Công tác cán bộ trong Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng không nằm ngoài yêu cầu đó, cũng phải hết sức chú trọng việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cả về “tâm” và “tầm”. Đòi hỏi chúng ta, ngoài việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ còn phải nghiêm túc, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm phụng sự, phục vụ nhân dân, phải là những người thực sự có tâm và có tài. Nói đến công tác THADS thì không ít người cho rằng, THADS là “cái nghề đòi nợ”. Đó là cách hiểu phiến diện, không đúng về ngành THADS, bởi công tác THADS không chỉ là thu hồi nợ. Thi hành án dân sự có thể hiểu một cách khái quát là việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và mặt khác, bảo đảm việc thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, bảo đảm cho việc bản án, quyết định của Tòa án được thực thi trên thực tế.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến một số khía cạnh về “chữ tâm” của người cán bộ, công chức trong lĩnh vực THADS như sau:
Trước hết, dưới góc độ chung, THADS như là một khâu trong tố tụng (dân sự, dân sự trong hình sự, thương mại, hành chính… ) và là một trong những nhiệm vụ, một bộ phận cơ cấu của Ngành Tư pháp. Đến nay, THADS đã trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, thi hành án dân sự tạo ra những tiền đề quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung Ngành Tư pháp, xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Không những vậy, 75 năm qua, điều lắng đọng lại mà không phải ai cũng có thể nhận thấy đó chính là cái “tâm” của đội ngũ những người làm công tác thi hành án dân sự nói chung và của chấp hành viên nói riêng. Khi xem thi hành án dân sự như là một khâu trong tố tụng thì đây là khâu cuối cùng và phải khẳng định rằng, đây là khâu quan trọng nhưng cũng khó khăn, phức tạp nhất trong tố tụng (dân sự, dân sự trong hình sự, thương mại, hành chính… ), liên quan trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của đương sự nên dễ phát sinh căng thẳng, xung đột, thậm chí là đối diện với nguy cơ thương tích, án mạng.
Tính chất khó khăn, phức tạp của công tác thi hành án dân sự được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau như: Là giai đoạn trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích, tài sản của các bên đương sự, diễn ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mà mỗi lĩnh vực đều có những quy định riêng, đặc thù (đất đai, nhà cửa, tháo dỡ công trình, quyền nhân thân như nuôi con…); tài sản chung, tài sản riêng, tài sản không rõ nguồn gốc, nhất là đất đai, bất động sản. Để xác minh tài sản của người phải thi hành án là việc làm không đơn giản đối với cơ quan thi hành án dân sự, các chấp hành viên, chưa kể đến những khó khăn từ phía đương sự, do rất nhiều đối tượng không cộng tác đối với cơ quan thi hành án dân sự, các chấp hành viên trực tiếp giải quyết vụ việc, như tẩu tán, che giấu tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, thậm chí là chống đối, đe dọa tính mạng chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp. Mặt khác, kết quả của hoạt động thi hành án dân sự, không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vai trò của cơ quan điều tra, chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát các cấp, chất lượng xét xử của thẩm phán. Trong thực tiễn, có rất nhiều bản án tuyên không rõ, không đúng thực tiễn, không đúng pháp luật, chưa thấu tình đạt lý thì việc giải quyết ở giai đoạn thi hành án dân sự là vô cùng khó khăn, phức tạp. Chính vì thế, để có thể thi hành bản án, quyết định của Tòa án hiệu quả trên thực tế, đòi hỏi chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ, đối chiếu với rất nhiều quy định pháp luật; biết kết hợp hài hòa giữa “cái tình” và “cái lý”, không những phải vận dụng tất cả kỹ năng nghiệp vụ để giải quyết vụ việc trên cơ sở quy định của pháp luật mà còn phải bằng cả “cái tâm” tận lòng, tận tâm vì công việc, vì lợi ích của người dân thì việc thi hành án dân sự mới được giải quyết “thấu tình đạt lý”.
Bên cạnh đó, trong quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là quá trình xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, chấp hành viên có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với người phải thi hành án. Vì thế, chấp hành viên không chỉ tiến hành xác minh về tài sản mà còn nắm bắt về nhân thân, về hoàn cảnh gia đình của họ. Bởi, trên thực tế cho thấy, rất nhiều người phải thi hành án thường có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bất ổn về tinh thần, hoàn cảnh gia đình: Có trường hợp gia đình có 04 đứa con, chồng chết, có duy nhất một cái rẫy nhưng thế chấp ngân hàng vay vốn để canh tác nhưng mất mùa, tiêu chết, đến thời hạn không có tiền trả nợ, ngân hàng khởi kiện, án có hiệu lực buộc cơ quan thi hành án phải cưỡng chế thu hồi nợ (người mẹ và 03 người con cố thủ trong nhà rẫy nhiều ngày liền, với 1chai thuốc trừ sâu và một can xăng; phải vận động, thuyết phục nhiều ngày liền với nhiều ngành, nhiều cấp, vận động ngân hàng hỗ trợ thuê nhà, bảo đảm điều kiện sống cho 04 người trong một thời gian, họ mới chịu rời khỏi nhà, giao tài sản). Có trường hợp, đương sự chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương sinh sống thì đã ở độ tuổi ngoài 40, sức khỏe yếu, không có công ăn việc làm, họ bày tỏ: “Tôi tuổi cao mới ra tù sức yếu không ai thuê làm, không có tiền, người thân chẳng ai nhìn ngó thì sao mà có tiền thi hành án được, tôi chỉ muốn ở tù”. Trong những hoàn cảnh, điều kiện như vậy, đòi hỏi chấp hành viên, người làm công tác thi hành án phải hết sức lắng nghe, chia sẻ nỗi niềm cùng người phải thi hành án, động viên và phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là các ngân hàng (người được thi hành án) tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định chỗ ở, tìm công ăn việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống và có điều kiện để thi hành án.
Ngược lại, bên cạnh nhiều người phải thi hành án thường có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bất ổn về tinh thần, hoàn cảnh gia đình thì cũng có rất nhiều người phải thi hành án tìm mọi cách không chấp hành bản án, cố tình trì hoãn thi hành, khiếu nại, tố cáo khắp nơi, chửi bới, nhục mạ, thậm chí đe dọa, hành hung, gây thương tích, án mạng cho cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên trực tiếp giải quyết vụ việc. Do đó, chấp hành viên phải tăng cường phối hợp với các cán bộ, công chức trong cơ quan và các cơ quan khác như công an, Viện kiểm sát, vận động, thuyết phục, kiên quyết thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các đối tượng manh động, côn đồ, chống đối việc thực thi nhiệm vụ thi hành án.
Vì vậy, đối với từng vụ việc thi hành án cụ thể, chấp hành viên phải vận dụng linh hoạt các biện pháp, kỹ năng nghiệp vụ, đưa hết “cái tâm” trong sáng của mình để giải quyết, không thể rập khuôn, máy móc những biện pháp đã áp dụng ở vụ việc này vào việc giải quyết vụ việc khác. Thông qua quá trình suy luận chân thực, chấp hành viên phải tìm ra cách làm mới, biện pháp mới để giải quyết các vụ việc khác nhau. Đối với từng vụ việc cụ thể, chấp hành viên không những dựa trên cơ sở quy định của pháp luật mà còn phải bằng “cái tâm” của mình để có hướng xử lý hiệu quả mọi vấn đề có liên quan đến vụ việc.
Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự thì công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án là phương pháp đầu tiên, đóng vai trò quan trọng được chấp hành viên sử dụng trong các vụ việc dù đơn giản hay phức tạp. Điều đó đòi hỏi chấp hành viên phải vận dụng rất nhiều kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng dân vận và cả “cái tâm”, tấm lòng chân thành để vận động, thuyết phục sự đồng lòng, hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Bởi, khi vận động thuyết phục, hòa giải thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người được thi hành án mà người phải thi hành án cũng thoát khỏi những chi phí phát sinh (các chi phí cưỡng chế nếu phải dùng đến biện pháp cưỡng chế). Không những vậy, việc các đương sự hòa giải thành, tự nguyện thi hành án còn giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành công việc thuận lợi, nhanh chóng, tránh khỏi những gánh nặng về thời gian, công sức, kinh phí (giảm thực hiện các thủ tục thi hành án hoặc huy động nhiều lực lượng chức năng, phương tiện phục vụ cho công tác cưỡng chế…). Mặt khác, vận động, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án thì sẽ loại trừ được khả năng xảy ra chống đối, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội tại địa phương cũng như các khiếu nại, tố cáo phức tạp sau này.
Tuy nhiên, công tác vận động, thuyết phục trong thi hành án dân sự không phải lúc nào cũng thuận lợi và thành công. Nhiều đương sự, nhất là người phải thi hành án, khi được cán bộ thi hành án, chấp hành viên giải thích, vận động đã có thái độ thiếu tôn trọng, không hợp tác, cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, đi khỏi địa phương, khiếu nại vượt cấp, nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án, chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp đó thì cưỡng chế thi hành án là biện pháp cần thiết để bản án, quyết định của Tòa án được thi hành triệt để, nhưng khi phải tổ chức cưỡng chế sẽ tốn kém thời gian, công sức, tiền của… Vì thế, chấp hành viên rất trăn trở và phải áp dụng các biện pháp “dân vận khéo”, vận động, thuyết phục, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đương sự tự nguyện chấp hành bản án. Trên thực tế, mọi trường hợp không tự nguyện thi hành án đều có nhiều nguyên nhân (phần lớn là do không hiểu luật). Vấn đề đặt ra là, phải tìm cho ra nguyên nhân và xử lý dứt điểm, sẽ giải quyết thành công vụ việc, do đó, đòi hỏi chấp hành viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa mềm mỏng và kiên quyết, giữa nguyên tắc và linh hoạt bằng một “cái tâm sáng”, khiến cho đương sự chuyển hóa từ bất hợp tác sang hợp tác, từ chống đối sang đồng thuận. Không chỉ gặp gỡ, làm việc riêng với đương sự mà nhiều khi chấp hành viên còn phải tác động đến người thân của đương sự, bàn bạc với chính quyền nơi đương sự cư trú, cơ quan nơi đương sự làm việc để cùng phối hợp vận động; không chỉ đơn thuần giữ cương vị của người tổ chức thi hành bản án, có lúc, người chấp hành viên còn phải đảm nhận vai trò người tư vấn để đương sự thực hiện nghĩa vụ thi hành án một cách thuận tiện và có lợi nhất. Trên thực tế, rất nhiều vụ việc bằng “cái tâm” mong muốn điều có lợi nhất cho đương sự mà chấp hành viên đã thuyết phục thành công, giúp chuyển hóa từ vụ việc phải cưỡng chế sang chấp thuận thi hành án, việc thi hành án đạt kết quả bảo đảm bản án được thực thi nghiêm túc và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Công tác thi hành án dân sự là một lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi đội ngũ chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án ngoài việc tinh thông nghiệp vụ, kỹ năng thi hành án cần phải có “cái tâm” với nghề, cái tâm với đương sự, với dân, phải nỗ lực hết mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống thi hành án dân sự nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng vững mạnh, luôn xứng đáng với danh hiệu “người con trung hiếu, vì nước quên thân, vì dân phục vụ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì thành người vô dụng”.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Gia Lai