Hoạt động in đang ngày một phát triển
Từ khi Luật Xuất bản năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012 và Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in được Chính phủ ban hành ngày 19/6/2014 đã có nhiều ý kiến đóng góp, cho rằng Nghị định này có nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện thông thoáng để ngành công nghiệp in Việt Nam phát triển, trong đó có nhiều quy định và thủ tục hành chính còn rườm rà, không sát với thực tế. Ngày 28/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in, trong đó trên 50% các điều khoản đã được sửa đổi, bổ sung thể hiện sự cầu thị của cơ quan quản lý ngành, tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ngày 04/10/2022, Nghị định số 72/2022/NĐ-CP ra đời nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP. Tuy số điều khoản sửa đổi, bổ sung không nhiều nhưng đã tiếp tục tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho ngành in.
Từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in Thành phố Hồ Chí Minh
Chia sẻ về những điểm mới trong Nghị định số 72/2022/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành in, ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh 05 vấn đề chính:
Thứ nhất, quy định về sản phẩm in. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm mục đích minh bạch, cụ thể hóa từng loại sản phẩm in quy định tại điểm g khoản 4 Điều 2 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP “Tài liệu, giấy tờ của tổ chức, cá nhân”, tránh gây nhầm lẫn và có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hiện pháp luật.
Thứ hai, về điều kiện kinh doanh. Thực hiện bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh - trật tự; vệ sinh môi trường” để tương ứng với đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh: Bảo đảm các điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm điều kiện về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, quy định về thủ tục cấp giấy phép, đăng ký hoạt động in: Sửa đổi, bổ sung loại hình cơ sở in là “Hợp tác xã” nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này; đảm bảo đầy đủ, công bằng cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội đều được tham gia hoạt động in, vì hoạt động in đã được xã hội hóa; quy định cấp giấy phép hoạt động in, đăng ký hoạt động in cho chi nhánh của cơ sở in đặt ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác ngoài tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh thực hiện cấp giấy phép hoạt động in, xác nhận đăng ký hoạt động in.
Thứ tư, quy định về thiết bị in. Quy định thủ tục và tuổi cho các thiết bị in khi nhập khẩu, đồng thời chuyển thủ tục cấp phép nhập khẩu sang thủ tục khai báo với Bộ Thông tin và Truyền thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc thống nhất quản lý nhà nước trong việc nhập khẩu thiết bị in, loại bỏ các quy định về việc nhập khẩu thiết bị in được quy định chung với các máy móc thiết bị khác tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân khi nhập khẩu thiết bị in, tiết kiệm được thời gian và chi phí; hạn chế được các thiết bị in quá cũ nhập khẩu vào Việt Nam, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm in và môi trường.
Thứ năm, quy định về trách nhiệm của cơ sở in. Quy định cấm các hành vi in, đặt in bao bì, nhãn hàng hóa của các sản phẩm mà các sản phẩm này thuộc loại phải có giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận chất lượng theo quy định của pháp luật nhưng không có các loại giấy tờ này.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hội in Hà Nội
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hội in Hà Nội đánh giá: “Khi ban hành Nghị định số 72/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp thuộc Hội in Hà Nội cũng giống như các doanh nghiệp liên quan đã cắt giảm những thủ tục hành chính, cập nhật các quy trình quản lý in theo phương pháp số hóa hiện nay giúp các doanh nghiệp triển khai thuận lợi và cũng đã cập nhật lại những sản phẩm in với những quy định cụ thể, rõ ràng”.
Về những ưu điểm của Nghị định số 72/2022/NĐ-CP, ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam nêu rõ: “Việc bỏ điểm d khoản 5 Điều 15 của 02 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP và số 25/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở in phải có sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in, gia công sau in giúp cho các cơ sở in giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết, bởi mọi công việc thực hiện tại cơ sở in đã thể hiện qua các hợp đồng, phiếu sản xuất, phiếu giao hàng, hóa đơn thanh toán và thanh lý hợp đồng. Ngoài ra, cũng tránh cho cơ sở in gặp rắc rối mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đến chỉ kiểm tra thủ tục này khiến nhiều cơ sở in vì không cập nhật kịp thời sẽ bị xử phạt hành chính”.
Ông Nguyễn Văn Dòng - Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam tại Hội nghị về xuất bản, in và phát hành
Quy định về tiêu chí nhập khẩu đối với các thiết bị in tại khoản 2 Điều 27 Nghị định số 72/2022/NĐ-CP, ông Dòng nhận định: “Ở đây quy định về độ tuổi của các thiết bị in đã qua sử dụng được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Quy định này có ý nghĩa rất lớn, tránh cho các đơn vị nhập khẩu các thiết bị in phải thực hiện các quy định bất cập và phức tạp theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Việc quy định các hình thức báo cáo, đăng ký, xin cấp phép bằng thư điện tử qua các cổng thông tin điện tử đã thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, giúp giảm thiểu thời gian đối với các thủ tục hành chính. Ngoài ra, việc phân cấp, phân quyền rộng rãi hơn cho các địa phương cũng được đánh giá cao”.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp in
Đối với các doanh nghiệp của ngành in, Nghị định số 72/2022/NĐ-CP đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề về thủ tục hành chính.
Ông Đoàn Đắc Trưởng, Phó Giám đốc Công ty in Tiến Bộ nhận định: “Nghị định số 72/2022/NĐ-CP có một số điểm mới so với Nghị định số 60/2014/NĐ-CP và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP phần nào tháo gỡ kịp thời đối với một số khó khăn cho doanh nghiệp như: Bãi bỏ thủ tục hành chính cấp phép nhập khẩu thiết bị in, thay vào đó, trước khi nhập thiết bị, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ cần khai báo với Bộ Thông tin và Truyền thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia theo quy định; bãi bỏ thủ tục hành chính đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xác nhận chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu. Trước khi sử dụng các loại thiết bị này, tổ chức, cá nhân chỉ cần khai báo với Sở Thông tin và Truyền thông theo quy định. Việc Chính phủ bãi bỏ một số thủ tục hành chính rườm rà đã tồn tại nhiều năm qua đã giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tiết kiệm được thời gian và các chi phí phát sinh khác.
Ông Đoàn Đắc Trưởng, Phó Giám đốc Công ty In Tiến Bộ
Nghị định số 72/2022/NĐ-CP quy định rất chi tiết về tiêu chí nhập khẩu đối với từng loại thiết bị in như: Đối với các thiết bị chế bản, tạo khuôn in, tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm; các thiết bị in công nghiệp và thiết bị gia công sau in tuổi thiết bị không vượt quá 20 năm là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động ngành in hiện nay. Đối với các thiết bị chế bản, tạo khuôn in và thiết bị máy in và gia công có tuổi thọ dưới các năm theo quy định khi các doanh nghiệp nhập khẩu về khai thác sử dụng vẫn hiệu quả, giá thành thấp phù hợp với năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp in Việt Nam hiện nay. Đối với các thiết bị chế bản, tạo khuôn in có tuổi thọ rất ngắn nếu Chính phủ cho nhập các thiết bị chế bản, chế tạo khuôn in có tuổi thọ quá 10 năm và thiết bị máy in, giá công có tuổi thọ quá 20 năm thì hiệu quả sử dụng rất hạn chế, đến giai đoạn thiết bị xuống cấp, hỏng hóc thường xuyên, tiêu hao vật tư lớn, năng suất thấp, sử dụng một thời gian ngắn sẽ thành phế liệu rắn ảnh hưởng cho việc xử lý môi trường”.
Ông Chu Thế Hùng – Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thiết bị in (Prinmatexim)
Ông Chu Thế Hùng - Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thiết bị in (Prinmatexim) chia sẻ: “Nghị định số 72/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhiệp xuất nhập khẩu thiết bị ngành in. Trước đây, do sự nhận định khác nhau của các cơ quan thực thi chính sách về mặt hàng thiết bị ngành in đã qua sử dụng làm cho doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị ngành in gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong các năm gần đây. Từ khi Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg có hiệu lực, mặc dù Quyết định này chỉ điều chỉnh trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy nhưng mã HS lại bao trùm từ mã HS.84.39 - 84.40 - 84.41 chung với thiết bị ngành in và bao bì gây nên sự nhận định khác nhau của các cơ quan chức năng khi thực thi chính sách cho rằng thiết bị ngành in đã qua sử dụng cũng nằm trong sự điều chỉnh này. Quy trình nhập khẩu theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quá phức tạp từ khâu hàng hóa phải chuyển ra kho ngoại quan, kiểm hóa theo các quy định về chất lượng, môi trường… và các điều kiện khắt khe khác nhau mà doanh nghiệp ngành in không thể dễ dàng nhập khẩu thiết bị ngành in như trước. Điều đó thực sự không khả thi, tốn kém thời gian, tiền bạc và phát sinh tiêu cực đối với quy trình kiểm định thiết bị, dây truyền công nghệ đã qua sử dụng khi nhập khẩu về Việt Nam. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc xin cấp giấy phép qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đã được triển khai, đẩy nhanh tiến độ xin cấp phép và minh bạch các thông tin được xin cấp phép. Doanh nghiệp tự xin và tự chịu trách nhiệm đối với hàng hóa nhập khẩu của mình. Thời gian cấp giấy phép trong vòng 07 ngày cũng là thời hạn phù hợp với doanh nghiệp. Việc xin cấp phép thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ giúp các cơ quan chức năng khi tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu như hải quan, thuế… dễ dàng tra cứu và kiểm tra quá trình cấp phép và hậu kiểm. Nghị định số 72/2022/NĐ-CP thực sự tháo gỡ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiết bị in rất nhiều về quy chế, đơn giản hóa các thủ tục, không lẫn lộn giữa các thiết bị đã qua sử dụng theo Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, giảm được chi phí và đơn giản hóa các thủ tục hành chính”.
Nghị định số 72/2022/NĐ-CP đã tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về yêu cầu ngày càng cao đối với ngành thông tin và truyền thông nói chung, lĩnh vực in nói riêng, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cơ sở in phát triển, từng bước hiện đại hóa ngành in, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, bảo đảm tốt hơn nữa quyền kinh doanh một cách lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực in./.
Hiền Anh