Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính cho biết, rửa tiền là một trong những loại tội phạm nguy hiểm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi kỹ thuật, công nghệ thông tin liên tục phát triển, ứng dụng công nghệ trong thanh toán, thực hiện các giao dịch ngày càng thuận tiện đã phần nào tạo điều kiện để tội phạm rửa tiền diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền giai đoạn 2018 - 2022 của Việt Nam, nhóm tội phạm về chức vụ gồm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được đánh giá có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền ở mức độ cao. Bên cạnh đó, từ tháng 5/2007, Việt Nam trở thành thành viên của nhóm châu Á - Thái Bình Dương, một trong những thành viên liên kết của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền, đã đặt ra một số yêu cầu đối với Việt Nam trong việc nâng cao hiệu quả chế tài hình sự, xử lý các hành vi phạm tội rửa tiền, tham nhũng. Trên cơ sở đó, Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận để góp phần hoàn thiện các nội dung của dự thảo Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế về xử lý hình sự đối với tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ryan McKean, Giám đốc Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) tại Việt Nam cho biết, tội phạm rửa tiền và tội phạm tham nhũng đều là những nguyên nhân tạo ra lỗ hổng tài chính, có thể coi đây là những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường kinh tế trong quốc gia. Do đó, khi xem xét các yếu tố về tội rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng, yêu cầu về việc hệ thống hóa tội này là điều cần thiết không chỉ nhằm nắm bắt bản chất sự việc và các cấu thành liên quan mà còn tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tội phạm.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Trao đổi về dự thảo Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế về xử lý hình sự đối với tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng, TS. Lê Thị Diễm Hằng, Phó trưởng Bộ môn Luật Hình sự Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, dự thảo Báo cáo nghiên cứu đối với 06 nước gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Công hòa Liên bang Đức, Australia, Hoa Kỳ. Nhìn chung, pháp luật của các quốc gia này đều thống nhất quy định rửa tiền là hành vi xử lý tiền hoặc tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền thu lợi hoặc lợi nhuận phát sinh từ tội phạm mà có; hành vi rửa tiền là tội phạm hình sự và bị xử lý với những chế tài hình sự nghiêm khắc. Việc xử lý tiền, tài sản do phạm tội mà có được thực hiện thông qua các hình thức khác nhau như giao dịch, chuyển đổi, chuyển dịch tiền, tài sản, nhận, sở hữu, che giấu, thanh lý, xuất khẩu, nhập khẩu hoặc thực hiện giao dịch tài chính, ngân hàng hay các giao dịch dân sự như tặng cho, chuyển quyền sở hữu… hoặc làm giả các thông tin để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản có nguồn gốc từ tội phạm. Đặc biệt, pháp luật Australia còn quy định việc sử dụng tài sản do phạm tội mà có để tiếp tục phạm tội khác như tài trợ khủng bố cũng được xem là rửa tiền.
Nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu xây dựng Báo cáo nghiên cứu, đại diện Bộ Công an cho biết, công tác xử lý hình sự đối với tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành các chủ trương lớn trong việc nâng cao hoạt động thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng như: Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 87-KL/TW ngày 13/7/2024 của Bộ Chính trị về Đề án “Xây dựng cơ chế xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc”. Bên cạnh đó, ngày 28/11/2024, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 164/2024/QH15 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự…
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo
Góp ý về dự thảo Báo cáo nghiên cứu, đại diện Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cơ quan soạn cần nghiên cứu 02 nội dung như sau: (i) về hình thức, báo cáo được thiết kế theo kết cấu các phần gồm phần mở đầu và nội dung nhưng lại chưa có phần kết luận, do đó, cần bổ sung phần kết luận; (ii) về nội dung, đối với kinh nghiệm quốc tế về xử lý tội phạm rửa tiền có nguồn gốc tham nhũng, cần bổ sung các nội dung liên quan đến phạm vi, bối cảnh nghiên cứu hành vi rửa tiền quốc tế gắn với tội phạm tham nhũng; làm rõ khái niệm hợp pháp hóa tài sản có được từ hành vi tham nhũng; bổ sung mối liên hệ giữa pháp luật của Việt Nam với các nước trên thế giới về phòng, chống tham nhũng…
Ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo này là cơ sở quan trọng góp phần hoàn thiện các nội dung của Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm pháp luật quốc tế về xử lý hình sự đối với tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng. Trên cơ sở đó, hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam theo hướng ngày càng tương thích, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về xử lý tội phạm rửa tiền, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền có nguồn gốc từ tham nhũng.
Thùy Dung