Vì vậy, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nỗ lực tự thân của mỗi người lao động, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước có tính quyết định. Tổ chức công đoàn phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giúp cho người lao động khi tham gia quan hệ lao động có đủ khả năng tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp, tổng số công đoàn cơ sở là 1.281 đơn vị (trong đó số công đoàn cơ sở trong khu vực ngoài nhà nước là 321), tổng số đoàn viên công đoàn là 107.067 người (khu vực ngoài nhà nước là hơn 76.000 người).
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24/02/2009 về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ 2009 đến 2012 (Đề án 31). Triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 5603/KH-UBND ngày 28/12/2009 thực hiện Đề án 31 giai đoạn I (2009 - 2012) và Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày 21/02/2013 thực hiện Đề án 31 giai đoạn II (2013 - 2016).
Thực hiện Đề án 31, Kế hoạch số 5603/KH-UBND, Kế hoạch số 379/KH-UBND, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 87/KH-LĐLĐ ngày 09/12/2010 về việc triển khai thực hiện “Ngày Pháp luật”; Kế hoạch số 72/KH-LĐLĐ ngày 23/10/2010 về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009 - 2012 và Kế hoạch số 11/KH-LĐLĐ ngày 02/12/2013 về việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2013 - 2016; cử thành viên tham gia Tổ giúp việc Đề án 31 của tỉnh và thành lập Tổ giúp việc Tiểu đề án 3 của Liên đoàn Lao động tỉnh; thành lập Tổ giảng viên kiêm chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hệ thống công đoàn.
Hàng năm, triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ của năm đến các Ban Liên đoàn Lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các công đoàn ngành, công đoàn các khu công nghiệp, công đoàn cơ sở trực thuộc để triển khai chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động đến công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Kết quả là từ năm 2009 đến năm 2016, đã tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được khoảng 440 lớp cho trên 80.000 công nhân lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Tại các lớp tập huấn, người lao động đã được nghe tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động liên quan đến người lao động và người sử dụng lao động khi tham gia quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, giao kết và thực hiện hợp đồng lao động, tiền lương, việc làm, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Luật Công đoàn… Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng. Chuyên mục “Hỏi - Đáp pháp luật” được Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng mỗi tháng 01 số. Từ năm 2009 đến năm 2016, đã phát sóng được 84 chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, phóng sự kết quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cấp công đoàn phát sóng trên VTV1, VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh còn phát hành “Bản tin công đoàn” hàng tháng với số lượng trên 1.300 cuốn/1 số/tháng, chuyên mục “Lao động và công đoàn”, tuyên truyền 20 pa-nô lớn về tổ chức công đoàn tại các trục đường chính của 09 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và trong khu công nghiệp. In và phát hành 100.000 tờ rơi (trong đó tiếng Anh, Trung, Việt là 90.000 tờ), tiếp nhận của Ban Chỉ đạo Đề án 31 của tỉnh 11.250 cuốn tài liệu tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, 8.000 tờ rơi về bảo hiểm thất nghiệp, 8.000 tờ rơi về hợp đồng lao động, 5.000 tờ rơi về bảo hiểm y tế và đã phát cho công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động, người lao động trong các buổi tập huấn. Trang bị 270 tủ sách pháp luật tại 270 công đoàn cơ sở với 80.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, 16.000 tờ rơi, mỗi tủ có từ 25 - 35 đầu sách, có giá trị từ 02 - 2,5 triệu đồng/tủ. Tổ chức 04 cuộc hội thảo, trong đó có 02 hội thảo về “Thực trạng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho công nhân lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Nhiệm vụ và các giải pháp công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động của tổ chức Công đoàn Vĩnh Phúc những năm tiếp theo” và 02 hội thảo về “Thực trạng hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động (giai đoạn 2009 - 2012) và những giải pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động của công đoàn cơ sở doanh nghiệp trong thời gian tới”. Tổ chức 01 hội nghị tổng kết Tiểu đề án 3 giai đoạn 2013 - 2016, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền pháp luật. Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh tổ chức được 15 cuộc đối thoại cho gần 2.000 công nhân lao động tại doanh nghiệp, 22 buổi tư vấn pháp luật lưu động cho khoảng 500 lượt người, tổ chức được 50 buổi sinh hoạt nhóm cho các nhóm công nhân nòng cốt tại khu nhà trọ thôn Vinh Thịnh Đông, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 31 của tỉnh, việc triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn và pháp luật khác có liên quan cho người lao động được thuận lợi cả về thời gian và kinh phí. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động, giảm thiểu đáng kể các cuộc tranh chấp lao động và đình công trái pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn. Nhiều nơi, nhất là trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, người lao động chưa quan tâm nhiều và chưa hiểu biết đầy đủ về pháp luật lao động. Khi vào làm việc ở công ty, họ chỉ chú trọng đến những nhu cầu cơ bản như tiền lương, ngày giờ công lao động, thu nhập tăng thêm… trong khi có những nội dung quan trọng khác lại ít được quan tâm như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động… Công nhân lao động ở các doanh nghiệp chủ yếu xuất thân từ nông thôn, có trình độ học vấn không đồng đều, nhận thức, hiểu biết về pháp luật lao động, về tổ chức công đoàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời gian của công nhân lao động (đặc biệt là công nhân lao động khối doanh nghiệp FDI) rất khó khăn, các chủ doanh nghiệp chưa tạo nhiều điều kiện nên chủ yếu việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật làm ngoài giờ hành chính và ngoài giờ làm việc... Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở hoạt động. Nhận thức của một số người sử dụng lao động về công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mỗi doanh nghiệp; chưa tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động. Mặt khác, hiện nay, cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp hầu hết là kiêm nhiệm, do người sử dụng lao động trả lương, nên việc tổ chức các hoạt động công đoàn tại cơ sở và tham gia các hoạt động của công đoàn cấp trên tổ chức còn phụ thuộc chủ yếu vào chủ sử dụng lao động.
Có thể khẳng định, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động trong doanh nghiệp là rất cần thiết và quan trọng, qua việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của công nhân lao động, giúp công nhân lao động và tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Từ đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động, đặc biệt là công nhân lao động khu vực ngoài nhà nước, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc