Ngày 30/7/2020 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp Bộ “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Viện Khoa học pháp lý tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và một số vấn đề pháp lý về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường” với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực pháp luật. TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, TS. Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, ThS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Chu Thị Hoa cho biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhắc tới rất nhiều trong những năm gần đây, tiền điện tử, tiền mã hóa/tiền ảo đã trở nên phổ biến và thu hút sự quan tâm của công chúng, các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, pháp lý, các Chính phủ và tổ chức quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật bên cạnh mục đích khai thác các lợi ích từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn bảo đảm ứng phó với những tác động không mong muốn của nó mang lại. TS. Chu Thị Hoa hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại Hội thảo.
Tham luận tại Hội thảo, ThS. Trần Anh Huy - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Quốc tế ICT cho biết, hiện nay có rất nhiều giao dịch trên môi trường mạng, chủ thể tham gia giao dịch đã có nhiều thay đổi, nhiều chủ thể chủ thể tham gia giao dịch là trí tuệ nhân tạo - trợ lý “ảo”… dẫn tới những vấn đề pháp lý mới phát sinh như quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể kinh tế chia sẻ, giao dịch tài sản mã hóa, hợp đồng tương lai… vì vậy, Nhà nước cần chủ động và tích cực xây dựng các cơ chế chính sách và hạ tầng thuận lợi cho kinh tế số phát triển, vừa để mở rộng cơ hội nhưng cũng có những biện pháp kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát, ngăn chặn mọi rủi ro hay các hành vi tội phạm có chủ đích tấn công, phá hoại.
|
|
Theo ThS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, với sự trỗi dậy của một kỷ nguyên số như hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời, các quan hệ kinh tế thay đổi nhanh đòi hỏi luật pháp phải đáp ứng và bắt kịp để điều chỉnh, bảo vệ doanh nghiệp và lợi ích người tiêu dùng. Trên thế giới, cách xử lý của nhiều quốc gia cũng khác nhau, có những quốc gia đã công nhận nhưng cũng có những quốc gia vẫn “e dè”, “cấm đoán” những mô hình kinh doanh mới này. Ông Hiếu cho rằng, chúng ta phải thay đổi tư duy lập pháp mới thúc đẩy được kinh tế chia sẻ, những gì là mới cần phải được công nhận, được thực hiện để giành được ưu thế trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, pháp luật ban hành để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong các quan hệ giao dịch của bối cảnh mới.
|
|
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có nhiều trao đổi, thảo luận về những nội dung liên quan. PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để có được giải pháp tích cực, đòi hỏi những người làm công tác xây dựng pháp luật và những người làm trong lĩnh vực công nghệ phải “hiểu” được nhau, các nhà làm luật phải nắm bắt được sự phát triển của công nghệ và các nhà làm công nghệ phải hiểu được luật pháp. Có như vậy, chúng ta mới phát huy được thế mạnh của nền kinh tế số. Còn theo TS. Nguyễn Am Hiểu - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thì hiện nay, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đem lại nhiều tiện ích cho cá nhân, tổ chức và được người dân đón nhận. Chính người tiêu dùng sẽ làm thay đổi môi trường kinh doanh, vì vậy, pháp luật cần ghi nhận, điều chỉnh để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia, hạn chế những rủi ro phát sinh hay những hành vi phá hoại…
Vinh Nguyễn