1. Bản chất của loại trừ trách nhiệm dân sự
Loại trừ trách nhiệm dân sự là trường hợp có thể làm giảm nguy cơ tranh chấp giữa các bên khi xảy ra sự kiện vi phạm nghĩa vụ khi bên vi phạm được giải thoát khỏi trách nhiệm dân sự mà lẽ ra phải gánh chịu, đồng thời, bên bị vi phạm cũng nhận biết được kết quả này thông qua thỏa thuận từ trước giữa các bên hoặc quy định của pháp luật. Bản chất của loại trừ trách nhiệm dân sự là trường hợp khi một bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo pháp luật, họ đáng lẽ phải gánh chịu đầy đủ các hậu quả pháp lý bất lợi, các loại chế tài thích đáng với hành vi vi phạm của mình, tuy nhiên, do sự kiện tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của họ mang tính khách quan, không thể lường trước được và không có khả năng khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp có thể trong khả năng của mình, do đó, họ không còn phải chịu một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm đó nữa. Mức độ tác động của các sự kiện nêu trên đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của một hoặc các bên cũng thay đổi tùy hoàn cảnh cụ thể, có thể chỉ khiến một nghĩa vụ nhất định bị ảnh hưởng, nhưng cũng có thể khiến nhiều nghĩa vụ không thể thực hiện được.
Khi xảy ra các sự kiện khách quan, không lường trước được và không thể khắc phục được làm ảnh hưởng tới khả năng thực hiện hợp đồng của một bên, nếu vẫn áp đặt trách nhiệm lên bên vi phạm là không hợp lý vì họ hoàn toàn không chủ động lựa chọn vi phạm hợp đồng và trong phạm vi khả năng của mình, đã áp dụng mọi biện pháp khả thi nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra. Việc tiếp tục áp dụng trách nhiệm dân sự trong trường hợp này có thể gây ra sự bất công đối với bên không thể thực hiện hợp đồng. Do đó, cần nhìn nhận theo hướng, họ không vi phạm bất cứ nguyên tắc cơ bản nào khi thực hiện hành vi của mình, thậm chí còn vô cùng “thiện chí” khi cố gắng khắc phục, ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm nhẹ thiệt hại từ hành vi đó. Hậu quả xảy ra là điều họ hoàn toàn không mong muốn, vì vậy, việc không đặt ra các chế tài với bên vi phạm trong tình huống này là hoàn toàn hợp lý và góp phần thể hiện được tính nhân đạo, nhân văn của pháp luật.
Đối với căn cứ loại trừ trách nhiệm dân sự, về cơ bản, Bộ luật Dân sự năm 2015 liệt kê hai điều kiện để bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm, thuộc quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 351, bao gồm:
Thứ nhất, sự kiện bất khả kháng. Các tiêu chí xác định “sự kiện bất khả kháng” trong Bộ luật Dân sự năm 2015 được dựa trên sự tham khảo khái niệm tương ứng tại các điều ước quốc tế về hợp đồng, như Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) hay Bộ quy tắc về hợp đồng thương mại quốc tế của UNIDROIT năm 2010 (PICC)… Khi tham gia quan hệ hợp đồng, các bên có thể cân nhắc, bổ sung các đặc điểm, tiêu chí khác của sự kiện mà theo quan điểm của họ, được coi là “bất khả kháng” và dẫn đến các hậu quả pháp lý khác. Yếu tố “bất khả kháng” được xác định theo thời điểm xác lập hợp đồng, tức là, khi giao kết hợp đồng, nếu các bên không thể dự đoán trước, không thể lường trước (hay nói cách khác, không biết và cũng không thể biết) sự kiện đó sẽ diễn ra trong khoảng thời gian thực hiện thỏa thuận thì tại thời điểm sự kiện đó xảy ra trên thực tế, yếu tố “bất khả kháng” có thể được công nhận. Bên vi phạm chỉ cần chứng minh thêm căn cứ cuối cùng, đó là trong khả năng của mình, họ đã tận dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn hoặc giảm nhẹ mức độ của hành vi vi phạm là hệ quả của sự kiện đó nhưng không thành công. Khi thỏa mãn cả điều kiện này, bên vi phạm được viện dẫn “sự kiện bất khả kháng” là căn cứ hợp pháp để được loại trừ trách nhiệm dân sự. Một trường hợp đặc thù có thể xảy ra cũng dẫn đến khả năng được loại trừ trách nhiệm dân sự của bên vi phạm nghĩa vụ được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, theo đó, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Thứ hai, bên vi phạm không có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm. Nói cách khác, muốn được loại trừ trách nhiệm dân sự thì trước hết, bên vi phạm phải được loại trừ khỏi yếu tố lỗi (dù là lỗi cố ý hay vô ý) đối với hành vi của mình.
Trong trường hợp này, bên vi phạm không có lỗi mà lỗi sẽ thuộc về một chủ thể khác. Ví dụ, lỗi có thể xuất phát từ bên bị vi phạm (chẳng hạn như bên có quyền trong quan hệ hợp đồng). Một trường hợp khác mà lỗi cũng không thuộc về bên vi phạm nghĩa vụ là trường hợp bên thứ ba có liên quan phạm lỗi (chẳng hạn như bên được ủy quyền thực hiện hợp đồng).
Có thể thấy, điểm chung của hai yếu tố trên là vai trò của chúng đối với sự vi phạm nghĩa vụ. Cụ thể hơn, các yếu tố này phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm. Nếu chúng chỉ mang tính chất thứ yếu, bổ sung thì rất khó để bên vi phạm được loại trừ trách nhiệm dân sự. Sở dĩ như vậy là do, chỉ khi các sự kiện hay tình huống trên diễn ra và trực tiếp dẫn đến tình trạng “không có khả năng lựa chọn” của chủ thể, khiến cho họ không thể làm khác ngoài vi phạm nghĩa vụ (dù không mong muốn) thì mới có đủ căn cứ để họ không phải chấp hành các chế tài theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Đặc điểm của loại trừ trách nhiệm dân sự
Thứ nhất, loại trừ trách nhiệm dân sự phát sinh dựa trên sự kiện một bên không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ của mình theo pháp luật hoặc theo hợp đồng trong các điều kiện khách quan, không phụ thuộc vào ý chí hay sự kiểm soát của bên vi phạm. Một trong những trường hợp tiêu biểu bảo đảm các yếu tố trên để bên vi phạm có thể viện dẫn và yêu cầu được loại trừ trách nhiệm là sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, về cơ bản, một sự kiện được coi là bất khả kháng khi bảo đảm ba thành tố sau: (i) Sự kiện xảy ra một cách khách quan, ngoài sự kiểm soát của các bên; (ii) Các bên không thể lường trước được một cách hợp lý về sự xuất hiện của sự kiện này tại thời điểm ký kết hợp đồng; (iii) Hậu quả của sự kiện không thể khắc phục mặc dù bên vi phạm hoặc các bên đã áp dụng mọi biện pháp trong khả năng của mình[1]. Cách hiểu này cũng khá tương đồng với quan điểm của hệ thống pháp luật Common Law, theo đó, sự kiện bất khả kháng (force majeure) phải được xác định dựa trên ba yếu tố: Không thể lường trước được (unpredictable/ unforeseeable/unexpected), không thể chống lại được (irresistible) và không thuộc phạm vi, khả năng điều khiển của con người (uncontrollable).
Trong các thành tố cấu thành nên sự kiện bất khả kháng tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, thành tố đầu tiên là sự kiện phải mang tính khách quan, tức là không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, dù con người muốn hay không muốn thì sự kiện này vẫn diễn ra. Phù hợp với quan điểm trên, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) cũng đã liệt kê các sự kiện bất khả kháng có thể làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án là các trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa[2]. Thành tố thứ hai của sự kiện bất khả kháng là tính không thể lường trước được. Trong quan hệ hợp đồng, “không thể lường trước được” có nghĩa là sự kiện xảy ra mà các bên không thể nhìn thấy trước hoặc dự đoán trước vào thời điểm giao kết hợp đồng và phải xảy ra sau khi giao kết hợp đồng[3]. Bên vi phạm không có khả năng nhìn thấy trước hay dự đoán trước, hay nói cách khác, họ “không biết, không thể biết hoặc không buộc phải biết sự kiện bất khả kháng sẽ xảy ra và do đó, không thể kiểm soát hay ngăn chặn việc xảy ra sự kiện bất khả kháng”[4]. Cần lưu ý là, một khó khăn có thể phát sinh trên thực tế khi xác định yếu tố này là trình độ chuyên môn, kinh nghiệm… của các chủ thể trong mỗi lĩnh vực là khác nhau, do đó, khả năng “lường trước” của mỗi bên đối với các rủi ro, phức tạp có khả năng xảy ra cũng không thể đương nhiên suy đoán một cách tương đương. Mặt khác, pháp luật Việt Nam hiện nay cũng không đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định tính chất này của sự kiện bất khả kháng. Về thành tố thứ ba, sự kiện bất khả kháng là sự kiện không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Cần lưu ý, hành vi “khắc phục” của bên vi phạm không nhằm hướng đến việc cải thiện hay cải tạo bản thân sự kiện đang diễn ra (vì trên thực tế, khả năng cải tạo các sự kiện như thiên tai, chiến tranh… là vượt quá khả năng chủ quan của họ). Mục đích của việc khắc phục này là nhằm vượt qua tình trạng gián đoạn của quá trình thực hiện nghĩa vụ đang bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng. Để thực hiện được mục đích này, trước tiên, bên vi phạm cần áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng của mình. Một yếu tố nữa mà bên vi phạm phải chứng minh là, kể cả sau khi đã áp dụng tất cả biện pháp khả thi, họ vẫn không thể khắc phục được tình trạng không thực hiện được nghĩa vụ của bản thân do sự kiện bất khả kháng gây ra. Đây là kết quả không mong muốn và không nằm trong dự tính của bên vi phạm khi họ thực hiện các phương pháp, sử dụng các công cụ cần thiết nhằm cứu vãn khả năng thực thi hợp đồng.
Thứ hai, các trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự có thể được áp dụng dựa trên sự đồng thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định. Trong trường hợp quy định về loại trừ trách nhiệm dân sự là một phần của thỏa thuận giữa các bên thì cũng phải đáp ứng nguyên tắc chung về tự nguyện ý chí áp dụng cho mọi quan hệ pháp luật dân sự. Trước hết, các bên có thể đàm phán, thỏa thuận về các khả năng có thể xảy ra và là cơ sở cho bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm khi vi phạm nghĩa vụ. Sau khi đã tự nguyện thống nhất và đưa ra các trường hợp này thì các bên vẫn cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật dân sự để thỏa thuận được công nhận, đó là các nguyên tắc bình đẳng; thiện chí, trung thực; tôn trọng lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác…
Trường hợp các bên không tự xác định các khả năng, tình huống làm cơ sở để loại trừ trách nhiệm dân sự cho một bên thì khi phát sinh tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án, trọng tài…) vẫn có thể dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự và luật chuyên ngành (nếu có) đối với các loại hợp đồng đặc thù có luật riêng để điều chỉnh. Theo Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015, ngoài sự phát sinh của sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm nghĩa vụ cũng sẽ được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền. Một số luật chuyên ngành như Luật Thương mại năm 2005 (Điều 44), Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 (Điều 62) cũng quy định về các trường hợp cụ thể khi bên bán hàng hóa không có lỗi hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về người mua, người tiêu dùng…
Thứ ba, loại trừ trách nhiệm dân sự chỉ được xem xét áp dụng sau thời điểm hành vi vi phạm nghĩa vụ xảy ra. Về nguyên tắc, khi một bên vi phạm thỏa thuận, bên còn lại có quyền tự mình hoặc yêu cầu Tòa án áp đặt một hoặc một số loại trách nhiệm dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình (như trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm…). Để được loại trừ khỏi các chế tài trên, bên vi phạm cần chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ của mình thuộc các trường hợp không phải chịu trách nhiệm đã được các bên thỏa thuận từ trước hoặc do Bộ luật Dân sự hoặc luật chuyên ngành quy định. Việc chứng minh bắt buộc phải được thực hiện sau khi xảy ra hành vi vi phạm vì khi chưa xuất hiện vi phạm thì chưa tồn tại trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ và cũng chưa thể xác định có thể loại trừ trách nhiệm đó cho bên vi phạm hay không.
Thứ tư, để có thể được loại trừ trách nhiệm dân sự, bên vi phạm cần chứng minh mình không có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm và sự kiện dẫn đến sự vi phạm đó mang tính “đặc biệt” đủ để có thể loại trừ trách nhiệm. Về nguyên tắc, khi bên bị vi phạm yêu cầu áp dụng trách nhiệm dân sự lên bên vi phạm, họ không có nghĩa vụ phải chứng minh bên vi phạm có lỗi khi thực hiện hành vi mà chỉ cần chứng minh vi phạm đã xảy ra trên thực tế cùng một số yếu tố khác (nếu có) như thiệt hại về vật chất hoặc về tinh thần là hậu quả trực tiếp từ hành vi vi phạm đó. Việc không bắt buộc bên bị vi phạm phải chứng minh lỗi của bên còn lại là hợp lý và hoàn toàn phù hợp với bản chất của yếu tố lỗi bởi lỗi là yếu tố thuộc về mặt chủ quan của con người mà không thể hiện ra bên ngoài. Do đó, nếu bên bị vi phạm phải chứng minh lỗi của bên vi phạm tức là họ phải đặt mình vào vị trí của bên còn lại để suy đoán về những suy nghĩ, xúc cảm… (các yếu tố thuộc mặt chủ quan của chủ thể) của bên kia khi thực hiện hành vi vi phạm. Đây là một nhiệm vụ gần như bất khả thi, một gánh nặng quá lớn dành cho bên bị vi phạm (thường là bên nguyên đơn trong các vụ kiện về yêu cầu áp dụng trách nhiệm dân sự). Do đó, chỉ cần nguyên đơn chứng minh được các yếu tố thuộc về mặt khách quan (hành vi vi phạm, thiệt hại xảy ra…) thì sẽ áp dụng nguyên tắc “suy đoán lỗi” cho bị đơn. Nguyên tắc này đã được cụ thể hóa tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Như vậy, để được loại trừ trách nhiệm dân sự, bên vi phạm cần chủ động chứng minh mình không có lỗi khi thực hiện hành vi cũng như đối với hậu quả mà hành vi đó gây ra (nếu có). Một trong những căn cứ quan trọng nhất để bên vi phạm có thể chứng minh về mặt chủ quan, họ không mong muốn hoặc sơ suất dẫn đến vi phạm là viện dẫn, lập luận được rằng, hoàn cảnh khách quan khiến cho họ buộc phải thực hiện hành vi đó mà không thể làm khác được. Ngoài sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm cũng có thể viện dẫn một số căn cứ loại trừ trách nhiệm khác như trở ngại khách quan (quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015). Để làm rõ hơn các tình huống trở ngại khách quan trong một lĩnh vực cụ thể là công tác thi hành án, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cũng đã quy định một số trường hợp như: Đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế… (điểm a khoản 2 Điều 1).
3. Phân biệt các trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam
Khi bên vi phạm chứng minh được họ thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm thì đương nhiên không còn bị áp đặt chế tài cho vi phạm của mình nữa, dù nghĩa vụ bị vi phạm là nghĩa vụ xuất phát từ hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Dù vậy, sự phân biệt giữa hai trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự (theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật) vẫn rất quan trọng về lý thuyết vì có thể làm sáng tỏ sự khác biệt giữa hai trường hợp này, từ đó, tạo thuận lợi cho công tác thi hành pháp luật trên thực tiễn.
Thứ nhất, có thể thấy, trong hai khả năng mà chủ thể được loại trừ trách nhiệm nêu trên, nghĩa vụ mà chủ thể đã vi phạm (và sau đó được loại bỏ khỏi các chế tài) có sự khác nhau về nguồn gốc phát sinh. Đối với trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo thỏa thuận, nghĩa vụ bị vi phạm được gắn với chủ thể dựa trên một thỏa thuận (hay hợp đồng) đã được giao kết hợp pháp giữa các bên, tức là, việc nghĩa vụ này phát sinh và tồn tại là do chính chủ thể đã chủ động lựa chọn tham gia vào hợp đồng và tự nguyện chịu ràng buộc bởi nghĩa vụ đó. Chỉ cần họ chứng minh được thiện chí của mình, kể cả khi đã không thể thực hiện được nghĩa vụ từng cam kết thông qua các căn cứ như đã áp dụng mọi biện pháp có thể trong khả năng để khắc phục vi phạm của bản thân, họ hoàn toàn có thể được loại trừ khỏi trách nhiệm dân sự tương ứng.
Đối với trường hợp loại trừ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, có thể thấy, nghĩa vụ bị vi phạm lúc này là nghĩa vụ được Nhà nước đặt ra thông qua các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, về nguyên tắc, nghĩa vụ luôn mang tính bắt buộc và được cưỡng chế thực thi bởi quyền lực nhà nước. Nếu các chủ thể không chấp hành thì luôn có nguy cơ phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi (trong một số trường hợp, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi khi thực hiện hành vi). Chẳng hạn, chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi (Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng đưa ra một số ngoại lệ cụ thể cho phép một chủ thể được loại trừ trách nhiệm dân sự. Chẳng hạn, trường hợp súc vật thuộc sở hữu của một người đã gây ra thiệt hại (về tài sản, sức khỏe hay tính mạng) cho người khác mà hoàn toàn do lỗi của người thứ ba thì người thứ ba có lỗi đó phải bồi thường thiệt hại mà không phải là chủ sở hữu[5].
Thứ hai, hai trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật có sự khác biệt về nguồn của căn cứ loại trừ trách nhiệm. Đối với trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo thỏa thuận, việc một bên không phải chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn bộ đối với hành vi vi phạm của mình là kết quả của quá trình chứng minh thành công rằng, họ thỏa mãn các điều kiện được đưa ra tại điều khoản quy định về loại trừ trách nhiệm đã được xác lập trước đây giữa các bên. Điều khoản này có thể dựa trên các tiêu chí do pháp luật đưa ra hoặc được bổ sung, làm rõ hơn tùy theo mong muốn cụ thể của các bên. Chẳng hạn, đối với khái niệm “sự kiện bất khả kháng” được sử dụng như một căn cứ loại trừ trách nhiệm, các bên có thể xác định sự kiện này dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, nội hàm của “sự kiện bất khả kháng” theo quan điểm của các bên có thể được bổ sung một số đặc điểm phụ hoặc sử dụng thuật ngữ khác với ý nghĩa tương đương như trong các văn bản pháp lý, điều ước quốc tế có liên quan (CISG, PICC…).
Đối với trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật, việc áp dụng căn cứ để một bên không bị áp đặt chế tài từ hành vi vi phạm pháp luật không thể dựa trên các tiêu chí do các bên tùy ý thỏa thuận mà phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan. Khi xác định khả năng loại trừ trách nhiệm, cơ quan có thẩm quyền chỉ dựa trên văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành để xem xét, giải quyết vụ việc. Chẳng hạn, về nguyên tắc, Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra. Tuy nhiên, các trường hợp Nhà nước sẽ không tiến hành bồi thường cho người bị thiệt hại (được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại) cũng được xác định cụ thể tại Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Thứ ba, mục đích của hai trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo thỏa thuân và theo quy định của pháp luật cũng có sự khác biệt. Đối với trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận nhưng không phải chịu trách nhiệm, quan điểm của pháp luật khi không buộc họ phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi từ sự vi phạm của mình là nhằm bảo vệ lợi ích của bản thân chủ thể này trong quan hệ đó. Việc họ được loại trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp này mang tính chất cá biệt, tức là chỉ áp dụng cho duy nhất chủ thể đó với sự vi phạm nghĩa vụ cụ thể trong hợp đồng đặc thù đó mà không thể áp dụng cho bên vi phạm khác trong một quan hệ thỏa thuận khác.
Mặt khác, đối với trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật, có thể thấy, mục đích của việc không áp đặt chế tài bất lợi lên bên vi phạm là nhằm bảo vệ mọi chủ thể rơi vào những hoàn cảnh tương tự, đã thực hiện hành vi vi phạm tương tự và chứng minh được các tiêu chí loại trừ trách nhiệm do pháp luật quy định. Các điều kiện, yếu tố mà bên vi phạm phải chứng minh là tương đồng khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng cùng một căn cứ pháp lý. Chẳng hạn, Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ một số trường hợp như thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết... Quy định này mang tính nguyên tắc, áp dụng chung cho mọi chủ thể trong xã hội và đối với mọi trường hợp cần xem xét trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại.
Thứ tư, khả năng áp dụng căn cứ để xem xét loại trừ trách nhiệm dân sự theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật cũng có sự khác biệt nhất định. Đối với trường hợp loại trừ trách nhiệm dân sự theo thỏa thuận, các căn cứ để bên vi phạm có thể yêu cầu không phải gánh chịu chế tài có thể xuất phát từ hai nguồn: Thỏa thuận trước đây của các bên hoặc pháp luật có liên quan. Nếu các chủ thể dựa trên căn cứ loại trừ trách nhiệm trực tiếp từ quy định pháp luật thì các bên hoặc cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng trực tiếp các căn cứ này mà không cần xem xét lại tính khả thi, hợp lý hoặc hợp pháp của chúng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận, quy định về các căn cứ hoặc khả năng cụ thể mà theo đó, một bên sẽ không phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi từ hành vi vi phạm của mình, khi xem xét khả năng loại trừ trách nhiệm cho bên vi phạm, bản thân các chủ thể hoặc cơ quan có thẩm quyền cần tôn trọng thỏa thuận này của các bên trước khi xem xét áp dụng pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, để có thể áp dụng các căn cứ do các bên tự quy định thì điều khoản về loại trừ trách nhiệm dân sự nói riêng và toàn bộ hợp đồng nói chung cần thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được ghi nhận tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đối với trường hợp bên vi phạm không bị áp đặt chế tài do vi phạm nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, các căn cứ giúp họ được loại trừ khỏi trách nhiệm dân sự đã được ghi nhận trong văn bản quy phạm pháp luật, do đó, mang tính áp dụng chung, thống nhất đối với tất cả các vụ việc có tính chất tương tự trong cùng phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, việc các bên dựa trên căn cứ này để xem xét khả năng loại trừ trách nhiệm cũng nhanh chóng hơn và trực tiếp hơn. Chẳng hạn, về nguyên tắc, người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, trường học sẽ không phải bồi thường (được loại trừ trách nhiệm) nếu chứng minh được họ không có lỗi trong quản lý học sinh; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi mới là chủ thể phải bồi thường[6].
ThS. Nguyễn Huy Hoàng Nam
Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội
[1]. Trần Việt Dũng (chủ biên), Giáo trình Luật thương mại quốc tế - Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, 2015, tr. 110.
[2]. Tham khảo khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
[3]. Trần Trí Thành, Bùi Thị Quỳnh Trang, “Áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng và thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam”, Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, Số 43/2020, tr. 88.
[4]. Nguyễn Ngọc Bích, “Sự kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng thương mại trong bối cảnh Covid-19”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/su-kien-bat-kha-khang-doi-voi-cac-hop-dong-thuong-mai-trong-boi-canh-covid-191634859951.html, truy cập ngày 22/9/2023.
[5]. Tham khảo Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6]. Tham khảo Điều 599 Bộ luật Dân sự năm 2015.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 398), tháng 2/2024)