Những kết quả đã đạt được
Những kết quả đã đạt được
Kể từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Nam tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động từ 10 - 12 đợt, tại 31 xã của 03 huyện nghèo, hầu hết là những xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, thu hút hơn 3.000 lượt đối tượng tham dự để nghe cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tuyên truyền về Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, các chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số như: Chế độ học sinh, sinh viên, chế độ vay vốn, chế độ hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất ở... Ngoài ra, người dân sẽ được tư vấn chủ yếu về các vấn đề huân, huy chương thất lạc chưa được hưởng chế độ; về tranh chấp đất làm rẫy; về bồi thường, hỗ trợ do những dự án làm đường nhưng không kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ cho đồng bào; các chế độ đối với người tham gia Cách mạng trước năm 1975 nhưng không còn giấy tờ…
cộng đồng, các trợ giúp viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý còn đến tận nhà gặp gỡ người dân để tìm hiểu và giúp đỡ họ giải quyết những vướng mắc liên quan đến pháp luật. Hoạt động này giúp người dân có điều kiện bày tỏ kiến nghị, bức xúc, được tư vấn trực tiếp để hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời được hướng dẫn và giúp đỡ các thủ tục cần thiết về khiếu nại, khiếu kiện..., nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, mỗi năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý còn cấp hơn 10 loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật với số lượng lên đến 2.000 tờ để bà con nghiên cứu và áp dụng.
Trong quá trình trợ giúp pháp lý, cán bộ Phòng Tư pháp 03 huyện nghèo cũng tham gia cùng đoàn để tư vấn những vấn đề liên quan đến quản lý ngành như: Khai sinh, khai tử, cải chính hộ tịch… để nhân dân có điều kiện hoàn chỉnh các giấy tờ tùy thân khi cần thiết.
Các hoạt động khác cũng được thực hiện thường xuyên trong 04 năm qua như: Mỗi năm, hỗ trợ cho 02 cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số, mỗi người 7.000.000 đồng để học chuyên môn; bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý mỗi năm một lớp 40 người, tổ chức ngay tại địa bàn của mỗi huyện; mỗi xã của 03 huyện nghèo được hỗ trợ 3.000.000đồng/năm để sinh hoạt Câu lạc bộ. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác trợ giúp pháp lý, giúp họ có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xử lý được những vụ việc ít phức tạp ngay tại cơ sở, hạn chế khiếu nại vượt cấp, kéo dài, ổn định trật tự ở địa phương cơ sở.
Đến với bà con bằng những tấm lòng
Chị Trần Thị Kim Hoa, cán bộ phụ nữ xã Trà Cang, huyện Nam Trà My tâm sự: “Do vùng sâu, vùng xa, cán bộ và nhân dân hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên các chính sách vay vốn cho phụ nữ triển khai còn chậm, chị em chưa tiếp cận được với nguồn vốn của Nhà nước; vấn đề khai sinh vẫn còn chưa kịp thời, khai sinh cho con ngoài giá thú vẫn còn lúng túng…, vì vậy, cán bộ xã rất cần cán bộ tỉnh, huyện lên giúp đỡ. Hôm nay, có đoàn trợ giúp pháp lý lên, bà con mừng lắm…”. Ông Hồ Văn Iếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Nam đã bộc bạch: “Chân thành cảm ơn đoàn trợ giúp pháp lý đã đến và đem những kiến thức pháp luật đến với đồng bào vùng cao và mong rằng, trong những năm tới, cũng chương trình này, sẽ có nhiều nội dung phong phú hơn, có thời gian nhiều hơn để bà con có điều kiện tiếp cận với pháp luật nhiều hơn”. Còn ông Hồ Văn Huy, Trưởng thôn 4, xã Trà Nam, huyện Nam Trà My thì kể những khó khăn nơi đây như: Chưa có nhà văn hóa thôn, chưa có đường liên thôn, chưa có nước sinh hoạt, chưa có hầm vệ sinh, nói chung là bà con nơi đây còn thiếu thốn trăm bề, nên cần sự trợ giúp của Nhà nước.
Là người trợ giúp pháp lý, cũng nhờ Chương trình 52, chúng tôi mới có điều kiện đi đến những vùng đặc biệt khó khăn, mới thấy và hiểu được những khó khăn của đồng bào. Xuất phát từ đáy lòng mình, chúng tôi cũng tỏ lòng khâm phục và chia sẻ những khó khăn mà bà con nơi đây đã chịu đựng để bám đất, bám rừng mà xây dựng quê hương với bao nhiêu gian khó, bộn bề. Về phần mình, chúng tôi nguyện cố gắng đem hết khả năng vốn có của mình để góp một phần nhỏ vào nâng cao hiểu biết pháp luật cho bà con. Trên đường về, trong lòng mỗi người chúng tôi đều có một nỗi niềm trăn trở là làm thế nào, có giải pháp cụ thể nào để bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo, trước mắt có nhà ở khu định cư tập trung, có đường liên thôn, liên nóc, để con cái họ thuận tiện cho việc học hành, có hầm vệ sinh…, đi đôi với việc tạo điều kiện về đất, giống, kỹ thuật, để bà con sản xuất, chăn nuôi một cách hợp lý theo từng vùng. Chúng tôi cũng suy nghĩ, có thể nghiên cứu lồng ghép các chương trình giảm nghèo, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả các chương trình một cách tốt nhất, để giải quyết các khó khăn của bà con trong một thời gian sớm nhất. Đó cũng là trăn trở của những người làm công tác trợ giúp pháp lý, nhưng đồng thời cũng là nguyện vọng tha thiết của chính quyền địa phương và bà con nơi đây, mong rằng, những ước mơ này sớm trở thành hiện thực.
Mặc dù có khó khăn, vất vả sau những chuyến đi, nhưng trong lòng của những người trợ giúp pháp lý luôn có niềm vui là được mang đến cho bà con “cái luật” để góp phần xóa đói giảm nghèo, trong đó có nghèo về pháp luật. Sâu xa hơn, cũng mong muốn làm phong phú thêm các hoạt động trợ giúp pháp lý, đồng thời cũng khẳng định vị trí, vai trò của trợ giúp pháp lý là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là hoạt động thuộc chức năng xã hội của Nhà nước, là bộ phận của tổng thể các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo bền vững, chính sách dân tộc, trách nhiệm pháp lý của Nhà nước pháp quyền, nhằm đảm bảo cho người nghèo và đối tượng chính sách được bình đẳng, công bằng tiếp cận pháp luật và tư pháp, thể hiện đầy đủ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân
Lê Hăng Vân