Thưa đồng chí Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật!
Thưa các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hôm nay, tôi rất vui mừng được thay mặt Lãnh đạo Bộ tới dự Hội nghị cộng tác viên năm 2020 và lễ kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - tiền thân là Tòa soạn Tập san Pháp chế xã hội chủ nghĩa, đồng thời đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2020 và định hướng công tác của Tạp chí trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là năm đầu nhiệm kỳ mới 2021.
Thưa các đồng chí!
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng thông tin và là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi về khoa học pháp lý, thông tin lý luận trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật; xuất bản, phát hành các ấn phẩm nghiên cứu chuyên đề. Có thể nói rằng, các nhiệm vụ của Tạp chí, cũng như các ấn phẩm của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đóng góp to lớn cho việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn về các vấn đề tư pháp và pháp luật, phục vụ hiệu quả cho công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như thúc đẩy các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp.
Với chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật theo Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp được giao thống nhất quản lý 12 lĩnh vực hết sức rộng lớn. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật đặt ra yêu cầu về tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, hiệu quả là vấn đề rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, cuối năm 2019 và đầu năm 2020, Bộ Tư pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Gần đây, Chính phủ tổ chức Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật với nội dung hết sức sâu sắc, có sự tham gia trực tuyến của tất cả các địa phương, tập thể Lãnh đạo Chính phủ chủ trì Hội nghị. Bối cảnh trên đã đặt ra việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn các vấn đề liên quan đến tư pháp và pháp luật là hết sức cần thiết. Có thể nói, lĩnh vực tư pháp và pháp luật là lĩnh vực đòi hỏi yêu cầu rất cao về tri thức, trí tuệ và tầm nhìn. Trên cơ sở nhìn nhận, Lãnh đạo Bộ thấy rằng, Tạp chí trong 43 năm qua đã liên tục phát triển, khẳng định được vị thế của mình. Các ấn phẩm của Tạp chí bảo đảm chất lượng, được giới chuyên môn, các học giả, các chuyên gia pháp lý thừa nhận, đánh giá cao. Đó chính là sự khẳng định vị thế và thương hiệu của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật mà tập thể cán bộ, viên chức, người lao động qua các thời kỳ đã tạo dựng nên, như đồng chí Đặng Vũ Huân - Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, đồng chí Nguyễn Tất Viễn - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và các đồng chí tại Hội nghị đã đánh giá.
Trên thực tế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã có những đóng góp rất tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Ngành Tư pháp, nhất là trong giai đoạn Bộ Tư pháp tái thành lập từ năm 1981 và trong cả quá trình đất nước đổi mới (từ năm 1986), đó chính là những đóng góp quan trọng của Tạp chí trong việc tham gia nghiên cứu, xuất bản những chuyên đề lý luận khoa học, giải pháp thực tiễn gắn liền với việc hoàn thiện thể chế pháp luật, tư pháp trong suốt giai đoạn này. Cùng với Viện Khoa học pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã đáp ứng yêu cầu nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm nền tảng cho Bộ Tư pháp hoạch định chính sách, định hướng phát triển hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu lý luận hoàn thiện các lĩnh vực pháp luật khác của pháp chế các bộ, ngành.
Để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đã và đang cung cấp những thông tin khoa học pháp lý, học thuật pháp lý có giá trị rất cao và hiện thực, đặc biệt, các ấn phẩm của Tạp chí phục vụ các sự kiện chính trị, các hoạt động tổng kết, đánh giá của Bộ, Ngành là không thể thiếu, ví dụ như các ấn phẩm chuyên sâu trong năm 2020: (i) Chuyên đề “Sáu năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở” tại Hội nghị toàn quốc công tác dân vận trong hoạt động hòa giải với sự tham dự của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư các tỉnh, thành phố, đã thể hiện được sự gắn kết giữa phổ biến, giáo dục pháp luật với hòa giải ở cơ sở và công tác dân vận; (ii) Chuyên đề “Một số thành tựu công tác tư pháp giai đoạn 2015 - 2020” đã tổng hợp các thành tựu nổi bật công tác tư pháp giai đoạn 2015 - 2020, là tài liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu và đã phục vụ đắc lực cho việc kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Ngành Tư pháp và Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ V và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đã đạt được, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin ghi nhận và trân trọng cảm ơn các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trong 43 năm qua đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, để xây dựng một tập thể đoàn kết, nhất trí, phát huy được nội lực, tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ Lãnh đạo.
Xin chúc mừng các đồng chí!
Trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ đặt ra nhiều kỳ vọng đối với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật về việc tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của cơ quan ngôn luận đối với hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp, rộng hơn là sự nghiệp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Do đó, tôi xin gợi mở một số định hướng phát triển của đơn vị như sau:
Thứ nhất, Tạp chí cần hướng đến mục tiêu vừa nâng tầm vị thế, vừa mở rộng sự lan tỏa đến nhiều tầng lớp trong xã hội
Trong năm 2020, có 06 kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp (bao gồm cả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế). Đến năm 2021, Bộ, Ngành Tư pháp được Chính phủ giao cho các trọng trách, nhiệm vụ hết sức lớn, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, đó là tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế - một trong ba trụ cột phát triển đất nước trong thời gian tới mà Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã nêu, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong đó, Trung ương Đảng khóa tới sẽ ban hành Nghị quyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với những trọng trách to lớn được giao như trên, việc triển khai các hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp trong thời gian tới, từ tham mưu đến tổ chức thực hiện, đòi hỏi một khối lượng công việc hết sức lớn và đương nhiên đặt ra những yêu cầu về nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện, đầy đủ, chuẩn xác về lý luận và thực tiễn, đưa ra những giải pháp, định hướng, nội dung, nội hàm cho 05 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030 - 2045. Việc tổ chức thực hiện văn bản có tính chất định hướng chủ trương của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những công việc do Bộ, Ngành Tư pháp giữ “vai trò trung tâm quản lý”, luôn cần sự đồng thuận về quan điểm, cách thức triển khai, để thể chế hóa các chủ trương, chính sách, tham mưu cho Chính phủ giao cho các bộ, ngành triển khai thực hiện. Những công việc triển khai đều liên quan chặt chẽ đến thể chế và tổ chức thi hành pháp luật.
Trên cơ sở Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật với những đánh giá hết sức thẳng thắn, khách quan về các vấn đề tồn tại, hạn chế, nguyên nhân (kể cả sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương) trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và đưa ra yêu cầu hết sức lớn, bao gồm cả những vấn đề mà lâu nay giới khoa học pháp lý băn khoăn, chia sẻ.
Những văn bản, chính sách của Đảng, Chính phủ nêu trên chính là những cơ sở hết sức quan trọng để Tạp chí Dân chủ và Pháp luật triển khai nhiệm vụ trong năm 2021 và các năm tiếp theo, qua đó, tạo dư địa phát triển rộng lớn cho đơn vị. Ví dụ như trong lĩnh vực nghiên cứu hoàn thiện thể chế, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần xác định tiếp tục bám sát hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp và đồng thời mở rộng đến các bộ, ngành khác (như ngành Tài nguyên & Môi trường, ngành Thuế…) hiện đang có nhu cầu rất lớn về nghiên cứu lý luận và thực tiễn thi hành pháp luật, từ đó, xây dựng những cuốn chuyên đề chuyên sâu để công khai quan điểm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực liên quan, tạo sự đồng thuận, thuận lợi khi tham khảo chính sách, phục vụ hiệu quả công tác xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng việc liên kết với các tổ chức nghề nghiệp như Hiệp hội Công chứng (đã thực hiện trong năm 2020), Liên đoàn Luật sư… để tiếp cận với lượng độc giả rộng lớn từ các hiệp hội, tổ chức này, qua đó, tăng cường tính lan tỏa của Tạp chí.
Đồng thời, cần quan tâm xây dựng hệ thống ấn phẩm nghiên cứu khoa học chuyên sâu trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, Ngành Tư pháp. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cùng với Viện Khoa học pháp lý và Nhà xuất bản Tư pháp cần đề cao việc phát hành, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, bình luận khoa học pháp lý trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt bám sát các đạo luật đã được Quốc hội thông qua để cung cấp tài liệu, thông tin khoa học cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó, qua đó, giúp Bộ, Ngành giải quyết bất cập hiện nay là: Hàm lượng tri thức chuyên sâu của một số công chức tham mưu trong các đơn vị thuộc Bộ, công chức tư pháp ở địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi đó yêu cầu đối với vị trí, vai trò của mỗi đơn vị, người quản lý nhà nước một lĩnh vực ở Bộ và ở địa phương mà không sâu sắc thì công tác tham mưu sẽ không hiệu quả.
Thứ hai, cần phải tạo thông tin định hướng trong nội dung các ấn phẩm Tạp chí
Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần tăng cường thông tin về các vấn đề khoa học pháp lý làm cơ sở cho xác định quan điểm, định hướng hoàn thiện pháp luật. Đó là công khai các trao đổi khoa học, thảo luận với “đủ màu sắc” về những vấn đề hóc búa, để giải quyết các vấn đề về tri thức, quan điểm mà đáng lẽ ra Ngành Tư pháp cần phải thông tin, trên cơ sở giữ vững tôn chỉ, mục đích của Tạp chí và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Chúng ta cần nâng tầm nghiên cứu, đăng tải bài viết khoa học có tính chiến đấu, tính chính trị, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ, thể hiện được bản lĩnh, thương hiệu của Tạp chí. Đó mới là định hướng nâng tầm chiến lược của Tạp chí đầu ngành, đáp ứng định hướng, yêu cầu của Đảng, Chính phủ về phát triển báo chí, đặc biệt là góp phần xóa bỏ cục bộ ngành, lĩnh vực, địa phương.
Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số để tăng cường năng lực xuất bản các ấn phẩm Tạp chí
- Đổi mới cách thức tiếp cận thông tin nghiên cứu khoa học pháp lý, tư pháp, trong đó, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khoa học pháp lý, thực hiện số hóa dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho độc giả tiếp cận thông tin nghiên cứu nhanh chóng, đầy đủ. Lấy độc giả làm trung tâm của sự phát triển, đổi mới để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, cung ứng thông tin khoa học pháp lý, qua đó, cũng góp phần tạo sức lan tỏa rộng hơn của Tạp chí.
- Phát triển Tạp chí điện tử là hướng đi đúng đã được Lãnh đạo Bộ đồng ý chủ trương. Nếu như chúng ta gắn với việc số hóa cơ sở dữ liệu của Bộ, Ngành và xây dựng cơ sở dữ liệu chung về kết quả nghiên cứu, tư liệu nghiên cứu trong nước và quốc tế (xuất bản hoặc chưa được xuất bản), sẽ phát huy được giá trị gia tăng hết sức to lớn. Cùng với Viện Khoa học pháp lý, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật cần nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) trong thông tin, giải đáp vấn đề khoa học pháp lý sẽ giải quyết được tính toàn diện, tính đồng bộ, đặc biệt là công khai, minh bạch. Lúc đó, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử sẽ có vai trò, tính phản biện hết sức cao và hy vọng khi đạt mốc phát triển mới này, Tạp chí của chúng ta có thể từng bước tự chủ.
Đối với những công việc cụ thể cần triển khai trong năm 2021, đề nghị Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tổng hợp, tiếp thu ý kiến phát biểu của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tại Hội nghị này để đưa vào Kế hoạch công tác năm 2021, trong đó, quan tâm triển khai các công việc sau đây:
Một là, tăng cường phối hợp trong xây dựng kế hoạch biện soạn, phát hành các số chuyên đề chuyên sâu như đã nêu, đặc biệt, tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp, theo hướng mỗi đạo luật thuộc một lĩnh vực quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu, biên soạn được một chuyên đề có tính chất bình luận khoa học (có cập nhật liên tục) để định hướng về mặt tư duy, quan điểm khoa học và thực tiễn để giải quyết những vấn đề lý luận đặt ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và có tương tác xử lý với các quan điểm liên ngành để định hướng dư luận, bảo đảm tính thông nhất trong thời gian tới đây. Cần tăng cường tính linh hoạt trong phát triển các số chuyên đề chuyên sâu 200 trang nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực pháp luật còn có bất cập, mâu thuẫn để đề ra giải pháp định hướng nghiên cứu và dư luận.
Hai là, đối với các số định kỳ hàng tháng, đề nghị bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ, hàng năm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương (như vấn đề chính quyền đô thị ở Hà Nội, xây dựng thành phố Thủ Đức ở thành phố Hồ Chí Minh…) gắn với yêu cầu hoàn thiện thể chế, để có các bài viết gắn với hơi thở của quá trình hoàn thiện pháp luật, trong đó có tính phản biện của dư luận xã hội. Từ đó, vị thế, thương hiệu của Tạp chí sẽ được nhân rộng, lan tỏa rất tốt.
Ba là, quan tâm, củng cố, phát triển đội ngũ cộng tác viên, các nhà nghiên cứu khoa học để bảo đảm hàm lượng khoa học, trí thức trong các ấn phẩm tạp chí; có kế hoạch liên kết với các tạp chí trong ngành (Tạp chí Luật học, Tạp chí Nghề luật, Tạp chí Luật sư Việt Nam…) và các tạp chí khác ở trung ương, địa phương để có nhiều góc cạnh nghiên cứu về một vấn đề và phong phú thông tin trong hoạt động.
Bốn là, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ (Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch - Tài chính và các đơn vị liên quan) xây dựng Đề án Tạp chí điện tử với một lộ trình kế hoạch khả thi để xây dựng Tạp chí điện tử hiệu quả.
Năm là, sớm có kế hoạch tuyển dụng đủ biên chế để đảm bảo thực hiện tôn chỉ, mục đích của Tạp chí và mở rộng, phát triển đơn vị trong tình hình mới như các yêu cầu, định hướng đã nêu ra tại Hội nghị hôm nay.
Cùng với đó, tôi rất mong lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các đồng chí cộng tác viên tiếp tục quan tâm hơn nữa, đồng hành cùng với Tạp chí Dân chủ và Pháp luật tiếp tục gặt hái được những thành quả to lớn hơn nữa trong thời gian tới.
Thưa các đồng chí,
Nhân dịp Hội nghị cộng tác viên năm 2020, tôi xin gửi lời chúc mừng của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đến Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày thành lập và ra số Tạp chí đầu tiên. Chúc các đồng chí đại biểu cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động Tạp chí Dân chủ và Pháp luật và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tích mới trong công tác.
Xin trân trọng cám ơn!