Tóm tắt: Hiện tượng sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết diễn ra ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, pháp luật chưa có quy định cụ thể về quan hệ này nên quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là trẻ em sinh ra chưa thực sự được bảo đảm. Bài viết tập trung nghiên cứu vấn đề này dưới góc độ khoa học pháp lý.
Abstract: The phenomenon of giving birth from a dead husband's sperm takes place in many countries. In Vietnam, the law does not have specific provisions on this relationship, so the interests of the involved parties, especially the born children, are not really guaranteed. This article focuses on studying this issue from the perspective of legal science.
Việc lấy tinh trùng sau khi chết được ghi nhận lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1980. Người đàn ông có tên là Gothman, 30 tuổi, chết não sau một tai nạn giao thông, gia đình yêu cầu bảo quản tinh trùng của anh ta[1]. Năm 1997, Diane Blood, một người phụ nữ Anh đã thắng kiện giành quyền hợp pháp để mang thai bằng cách sử dụng tinh trùng của người chồng quá cố[2]. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp khác diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới[3],[4].
Ở Việt Nam, một người phụ nữ sinh con cho người chồng đã chết 03 năm ở Hà Nội vào năm 2013 là trường hợp đầu tiên được ghi nhận[5]. Bên cạnh đó, báo chí cũng phản ánh tình trạng này diễn ra nhiều trên thực tế[6], trong đó, nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra như: (i) Vấn đề pháp lý về lấy, lưu giữ và sử dụng tinh trùng của người chết; (ii) Vấn đề hộ tịch của con sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết; (iii) Những vấn đề liên quan đến quan hệ cha con giữa người cha và con sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết như thừa kế, bảo hiểm, bồi thường thiệt hại.
1. Khái quát về sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết
1.1. Khái niệm
Sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết là việc người vợ hợp pháp sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với noãn của mình để sinh con. Việc sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết khác với việc sinh con từ tinh trùng hiến tặng vì việc sinh con từ tinh trùng hiến tặng được thực hiện theo nguyên tắc vô danh trong khi sinh con từ tinh trùng người chồng đã chết xác định rõ cha của đứa trẻ.
Về kỹ thuật, công nghệ, IVF là kỹ thuật đặc biệt giúp tinh trùng và noãn kết hợp với nhau trong môi trường phòng thí nghiệm. Trong kỹ thuật này, noãn và tinh trùng gặp nhau, kết hợp với nhau để tạo thành phôi[7]. Về mặt pháp lý, IVF là một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hợp pháp đối với cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng hoặc là phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai[8]. Thực nghiệm y khoa cho thấy, có thể lấy tinh trùng từ người đã chết 48 giờ[9]. Khi lấy được tinh trùng còn sống thì việc IVF sẽ tiến hành bình thường như thụ tinh từ tinh trùng của người còn sống.
1.2. Nhận diện tinh trùng của người chết dưới góc độ pháp luật về tài sản
Tinh trùng là giao tử của nam[10], có chức năng sinh sản. Tinh trùng thụ tinh với noãn để tạo thành phôi thai. Có hai phương pháp thụ tinh là thụ tinh tự nhiên và IVF.
Tinh trùng là tài sản hay giá trị nhân thân, pháp luật các quốc gia có những quan điểm khác nhau. Trong thời kỳ chiếm hữu nô lệ, người nô lệ bị coi là một tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Khi chế độ chiếm hữu nô lệ bị xóa bỏ, quan niệm cơ thể người là tài sản có sự thay đổi. Vào thế kỷ 17, ở Anh, xuất hiện quy tắc “không có tài sản nào trong cơ thể con người”[11], theo đó, cơ thể người không phải tài sản và không thuộc sở hữu của ai, kể cả chính người đó. Tinh trùng được sản xuất từ cơ thể người cũng không được xem là tài sản. Năm 1882, quy tắc này được áp dụng vào bản án Williams v. Williams ở Anh[12].
Tuy nhiên, sau đó, các Tòa án đã phát triển một loạt ngoại lệ đối với quy tắc này. Một số Tòa án tại Hoa Kỳ thừa nhận quyền sở hữu đối với các bộ phận cơ thể như tinh trùng, máu, tóc, tủy. Ở California, trong vụ án Hecht v. Kane, tinh trùng là “một loại tài sản duy nhất” mà Tòa án chứng thực[13]. Năm 1984, ở Pháp, vụ Parpalaix, Tòa án Pháp quyết định rằng, tinh trùng không phải là tài sản để giao dịch và thừa kế, thay vào đó, mô tả tinh trùng là hạt giống của sự sống, gắn liền với quyền tự do cơ bản của con người là sinh sản hoặc tránh sinh sản. Do Parpalaix mong muốn có con chung với vợ, Tòa án đã ra lệnh giải phóng tinh trùng và vợ Parpalaix có quyền quyết định có nên tiến hành thụ tinh hay không[14].
Theo pháp luật Việt Nam, vật chất cơ thể người là tài sản hay phi tài sản không có một khẳng định cụ thể. Theo khoản 3 Điều 11 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006, pháp luật cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người cũng như cấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
Về vấn đề chuyển giao quyền, pháp luật không quy định cơ thể vật chất của một người sau khi chết thuộc quyền sở hữu của ai. Tuy nhiên, thông qua quy định người vợ có quyền tiếp tục lưu trữ và sử dụng tinh trùng của chồng đã chết và trường hợp hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác mà không có thẻ hiến người thân của họ gồm cha, mẹ người giám hộ hoặc vợ và các con đã thành niên phải đồng ý bằng văn bản[15] đã gián tiếp thừa nhận người thân có một số quyền đối với vật chất cơ thể người chết.
Đối với tinh trùng, trên thực tế, tinh trùng có giá trị và giá trị sử dụng, đã được giao dịch[16] dưới hình thức phi chính thống[17]. Tuy nhiên, theo pháp luật Việt Nam, tinh trùng là giá trị nhân thân phi tài sản, qua đó chỉ được hiến, không được bán. Do không được thừa nhận là tài sản nên không thể để thừa kế sau khi chết. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thì: “Theo quy định, tinh trùng không được xác định là tài sản mà chỉ thuộc quyền nhân thân. Khi đã không được coi là tài sản thì cũng không được quyền thừa kế”[18].
Như vậy, tinh trùng có giá trị và giá trị sử dụng như một tài sản nhưng không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một tài sản hợp pháp thông qua lệnh cấm mua bán, sử dụng vì mục đích thương mại, không được xem như một di sản thừa kế. Tuy nhiên, pháp luật lại cho phép người vợ hợp pháp được kế tục lưu trữ và sử dụng tinh trùng của người chồng đã tự nguyện lưu trữ khi còn sống. Tuy nhiên, trường hợp sử dụng tinh trùng như thế nào và nếu người chồng không lưu trữ khi còn sống vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.
2. Thực trạng pháp luật về sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết ở Việt Nam hiện nay
2.1. Pháp luật thực định về sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết
Thứ nhất, pháp luật hiện hành không cấm người vợ sử dụng tinh trùng do chính người chồng lấy và lưu giữ trước khi chết để sinh con nhưng không có quy định cụ thể.
Theo quy định tại Điều 20, 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Nghị định số 10/2015/NĐ-CP), những trường hợp được lưu giữ tinh trùng gồm: (i) Người chồng trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh; (ii) Người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân; (iii) Vợ người chết có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản tinh trùng mà người chồng lưu giữ theo trường hợp (i) hoặc trường hợp (ii) trước khi chết. Bên cạnh đó, người có quyền sử dụng tinh trùng gồm: Cặp vợ chồng điều trị vô sinh bằng kỹ thuật IVF sử dụng tinh trùng để sinh con khi người chồng còn sống; người vợ sử dụng tinh trùng người chồng đã chết làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình[19].
Quy định nêu trên dẫn đến 03 khả năng:
- Quyền đối với tinh trùng của người chồng đã chết: Người vợ hợp pháp là chủ thể duy nhất được pháp luật trao quyền đối với tinh trùng của người chồng. Quyền đó bao gồm quyền tiếp tục lưu giữ và quyền sử dụng.
- Người vợ được sử dụng tinh trùng của chồng sau khi người chồng qua đời để sinh con: Trong trường hợp tinh trùng do chính người chồng đã tự nguyện lưu trữ khi còn sống, việc sử dụng không bị giới hạn, trong đó có việc sử dụng để sinh con.
- Hậu quả pháp lý của việc sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết: Pháp luật quy định hậu quả pháp lý của việc sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết sẽ làm phát sinh quan hệ ngoài hôn nhân và gia đình.
Thứ hai, về việc sử dụng tinh trùng lấy từ cơ thể chết não và thi thể của người chồng đã chết.
Việc lấy tinh trùng từ cơ thể chết não hay từ thi thể người chồng có nhiều phương pháp, phương pháp thường được sử dụng nhất là mở bìu, cắt tinh hoàn để lấy tinh trùng. Theo khoản 3 Điều 33 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc lấy mô, bộ phận cơ thể người chết phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện. Nếu lấy tinh trùng không phải lấy mô, bộ phận cơ thể thì pháp luật chưa có quy định cụ thể.
Thứ ba, con sinh ra không được công nhận là con chung đương nhiên theo pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Theo quy định pháp luật Việt Nam, khi một bên chết, quan hệ vợ chồng chấm dứt và con sinh ra quá 300 ngày, kể từ ngày hôn nhân chấm dứt không phải là con chung đương nhiên. Việc xác định cha cho con có thể thực hiện theo quy định pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014[20].
2.2. Những vấn đề pháp lý phát sinh trên thực tế
Thứ nhất, một người đàn ông độc thân có quyền lưu giữ tinh trùng của mình nhưng chỉ người vợ hợp pháp là chủ thể duy nhất có quyền đối với tinh trùng người chồng đã lưu giữ trước khi chết.
Ví dụ: Bà H muốn nhận lại tinh trùng của con trai (tên T, đã mất) để cho con dâu (chị D) IVF. Do chị D với anh T chưa đăng ký kết hôn nên chị D không có quyền với tinh trùng của anh T nên bệnh viện từ chối. Một vụ việc khác, một thanh niên mắc bệnh hiểm nghèo. Trước khi điều trị, anh ta đã gửi tinh trùng. Khi anh ta qua đời, mẹ và bạn gái của anh ta đến bệnh viện xin mẫu tinh trùng để IVF thì bệnh viện từ chối. Mẹ anh ta yêu cầu bệnh viện trả mẫu tinh trùng cho gia đình. Phía bệnh viện yêu cầu, nếu có văn bản pháp lý công nhận mẫu tinh trùng mà bệnh viện đang lưu trữ là tài sản mà bà được thừa kế từ con trai thì sẽ trả lại[21]. Tuy nhiên, tinh trùng là tài sản hay không phải tài sản lại chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Thứ hai, lấy tinh trùng từ thi thể người chết và thực hiện IVF - mỗi cơ sở y tế có quan điểm khác nhau.
Trường hợp bà P.T.H có con trai đã qua đời do bệnh nặng. Bà H yêu cầu bệnh viện trữ lại tinh trùng cho con với mong muốn IVF sinh con. Thế nhưng, khi bà H và con dâu làm thủ tục xin thụ tinh thì bị từ chối. Bệnh viện cho rằng, con bà H đã qua đời và hiện chưa có quy định cho phép sinh con cho người chết. Bệnh viện sẽ giúp lưu giữ tinh trùng nhưng việc sinh con phải chờ quy định[22].
Trong khi đó, năm 2013, một bệnh viện ở Hà Nội đã thực hiện IVF từ tinh trùng lấy từ thi thể người chết. Chồng chị D ở Hà Nội qua đời, chị có nguyện vọng muốn sinh con cho chồng. Chị D yêu cầu ngay bệnh viện chỗ anh gặp nạn nhưng tuyến cơ sở từ chối vì không đủ công nghệ thực hiện. Chị được người thân giới thiệu bác sỹ V, ông nhận lời. Việc lấy tinh trùng từ thi thể người chết, thụ tinh và sinh con diễn ra suôn sẻ trên thực tế[23]. Trước đó, một trường hợp tương tự ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh T đột nhiên lâm bệnh nặng và qua đời. Vợ anh đã yêu cầu bệnh viện mổ lấy mẫu tinh trùng của chồng để trữ lạnh và cuối cùng, chị đã sinh con với người chồng quá cố[24].
Như vậy, mỗi cơ sở y tế có quan điểm khác nhau về việc thực hiện IVF từ tinh trùng người chết. Do sự không thống nhất này, người có nhu cầu lưu trữ và sinh con cho người chết chưa được đối xử một cách bình đẳng.
Thứ ba, xác định cha cho con sinh từ tinh trùng người cha đã chết.
Con sinh ra từ tinh trùng của người chồng đã chết được thành thai sau khi hôn nhân chấm dứt không được xác định là con chung đương nhiên trong hôn nhân. Khác với trường hợp IVF bằng tinh trùng hiến tặng theo nguyên tắc vô danh, ở đây, con sinh ra từ tinh trùng của người cha đã chết, vì vậy, về mặt di truyền sẽ là con chung vợ chồng. Theo Điều 90 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, con có quyền nhận cha, kể cả trong trường hợp cha đã chết. Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha cho con trong trường hợp người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết thuộc về Tòa án[25]. Thủ tục này rất phức tạp.
Trên thực tế, trường hợp chị D như đã phân tích trên được hướng dẫn riêng để khai sinh đầy đủ cha mẹ. Ngày 03/01/2014, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 35/HTQTCT-HT gửi Ủy ban nhân dân phường Hoàng Liệt, hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường Hoàng Liệt vận dụng các quy định của pháp luật đăng ký khai sinh cho hai cháu, giấy khai sinh ghi cả tên cha, mẹ. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng hướng dẫn rõ ràng về thủ tục. Ngày 09/01/2014, Ủy ban nhân dân phường Hoàng Liệt đã đăng ký khai sinh cho hai cháu Đ và H, con của chị D[26].
Như vậy, pháp luật thực định chưa có quy định cụ thể và quyết định của cơ quan hành chính chưa có cơ chế trở thành tiền lệ giống như án lệ của Tòa án, do đó, chưa thể áp dụng thống nhất.
Thứ tư, xác định quyền thừa kế, quyền được cấp dưỡng trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm và quyền hưởng tiền tuất trong bảo hiểm xã hội khi người cha mất.
Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015, người thừa kế là cá nhân sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết; theo quy định tại Điều 3 và Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người được hưởng trợ cấp tuất đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là thân nhân gồm con đẻ, con nuôi và con sinh ra khi bố chết mẹ đang mang thai; theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 593 Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp bồi thường thiệt hại về tính mạng, người gây thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra; theo quy định tại Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2015, người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, con thành thai sau khi người cha đã chết không có quyền thừa kế, quyền được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng từ cái chết của cha cũng như quyền hưởng trợ cấp tuất hàng tháng từ người cha theo quy định về bảo hiểm xã hội.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, thừa nhận tinh trùng là một tài sản đặc biệt có thể để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Theo đó, người thừa kế tinh trùng phải là người vợ. Người thừa kế tinh trùng được định đoạt tinh trùng theo 03 hướng: (i) Tiếp tục lưu giữ; (ii) Sinh con; (iii) Hủy. Người thừa kế được lấy, lưu giữ và sử dụng tinh trùng từ cơ thể chết não hoặc thi thể của người chồng cho cả hai trường hợp có bằng chứng về mong muốn của người chồng lúc còn sống hoặc không.
Thứ hai, thừa nhận việc sinh con từ tinh trùng của người chết và có quy định riêng cho trường hợp này theo nguyên tắc bảo đảm quyền lợi cho đứa trẻ được sinh ra.
- Pháp luật cần quy định về sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết phải được xây dựng trên những nguyên tắc sau: (i) Mục đích việc sinh con nhân văn, không trục lợi; (ii) Người vợ phải đáp ứng điều kiện sức khỏe, tâm lý, điều kiện kinh tế; (iii) Phải tiến hành xét nghiệm cẩn thận mẫu tinh trùng trước khi thụ tinh như trường hợp IVF theo Nghị định số 10/2015/NĐ-CP; (iv) Giới hạn số con sinh ra; (v) Bảo đảm điều kiện vật chất và tinh thần cho trẻ; (vi) Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ; (vii) Xem xét nguyện vọng và quyền lợi của người chết và những người thân thích khác đối với sự kiện đứa trẻ sinh ra.
- Trao quyền cho người vợ hợp pháp được phép lưu giữ và sử dụng tinh trùng của người chồng sau khi người này chết để sinh con và quyền được lấy, lưu giữ và sử dụng tinh trùng người chồng từ cơ thể chết não hoặc thi thể của người chồng.
- Việc lấy tinh trùng người chồng từ cơ thể chết não hoặc thi thể phải tiến hành kiểm tra chất lượng mẫu tinh trùng như trường hợp hiến tặng trước khi đưa vào IVF.
- Điều kiện để sinh con từ tinh trùng người chồng đã chết: (i) Về độ tuổi của người vợ được phép sử dụng tinh trùng của người chồng đã chết để tiến hành IVF: Còn trong độ tuổi sinh đẻ, có xác nhận về sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền nhằm bảo đảm sức khỏe sinh sản, tâm thần cho người mẹ trong quá trình thụ tinh, mang thai, sinh sản và chăm sóc đứa trẻ trong tương lai; (ii) Về điều kiện vật chất, người vợ phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu yêu cầu về nhân thân, kinh tế để bảo đảm môi trường nuôi dưỡng, giáo dục tốt cho đứa trẻ (các điều kiện này có thể tham khảo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010).
Thứ ba, việc xác định quan hệ cha con có xem xét nguyện vọng của người chết và cha, mẹ người chết.
Trong ngắn hạn, có thể nghiên cứu phát triển Công văn số 35/HTQTCT-HT ngày 03/01/2014 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường Hoàng Liệt vận dụng các quy định của pháp luật đăng ký khai sinh để việc xác định cha cho con được tinh giản về thủ tục.
Trong dài hạn, tác giả đề xuất về việc xác định quan hệ cha con nên chia làm 02 trường hợp: (i) Có bằng chứng về nguyện vọng sinh con của người chồng hoặc của cha, mẹ người chết thì con sinh ra được thừa nhận là con chung trong hôn nhân gia đình, có quyền thừa kế đối với cha và ông bà nội; (ii) Không có bằng chứng về nguyện vọng sinh con từ người chết và ý kiến của cha, mẹ người chết, con sinh ra không được xác định là con đương nhiên theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, không được hưởng các quyền thừa kế nhưng có thể xác định cha cho con trong hộ tịch thông qua thủ tục nhận cha cho con theo Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Thứ tư, sửa đổi quy định về người thừa kế theo hướng bổ sung Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết”, bổ sung thêm “con thành thai sau khi người để thừa kế chết được sinh ra theo nguyện vọng của người để thừa kế khi còn sống hoặc được sự đồng ý của cha, mẹ người chết, trừ trường hợp hiến.
Sinh con từ tinh trùng của người chồng đã chết là một vấn đề pháp lý phức tạp nhưng đã diễn ra trên thực tế, đòi hỏi cần thiết phải xây dựng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ phát sinh nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên về tài sản cũng như về nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ sở y tế thực hiện hoạt động IVF. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật cũng cần được xây dựng trên nguyên tắc có lợi cho đứa trẻ và đề cao tính nhân văn, nghiêm cấm các hành vi trục lợi.
ThS. Hồ Thị Thanh Trúc
Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing
[1]. Usha Ahluwalia, Mala Arora, Posthumous Reproduction and Its Legal Perspective, International Journal of Infertility and Fetal Medicine, Vol. 2, No. 1, p. 9.
[2]. University of Sheffield (2017), Diane Blood - Life after Death: A woman’s victory in having her deceased husband’s children, https://www.sheffield.ac.uk/whatson/past/diane-blood, truy cập ngày 07/11/2022.
[3]. News (2011), Widow wins access to dead husband’s sperm, https://www.abc.net.au/news/2011-05-23/widow-wins-access-to-dead-husbands-sperm/2725924, truy cập ngày 11/11/2022.
[4]. BioNews (2013), Widow wins right to retrieve husband’s sperm, https://www.progress.org.uk/widow-wins-right-to-retrieve-husbands-sperm/, truy cập ngày 07/11/2022.
[5]. Phương Trang (2013), Sinh đôi từ tinh trùng của chồng quá cố, https://vnexpress.net/sinh-doi-tu-tinh-trung-cua-chong-qua-co-2930031.html, truy cập ngày 07/11/2022.
[6]. Yến Nhi (2019), Sinh con từ tinh trùng người đã mất mòn mỏi chờ luật, https://tienphong.vn/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-da-mat-mon-moi-cho-luat-post1084062.tpo, truy cập ngày 07/11/2022.
[7]. Hồ Mạnh Tường, Đặng Quang Vinh, Vương Thị Ngọc Lan (2020), IVF, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 5.
[8]. Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
[9]. Minh Nguyên (2016), Sinh con từ tinh trùng người đã chết, https://vnexpress.net/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-da-chet-3399853.html, truy cập ngày 21/11/2022
[10]. Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
[11]. Nguyên văn “no property in the human body”, E Coke, The Third Part of the Institutes of the Laws of England: Concerning High Treason, and Other Pleas of the Crown, and Criminal Causes (London: 1644) 203.
[12]. Williams v. Williams case (1882), https://swarb.co.uk/williams-v-williams-1882/, truy cập ngày 07/11/2022.
[13]. Hecht v Superior Court (Kane) 20 Cal.Rptr.2d 275 (Cal.App. 2 Dist. 1993),
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11648608/, truy cập ngày 14/11/2022.
[14]. The New York Times (1984), Widow win Paris case for sperm, https://www.nytimes.com/1984/08/02/us/widow-wins-paris-case-for-husband-s-sperm.html, truy cập ngày 22/11/2022.
[15]. Điều 21 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
[16]. Hoàng Lộc, Lan Anh (2019), Mua bán tinh trùng bất chấp luật lệ, https://tuoitre.vn/mua-ban-tinh-trung-bat-chap-luat-le-20190521221452092.htm, truy cập ngày 25/11/2022.
[17]. Thân Hoàng (2016), Tác giả cho tinh trùng nữ tử tù là phạm nhân cùng trại, https://tuoitre.vn/tac-gia-cho-tinh-trung-nu-tu-tu-la-pham-nhan-cung-trai-1176144.htm, truy cập ngày 25/11/2022.
[18]. Ngọc Dung (2019), Có nên giữ tinh trùng của người đã chết, https://nld.com.vn/thoi-su/co-nen-giu-tinh-trung-cua-nguoi-da-chet-20190108223120186.htm, truy cập ngày 30/11/2022.
[19]. Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ về việc quy định về sinh con bằng kỹ thuật IVF và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
[20]. Điều 90 và Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[21]. Tuổi trẻ (2018), Hướng ra nào cho vụ xin thừa kế tinh trùng, https://tuoitre.vn/huong-ra-nao-cho-vu-xin-thua-ke-tinh-trung-20181224145515711.htm, truy cập ngày 04/12/2022.
[22]. https://laodong.vn/xa-hoi/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-da-mat-nguoi-nha-than-benh-vien-kho-xu-647453.ldo.
[23]. Lan Anh (2913), Thành tựu của tình yêu và y học, https://tuoitre.vn/thanh-tuu-cua-tinh-yeu-va-y-hoc-587655.htm, truy cập ngày 30/11/2022.
[24]. Thanh Huyền (2013), Sinh con từ tinh trùng của người chết, có nhiều nhưng giữ kín, https://vietnamnet.vn/sinh-con-tu-tinh-trung-nguoi-chet-co-nhieu-nhung-giu-kin-155882.html, truy cập ngày 21/11/2022.
[25]. Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[26]. Lam Hạn (2014), Luật có nên cấm người chết sinh con, https://baophapluat.vn/luat-co-nen-cam-nguoi-chet-sinh-con-post172791.html, truy cập ngày 04/12/2022.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 379), tháng 4/2023)