Tóm tắt: Bài viết giới thiệu khái niệm về hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành án dân sự trước yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Abstract: The article introduces the concept of civil judgment execution efficiency, criteria for assessing civil judgment execution efficiency before the requirement of completing the socialist rule of law State of Vietnam by 2030, with orientation to year 2045.
1. Khái niệm “hiệu quả” và “hiệu quả công tác thi hành án dân sự”
“Hiệu quả” theo Từ điển tiếng Việt của GS. Hoàng Phê (chủ biên) là “kết quả như yêu cầu công việc mang lại”. Theo cách hiểu này, “hiệu quả” là một đại lượng mang tính so sánh giữa kết quả thực tế đạt được với kết quả dự kiến mà khi tiến hành hoạt động chủ thể của hoạt động đã đặt mục tiêu. Trong khi đó, theo các nhà kinh tế (Paul A. Samuelson và William D. Nordhaus), “hiệu quả” là tình trạng không có sự lãng phí, là thuộc tính của một phương án phân bổ mà ở đó nguồn lực đã được phân bổ một cách tối ưu, không thể làm cho ai có thể có lợi hơn được nữa mà không làm người khác phải chịu thiệt. Để bảo đảm tính toàn diện, cần nhìn nhận “hiệu quả” ở cả hai góc độ vừa nêu. Như vậy, khi nói đến “hiệu quả” là nói đến việc so sánh giữa “kết quả thực tế đạt được”, với “kết quả dự kiến đạt được” đồng thời đánh giá xem chi phí về nguồn lực (thời gian, công sức, tiền bạc…) đã tối ưu chưa[2].
Thi hành án dân sự (THADS) là khâu cuối của quá trình tố tụng nhằm hiện thực hóa các bản án, quyết định về dân sự, kinh tế, lao động, phần dân sự trong bản án hình sự, hành chính có hiệu lực thi hành theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân cũng như quyền và lợi ích của Nhà nước. Kết quả mong muốn đối với THADS, trước hết, là thi hành nghiêm minh, kịp thời, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được tuyên trong bản án, quyết định, như đã được hiến định tại Điều 106 Hiến pháp năm 2013. Việc hiện thực hóa trên thực tế quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án càng nhanh chóng, kịp thời thì càng hiệu quả. Bên cạnh đó, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, thì cơ quan THADS phải thực hiện các biện pháp để vận động, thuyết phục, xác minh tài sản, thu nhập, tổ chức cưỡng chế. Các hoạt động này đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức, tiền của, nên chi phí bỏ ra càng ít thì hiệu quả đạt được càng cao.
Hiệu quả THADS không những được tính bằng kết quả thi hành xong việc, tiền, thời gian và chi phí bỏ ra, mà cần phải được đánh giá một cách toàn diện ở nhiều khía cạnh của hoạt động THADS. Nhà nước xây dựng và ban hành pháp luật THADS nhằm tác động, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực THADS, nên hiệu quả THADS cũng gắn với hiệu quả thi hành pháp luật THADS. Các mối quan hệ trong quá trình tổ chức thi hành án khá phức tạp, nhất là khi cơ quan THADS phải tiến hành các biện pháp cưỡng chế, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan[3]. Do đó, hiệu quả THADS còn phải được đánh giá thông qua việc thực thi quyền lực của cơ quan THADS, chấp hành viên, thừa phát lại, việc bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, tác động của việc tổ chức THADS đối với an ninh xã hội.
Trong Nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam, công tác THADS có ý nghĩa quan trọng, góp phần “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”[4]. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW), trong đó đã giao nhiệm vụ cho công tác thi hành án nói chung và THADS nói riêng: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án... Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính; thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp”; tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác thi hành án. Đây chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là thước đo để đánh giá hiệu quả công tác THADS.
Với cách tiếp cận từ bản chất hoạt động THADS và yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra, có thể định nghĩa: Hiệu quả THADS là thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật theo nội dung bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực thi hành với chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất, bảo đảm quyền con người, an ninh chính trị, an toàn xã hội.
2. Tiêu chí đánh giá và công cụ đánh giá hiệu quả công tác thi hành án dân sự
Việc đánh giá hiệu quả công tác THADS hiện nay đã có các căn cứ pháp luật và thực tiễn nhất định. Cụ thể, để giám sát công tác THADS, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết giao chỉ tiêu, nhiệm vụ; nghị quyết đang có hiệu lực là Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Từ năm 2014 đến nay, hàng năm, Chính phủ đều ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia[5], trong đó có xác định nhiệm vụ công tác THADS. Trên cơ sở khái niệm về hiệu quả công tác THADS nêu trên và các căn cứ pháp luật hiện hành, nhóm tác giả xác định các tiêu chí định lượng và định tính dưới đây để đánh giá hiệu quả công tác THADS.
2.1. Tiêu chí định lượng
Tiêu chí định lượng đánh giá hiệu quả công tác THADS thể hiện thông qua các số liệu thống kê chỉ số đầu vào và đầu ra của công tác THADS, thời gian và chi phí thi hành án và số lượng hành vi vi phạm trong THADS.
Thứ nhất, tỷ lệ phân loại án dân sự có điều kiện thi hành, tỷ lệ THADS xong trên tổng số án có điều kiện thi hành đạt cao, ít vụ việc phải cưỡng chế.
Mục tiêu của công tác THADS là thi hành đúng nội dung bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, người phải thi hành án đều có đủ tài sản, thu nhập, khả năng để thi hành ngay nghĩa vụ của mình. Chấp hành viên phải tiến hành các biện pháp xác minh để phân loại việc có điều kiện thi hành và việc chưa có điều kiện thi hành để tập trung xử lý đối với loại việc có điều kiện và tiếp tục theo dõi các việc chưa có điều kiện. Đây chính là đầu vào thực tế của công tác THADS. Tỷ lệ phân loại án có điều kiện thi hành càng cao cho thấy khối lượng công việc của cơ quan THADS càng lớn. Trên cơ sở kết quả phân loại án, cơ quan THADS sẽ tổ chức thi hành đối với các loại việc có điều kiện. Do đó, kết quả thi hành án được tính theo tỷ lệ này. Số việc thi hành xong, số tiền thu hồi được trên tổng số việc, số tiền có điều kiện thi hành càng lớn thì hiệu quả THADS càng cao - đây chính là chỉ số đầu ra của hoạt động THADS. Tuy nhiên, theo pháp luật THADS hiện hành, theo dõi, xác minh định kỳ các việc chưa có điều kiện thi hành vẫn cần được tính toán ở mức độ nhất định vào kết quả của hoạt động THADS, bởi lẽ, loại việc này tốn không ít thời gian, công sức của các chấp hành viên.
Trong THADS, biện pháp vận động, thuyết phục được ưu tiên, khuyến khích, áp dụng tại mọi thời điểm trong quá trình tổ chức thi hành án; biện pháp cưỡng chế có tính quyết định là biện pháp cuối cùng để bảo đảm hiệu lực, tính nghiêm minh của pháp luật và bản án, quyết định được tuyên nhân danh Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án và những người liên quan. Do đó, số vụ việc phải tiến hành cưỡng chế càng ít thì hiệu quả THADS đạt được càng cao, phản ánh hiệu quả của các biện pháp vận động, thuyết phục của hoạt động THADS. Sâu xa hơn, tiêu chí này còn phản ánh cả tính hợp pháp, hợp lý của bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, sự tôn trọng của đương sự đối với phán quyết của Tòa án và ý thức chấp hành pháp luật của đương sự.
Thứ hai, thời gian thi hành án ngắn nhất, chi phí THADS thấp nhất.
Thời gian thi hành án là một tiêu chí có ý nghĩa quan trọng và ngày càng được quan tâm ở phạm vi thế giới. Để đo lường thời gian thi hành án, cần đánh giá dựa trên các thời hạn cụ thể của từng giai đoạn tổ chức thi hành án được pháp luật THADS quy định và thời gian thực tế thi hành xong việc thi hành án. Do đó, cần có sự rà soát đánh giá tính hợp lý, tính khả thi của các thời hạn mà pháp luật THADS quy định, rút ngắn thời hạn của từng khâu trong quá trình thi hành án, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục.
Chi phí THADS cần được hiểu là chi phí để tổ chức thi hành 01 vụ việc cụ thể. Các khoản chi phí này do các chủ thể khác nhau gánh chịu, gồm cơ quan THADS, đương sự và cá nhân, tổ chức liên quan. Chi phí thi hành án thấp nhất khi người phải thi hành án tự nguyện thi hành (chủ động đến cơ quan THADS nộp án phí, khoản thu, nộp ngân sách nhà nước, tự nguyện thi hành cho người được thi hành). Chi phí thi hành án phát sinh nhiều nhất là trong các vụ việc phải cưỡng chế, với nhiều thủ tục như kê biên, đấu giá, cưỡng chế giao tài sản… Thậm chí, có trường hợp chi phí thực hiện thủ tục này rất lớn, vượt cả giá trị tài sản sau khi phải giảm giá nhiều lần.
Tuy nhiên, cần phải xác định rằng, chi phí đối với công tác THADS không chỉ là đối với vụ việc THADS cụ thể, mà còn là sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước và xã hội vào việc xây dựng, vận hành hệ thống THADS nhằm bảo đảm có một thiết chế thực thi công lý trên thực tế. Việc đầu tư nguồn lực này vừa đòi hỏi phải đủ lớn để đáp ứng các yêu cầu về trình độ, nghiệp vụ, đạo đức công vụ của đội ngũ công chức, điều kiện làm việc an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, vừa đòi hỏi phải tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, hiệu quả của các nguồn lực đầu tư này có thể không thể hiện ngay, trực tiếp, mà cần thời gian để kiểm chứng hoặc phải đánh giá ở các nguyên tắc đạt được[6]. Do đó, hiệu quả công tác THADS về tiêu chí chi phí THADS phải được đo ở bình diện chung, rộng lớn gồm cả chi phí đối với từng vụ việc cụ thể và chi phí đối với hoạt động của hệ thống THADS.
Thứ ba, số hành vi vi phạm trong THADS.
Quá trình tổ chức THADS gắn với việc sử dụng quyền lực nhà nước, thực hiện, áp dụng, chấp hành pháp luật. Do đó, hoạt động này cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ, hạn chế phát sinh hành vi vi phạm cả từ phía chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước lẫn các chủ thể phải chấp hành pháp luật để giảm thiểu hành vi vi phạm phát sinh, qua đó phản ánh hiệu quả hoạt động THADS. Từ phía cơ quan THADS, hành vi vi phạm của người làm công tác THADS có thể do kiến thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ thiếu, do khối lượng công việc quá tải; nguy hiểm nhất là vi phạm có tính chất tiêu cực, tham nhũng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, cần bảo đảm chất lượng, số lượng nhân lực phù hợp với yêu cầu công việc, đồng thời tăng cường hiệu lực các cơ chế kiểm soát quyền lực như kiểm soát, kiểm tra nội bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm sát, giám sát, kiểm tra, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền; giám sát xã hội; cần quy định chế tài và xử lý nghiêm các hành vi chống đối, cản trở việc THADS, đồng thời có các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro, bảo hiểm nghề nghiệp cho chấp hành viên, người làm công tác THADS.
2.2. Tiêu chí định tính
Tiêu chí định tính là những dấu hiệu, mức độ, biểu hiện không thể đo đếm được bằng số lượng, không thể so sánh được về mặt số học cụ thể[7]. Hiệu quả hoạt động THADS có thể được đánh giá bằng ba tiêu chí định tính sau đây:
Thứ nhất, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật về THADS được tuân thủ, thực thi công bằng, bình đẳng, dân chủ, nhất quán và nghiêm minh.
Với nguyên tắc “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”[8], các chủ trương, chính sách của Đảng trong THADS cần được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ và được tuân thủ trong mọi lĩnh vực, tổ chức và hoạt động THADS. Yếu tố tiên quyết, quyết định đạt được tiêu chí này là phải có chủ trương, chính sách, thể chế đúng đắn, tiến bộ, khả thi, thống nhất, đồng bộ và ổn định. Việc tổ chức thực hiện pháp luật THADS phải bảo đảm công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa người dân với cán bộ, công chức hoặc với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; giữa người dân với cơ quan công quyền; giữa nhà nước với tư nhân, trong nước và nước ngoài. Quá trình tuân thủ, áp dụng pháp luật THADS phải được công khai, minh bạch, nhất là tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, cá nhân, tổ chức có liên quan trong mọi giai đoạn của quá trình thi hành án.
Thứ hai, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm yếu tố nhân đạo và an sinh xã hội, xây dựng môi trường chính trị xã hội ổn định.
Hoạt động THADS tác động trực tiếp đến tài sản, quyền tài sản, quyền nhân thân của đương sự và người có quyền, nghĩa vụ liên quan, là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Do đó, quá trình tổ chức thi hành án cần bảo đảm tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có nơi ở hợp pháp, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp cận thông tin… Bên cạnh mục tiêu thực thi nghiêm minh bản án, quyết định của Tòa án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, thì THADS thực sự đạt được hiệu quả bền vững khi góp phần duy trì được môi trường chính trị xã hội ổn định.
Thứ ba, tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức và thực hiện hành vi của các tổ chức, cá nhân trong THADS, củng cố sự tin tưởng của nhân dân vào nền tư pháp.
Việc thi hành nghiêm minh, kịp thời, trong thời gian ngắn, chi phí thấp, bảo đảm quyền con người, an ninh xã hội sẽ tạo dựng được niềm tin của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan nói riêng và các cơ quan, tổ chức, dư luận xã hội nói chung về hiệu lực của công tác THADS. Các trường hợp trốn tránh, chây ỳ, chống đối bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử phạt thích đáng góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, giảm thiểu các hành vi cản trở, chống đối, bất hợp tác trong quá trình tổ chức thi hành án[9]. Việc quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước ngày càng hiệu quả, niềm tin của nhân dân vào sự công minh của pháp luật, sự tin tưởng vào các cơ quan THADS là chỗ dựa cho người dân ngày càng được củng cố vững chắc, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức đúng đắn của người dân. Từ đó, người dân tin tưởng vào sức mạnh của nền tư pháp nói chung và hoạt động THADS nói riêng.
Tóm lại, có thể thấy, hiệu quả THADS góp phần tạo nên hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước nói chung và có tác động rất lớn đến sự ổn định và phát triển xã hội. Hiệu quả này phải là kết quả của việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để mang lại giá trị gia tăng tốt nhất cho xã hội. Việc đưa ra các tiêu chí đánh giá và đo lường hiệu quả thi hành pháp luật nói chung và hiệu quả THADS nói riêng có thể thực hiện bằng các hoạt động theo dõi và đánh giá thi hành pháp luật. Để thực hiện đánh giá hiệu quả THADS, trong tương lai cần xây dựng khung theo dõi, đánh giá hiệu quả THADS, trong đó tiêu chí đánh giá phải là sự kết hợp hài hòa giữa các tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính.
TS. Nguyễn Quang Thái
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự
PGS.TS. Bùi Thị Huyền
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bài viết là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu cấp Bộ năm 2022 - 2023 “Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, theo Quyết định số 442/QĐ-BTP ngày 22/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
[2]. TS. Nguyễn Văn Cương, ThS. Đinh Công Tuấn (2016), Về bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 28 - 29.
[3]. Viện Khoa học pháp lý, Đề tài Khoa học cấp Bộ (2020), Thực trạng công tác thi hành án hành chính và định hướng hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính ở Việt Nam, tr. 22.
[4]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
[5]. Năm 2023, Chính phủ ban hành 01 văn bản quy định chung về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, đó là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023.
[6]. Ví dụ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tốt có thể cống hiến, làm việc với chất lượng cao trong thời gian dài; một phần mềm tốn nhiều thời gian, chi phí để xây dựng, kết nối, vận hành nhưng có thể giảm tải công việc của hàng nghìn người, đẩy nhanh tiến độ xử lý và giải quyết công việc khối lượng lớn, trực tiếp góp phần giảm chi phí THADS đối với từng vụ việc cụ thể.
[7]. Lê Anh Tuấn, Tiêu chí nào đánh giá hiệu quả cưỡng chế THADS, nguồn: https://thads.moj.gov.vn/ noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=813, truy cập ngày 15/5/2023.
[8]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện NNPQ XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
[9]. Lê Anh Tuấn, Tiêu chí nào đánh giá hiệu quả cưỡng chế THADS, tlđd.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 382), tháng 6/2023)