Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội - thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước. Chính vì lý do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội so với pháp luật hiện hành, tạo thuận lợi cho Thủ đô phát triển, khai thác tốt các thế mạnh đúng với nội dung mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù và phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, quy hoạch, đất đai, quản lý trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, dân cư, tổ chức bộ máy, biên chế…”. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Về nguyên tắc áp dụng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã khắc phục một số tồn tại của Luật Thủ đô năm 2012 như không có nguyên tắc áp dụng pháp luật làm cho những điều khoản của Luật Thủ đô không còn giá trị riêng có, bị các luật ban hành sau vô hiệu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật. Thay vào đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có 01 điều riêng quy định về nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô.
Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, Luật quy định chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; chính quyền địa phương ở phường tại Hà Nội là Ủy ban nhân dân phường. Như vậy, Luật đã cụ thể hóa quy định không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường được quy định trong Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Theo quy định của Luật, thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên gồm Chủ tịch, không quá 03 Phó Chủ tịch (tăng 01 Phó Chủ tịch và 04 thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố). Nếu theo quy định này thì nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố sẽ phải tăng thêm trên 80 nội dung. Do đó, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách sẽ đồng nghĩa với việc tăng thêm sức mạnh cho bộ máy để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng phân quyền trực tiếp cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố khi quy định trong thời gian Hội đồng nhân dân thành phố không họp, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này sẽ giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành tại Thủ đô.
Đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân cấp cho chính quyền thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định. Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền, tránh lạm dụng, ủy quyền tràn lan, Luật giao Hội đồng nhân dân thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Bên cạnh đó, giao Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền; giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện các nội dung được phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật.
Nhằm ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù như:
- Quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
- Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc.
- Cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô năm 2024 xác định, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố. Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.
Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa, học công nghệ.
Theo Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024 quy định, Hội đồng nhân dân thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.
- Luật cũng quy định các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, Luật Thủ đô năm 2024 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô./.
Hồng Hạnh
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp