Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay đã tiến hành hoạt động trợ giúp pháp lý cho nhóm người yếu thế trong xã hội một cách tích cực. Tại các tỉnh thành, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được ra đời với sự cộng tác nhiệt tình của các luật sư để thực hiện công việc nhân đạo này. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc huy động đội ngũ luật sư tham gia hoạt động này vẫn còn hạn chế, chưa thực sự hợp lý, như: Một số luật sư ngay sau khi có chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư đã độc lập tiếp nhận vụ việc trợ giúp pháp lý nên chưa thực sự có kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp để có thể cung cấp dịch vụ pháp lý một cách hiệu quả; đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý không phải trả phí luật sư nên không tránh được hiện tượng miễn là có luật sư cho đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý và cũng có luật sư coi công việc trợ giúp pháp lý là sự “thực tập” cho việc hành nghề của mình... Những điều này đã làm cho sự hỗ trợ pháp lý của Nhà nước đến với các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý bị hạn chế và kém hiệu quả. Ý nghĩa xã hội của công tác trợ giúp pháp lý, sự tin cậy của xã hội đối với công tác trợ giúp pháp lý từ đó cũng có thể bị ảnh hưởng.
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, đồng thời huy động được đông đảo đội ngũ luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Vân Hằng đã có bài viết trao đổi về “Giải pháp thúc đẩy luật sư tham gia trợ giúp pháp lý” với những nội dung chính như: (1) Thực trạng huy động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; (2) Giải pháp thúc đẩy việc tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư.
Để hiểu hơn những nội dung mà tác giả đã đề cập, độc giả có thể xem bài viết đã được đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề về ”Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý” tháng 9/2015.
Việt Tiến