Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí là Trưởng, Phó các đơn vị thuộc Bộ như Văn phòng Bộ, Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Con nuôi, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Bồi thường nhà nước, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Cục Công nghệ thông tin.
Về phía các điểm cầu tại 25 địa phương có các đồng chí Giám đốc, Phó giám đốc Sở Tư pháp chủ trì các điểm cầu. Về phía Cục Công tác phía Nam có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Cục trưởng và các đồng chí Phó Cục trưởng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi cho biết: Năm 2021 đi qua trong khó khăn, do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, nhưng với tinh thần vươn lên mạnh mẽ, nổ lực vượt khó, chủ động, sáng tạo trong công việc, toàn ngành Tư pháp đã ghi lại những dấu ấn trên mọi lĩnh vực công tác, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, chung tay cùng hệ thống chính trị trong giải quyết các vấn đề phát sinh do dịch bệnh Covid, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong 3 tháng đầu năm 2022, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, quyết liệt, hiệu quả của Bộ Tư pháp và cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp khu vực phía Nam đã tích cực và chủ động tham gia với chính quyền các cấp trong việc rà soát, chuẩn bị cơ sở pháp lý, xây dựng các văn bản để chỉ đạo ứng phó, hỗ trợ các ngành sớm ổn định, phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch; đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, nhất là các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Hội nghị nhằm đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện kết quả đạt được, đồng thời trao đổi, chia sẻ cách làm hay, hiệu quả, phân tích những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao để tham mưu, đề xuất những giải pháp thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo đơn vị.
Hội nghị đã nghe báo cáo kết quả công tác tư pháp của khu vực phía Nam trong 03 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những khó khăn và kiến nghị do Cục Công tác phía Nam tổng hợp; ý kiến phát biểu của 09 Sở Tư pháp (Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Đắk Nông, Bình Phước, Cà Mau) liên quan đến những khó khăn trong thực tiễn tại cơ sở, những sáng kiến, những mô hình của Sở Tư pháp đang được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá cao làm cho vai trò của cơ quan tư pháp ngày càng được củng cố, nâng cao như mô hình quy chế liên tịch giữa Đoàn Luật sư - Hội Luật gia - Thanh tra - Sở Tư pháp phối hợp tư vấn pháp luật, mô hình câu lạc bộ hòa giải cơ sở; trang web hỗ trợ phổ biến giáo dục pháp luật… và những kiến nghị của địa phương liên quan đến công tác hộ tịch, chứng thực, văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, xử lý vi phạm hành chính, cấp phiếu lý lịch tư pháp…
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Hùng – Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cho biết việc trễ hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp đã được giảm tối đa, gần như không còn tình trạng chậm, được nhân dân ghi nhận. Đồng chí Võ Văn Tuyển – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật ghi nhận những khó khăn của địa phương, đồng thời cũng cho biết Vụ đã tham mưu sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp tình hình chung. Đồng chí Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực cho biết trong thời gian sắp tới, 03 dịch vụ công thiết yếu (đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn) sẽ được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong khu vực phía Nam hiện còn 13/25 địa phương chưa thực hiện liên thông giữa phần mềm Một cửa (eGov) và Phần mềm của Bộ Tư pháp nên công chức phải thao tác 02 lần trên 02 hệ thống. Đối với kiến nghị hướng dẫn chứng thực bản sao giấy tờ hộ tịch điện tử, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp Văn phòng Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ để hướng dẫn cho địa phương.
Quý 1/2022, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Quốc Hội và Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật, Đề án chiến lược xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tập trung lãnh đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ tư pháp địa phương. Thứ trưởng Mai Lương Khôi đánh giá 25 Sở Tư pháp khu vực phía Nam đã vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2021, đã có những cách làm hay, sáng tạo, khẳng định được vai trò của cơ quan tư pháp đối với chính quyền địa phương. Trong năm 2022, các Sở Tư pháp tiếp tục số hóa sổ bộ hộ tịch, xúc tiến thực hiện 3 dịch vụ công thiết yếu theo quy định, tiếp tục triển khai công tác tư pháp, thi đua với chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao”. Thứ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho Cục Công tác phía Nam tổng hợp những khó khăn vướng mắc, gửi về các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ, trả lời kiến nghị của địa phương,
Những hình ảnh tại Hội nghị:
(Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp)