Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Quốc hội, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học pháp lý… Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham dự trực tuyến của ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng dự án JICA, Nhật Bản.
Sau lời phát biểu khai mạc Hội thảo của đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, các đại biểu đã được nghe trình bày tham luận về các nội dung chính như: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và kiến nghị đổi mới quy trình thẩm tra dự án luật; lược sử quy trình lập pháp của Quốc hội và kiến nghị hoàn thiện quy trình lập pháp; ủy quyền lập pháp trong xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh…
Bàn về hoạt động thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, đồng chí Nguyễn Duy Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội cho rằng, để góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động thẩm tra cần phải thực hiện các giải pháp như: Cơ quan được giao chủ trì soạn thảo văn bản cần đầu tư thời gian công sức, nguồn lực để làm tốt công tác tổng kết việc thi hành pháp luật một cách toàn diện, khách quan và nghiêm túc thực hiện việc đánh giá tác động chính sách; các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc cho đại biểu Quốc hội chuyên trách và bộ máy giúp việc để phục vụ trực tiếp ngay cho hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được hiệu quả hơn; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 để đảm bảo tính khoa học, toàn diện và khả thi; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo…
Hội thảo cũng được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong quy trình xây dựng chính sách và ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ ông Yokomaku Kosuke, Cố vấn trưởng dự án JICA và ông Edagawa Mitsushi, Chuyên gia dự án JICA.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe khái quát lược sử quy định pháp luật về quy trình xây dựng luật ở Việt Nam, theo đó, đồng chí Bùi Thu Hằng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho rằng: Quy trình xây dựng luật của Việt Nam đã dần hình thành, dần hoàn thiện qua các thời kỳ lịch sử nhưng mục đích cuối cùng của quy trình xây dựng luật là giúp cho các đạo luật bảo đảm tính khả thi, dễ dàng đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu xây dựng luật càng cao thì đòi hỏi quy trình xây dựng luật phải ngày càng hoàn thiện, bài bản, chặt chẽ.
Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo còn cùng nhau thảo luận, trao đổi về một số vấn đề liên quan khác như: Một số điểm mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; vấn đề ủy quyền lập pháp trong xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh…