Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú cho biết, theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế liên quan đến phát triển bền vững, trong đó có Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp quốc (UNGPs), các khung khổ và tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế liên quan đến kinh doanh có trách nhiệm đang phát triển nhanh chóng. Việc thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm là cần thiết nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh; quản lý rủi ro (như phòng tránh các lệnh cấm xuất nhập khẩu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tự động hóa); xây dựng sự kết nối giữa kinh doanh có trách nhiệm và mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027 (Chương trình hành động quốc gia Việt Nam). Chương trình hành động quốc gia (NAP) là một kế hoạch để quốc gia thực hiện khuyến nghị theo UNGPs và các tiêu chuẩn về kinh doanh có trách nhiệm. Hiện nay, trên thế giới có 32 quốc gia đã thông qua NAP và Việt Nam là quốc gia thứ 7 tại Châu Á xây dựng NAP. Tại Hội thảo này, ông Nguyễn Thanh Tú mong muốn rằng, các đại biểu sẽ đánh giá những thuận lợi, nhận diện khó khăn khi triển khai Chương trình, qua đó đề xuất một số giải pháp cụ thể để thực thi có chất lượng và hiệu quả NAP Việt Nam.
Giới thiệu về NAP Việt Nam, bà Lê Thị Hoàng Thanh (Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết, nội dung chính của NAP Việt Nam bao gồm: Một là, 05 lĩnh vực trọng tâm gồm pháp luật về quyền lao động, môi trường, đầu tư, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kinh doanh và bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương; hai là, 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2027 gồm: (i) Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (ii) Hoàn thiện chính sách và pháp luật; (iii) Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật; (iv) Chia sẻ thông tin về tình hình kết quả của các hoạt động trong các chương trình, Đề án, diễn đàn, hội nghị quốc tế có liên quan; (v) Sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai Đề án. Theo NAP Việt Nam, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chương trình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện Chương trình; sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao tính kịp thời, sự cần thiết và tính bao trùm của NAP Việt Nam; đồng thời khẳng định, đây là cơ sở góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, để triển khai hiệu quả NAP Việt Nam có thể gặp phải một số thách thức liên quan đến những vấn đề cụ thể như: Nhận thức chưa thống nhất, chưa thông suốt của các đối tượng có liên quan về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ; nguồn lực con người, nguồn lực tài chính còn thiếu; thực thi pháp luật còn yếu… Do đó, trong thời gian tới, để thực thi có hiệu quả NAP Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Theo đó: (i) Cần nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan và doanh nghiệp, người dân về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và chú trọng truyền thông, xây dựng các chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm để phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; (ii) Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, lao động, bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (iii) Hướng dẫn doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm, khuyến khích xây dựng các quy chế tự khắc phục và phòng ngừa trong nội bộ doanh nghiệp; (iv) Chia sẻ thông tin, kết quả của các hoạt động trong các chương trình, đề án, diễn đàn, hội nghị quốc tế liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm; (v) Đổi mới, sáng tạo, cân bằng lợi ích giữa các bên trong thực hiện Chương trình góp phần nhanh chóng đưa Chương trình vào cuộc sống…
Đai diện UNDP, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam trong việc sớm ban hành NAP, đồng thời hy vọng rằng, NAP sẽ là công cụ thực sự hữu hiệu trong việc bảo đảm kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam cần ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai NAP, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, UNDP và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam thực hiện có hiệu quả NAP.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Tú bày tỏ lời cảm ơn sự nhiệt tình và những ý kiến quý báu của các đại biểu tham dự Hội thảo. Hội thảo này sẽ là tiền đề cho việc thực hiện NAP Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Ông Tú mong muốn rằng, trong 05 năm tới sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và quý vị đại biểu trong việc triển khai NAP Việt Nam góp phần thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam để phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương), qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Bùi Huyền