Cộng hòa liên bang Đức đã ban hành luật về chuyển đổi giới tính từ năm 1980, đến nay vẫn còn hiệu lực. Luật này sẽ hết hiệu lực vào ngày 01/11/2024 và được thay thế hoàn toàn bằng Luật Tự quyết về ghi chú giới tính (SBGG). Theo luật hiện hành có từ năm 1980, những người muốn đổi tên hoặc giới tính trên các giấy tờ chính thức phải có đánh giá y tế của hai chuyên gia và quyết định của Tòa án, còn đạo luật mới sẽ giúp những người chuyển giới, liên giới tính và phi nhị nguyên giới dễ dàng thay đổi tên và giới tính trong hồ sơ chính thức.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Cộng hòa liên bang Đức đã chia sẻ nhiều quy định của pháp luật Đức đến với các đại biểu tham dự. Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tại Cộng hòa liên bang Đức có được tự quyết trong việc can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính hay không, ông Mario Gyoeri, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức cho biết, pháp luật Cộng hòa liên bang Đức hiện hành quy định rất khắt khe về việc can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính của người dưới 18 tuổi, bởi vì khi đã can thiệp y tế rồi sẽ không can thiệp ngược lại được nữa. Có nhiều giải pháp đã được đưa ra để giải quyết tình trạng này, chờ cho đến khi người chuyển đổi giới tính đủ 18 tuổi như dùng thuốc ngăn chặn sự dậy thì, để người chưa đủ 18 tuổi có đủ thời gian suy nghĩ, cho đến khi đủ tuổi có thể tự quyết định. Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia y tế đã khuyến cáo không sử dụng biện pháp này, vì dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Toàn cảnh Hội thảo
Về vấn đề lao động việc làm đối với người chuyển đổi giới tính được nhiều đại biểu quan tâm, ông Mario Gyoeri, đại diện Đại sứ quán Cộng hòa liên bang Đức cho biết, vấn đề giới tính không phải là vấn đề quan trọng đối với các nhà tuyển dụng tại Đức, người chuyển đổi giới sẽ không bị cắt hợp đồng hay ảnh hưởng đến công việc chỉ vì họ chuyển đổi giới tính. Bên cạnh đó, các vấn đề như nuôi con nuôi, lưu trữ phôi, tinh trùng để sinh con duy trì nòi giống, kết hôn của người chuyển đổi giới tính, cách giải quyết khi phát sinh mâu thuẫn giữa con cái là người chuyển giới dưới 18 tuổi và cha mẹ về can thiệp y tế… cũng được các chuyên gia Đức chia sẻ tại Hội thảo.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, quyền của người chuyển giới đã được công nhận rõ ràng hơn và được bảo vệ mạnh mẽ hơn. Việc chuyển đổi giới tính và việc được công nhận giới tính mới phù hợp với mong muốn là một nhu cầu cơ bản của cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Luật Chuyển đổi giới tính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất xây dựng từ năm 2015. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giới tính là vấn đề mới và khó nhất là thể chế hóa thành các quy định cụ thể trong dự án Luật nên cần phải có thời gian để tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Đại diện cho người chuyển giới tại Việt Nam, ông Chu Thanh Hà, Sáng lập viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn, đào tạo và phát triển sáng kiến về giới IT’S T TIME cho biết, Việt Nam chưa có luật chuyên ngành về chuyển đổi giới tính, vì vậy, cộng đồng chuyển giới Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi giấy tờ chứng minh nhân thân, từ đó dẫn tới khó khăn trong công việc và sinh hoạt. Tình trạng bị từ chối cơ hội việc làm, bị bạo lực và bắt nạt trong trường học, khó khăn trong việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng… cũng được ông Chu Thanh Hà chia sẻ tại Hội thảo. Về dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính Việt Nam đang xây dựng, ông Chu Thanh Hà cho rằng, việc quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên mới được sử dụng các biện pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính như trong dự thảo (Điều 10), có thể dẫn tới nhiều khó khăn trong học tập, sinh hoạt, định hướng nghề nghiệp của họ. Thêm vào đó, tình trạng phiền muộn giới, bức bối kéo dài, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy như trầm cảm kéo dài, có thể dẫn tới hành động tiêu cực như tự huỷ hoại bản thân, tự tử… Theo ông Chu Thanh Hà, việc điều trị nội tiết tố sinh dục sớm giúp người chuyển đổi giới tính dễ dàng có được hình dáng bên ngoài như mong muốn, giảm thiểu các vấn đề liên quan đến phiền muộn giới, đồng thời, hỗ trợ quá trình phát triển cá nhân trong học tập và nghề nghiệp của họ khi trưởng thành. Ông Chu Thanh Hà mong muốn Việt Nam sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền lợi cho người chuyển đổi giới tính tại Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Về một số vấn đề đặt ra liên quan đến quyền của người chuyển giới trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội, TS. Mạc Thị Hoài Thương phát biểu đến vấn đề bình đẳng, không bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, các vấn đề liên quan đến lao động việc làm, tuổi nghỉ hưu, chi trả bảo hiểm y tế, các vấn đề dành riêng cho lao động nữ… Theo TS. Mạc Thị Hoài Thương bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật về chuyển đổi giới tính, cần tiếp tục nỗ lực để bảo đảm những quy định mới này sẽ được thực hiện một cách hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người chuyển giới có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Việc thực hiện pháp luật về chuyển đổi giới tính không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước mà cần phải thay đổi về tư duy và thái độ của xã hội đối với người chuyển giới. Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về quyền, nghĩa vụ của cá nhân sau khi chuyển đổi giới tính tương ứng với mức độ can thiệp y học. Trước mắt, Luật nên tập trung giải quyết những yêu cấu bức thiết nhất của người chuyển đổi giới tính như công nhận giới tính, thay đổi thông tin về hộ tịch, giới tính của cá nhân chuyển đổi giới tính trên các loại giấy tờ đã cấp. Đối với giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực pháp luật an sinh xã hội sẽ được nghiên cứu kỹ khi sửa đổi các quy định pháp luật chuyên ngành (Bộ luật Lao động năm 2019; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) sau khi Luật Chuyển đổi giới tính được ban hành.
Minh Trí