phần nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật; 45 nghị quyết, 188 quyết định và 16 chỉ thị sai về thể thức và kỹ thuật trình bày…; từ đó, Phòng đã lập được hệ thống cơ sở dữ liệu gồm danh mục 565 văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; danh mục 288 văn bản còn hiệu lực; danh mục 277 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và danh mục 21 văn bản hết hiệu lực một phần. Qua kiểm tra, tự kiểm tra, Phòng đã có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản. Đối với văn bản của HĐND tỉnh, Phòng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 nghị quyết có một phần nội dung không còn phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với 31 nghị quyết sử dụng sai căn cứ pháp lý và 45 nghị quyết sai về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Đối với văn bản của UBND tỉnh, Phòng đã kiến nghị hủy bỏ 3 quyết định ban hành không đúng thẩm quyền và 7 quyết định có nội dung không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; bãi bỏ 12 văn bản có nội dung không còn phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; sửa đổi, bổ sung 27 quyết định có một phần nội dung không còn phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với 280 quyết định, chỉ thị sử dụng sai căn cứ pháp lý và sai về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Đối với văn bản của HĐND, UBND cấp huyện, Phòng đã kiến nghị hủy bỏ 6 văn bản ban hành trái thẩm quyền hoặc có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật; sửa đổi, bổ sung 12 văn bản có một phần nội dung không phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên; rút kinh nghiệm đối với 212 văn bản sử dụng sai căn cứ pháp lý và sai về thể thức, kỹ thuật trình bày.
Tiến hành đồng thời với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa là công tác thẩm định văn bản. Ông Hoàng Xuân Lâm - Trưởng phòng Văn bản quy phạm pháp luật - Sở Tư pháp Ninh Bình cho biết: “Công tác thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là thủ tục tiền kiểm trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhằm mục đích phát hiện và đề xuất khắc phục những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn trong dự thảo để nâng cao chất lượng văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nếu việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tiễn sẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội, ngược lại, nếu các quy định đó không phù hợp sẽ trở thành lực cản trong quản lý nhà nước, thậm chí đẩy lùi sự phát triển xã hội”. Trong những năm qua, các ý kiến thẩm định của Phòng đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định ban hành, các văn bản được ban hành bảo đảm đúng thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, thống nhất với hệ thống pháp luật; phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bảo đảm rõ ràng, thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện; thể thức và kỹ thuật trình bày cơ bản bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. Chỉ tính riêng trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, Phòng đã thực hiện thẩm định 224 dự thảo văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND. UBND tỉnh (126 dự thảo quyết định, 80 dự thảo nghị quyết, 12 dự thảo chỉ thị và 06 dự thảo đề án). Qua công tác thẩm định, đã phát hiện có 7 văn bản ban hành không đúng thẩm quyền, 9 văn bản sử dụng sai căn cứ pháp lý, 126 văn bản có nội dung không phù hợp với văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và có sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày đề nghị sửa đổi, bổ sung. Do làm tốt công tác tiền kiểm tra, thực hiện tốt nhiệm vụ “gác cổng” về công tác văn bản cho UBND tỉnh nên chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản của HĐND và UBND tỉnh Ninh Bình hiện nay được nâng lên rõ rệt và có tính khả thi cao. Phát huy những kết quả đã đạt được, tập thể công chức Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang ngày đêm phấn đấu, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đã đề ra, cố gắng đạt nhiều thành tích hơn nữa, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Thiều Thị Tú
Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình