Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có tính chất lịch sử, mở ra một thời kỳ mới trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định về nhiệm vụ của Tòa án nhân dân là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã thể hiện rõ nét về nhiệm vụ của Tòa án, đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ Tòa án.
Sau khi Hiến pháp năm 2013 ra đời, Quốc hội đã ban hành mới nhiều bộ luật mới có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bộ luật này đã kế thừa và phát triển một bước về pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; là công cụ pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng bổ sung nhiều điểm mới quan trọng trong đó có nhiều quy định để đảm bảo cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp:
Một là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội[2], đây là sự cụ thể hóa Điều 31 của Hiến pháp năm 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều 13 quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc cơ bản được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Ngày nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được nhiều nước coi là nguyên tắc của tố tụng hình sự, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý trong việc bảo vệ quyền con người. Nguyên tắc này đã được công nhận trong Tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên Hợp quốc, đó là: “Bất kỳ người bị buộc tội nào đều có quyền suy đoán là không phạm tội cho đến khi lỗi của người đó được xác định theo một trình tự do pháp luật quy định bằng phiên tòa xét xử công khai của Tòa án với sự bảo đảm đầy đủ khả năng bào chữa của người đó”. Pháp luật tố tụng hình sự của nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận nguyên tắc trên và coi nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc của tố tụng hình sự của quốc gia mình.
Hai là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định Tòa án có quyền xác minh, thu thập chứng cứ, bổ sung chứng cứ, yêu cầu Viện kiểm soát bổ sung chứng cứ[3].
Ba là, để cụ thể hóa quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản pháp luật trái Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung quy định: “Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Tòa án phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc xem xét, trả lời Tòa án về kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị được thực hiện theo quy định của pháp luật”[4].
Bốn là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung các quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các quyết định, hành vi tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét, kết luận tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do cơ quan điều tra, điều tra viên, Viện kiểm sát, kiểm sát viên thu thập hoặc do luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp[5].
Năm là, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung quy định: “Điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến”[6]. Theo đó, khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Quy định này cũng liên quan đến quy định trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án[7].
Những quy định trên đã bước đầu tạo điều kiện cho Tòa án trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình thực hiện quyền tư pháp được Hiến pháp ghi nhận, đồng thời mở ra những quy định mới giúp Tòa án thực hiện chức năng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 4