Nằm trong chuỗi các hoạt động tri ân hướng tới Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2023), sáng ngày 14/7/2023, Chi đoàn Tạp chí Dân chủ và Pháp luật phối hợp với Chi ủy Tạp chí tổ chức tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nhằm giúp cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao niềm tự hào dân tộc, truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” “Hiếu nghĩa, bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn đối với các anh hùng, liệt sỹ - những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, ý chí anh dũng, kiên cường, bất khuất đã đem cả máu xương của mình để cống hiến cho sự nghiệp dựng xây và bảo vệ đất nước. Tất cả những điều thiêng liêng đó đều được ghi dấu bởi những hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với 2.100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày tại 29 phòng có tổng diện tích 1.500 m² về thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến 1945; cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập, thống nhất tổ quốc từ 1945 đến 1975 đầy gian khổ mà anh hùng của dân tộc và công cuộc xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh từ 1975 đến nay.
Tham quan từng phòng trưng bày tại Bảo tàng, tiếp nối hiện ra là hình ảnh chân thực của những xiềng xích, gông cùm, chiếc máy chém lưu động của thực dân Pháp đặt tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) dùng để hành quyết nhiều người Việt Nam yêu nước…; những chiếc áo trấn thủ sờn rách, bạc màu, lá cờ vẽ bằng máu, khẩu súng làm bằng tre, chiếc xe thồ mòn lốp…; tấm thẻ thuế thân của người dân Việt Nam dùng dưới thời Pháp thống trị mà chúng ta từng nghe đến trong tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố, gắn với hình ảnh chị Dậu đã phải bán chó, bán con để nộp thuế cho chúng… Đó là những bằng chứng “sống” của một chế độ thực dân tàn khốc và dã man đã gây ra những cảnh đói rét, lầm than, tù đày, đầu rơi máu chảy, tang tóc đau thương; cùng với đó là một tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, sự hy sinh, anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ và sau cùng, đó còn là những nỗi đau mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu khi chiến tranh đã đi qua.
Tại nơi đây còn lưu giữ những tư liệu và hiện vật rất quý báu với bộ sưu tập về những nǎm hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch và các vị lãnh tụ khác; sách báo của Đảng xuất bản vào thời kỳ 1920 - 1945; Cờ Đảng nǎm 1930, cờ đỏ sao vàng nǎm 1941; bộ sưu tập vũ khí có lưỡi mác của đội xích vệ ở Nghệ An nǎm 1930, súng khai hậu của du kích Bắc Sơn (1941), nỏ của nhân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi) khởi nghĩa nǎm 1958, bệ phóng tên lửa bắn tan xác máy bay B52 của Mỹ… cho thấy sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấm thía hơn về một giai đoạn lịch sử khốc liệt, về một tinh thần dân tộc anh hùng, bất khuất.
Trân trọng và tự hào, xúc động đến nghẹn ngào trước từng bức ảnh, từng hiện vật ghi dấu thời kỳ đấu tranh gian khổ mà rất đỗi hào hùng của dân tộc - đó là cảm xúc chân thực nhất còn đọng lại trong tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đoàn viên Tạp chí. Chuyến tham quan với những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng sẽ là những tư liệu, tài liệu vô giá nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, con người, đồng thời, khắc sâu vào tiềm thức thế hệ trẻ Tạp chí về công lao của Đảng, những chiến công hiển hách của các anh hùng, liệt sỹ. Tuổi trẻ Tạp chí hôm nay sẽ nguyện bước tiếp con đường mà các thế hệ đi trước đã chọn; sống, lao động, học tập thật tốt và không ngừng phấn đấu để xứng đáng với những hy sinh to lớn của các anh, luôn tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho non sông, đất nước.
Thu Hằng