Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác. Hoạt động xét xử của Tòa án chính là việc Tòa án nhân danh Nhà nước ra bản án hoặc quyết định có tính chất kết luận về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội; xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước nhằm giữ vững kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân. Thông qua hoạt động xét xử (đặc biệt là các phiên tòa xét xử lưu động), các quy phạm pháp luật đến với cộng đồng dân cư một cách cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, nên đây là hình thức tuyên truyền có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Những người tham dự phiên tòa được chứng kiến toàn bộ diễn biến quá trình Tòa án giải quyết, xét xử một vụ việc cụ thể, họ sẽ hiểu rõ hơn pháp luật quy định đối với từng trường hợp như thế nào và bị xử lý ra sao, từ đó sẽ có ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo số liệu thống kê cho thấy, trong những năm qua, số lượng các vụ án được đưa ra xét xử lưu động tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2012, Tòa án hai cấp xét xử lưu động 166 vụ; năm 2013 là 223 vụ; năm 2014 là 243 vụ; năm 2015 là 254 vụ; năm 2016 là 260 vụ. Trong đó tập trung vào các loại tội: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; tội trộm cắp tài sản; tội đánh bạc; tội cố ý gây thương tích; tội giết người; tội chứa mại dâm; tội môi giới mại dâm… Một số loại tội khi đưa ra xét xử lưu động đã kết hợp với các đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan Công an (như đợt cao điểm tháng hành động phòng chống ma túy, mua bán người...), do vậy, các tội phạm đã có chiều hướng giảm so với năm trước, góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức pháp luật, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhân dân, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị, giữ vững ổn định an ninh và trật tự xã hội ở địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.
Để đảm bảo chất lượng các phiên tòa lưu động, thì công tác chuẩn bị là hết sức cần thiết và quan trọng:
Thứ nhất, phải xây dựng kế hoạch từ khâu chọn vụ án, các vụ án đưa ra xét xử lưu động phải là những vụ án có tính chất điển hình, được dư luận quan tâm, có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân…
Thứ hai, địa điểm xét xử lưu động phải là nơi xảy ra vụ án, nơi cư trú của bị cáo hoặc địa bàn nơi loại tội phạm được đưa ra xét xử có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, nơi thuận tiện giao thông, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia… và phải đảm bảo về cơ sở vật chất, thuận tiện cho lực lượng có trách nhiệm làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa để phiên tòa diễn ra thuận lợi, an toàn. Đồng thời căn cứ vào tính chất, nội dung vụ án để tập trung đối tượng cần được chú trọng tuyên truyền pháp luật, từ đó lựa chọn địa điểm xét xử phù hợp. Ví dụ như: Đối với những vụ án “Trộm cắp tài sản” xảy ra tại các khu công nghiệp thì địa bàn thường là chính quyền địa phương nơi có khu công nghiệp đó để công nhân và nhân dân các khu công nghiệp thuận tiện tham dự phiên tòa, đối với những vụ án về “Mua bán người” thường xảy ra tại các vùng nông thôn, nhận thức pháp luật còn hạn chế thì lựa chọn những địa bàn loại tội phạm này xảy ra…
Thời gian tổ chức xét xử lưu động cũng là vấn đề quan trọng vì thời gian xét xử phải phù hợp mới tập trung được đông đảo người dân đến tham dự phiên tòa, công tác tuyên truyền pháp luật mới phát huy được hiệu quả. Chẳng hạn như không nên mở phiên tòa xét xử lưu động ở nông thôn vào lúc gieo trồng, thu hoạch hoặc khi chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo, thực hiện các công tác đột xuất…
Thứ ba, về công tác chuẩn bị cho phiên tòa xét xử lưu động, sau khi lựa chọn được vụ án và địa điểm, thời gian xét xử lưu động, cần phải xây dựng kế hoạch xét xử chi tiết, liên hệ phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, chính quyền địa phương, báo đài trung ương và địa phương để đưa tin kịp thời phổ biến, giáo dục pháp luật.
Kết quả công tác xét xử lưu động cho thấy, các phiên tòa đều được bảo đảm về an ninh, chưa xảy ra vụ việc gây rối hoặc gây mất trật tự tại phiên tòa; hầu hết đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự và được dư luận đồng tình ủng hộ với các bản án và hình phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tội mà hội đồng xét xử đã tuyên đối với các bị cáo. Bên cạnh đó, trong quá trình xét xử, thông qua từng vụ án cụ thể, Tòa án tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như quần chúng nhân dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em mình phải tuân theo pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong cộng đồng dân cư. Mặt khác, thông qua phiên tòa, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh và phòng ngừa tội phạm; nâng cao trình độ nhận thức, ý thức về pháp luật, củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong nhiều năm qua, các cấp ủy và chính quyền địa phương cũng đánh giá rất cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các phiên tòa lưu động. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả và kết quả đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật qua công tác xét xử lưu động chưa thường xuyên, chặt chẽ, nhịp nhàng, đặc biệt là giữa Tòa án nhân dân hai cấp và chính quyền địa phương trong việc đưa vụ án ra xét xử lưu động. Một số địa phương còn chưa tạo điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm cho việc xét xử; kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp cần phải: (i) Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa bằng cách tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi và rút kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử cũng như kỹ năng tuyên truyền pháp luật tại phiên tòa để rút ra những ưu điểm, hạn chế, những bài học kinh nghiệm trong công tác điều hành phiên tòa, nhằm nâng cao chất lượng xét xử nói chung và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phiên tòa nói riêng; (ii) Việc tổ chức các phiên tòa lưu động, đặc biệt là xét xử các vụ án hình sự, Tòa án cần phối hợp chặt chẽ, phân công cụ thể trách nhiệm giữa Tòa án, Viện kiểm sát, Công an và chính quyền địa phương nơi đưa vụ án ra xét xử lưu động nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên tòa về mặt an ninh, trật tự; (iii) Các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, tăng thêm kinh phí xét xử lưu động và các chính sách hỗ trợ khác, có như vậy thì việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân thông qua phiên tòa xét xử lưu động mới ngày càng hiệu quả
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc