Toàn cảnh cuộc họp
Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã thông tin, ngày 12/8/2024, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Kết thúc phiên họp chuyên đề của Chính phủ về cho ý kiến đề nghị xây dựng Luật, hầu hết các thành viên đều thống nhất với nội dung của 03 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật. Bên cạnh đó, để hoàn thiện các quy định về xây dựng, ban hành văn hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến đối với 06 nội dung sau: (i) Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, thẩm quyền quyết định Chương trình giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (ii) Tiếp tục quy trình hai giai đoạn gồm xây dựng chính sách và soạn thảo gắn với hạn chế phạm vi thực hiện (chỉ đối với việc xây dựng luật mới), luật thay thế phải làm quy trình chính sách và Nghị quyết thí điểm của Quốc hội; (iii) Nguyên tắc, phạm vi xây dựng các đạo luật: Luật cụ thể đối với vấn đề đã ổn định, đã “chín”, đã rõ, đã thống nhất, gắn với tiêu chí điều chỉnh các mối quan hệ tư (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các luật hạn chế quyền con người, quyền công dân); luật quy định những nội dung, vấn đề cơ bản, nguyên tắc (đối với vấn đề dự báo có sự thay đổi, chưa ổn định và các luật về đầu tư, kinh tế…); (iv) Về nội dung văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ: Nghị định “không đầu” báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành; nghị định thí điểm/nghị quyết của Chính phủ áp dụng cho một, một nhóm đối tượng, một vụ việc cụ thể trong một thời gian nhất định...; (v) Hiệu lực áp dụng pháp luật, ngoài các nguyên tắc trên dưới, trước sau, cần bổ sung nguyên tắc luật chung, luật chuyên ngành; (vi) Về thời gian trình, đề xuất trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường về xây dựng pháp luật dự kiến tháng 01 - 02/2025.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức phát biểu tại cuộc họp
Trong thời gian tới, với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tổ chức thực hiện các nội dung tại Kế hoạch soạn thảo Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), cụ thể: Tổ chức rà soát, nghiên cứu phục vụ việc xây dựng Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); tổ chức nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài phục vụ việc xây dựng Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) thông qua hoạt động nghiên cứu và tổ chức hội thảo, tọa đàm; thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); nghiên cứu, xây dựng Dự thảo 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); xây dựng Tờ trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); xây dựng Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo Luật; xây dựng Bản đánh giá thủ tục hành chính trong Dự thảo Luật; chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); tổ chức lấy ý kiến đối với Dự án Luật: Đăng tải trên cổng thông tin của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành, địa phương; thực hiện việc tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý; tổ chức hội thảo, tọa đàm, góp ý, truyền thông về nội dung Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); xây dựng bản tổng hợp và giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)...
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến cụ thể đối với một số nội dung tại Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu như: Cần nghiên cứu bổ sung quy định về các hoạt động truyền thông chính sách liên quan đến nội dung của Dự thảo Luật trong Kế hoạch triển khai Luật; nội dung liên quan đến tổ chức thi hành pháp luật cần quy định theo định hướng nguyên tắc về quy trình, thủ tục, nội dung, phương pháp, hình thức theo dẫn chiếu của luật chuyên ngành; khi đưa các nội dung mới vào Dự thảo Luật cần phải đánh giá kỹ tác động của nội dung này với các luật khác; cần nghiên cứu kỹ quy định về bỏ nghị quyết của cấp xã ra khỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bởi dưới góc độ thực tiễn cho thấy, số lượng những văn bản này cho đến thời điểm hiện nay vẫn là rất lớn; cần cân nhắc nội dung liên quan đến việc nhập nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành và nghị định quy định biện pháp thi hành với nhau do bản chất của 02 nghị định này là khác nhau; cần nghiên cứu giảm bớt các loại văn bản; cân nhắc nội dung về nguyên tắc áp dụng pháp luật chung và chuyên ngành do liên quan đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận sự cố gắng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Thứ trưởng chỉ đạo, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phải được xây dựng một cách nhất quán, bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Có như vậy, Luật dễ hiểu, dễ áp dụng, phản ứng chính sách tốt, tránh tình trạng hệ thống pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng.
Đồng thời, Thứ trưởng đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc Bộ với các nội dung cụ thể như: Theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương; rà soát các điều ước quốc tế; nguồn lực đảm bảo về tài chính; điều khoản áp dụng, trình tự giải thích pháp luật và trình tự hướng dẫn áp dụng pháp luật...
Thùy Dung