.Năm 2016, trong điều kiện chung của cả nước và tỉnh còn rất nhiều khó khăn, việc triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã bám sát các chương trình, kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp và tỉnh Đắk Lắk, cùng với nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp để triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, gặt hái nhiều thành tựu trên các mặt công tác.
Nổi bật nhất là thể chế các lĩnh vực công tác của Ngành Tư pháp tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các sở, ngành, địa phương phối hợp, triển khai tốt các nhiệm vụ, mục tiêu công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh[1]. Công tác xây dựng, thẩm định, góp ý văn bản có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là bước đầu đã triển khai thi hành kịp thời, thống nhất, đồng bộ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành[2]. 158 văn bản quy phạm pháp luật của cả tỉnh được ban hành trong năm 2016 đều có ý kiến góp ý, thẩm định có hiệu quả của các cơ quan tư pháp, làm cơ sở cho sự chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương bằng pháp luật.
Hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cũng được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý văn bản không phù hợp quy định của pháp luật. Toàn tỉnh đã kiểm tra 229 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện và hoàn thành xử lý 01 văn bản có dấu hiệu không phù hợp với pháp luật; kiểm tra theo thẩm quyền 71 văn bản (đều phù hợp với pháp luật); thực hiện có hiệu quả việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật định kỳ và theo chuyên đề[3]; thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân tra cứu, sử dụng và tăng cường tính công khai của hệ thống pháp luật.
Đi đôi với xây dựng thể chế, bộ máy của Ngành Tư pháp cũng được củng cố và đang dần hoàn thiện hơn để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới. Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ vào Văn phòng Sở Tư pháp và sửa đổi Quy chế tổ chức, hoạt động của Sở Tư pháp; kiện toàn, đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ của Ngành Tư pháp: Từ 11 cán bộ và 03 phòng chuyên môn khi mới thành lập, đến nay, Sở Tư pháp có 13 phòng, trung tâm với 110 cán bộ, công chức, viên chức; 15 Phòng Tư pháp cấp huyện có 74 cán bộ, công chức; 184 xã, phường, thị trấn có 317 cán bộ tư pháp - hộ tịch (trong đó, 132 xã, phường, thị trấn đã bố trí 02 cán bộ tư pháp - hộ tịch, đạt tỷ lệ 72% - vượt 32% số xã theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp).
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đã hướng mạnh về cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, nội dung phù hợp, mở rộng đến nhiều đối tượng. Điểm nhấn quan trọng trong năm 2016 là thực hiện tốt đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức thành công chung kết Hội thi “Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã với pháp luật” ở 02 cấp (tỉnh và huyện) để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho nhóm đối tượng này ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021; đã có 8.952 cuộc tuyên truyền pháp luật, 18 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, bản tin Tư pháp Đắk Lắk (phát hành định kỳ hàng tháng) và gần 02 triệu bản tài liệu phổ biến pháp luật khác, hơn 8.000 tin, bài về pháp luật… được thực hiện, cho thấy sự chủ động, nỗ lực của tư pháp tỉnh Đắk Lắk trong việc đưa pháp luật ngày càng “thấm” vào cuộc sống và nâng cao ý thức của người dân, tạo chuyển biến rõ nét trong việc chấp hành pháp luật của nhân dân. Tổ chức bộ máy, cán bộ trợ giúp pháp lý được củng cố, kiện toàn với 01 trung tâm, 03 chi nhánh, 07 trợ giúp viên, 23 luật sư, 131 cộng tác viên khác thực hiện trợ giúp pháp lý đem lại lợi ích thiết thực cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, góp phần vào thành công chung trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk còn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi; triển khai thi hành Luật Hộ tịch bước đầu đạt hiệu quả, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân; tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ công tác hộ tịch, chứng thực cho đội ngũ cán bộ tư pháp. Nhằm thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính đã tạo ra bước đột phá trong phương thức tiếp nhận và trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi hơn cho cá nhân và tổ chức có yêu cầu. Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã cấp 4.074 phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, trong đó, tỷ lệ trả trước thời hạn đạt 97,4%, điều này đã củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân, thể hiện hiệu quả phối hợp giữa Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan trong việc tạo lập cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.
Một lĩnh vực công tác khác cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, đó là việc quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp[4] hoạt động nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện kinh tế thị trường. Hội Công chứng viên tỉnh Đắk Lắk - tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các công chứng viên đã được thành lập, là “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết đội ngũ công chứng viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, giám sát việc tuân theo pháp luật, thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai áp dụng phần mềm quản lý công chứng, tạo lập cơ sở dữ liệu công chứng các hợp đồng, giao dịch về động sản, bất động sản thống nhất trong toàn tỉnh; đồng thời, cũng đã chủ động phối hợp với Đoàn Luật sư sửa đổi quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.
Một số lĩnh vực công tác tuy khá mới nhưng rất phức tạp, nặng nề của Ngành Tư pháp đó là kiểm soát thủ tục hành chính, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật đều được Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk chủ động tìm tòi, nghiên cứu, tập trung cao độ trí và lực triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, đạt kết quả cao nhất. Trong năm 2016, đã rà soát 807 thủ tục hành chính, qua đó, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, góp phần đáng kể vào công cuộc cải cách hành chính của tỉnh; chú trọng lựa chọn lĩnh vực có nhiều “bức xúc” (đất đai, giao thông đường bộ) để theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính; tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã. Mặt khác, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk còn cho ý kiến về mặt pháp lý đối với hàng chục trường hợp phức tạp về xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực đất đai, thuế, quản lý trật tự đô thị, tố tụng hành chính, quản lý thị trường, quyết toán vốn hoàn thành... của các cơ quan, đơn vị.
Ngoài những nhiệm vụ chuyên môn có tính chất thường xuyên, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk còn thực hiện tư vấn pháp luật rất thấu tình, đạt lý, có chất lượng cao giúp Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết nhiều vụ việc, cũng như khiếu nại, tố cáo của công dân phức tạp, kéo dài, phục vụ tốt công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh và đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành tin tưởng, đánh giá cao.
Từ các hoạt động vĩ mô giúp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoạch định chiến lược tư pháp của tỉnh, xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đến các hoạt động chuyên môn có tính tác nghiệp, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp như đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực..., công tác tư pháp ngày càng gắn kết, thấm sâu hơn vào đời sống của người dân, đáp ứng nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân, phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Những thành quả của Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk đạt được trong thời gian qua cũng đã được Đảng và Nhà nước kịp thời ghi nhận, biểu dương sự đóng góp tích cực của tư pháp tỉnh Đắk Lắk thông qua nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ và phần thưởng cao quý nhất là được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Riêng trong năm 2016, Sở Tư pháp đã vinh dự được Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Cờ thi đua Ngành Tư pháp và tặng Bằng khen cho 01 tập thể, 02 cá nhân; Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận 04 tập thể Lao động xuất sắc và tặng Bằng khen cho 05 tập thể, 05 cá nhân.
Trước yêu cầu đổi mới của đất nước cũng như của tỉnh Đắk Lắk, Sở Tư pháp đã, đang và sẽ không ngừng đổi mới từ lề lối làm việc, phương thức quản lý, điều hành, đến phương pháp xử lý công việc, tác phong làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Luôn tranh thủ, nắm bắt sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đối với công tác tư pháp và kịp thời, nhạy bén trong đề xuất, tham mưu, sáng kiến về mặt chính sách pháp luật, cũng như giải pháp thực hiện để làm đổi thay diện mạo, nâng tầm công tác tư pháp và tiếp tục đóng góp tích cực, quan trọng, hiệu quả đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển của tỉnh nhà. Tin tưởng rằng, Sở Tư pháp ngày càng tăng cường vị thế trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk, luôn luôn là cơ quan “gác cửa” pháp lý hiệu quả nhất cho Ủy ban nhân dân tỉnh
Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đăk Lăk
[1]. Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 07 Quyết định về trình tự, trách nhiệm xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa, cập nhật cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; điều kiện, tiêu chuẩn chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Sở Tư pháp, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Tư pháp cấp huyện; quy chế phối hợp giải quyết các trường hợp vướng mắc giữa giấy tờ hộ tịch và các giấy tờ, hồ sơ khác của công dân; quy định cộng tác viên dịch thuật và mức thù lao dịch thuật; quy chế cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng; quy chế bán đấu giá tài sản nhà nước.
[2]. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ soạn thảo, ban hành, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ công chức làm công tác xây dựng pháp luật, công tác pháp chế ở cấp tỉnh, cấp huyện.
[3]. Đã rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến dịch vụ công trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài nguyên và môi trường, phí và lệ phí; rà soát văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành để đảm bảo thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
[4]. Gồm: 23 tổ chức hành nghề luật sư, 10 chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư với 68 luật sư; 14 tổ chức hành nghề công chứng với tổng số 26 công chứng viên; 09 tổ chức bán đấu giá tài sản với 25 đấu giá viên; 02 tổ chức giám định tư pháp với 95 giám định viên tư pháp.