Ngày 02/01/2025, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị gồm các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng ủy Bộ Tư pháp, Bí thư các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Đồng chí Phan Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thay mặt Ban Chỉ đạo 35 báo cáo nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay. Đồng chí cho biết, năm 2024, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, suy giảm kinh tế toàn cầu ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường an ninh, chính trị, kinh tế, thương mại quốc tế nên đã tác động nhiều mặt đến tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Ở trong nước, chúng ta phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên trong như thiên tai và những khó khăn, bất cập tồn đọng nội tại kéo dài hàng năm. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp đã tích cực tham mưu Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW gắn với thực hiện chương trình công tác năm 2024 của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy Bộ, các tổ chức chính trị và của từng đơn vị. Chính vì vậy, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp đã thực hiện triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác và thực hiện thành công kế hoạch công tác đề ra, kịp thời nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; giáo dục nâng cao chính trị, tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp. Ban Chỉ đạo đã đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Đảng ủy Bộ triển khai Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong toàn Đảng bộ Bộ Tư pháp. Sau 02 tháng phát động, Đảng ủy Bộ Tư pháp đã nhận được 82 bài dự thi và là một trong 10 đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất tham gia Cuộc thi trong Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương. Kết quả có 02 bài dự thi có chất lượng tốt, đạt Giải khuyến khích.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp rất quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên internet, xử lý những trường hợp vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm lộ bí mật của Đảng và Nhà nước, phát tán thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch và tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW.
Vì vậy, nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức Bộ Tư pháp về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được nâng lên. Cán bộ, đảng viên có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng; không bị suy thoái về chính trị, tư tưởng; không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không vi phạm các điều đảng viên không được làm, không bị xử lý theo quy định của Đảng; bảo đảm và đáp ứng tốt các yêu cầu đòi hỏi công việc trong bối cảnh mới. Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật nhà nước được tăng cường. Việc phân công nhiệm vụ giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc được thực hiện rõ ràng, cụ thể đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các thành viên trong Ban Chỉ đạo.
Tuy nhiên, đồng chí Phan Thị Hồng Hà cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định như một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35- NQ/TW thường xuyên, liên tục; việc viết bài và đăng tải bài viết, thông tin tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp còn ít, chưa có chiều sâu, còn thiếu tính hệ thống…
Nhận thức những hạn chế còn tồn tại, Ban Chỉ đạo 35 đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2025, như cần phải tiếp tục quán triệt kịp thời, đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, đạt hiệu quả các văn bản, nghị quyết của Đảng về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung; bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương và Ban Chỉ đạo 35 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp; chỉ đạo tổ chức, thực hiện triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; đồng thời, tiếp tục rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký giúp việc; thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả công tác trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành Tư pháp bảo đảm thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và điều kiện, thực tiễn của Bộ và từng đơn vị, đưa công tác này đi vào chiều sâu, phát triển ổn định, bền vững; đặc biệt, tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao kết quả công tác của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp đã đạt được; Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp đã thực hiện rất nghiêm túc, bài bản các nhiệm vụ công tác, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Đồng thời, các đồng chí kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để Ban Chỉ đạo 35 Bộ Tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đề nghị Ban Chỉ đạo cần thông tin nhiều hơn; xác định nội dung, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để cán bộ, công chức, viên chức hiểu và thực hiện; cần tiếp tục ban hành kế hoạch sớm và tiếp tục thực hiện quán triệt cho hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự về kết quả tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW để ổn định chính trị, tư tưởng, giúp giải quyết tốt công việc theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Đồng chí Chu Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị, trong năm 2025, Ban Chỉ đạo 35 cần đẩy mạnh, tuyên truyền mạnh mẽ về các sự kiện trọng đại của đất nước, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp và Đại hội Đảng các cấp.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Phạm Quang Hiếu, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người sử dụng mạng internet, mạng xã hội của Việt Nam rất cao, như khoảng 80% dân số sử dụng mạng internet, khoảng 90% dân số sử dụng mạng di động 3G, 4G…; Việt Nam thuộc 20 nước dùng mạng xã hội nhiều nhất thế giới; các mạng xã hội được sử dụng nhiều là google, facebook, youtube… Đồng thời, đồng chí Phạm Quang Hiếu cho biết, Bộ Tư pháp đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về Cổng thông tin điện tử; năm 2024 đã đăng tải trên 3.000 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã đưa thông tin hoạt động của Cổng thông tin của Bộ và Cổng thông tin về phổ biến, giáo dục pháp luật lên facebook và đã được cấp tick xanh. Để đấu tranh, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đạt chất lượng, hiệu quả, đồng chí Phạm Quang Hiếu đề nghị cần sử công cụ số để phân loại tin, bài, lọc tin bài; bám sát hoạt động truyền thông của đất nước cũng như của Bộ, ngành Tư pháp; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức; bảo đảm an toàn thông tin mạng; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và hệ thống các cơ quan báo chí trong thực hiện nhiệm vụ truyền thông; quản lý từ nguồn và từ các mạng xã hội để quản lý, ngăn chặn các thông tin xấu độc.
Đồng thời, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã phát biểu để công tác của Ban Chỉ đạo 35 đạt chất lượng, hiệu quả cao, Bộ Tư pháp cần tiếp tục đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, chú trọng truyền thông chính sách, pháp luật; có phần mềm lọc thông tin; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền phối hợp để có thông tin phổ biến quán triệt ngay khi có vấn đề liên quan đến bảo vệ an ninh chính trị nội bộ…
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu, năm 2024, công tác thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Tư pháp cũng như của các đơn vị thuộc Bộ rất bài bản, khoa học và đã thực hiện thành công tất cả các nhiệm vụ đề ra. Vì thế, lập trường chính trị, tư tưởng, quan điểm của đảng viên, cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp vững vàng, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, công tác của Ban Chỉ đạo 35 còn một số hạn chế, như một số cấp ủy chưa nhìn nhận đúng nhiệm vụ, chưa quan tâm thực hiện hết, thực hiện tốt các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 35 đề ra; một số hoạt động thiếu chiều sâu; hoạt động phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đòi hỏi nhiều thách thức, cán bộ chưa có đủ kiến thức; Việt Nam là nước hội nhập sâu, rộng và số lượng, tỷ lệ người sử dụng internet rất cao, thuộc loại lớn trên thế giới nên các thông tin sai trái, xấu độc trên không gian mạng có tốc độ lan truyền nhanh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về việc cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Bộ, ngành Tư pháp phải gương mẫu, tiên phong trong chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; nhất là năm 2025 là năm đặc biệt, có nhiều ngày lễ lớn, các thế lực thù địch sẽ đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước nên cần phải quan tâm đặc biệt, có cách làm mới phù hợp. Vì vậy, Bộ, ngành Tư pháp cần phải:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tư tưởng, tăng cường truyền thông để cán bộ, công chức hiểu, nhận thức và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, qua đó nâng cao chất lượng công tác, làm tốt chức năng nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành Tư pháp; lấy “xây” để “chống” lại các thông tin xấu độc, nên cần quan tâm, đẩy mạnh các thông tin tốt trên không gian mạng.
Thứ hai, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, trọng tâm là hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp.
Thứ ba, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, lấy “xây” để “chống”, các thông tin cần phải cập nhật thường xuyên, đầy đủ trên không gian mạng để người dân biết, hiểu về Bộ, ngành Tư pháp; duy trì tương tác thông tin với người dân trên không gian mạng.
Thứ tư, nghiên cứu tổ chức cuộc thi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Thứ năm, thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, mời chuyên gia đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
PV