Toàn cảnh phiên họp
Về sự cần thiết phải xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đại diện Bộ Công an, qua thực tiễn triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân cho thấy, hiện nay, có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh. Điều đó cho thấy, các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm, công dân chưa biết cách tự bảo vệ, chưa biết cách khiếu kiện, phản đối, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là do pháp luật chưa ghi nhận các quyền của công dân đối với dữ liệu cá nhân, nhận thức của chủ thể dữ liệu còn hạn chế, cơ chế thực thi bảo vệ các quyền công dân chưa được hoàn thiện. Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đại diện Bộ Công an trình bày Tờ trình dự án Luật
Theo đó, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động tại nước ngoài; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam và được đánh giá tác động trên cơ sở 04 nhóm chính sách gồm: (i) thống nhất quy định pháp luật về các thuật ngữ pháp lý liên quan tới dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân; (ii) quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; (iii) hoàn thiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quá trình xử lý dữ liệu; (iv) hoàn thiện quy định bảo đảm các điều kiện, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông tin cho biết, khoản 5 Điều 2 dự thảo Luật đã đưa ra giải thích về dữ liệu phi cá nhân, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc định nghĩa mà chưa nhấn mạnh được việc trở thành tài sản có thể sở hữu, trao đổi, kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với nội dung về giám sát an ninh mạng, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng các cơ chế đặc thù riêng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng này. Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1 Điều 52 quy định “bộ phận, nhân sự có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân được chỉ định trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân”, khoản 3 Điều 49 quy định “chỉ định tổ chức bảo vệ dữ liệu cá nhân, chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân và trao đổi thông tin với cơ quan chuyên trách về bảo vệ dữ liệu cá nhân...”, hai quy định này được hiểu là các cơ quan phải có chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đại biểu, điều này có thể làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến nguồn nhân sự.
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Nhất trí với ý kiến của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các nội dung liên quan đến tổ chức nhân sự. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lược bỏ quy định về cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân và cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Điều 51 dự thảo Luật do nội dung này thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015. Về trách nhiệm thi hành, dự thảo Luật chỉ nên quy định nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, các nhiệm vụ của các cơ quan phối hợp khác sẽ do Chính phủ quy định.
Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu lại điểm i và điểm m khoản 4 Điều 2 dự thảo Luật do nội dung của hai quy định này có sự trùng nhau; khoản 8 Điều 2 dự thảo Luật được giải thích theo hướng liệt kê, do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại để bảo đảm đầy đủ các hoạt động; khoản 8 Điều 8 dự thảo Luật quy định về chuyển giao dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân không phù hợp với mục đích xử lý dữ liệu có phạm vi quá rộng, vì vậy cần phải bổ sung nội dung liên quan đến hậu quả và ảnh hưởng tiêu cực vào quy định này nhằm giới hạn phạm vi; điểm d khoản 1 Điều 16 dự thảo Luật đề cập đến tình trạng khẩn cấp, tuy nhiên cần rà soát lại để bảo đảm sự thống nhất với Luật Tình trạng khẩn cấp sắp được ban hành.
Trao đổi tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính cho biết, điểm 3 Mục IV Tờ trình về việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã đề cập đến việc Nhà nước đầu tư kinh phí tổ chức thực hiện nhưng chưa có nội dung dự kiến cụ thể về tài chính, thanh toán khoản chi phí phát sinh từ ngân sách nhà nước, dự kiến nguồn lực để bảo đảm triển khai sau khi Luật được thông qua. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Về sự cần thiết phải ban hành Luật tại Tờ trình, Thứ trưởng nhấn mạnh, nội dung này đang được trình bày quá dài so với tổng thể các nội dung của Tờ trình, do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thiết kế lại với số lượng hợp lý, có thể nghiên cứu đưa một số nội dung vào báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động. Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền trẻ em, liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện…
Đối với các quy định tại dự thảo Luật, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lưu ý một số nội dung sau: nghiên cứu xác định rõ tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng của các hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 46; làm rõ mối quan hệ giữa bên kiểm soát dữ liệu và bên xử lý dữ liệu; cần lược bỏ Điều 6 do nội dung của Điều này đã được quy định trong Luật Điều ước quốc tế; lược bỏ quy định về khiếu nại, tố cáo do đã được quy định trong Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; lược bỏ các nội dung thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ…
Thùy Dung