1. Khái quát chung về thị trường chứng khoán tập trung tại Việt Nam
TTCK là nơi cung cấp và huy động vốn trực tiếp, người có vốn nhàn rỗi và người có nhu cầu vốn trực tiếp tham gia thị trường mà không thông qua trung gian tài chính như ngân hàng. Thị trường gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo với sự tham gia của nhiều người mua và bán; giá hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu. Đây cũng là thị trường vừa gắn với hình thức tài chính dài hạn, vừa gắn với hình thức tài chính ngắn hạn.
Ngoài ra, TTCK còn mang tính thanh khoản - đây là loại tài sản có tính thanh khoản cao hơn các loại khác nhờ vào khả năng mua bán nhanh chóng qua thị trường. Hiện nay, cổ phiếu là loại hình mang tính thanh khoản cao nhất. Về khả năng sinh lời, chứng khoán có khả năng sinh lời ổn định thông qua việc chia cổ tức của các doanh nghiệp hoặc biến động tăng giá chứng khoán trên thị trường. Về tính rủi ro theo thị trường, chứng khoán là loại tài sản chịu tác động thông qua biến đổi của thị trường làm ảnh hưởng đến giá trị. Các vấn đề tạo nên rủi ro có thể là lạm phát, chính trị hoặc biến động của chính thị trường đó.
Gian lận trên TTCK là một loại tội phạm có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức nhưng chủ yếu liên quan đến việc xuyên tạc thông tin mà nhà đầu tư sử dụng để đưa ra quyết định. Thủ phạm trong lĩnh vực này có thể là một nhà môi giới chứng khoán, cũng có thể là cá nhân hoặc có thể là cả một tổ chức với các cách gian lận khác nhau.
Hiện nay, chưa có văn bản nào xác định các hành vi như thế nào mới được cho là gian lận trên TTCK nhưng căn cứ vào khoản 1 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019, có thể hiểu rằng, “trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ soát thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán” là hành vi gian lận trên TTCK. Theo đó, có thể phân chia thành 03 hành vi gian lận trên TTCK, cụ thể như sau:
- Hành vi giao dịch nội gian trên thị trường chứng khoán: Các giao dịch nội gián thường dựa trên việc cố tình lợi dụng lợi thế về việc tiếp cận được thông tin tốt hoặc xấu về hoạt động và tình hình tài chính của công ty. Các giao dịch này cực kì tinh vi, khó chứng minh được hành vi vi phạm, người nội bộ có thể không trực tiếp vi phạm mà có thể thông qua các mối quan hệ như bạn bè, người thân, đối tác kinh doanh dẫn đến việc rất khó phát hiện vi phạm.
- Hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán: Dấu hiệu thao túng giá có thể là đặt lệnh và thực hiện giao dịch ngược hướng với thị trường gây ảnh hưởng giả tạo đến giá chứng khoán, khoảng biến động giá lớn nhưng lại không có thông tin cơ bản giải thích được, mất cân bằng khối lượng lệnh đặt. Việc làm giá thường được diễn ra khi doanh nghiệp vừa có sự kiện quan trọng như mới đăng ký giao dịch trên sàn Upcom (thị trường của những công ty đại chúng chưa niêm yết, nơi tập hợp những công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn, phát hành chứng khoán ra công chúng nhưng chưa được niêm yết), vừa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán… Các giao dịch thao túng giá thường được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều tài khoản khác nhau với nhiều kỹ thuật như bơm giá và bán tháo, giao dịch không dẫn đến việc thay đổi sở hữu, tần suất giao dịch bất thường của nhóm tài khoản, giao dịch tạo giá đóng cửa, giao dịch tạo ấn tượng giả tạo về tính thanh khoản. Các kỹ thuật để thực hiện có yếu tố thông đồng, nhóm người làm, người hưởng để trốn tránh bị phát hiện khoản “thu lợi bất chính”, các tài khoản trong nhóm được dàn trải ở nhiều công ty chứng khoán để tránh phát hiện bất thường về lệnh đặt quá lớn và thường xuyên ở 01 công ty chứng khoán, các giao dịch thao thúng giá thường có sử dụng dịch vụ “tín dụng” của công ty chứng khoán như giao dịch kỹ quỹ, ứng trước tiền bán, hợp đồng hợp tác đầu tư.
- Hành vi tạo dựng, công bố thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán: Hành vi tạo dựng thông tin sai lệch thường rất phức tạp, có sự kết hợp nhiều thao tác và có tính thông đồng, việc công ty có tiền sử vi phạm một loại gian lận thì rất có thể thực hiện cùng các hành vi gian lận khác nữa, hầu hết các hành vi gian lận đều có bao gồm cả vi phạm trong công bố thông tin. Một số dấu hiệu hành vi gian lận là lợi nhuận không tương xứng với vị trí công ty trong ngành, nghề lĩnh vực, lợi nhuận được tạo ra từ các giao dịch đáng ngờ, vi phạm trong công bố thông tin, đơn vị tư vấn hoặc các đối tác quan trọng, cổ đông lớn thoái vốn, có đơn thư tố cáo.
2. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhà đầu tư trong nước
Thứ nhất, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư thông qua hoạt động thanh tra giám sát.
Thời điểm trước 01/01/2021 - là thời điểm Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành, công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK được tổ chức giám sát hai cấp. Sàn giao dịch chứng khoán là đơn vị giám sát cấp 01, thực hiện giám sát tuân thủ trong thực hiện nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, nghĩa vụ của thành viên giao dịch, một số đối tượng nhà đầu tư có nghĩa vụ công bố thông tin khi giao dịch; giám sát tuyến đầu đối với giao dịch có dấu hiệu bất thường của nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là đơn vị giám sát cấp 02, thực hiện giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK, giám sát tuân thủ đối với hoạt động nghiệp vụ của Sàn giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán; giám sát giao dịch bất thường như thao túng, nội gián... Trên cơ sở kết quả giám sát thường xuyên theo hai cấp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán trong trường hợp có đủ cơ sở để xử phạt ngay hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra trong trường hợp cần thiết để làm rõ vi phạm. Sau khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực, công tác giám sát TTCK đã được củng cố và hoàn thiện. Trong quá trình giám sát, thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện được nhiều vụ việc, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi lan truyền, gian lận, cung cấp thông tin sai sự thật, giúp cho các nhà đầu tư có sự sáng suốt, tránh khỏi các hành vi gian lận kịp thời trong việc đầu tư ở TTCK.
Thứ hai, bảo vệ nhà đầu tư thông qua việc ban hành quy định chuẩn mực quy tắc thị trường.
Có thể nói rằng, việc bảo vệ nhà đầu tư là chính sách quan trọng nhất để bảo đảm sự phát triển của TTCK ở bất kỳ một quốc gia nào. Có nhiều biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư, trong đó, việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư bằng pháp luật là một biện pháp quan trọng. Ở tất cả các nước có TTCK, Nhà nước đều ban hành pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong hoạt động chứng khoán và TTCK nhằm bảo đảm tính trật tự, ổn định của thị trường và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư - Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn, nguyên tắc thị trường là một trong những biện pháp quản lý quan trọng, đồng thời là hướng dẫn, cơ sở để thực hiện các biện pháp tác động khác. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa lĩnh vực chứng khoán và TTCK, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của TTCK và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chứng khoán.
Chẳng hạn, trong mối quan hệ giữa nhà đầu tư chứng khoán và quy định công bố thông tin của các công ty niêm yết, tổ chức phát hành cổ phiếu, trái phiếu, công ty chứng khoán và các TTCK khác, việc công bố thông tin kinh doanh của các sở giao dịch chứng khoán... là một trong những hoạt động quan trọng. Nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chứng khoán, pháp luật đã xây dựng các nguyên tắc cơ bản, xác lập quyền và nghĩa vụ của tổ chức chứng khoán đối với nhà đầu tư trong hoạt động công bố thông tin thị trường, tránh tiết lộ thông tin sai lệch. tránh che giấu việc công ty phát hành chứng khoán để thu lợi bất hợp pháp, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư trên TTCK.
Có thể nói rằng, việc bảo vệ nhà đầu tư là chính sách quan trọng nhất để bảo đảm sự phát triển của TTCK ở bất kỳ một quốc gia nào. Có nhiều biện pháp để bảo vệ nhà đầu tư, trong đó việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư bằng pháp luật là một biện pháp quan trọng. Ở tất cả các nước có TTCK trên thế giới, Nhà nước đều ban hành pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong hoạt động chứng khoán và TTCK nhằm bảo đảm tính trật tự, ổn định của thị trường và bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư.
Thứ ba, bảo vệ nhà đầu tư thông qua biện pháp xử lý vi phạm.
Xử lý vi phạm pháp luật chứng khoán và TTCK chủ yếu là việc áp dụng các chế tài tài chính đối với hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán và TTCK. Hành vi vi phạm pháp luật chứng khoán và TTCK có thể là hành vi vi phạm dân sự, hành chính hoặc hành vi cấu thành tội phạm.
Xử lý vi phạm trên TTCK là việc cơ quan quản lý TTCK hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác hoặc tổ chức tự quản áp dụng các chế tài đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trên TTCK. Nếu chủ thể vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK thì chủ thể vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài do pháp luật quy định. Nếu chủ thể vi phạm quy chế quản lý TTCK do tổ chức tự quản ban hành thì tổ chức tự quản sẽ áp dụng các biện pháp kỷ luật thị trường.
Qua nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một số các biện pháp xử lý vi phạm căn cứ vào Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP) nhằm cụ thể việc áp dụng chung cho việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và có thể dùng riêng để xử lý các hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật trên TTCK tại Việt Nam. Cụ thể:
- Căn cứ tại Điều 4 có thể chia hình thức xử phạt thành hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung: (i) Hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn; (ii) Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Đình chỉ hoạt động chào mua công khai; hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán; hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán… và biện pháp khắc phục hậu quả.
- Tại Điều 10 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định về việc vi phạm về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam, phân chia hình thức xử phạt thành hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Đối với hành vi sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch hoặc thông tin sai lệch với thông tin trong Bản cáo bạch để thăm dò thị trường... sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng và phải buộc dừng, phát hành chứng khoán mới hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành tại Việt Nam...
- Tại Điều 32 quy định về việc vi phạm về hành nghề chứng khoán và quản lý nhân viên, người hành nghề chứng khoán, chia hình thức xử phạt thành hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán...; môi giới giao dịch vay, mượn tài sản giữa các khách hàng hoặc giữa khách hàng và bên thứ ba… Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc không đúng nội dung ủy thác...
- Tại Điều 36 quy định về vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, chia hình thức xử phạt thành hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Phạt tiền gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán...
- Tại khoản 5 Điều 42 quy định về vi phạm quy định về công bố thông tin, chia hình thức xử phạt thành hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi công bố thông tin sai lệch.
Các biện pháp xử lý này mặc dù đã giúp cho TTCK xử lý được các hành vi trái pháp luật làm ảnh hưởng đến thị trường, song, vẫn chưa có điều luật cụ thể và rõ ràng về việc định nghĩa hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật trên TTCK cũng như điều luật cụ thể xử lý hành vi này, từ đó, có thể xử lý nghiêm, quản lý chặt hơn loại thị trường này, tránh việc lợi dụng lỗ hổng pháp luật để làm nhiễu loạn TTCK.
3. Thực trạng về hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật trên thị trường chứng khoán tập trung tại Việt Nam
Trải qua quá trình phát triển, TTCK Việt Nam ngày càng được quan tâm, tuy nhiên, đi cùng với đó thì các hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật cũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Mặc dù pháp luật ngày càng được hoàn thiện, các cơ quan chức năng ngày càng nâng cao nghiệp vụ, các biện pháp thanh tra, kiểm tra được triển khai rộng rãi, tuy nhiên, các hành vi gian lận vẫn còn tồn tại và biến động về số lượng cũng như về mức độ nghiêm trọng.
Theo bảng thống kê các hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán từ năm 2007 đến năm 2019 cho thấy, số lượng vi phạm trong công bố thông tin của cổ đông lớn, nội bộ ngày càng gia tăng; giai đoạn 2010 - 2019, số các vi phạm tuy biến động nhưng xu hướng vẫn tăng theo thời gian, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2019, số lượng vi phạm công bố thông tin của cổ đông lớn, nội bộ tăng cao đột biến. Đối với hành vi giao dịch nội gián và thao túng giá, số lượng các vi phạm bị xử lý không tăng đều và có những biến động qua các năm. Giai đoạn 2012 - 2015, số lượng vi phạm trung bình chỉ gần 04 vụ/năm nhưng đến giai đoạn 2016 - 2019, số lượng vi phạm trung bình đã tăng đến 07 vụ/năm, tăng gần như gấp đôi so với giai đoạn trước đó. Tổng số quyết định xử phạt cũng có xu hướng tăng dần qua các năm. Đây là những thống kê đáng báo động đối với sự phát triển cũng như tính minh bạch của TTCK Việt Nam.
Trong báo cáo khảo sát về công bố thông tin trên TTCK năm 2022 thuộc Chương trình IR Awards 2022 với mục đích nhằm vinh danh các doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2022, khảo sát được thực hiện trong vòng 12 tháng, từ ngày 01/5/2021 đến 30/4/2022 với 736 doanh nghiệp được niêm yết trên HOUSE và HNX. Bộ tiêu chí khảo sát được sử dụng làm chuẩn mực của Chương trình là các quy định của Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính và các quy định khác từ các cơ quan nhà nước có liên quan. Theo đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán trong năm 2022 chiếm hơn 52% tổng số doanh nghiệp được khảo sát với 385/736 đơn vị. Mặc dù qua 12 kỳ khảo sát (2011 - 2022) đã có những chuyển biến tích cực từ mức chỉ 3% năm 2011 thì đến năm 2022 đã đạt thành tích rất đáng mừng là 52%, những con số này thể hiện rõ được những chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về Công bố thông tin của các doanh nghiệp, góp phần tăng tính minh bạch trên TTCK Việt Nam. Song, cùng với sự chuyển biến tích cực đó thì vẫn còn tồn tại những doanh nghiệp chưa thể đáp ứng được tất cả các tiêu chí khảo sát về Công bố thông tin, cụ thể là có 351/736 doanh nghiệp chưa thể đáp ứng (chiếm 48%). Số lượng doanh nghiệp bị nhắc nhở, xử phạt vi phạm là 183 doanh nghiệp cao hơn rất nhiều so với năm 2021 là 88 doanh nghiệp, mặc dù công tác quản lý của các cơ quan nhà nước đã được nâng cao, tuy nhiên, nhận thức về pháp luật của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn là rào cản lớn trong việc làm “sạch” TTCK Việt Nam[1].
Để hiểu rõ hơn về hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật trên TTCK tại Việt Nam có những hình thức nào, hành vi tinh vi, che giấu nhằm qua mặt NĐTTN ra sao, chúng tôi xin dẫn chứng một số vụ án cụ thể như sau:
Vụ án đầu tiên, từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh D và các cá nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn THM (Tập đoàn THM) đã có các hành vi gian dối, công bố thông tin sai sự thật, sử dụng 03 công ty thành viên (Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản NSV, Công ty cổ phần Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn S, Công ty cổ phần C) và các công ty liên quan phát hành 09 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật tổng trị giá 10.030 tỷ đồng với mục đích huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Cụ thể, công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản NSV có 02 đợt phát hành trái phiếu ở doanh nghiệp lần lượt vào ngày 05/7 và ngày 20/9. Đối với lần phát hành đầu tiên, doanh nghiệp này đã phát hành lô trái phiếu tổng giá trị là 800 tỷ đồng với lãi suất cố định 12%/năm cho 04 kỳ thanh toán đầu tiên. Lần thứ 02 phát hành, công ty này phát hành 19 triệu trái phiếu với tổng giá trị 1.900 tỷ đồng, kèm với đó là lãi suất cố định 11,5%/năm. Từ ngày 06/7 đến 01/11/2021, Công ty Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn S phát hành 03 lô trái phiếu trị giá 1.750 tỷ đồng với mức lãi suất từ 11,5% đến 12%/năm. Còn lại, Công ty cổ phần C huy động nguồn vốn với 03 lô có tổng giá trị 3.680 tỷ đồng. Đáng chú ý, vào ngày 16/12/2021, công ty này thông báo phát hành lô trái phiếu lên tới 3.230 tỷ đồng, tuy nhiên, trong thông báo gửi cơ quan quản lý phát hành trái phiếu lại không nêu rõ mục đích phát hành.
Về mục đích phát hành trái phiếu, theo công bố, lô trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng được Tập đoàn này “rót” vào dự án xây dựng dải đất phía Nam đường ĐCV (quận H, Thành phố H) - 1 dự án đã dang dở 20 năm nay. Số trái phiếu trên được bảo đảm bằng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, bao gồm công trình xây dựng dự kiến hình thành trong tương lai tại dự án phía Nam đường ĐCV, lợi thế quyền sử dụng đất và 12,5% vốn góp (tương đương 200 tỷ đồng) tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản NSV. Tuy nhiên, dự án này vẫn đang “bất động”. Ở các lô trái phiếu khác, Công ty cổ phần Đầu tư - Dịch vụ Khách sạn S trong các đợt phát hành đều nêu rõ mục đích hợp tác kinh doanh dự án Khu du lịch phức hợp HH tại PQ. Công ty cổ phần C, ngày 22/11/2021 phát hành 02 lô trái phiếu với tổng trị giá 450 tỷ đồng cũng để đầu tư vào dự án này tại PQ. Như vậy, có tổng cộng 2.200 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu được công bố sẽ “rót” vào dự án khu phức hợp HH tại PQ.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Quyết định số 181/QĐ-UBCK ngày 03/4/2022 về việc hủy 09 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng của Tập đoàn THM từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do che giấu, công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, đã công bố thông tin phát hành 08 lô trái phiếu doanh nghiệp từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021, còn 01 lô trái phiếu chưa công bố trên Cổng thông tin trên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Vụ án thứ hai, năm 2020 - 2021, ông Đỗ Thành N mua lại hai công ty thua lỗ, có nguy cơ bị hủy niêm yết mã chứng khoán. Lần lượt đổi tên hai công ty thành Công ty LL (mã cổ phiếu X) và LC (mã cổ phiếu Y). Từ đây, ông tạo ra hệ sinh thái LH, cùng ông Đỗ Đức N thao túng giá chứng khoán với 2 mã X và Y. Ông Đỗ Thành N chỉ đạo thuộc cấp cùng người thân đứng tên đăng ký 17 tài khoản chứng khoán, ký hợp đồng vay vốn với Công ty T, dùng thao túng hai mã cổ phiếu trên.
Theo cơ quan điều tra, để thu hút thêm nhiều “con mồi”, ông Đỗ Thành N lập nhóm trên mạng xã hội mang tên LF hơn 10.000 thành viên và thường xuyên đăng bài viết hô hào “lùa gà”, để tác động đến các nhà đầu tư, tăng giao dịch với X và Y. Sau 09 tháng, cổ phiếu X ban đầu được mua giá 1.000 - 5.000 đồng, đã được đội giá, lập đỉnh 33.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu Y từ 1.800 - 6.000 đồng lập đỉnh giá 74.800 đồng, tức gấp 42 lần giá mua vào. Khi X và Y lập đỉnh cũng là lúc nhóm của ông Đỗ Thành N bán chốt lời. Khi vừa lập đỉnh, các phiên Y, X giảm sàn liên tục do mất thanh khoản, khối lượng giao dịch ít, rớt giá, nằm sàn. Song, nhóm của ông Đỗ Thành N đã kịp chốt lời, thu lợi bất chính hơn 154 tỷ đồng.
Từ hai vụ án trên, có thể thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong các quy định pháp luật Việt Nam về lĩnh vực đầu tư chứng khoán, cụ thể như sau:
- Hai vụ việc trên phần nào cho thấy sự hấp dẫn bởi những giá trị, lợi nhuận khủng khiếp mà TTCK Việt Nam đem lại. Rõ ràng, việc đầu tư vào cổ phiếu có tiềm năng kiếm được lợi nhuận cao hơn các lựa chọn thay thế như gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua vàng. Cổ phiếu cũng có tính thanh khoản cao hơn so với các lựa chọn khác như bất động sản và dễ dàng cho việc mua và bán, việc đầu tư cổ phiếu có thể bắt đầu với số vốn nhỏ và không phân biệt bất kỳ tầng cấp nào, ngành nghề nào. Đặc biệt, có thể tận dụng được thời gian của chính doanh nghiệp, vì sẽ rất khó để chúng ta có thể tự kinh doanh và có lợi nhuận ngay lập tức, không tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc, công sức nên việc đầu tư vào cổ phiếu chính là tận dụng thời gian của người khác để thu lợi nhuận cho bản thân mình. Bên cạnh những mặt lợi ích của việc đầu tư vào TTCK thì cũng tồn tại song song những tiềm ẩn rủi ro mà các nhà đầu tư không thể tránh khỏi. Những nhà đầu tư có thể là những người có sự hiểu biết nhất định về TTCK nhưng họ cũng không thể lường trước hết được những chiêu trò tinh vi của các đối tượng có hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật nhằm thao túng TTCK.
- Các quy định của pháp luật hiện hành về hành vi vi phạm công bố thông tin vẫn còn thiếu sự đa dạng về chế tài, cũng như các chế tài bổ sung mang tính chất răn đe. Việc vi phạm về hành vi công bố thông tin chỉ có các mức xử phạt hành chính kèm theo hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại các khoản 5, 5a, 5b và 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.
- Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về việc phát hành các loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Căn cứ vào khoản 7 Điều 6 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ thì loại hình trái phiếu do doanh nghiệp quyết định theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quy định về nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu được quy định tại Điều 5 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, theo đó, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành. Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 28,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 5/2021, có đến 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán). Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng 26% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu.
Từ đó, có thể thấy, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định liên quan đến việc trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Trong môi trường đầu tư đầy biến động thì việc quy định vẫn còn lỗ hổng như vậy sẽ dẫn đến việc tăng rủi ro của các nhà đầu tư. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm kinh doanh thua lỗ, không đủ khả năng tài chính để chi trả thì nhà đầu tư phải đối diện với khả năng không được hoàn tiền mua hoặc tiền đặt cọc (nếu có) là rất lớn…
- Qua vụ việc của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn THM, có thể thấy, các hành vi gian lận, công bố thông tin sai sự thật vẫn chưa được phát hiện sớm và kịp thời. Hầu hết, các vụ việc đều bị phát hiện sau khi đã hoàn thành, tức là các đối tượng đã đạt được mục đích và gây hậu quả là ảnh hưởng đến TTCK, các nhà đầu tư chứng khoán thì cơ quan quản lý mới phát hiện và xử lý. Cụ thể, Tập đoàn THM đã phát hành các lô trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022. Tuy nhiên, đến ngày 03/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới có quyết định số 181/QĐ-UBCK về việc hủy 09 đợt phát hành trái phiếu trị giá 10.030 tỷ đồng. Đồng thời, pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu các quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trong trường hợp các doanh nghiệp cố ý vi phạm các quy định của pháp luật nhằm mục đích thu lợi. Việc bồi thường, khắc phục hậu quả vẫn chưa có quy định cụ thể.
- Trong một số trường hợp, việc thanh tra, quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa thực sự sâu sắc, chưa hiệu quả và còn thiếu sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành khác. Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định, trái phiếu riêng lẻ không được phát hành cho nhà đầu tư cá nhân thông thường mà chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tuy nhiên, vẫn có trường hợp doanh nghiệp tìm cách lách luật nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn như các nhà đầu tư cá nhân ngoài thị trường, chào bán ra công chúng.
- Theo khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đã nhận diện 06 hành vi được xác định là thao túng trên TTCK. Quy định này là rõ ràng và giúp cơ quản quản lý có cơ sở pháp lý để nhận diện hành vi thao túng chứng khoán, từ đó có căn cứ để điều tra, phát hiện vi phạm và xử lý. Theo đó, chế tài đối với hành vi vi phạm cũng được đẩy mạnh, nếu như trước đây, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với tổ chức vi phạm là 02 tỷ đồng và đối với cá nhân vi phạm là 01 tỷ đồng, thì hiện nay, Luật Chứng khoán năm 2019 đã tăng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm. Việc tăng mạnh tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thao túng chứng khoán, đồng thời tăng cường các biện pháp xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với cả các tổ chức có liên quan có khả năng phối hợp để thao túng chứng khoán như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, người hành nghề chứng khoán… sẽ góp phần tăng cường tính răn đe của pháp luật, từ đó ngăn chặn hành vi thao túng chứng khoán trên TTCK. Không chỉ vậy, hành vi thao túng TTCK không chỉ chịu trách nhiệm hành chính mà còn phải chịu cả trách nhiệm hình sự. Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), các hành vi phạm tội liên quan đến chứng khoán đã được quy định cụ thể hơn so với trước đây.
Theo khảo sát của Bộ Tài Chính, trong khoảng 09 năm, kể từ năm 2013 đến năm 2021, các hành vi vi phạm xảy ra trên TTCK rơi vào khoảng 6% - một con số ở mức thấp so với các lĩnh vực khác, tập trung chủ yếu ở các hành vi như vi phạm công bố thông tin, cũng như thao túng thị trường và một số hành vi khác…, cụ thể là các hành vi này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động giao dịch trên thị trường, làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, những hành vi này diễn ra rất phổ biến làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường cũng như tiềm ẩn nhiều vi phạm sẽ tiếp tục xảy ra. Qua những vi phạm trên thực thế cho thấy, quy định pháp luật về các hành vi này còn chưa rõ ràng, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định rõ về một trong những yếu tố cấu thành tội phạm của 04 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán là yếu tố gây thiệt hại cho nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có quy định pháp lý và các văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc tính toán khoản thiệt hại do các hành vi vi phạm gây ra cho nhà đầu tư để xác định dấu hiệu hình sự, hành chính của hành vi vi phạm, gây khó khăn cho việc xử lý cũng như giám định tư pháp về các vụ việc thao túng cũng như các hành vi vi phạm khác[2].
- Hầu hết, các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán đều là những người có học thức cao và am hiểu sâu, rộng, thậm chí, họ có thể là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng và họ có các mối quan hệ xã hội rộng, lớn nên thủ đoạn thực hiện rất tinh vi, lợi dụng những kẽ hở của luật pháp cũng như trong công tác quản lý để thực hiện hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, công tác xác định hậu quả thiệt hại trong các vụ việc liên quan đến chứng khoán còn nhiều khó khăn, do số lượng các nhà đầu tư trong vụ việc là quá lớn, nhận thức về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán còn mới mẻ, đối với các nhà đầu tư nhỏ, lẻ hoặc một số cán bộ thuộc các cơ quan chức năng có liên quan còn thiếu kinh nghiệm, gây hạn chế cho công tác điều tra.
4. Một số giải pháp
Để TTCK Việt Nam phát triển minh bạch, đáng tin cậy và trở thành một trong những kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế, việc bảo vệ nhà đầu tư chân chính và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật hay thao túng thị trường và thu lợi bất chính là nhiệm vụ thiết yếu. Do vậy, cần phải có những giải pháp thích hợp để xử lý và khắc phục những hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật một cách kịp thời và có tính thuyết phục theo hướng:
Thứ nhất, trong bối cảnh TTCK tại Việt Nam đang còn nhiều hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật nhằm “qua mắt” nhà đầu tư thì theo chúng tôi, biện pháp khắc phục hữu hiệu nhất là từ chính NĐTTN. Các nhà đầu tư phải biết trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình, có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đánh giá chất lượng tài chính của doanh nghiệp, đồng thời, tìm hiểu về nền tảng thương hiệu, uy tín, định hướng hoạt động của công ty đó trước khi ra quyết định đầu tư chứng khoán.
Thứ hai, tiếp cận và ứng dụng rộng rãi công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) trong việc kiểm soát TTCK cũng là giải pháp đáng để cân nhắc. AI là ứng dụng công nghệ có khả năng xử lý, phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng và làm việc liên tục, không ngừng nghỉ, không có sự tác động bên ngoài nên việc phát hiện có sự gian lận trên TTCK rất hiệu quả. Quỹ đầu tư AllianceBernstein Holding đã dùng Abbie 2.0 với vai trò là một trợ lý, chuyên làm nhiệm vụ đề xuất các trái phiếu tốt nhất để mua vào, cảnh báo những rủi ro, đồng thời, thông báo cho các nhà đầu tư biết lúc nào cần phải bán ra. Nếu như con người không thể quét hàng triệu dữ liệu để lọc ra các dữ liệu có liên quan đến chứng khoán trong vài giây thì với ứng dụng trí tuệ nhân tạo Abbie có thể làm được điều này. Với khả năng thu thập và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ đó, những ứng dụng này sẽ giúp các nhà đầu tư thực hiện giao dịch chính xác hơn, giảm bớt rủi ro và gia tăng lợi nhuận. Một ưu điểm vượt trội hơn khi sử dụng công nghệ AI là các nhà đầu tư sẽ loại bỏ được yếu tố cảm xúc khi quyết định lựa chọn một danh mục đầu tư. Khi khách hàng mua quá số lượng, đặt lệnh quá lớn dẫn đến giá vốn không tối ưu, phần mềm ứng dụng AI của công ty chứng khoán sẽ gửi cảnh báo tự động tới nhà đầu tư, để nhà đầu tư xem xét và điều chỉnh kế hoạch giao dịch hợp lý. Ngược lại, khi AI phân tích có tín hiệu tốt, dự báo cổ phiếu tăng giá, trị trường trong xu hướng đi lên, công cụ này cũng sẽ gửi thông báo khách hàng để nắm bắt cơ hội gia tăng danh mục. Tại Việt Nam, các giải pháp ứng dụng công nghệ AI, Học máy (ML) đã được thử nghiệm ở các công ty chứng khoán lớn như SSI, VND, BCSC, TCBS… Cụ thể nhất là DATX, công ty công nghệ đứng sau nền tảng hỗ trợ đầu tư chứng khoán bằng công nghệ AI - Xwealth, một trong những đơn vị phòng đầu tiên trong ứng dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn vào hoạt động chứng khoán đầu tiên tại thị trường Việt Nam[3].
Ở một số nước phát triển, họ đã áp dụng công nghệ AI vào TTCK để giảm thiểu hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật. Điển hình như, tại Chicago, Công ty Trading Technologies đã áp dụng công nghệ AI để xác định các mô hình giao dịch phức tạp và giảm rủi ro tuân thủ. Tại London, Công ty Auquan đã để công nghệ AI sử dụng các chiến lược giao dịch theo thuật toán giúp giải quyết các thách thức đầu tư và có thể tiết kiệm khoản thanh toán khổng lồ cho chuyên môn nội bộ. Hoặc, Công ty AITrading đã quét thị trường của họ bằng cách sử dụng các hợp đồng thông minh dựa trên blockchain để tăng thu nhập. Tại Switzerland, Công ty Epoque sử dụng AI làm công cụ đặt hàng để tạo đơn hàng và thực hiện các hành động vận hành, đồng thời, sử dụng ML để cải thiện hiệu suất của nó. Tại Poland, Công ty Sigmoidal sử dụng công nghệ AI như một hệ thống phân bổ tài sản thông minh, sử dụng công nghệ học sâu để dự đoán mọi tài sản trong một danh mục đầu tư cụ thể. Tại San Francisco, Công ty EquBot đã hệ thống hóa quy trình đầu tư để xây dựng hiểu biết nguyên nhân và kết quả về thị trường, công ty và quản lý bằng cách thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau[4].
Thứ ba, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Như đã đề cập ở trên, tổ chức kinh doanh chứng khoán với vai trò là đơn vị tư vấn tài chính doanh nghiệp, niêm yết, chào bán và phát hành chứng khoán, tổ chức này có thể lợi dụng chức năng của mình để cấu kết bên trong để làm giả hồ sơ, kê khai khống số liệu với mục đích thu lợi bất hợp pháp. Do đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và áp dụng các văn bản pháp luật đối với các tổ chức này về hoạt động kinh doanh, năng lực tài chính hay đạo đức hành nghề. Đồng thời, thiết lập bảng xếp hạng chất lượng các tổ chức kinh doanh chứng khoán để tạo cơ sở đánh giá, áp dụng biện pháp thanh tra định kỳ hằng năm để theo dõi chặt chẽ, có biện pháp xử lý kịp thời đối với các tổ chức có năng lực yếu kém, mức độ rủi ro cao.
Thứ tư, phạm vi hoạt động trên TTCK tập trung tại Việt Nam là rất rộng, cần sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và công ty về lĩnh vực chứng khoán, do vậy, việc xử lý các hành vi gian lận, tạo dựng và công bố thông tin sai sự thật cần sự kiểm soát chặt chẽ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các cơ quan khác có liên quan. Chẳng hạn như, sự phối hợp giữa cơ quan thuế - cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - Sở Giao dịch chứng khoán - cơ quan công an - cơ quan tố tụng để dễ dàng chia sẻ thông tin quản lý, phối hợp chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường giáo dục, tuyên truyền các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực này.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ thanh tra, giám sát thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu. Tập trung đào tạo các kỹ năng nhận diện vi phạm quy định pháp luật, kỹ năng thu thập chứng cứ, kỹ năng xử lý vi phạm. Các chương trình này cần được tổ chức thường xuyên với những thông tin được cập nhật và các kỹ năng điều tra, quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, tăng cường nhiều đoàn thanh tra, giám sát hơn để bảo đảm việc tiếp nhận và xử lý kịp thời các hành vi công bố thông tin sai sự thật.
Thứ sáu, cần đa dạng các chế tài xử phạt cũng như các chế tài bổ sung. Bên cạnh việc xử phạt hành chính, kèm theo hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin như quy định của pháp luật hiện hành, cũng nên cân nhắc bổ sung, áp dụng các chế tài hình sự để tăng mức độ răn đe, tránh việc các chủ thể sẵn sàng bị xử phạt để có được lợi nhuận lớn hơn và tiếp tục các hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể nói, TTCK là một thị trường tiềm năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập diễn ra thường xuyên, tác động đến tâm lý, lợi ích của các nhà đầu tư chứng khoán, TTCK, đặc biệt là NĐTTN. Do vậy, nhằm nâng cao hiệu quả của việc tuân thủ đúng các quy định pháp luật về TTCK, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐTTN trong giao dịch chứng khoán, cần đồng bộ việc hoàn thiện pháp luật và ý thức của các nhà đầu tư chứng khoán để có thể đưa TTCK Việt Nam phát triển mạnh hơn trong tương lai.
TS. Trịnh Duy Thuyên[5]
Nhóm Sinh viên Khoa Luật,
Trường Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh[6]
[1] Nguyễn Thị Bích Thủy, Nguyễn Thanh Huyền, “Các nhân tố tác động đến hành vi gian lận trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, INTERNATIONAL CONFERENCE FOR YOUNG RESEARCHERS IN ECONOMICS & BUSINESS 2019 ICYREB 2019.
[2] Đỗ Thị Lan Anh (2022), Thực trạng vi phạm pháp luật chứng khoán tại Việt Nam và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/thuc-trang-vi-pham-phap-luat-chung-khoan-tai-viet-nam-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-chong6084.html.
[3] Ngọc Quang (2019), Nhà đầu tư được lợi gì khi các công ty chứng khoán ứng dụng AI vào giao dịch?, Báo Đầu tư, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-duoc-loi-gi-khi-cac-cong-ty-chung-khoan-ung-dung-ai-vao-giao-dich-post223314.html.
[4] Dr. Emon Kalyan Chowdhury (2019), Use of Artificial Intelligence in Stock Trading, MPRA Paper No. 118175.
[5] Giáo viên hướng dẫn.
[6] Nguyễn Ngọc Tuấn Bình; Dương Thị Thanh Hiền; Nguyễn Văn Hưởng; Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên; Nguyễn Thị Hồng Phúc; Hồ Thị Mai Trinh; Nguyễn Hoàng Minh Triết; Nguyễn Thành Tú.