Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các tham luận về một số nội dung như: “Tình hình công tác nhân quyền trong tháng và phương hướng tháng tiếp theo”; “Nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm”, “Bảo đảm các quyền của phạm nhân phù hợp với Công ước chống tra tấn”.
Hiến chương Liên Hợp quốc công nhận quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả mọi người là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình. Theo đó, việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người là nghĩa vụ của mỗi quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, tư tưởng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” đã được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và công bố trước toàn thể quốc dân tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945. Đây cũng là những quyền cơ bản của con người được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Với vai trò là thành viên Hội đồng nhân quyền và là nước đã phê chuẩn, gia nhập nhiều điều ước quốc tế về quyền con người nên có thể khẳng định, vấn đề phòng, chống tra tấn là trách nhiệm pháp lý quốc tế của Nhà nước Việt Nam.
Việc ký phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT) đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam chống lại mọi hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo, bảo đảm ngày càng tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Đây là những bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Do đó, đòi hỏi Việt Nam phải xem xét các hành vi xâm phạm quyền con người (tra tấn) là tội phạm và phải chịu hình phạt theo các chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế khi đã ký kết, gia nhập Công ước CAT.
Công ước CAT là một trong những điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người của Liên Hợp quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Công ước CAT được xây dựng trên những nguyên tắc đã được tuyên bố trong Hiến chương của Liên Hợp quốc về công nhận quyền bình đẳng và không thể chuyển nhượng của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại, là cơ sở của sự tự do, công lý và hòa bình trên thế giới và phù hợp với các văn kiện pháp lý khác của Liên Hợp quốc về quyền con người. Công ước CAT là sự thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội. Mặc dù còn có một số quốc gia chưa phê chuẩn nhưng với đa số các quốc gia là thành viên của Liên Hợp quốc tham gia Công ước CAT đã thể hiện ý chí của đa số trong cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới kiên quyết loại bỏ hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo hoặc vô nhân đạo với con người vì bất cứ lý do gì ra khỏi đời sống của nhân loại.
Công ước CAT đã đặt ra nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên ở 03 vấn đề sau: (i) Nghĩa vụ bảo vệ khỏi tra tấn và các hình thức hạ nhục vô nhân đạo và trừng phạt; (ii) Nghĩa vụ truy cứu trách nhiệm hình sự và trừng phạt người thực hiện hành vi tra tấn và các hình thức hạ nhục vô nhân đạo và trừng phạt; (iii) Nghĩa vụ ngăn ngừa tra tấn và các hình thức hạ nhục vô nhân đạo và trừng phạt.
Như vậy, các quốc gia thành viên khi tham gia Công ước CAT phải ghi nhận hành vi tra tấn và các hình thức hạ nhục vô nhân đạo và trừng phạt là tội phạm. Đồng thời, các quốc gia phải xây dựng biện pháp trừng phạt đối với hành vi tra tấn. Bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong các trại tạm giam. Tuy là những người đang bị tạm giam, bị hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền theo quy định của pháp luật, song bị can, bị cáo vẫn là những con người, họ phải được đối xử với tư cách là quan hệ giữa con người với con người và bằng tình người. Tuyệt đối không được tra tấn, dùng nhục hình, kể cả nhục hình “biến tướng” để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của bị can, bị cáo. Để thực hiện tốt nguyên tắc này trong tổ chức quản lý bị can, bị cáo, đòi hỏi từng cán bộ, chiến sỹ ở các trại tạm giam phải có nhận thức đúng đắn về quyền, nghĩa vụ của bị can, bị cáo; luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; chấp hành nghiêm chỉnh, triệt để pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành Công an trong tổ chức quản lý bị can, bị cáo, trong thực hiện chế độ quản lý giam giữ; thực hiện đầy đủ, kịp thời mọi chính sách, chế độ của Nhà nước đối với bị can, bị cáo.
Hải Việt