Abstract: The article is concerned with new provisions of the Criminal Code in 2015 (amended and supplemented in 2017) on violations of regulations on road traffic participation in comparison with Criminal Code in 1999 (amended and supplemented in 2009), inadequacies when applying the rule in implemented.
Trong 06 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn giao thông, khiến hơn 4.000 người thiệt mạng, trên 7.000 người bị thương, thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỷ đồng[1]. So với năm 2017, tai nạn giao thông giảm ở cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, cụ thể, số vụ tai nạn giao thông giảm gần 600 vụ (giảm 6,19% về số vụ), giảm hơn 30 người chết (giảm 0,75% về số người chết) và hơn 900 người bị thương (giảm 11,44% về số người bị thương). Trong số vụ tai nạn giao thông thì tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 8.889 vụ (chiếm 98% vụ tai nạn giao thông), đường sắt xảy ra 62 vụ, đường thủy nội địa xảy ra 40 vụ và đường hàng không xảy ra 10 sự cố. Chính vì vậy, Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là tội đầu tiên được quy định trong Mục 1. Các tội xâm phạm an toàn giao thông thuộc Chương XXI. Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng trong Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015) với những điểm mới, những thay đổi quan trọng như sau:
Thứ nhất, thay đổi tên gọi của điều luật là “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
- Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay cụm từ “tham gia” cho cụm từ “điều khiển phương tiện” tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Bộ luật Hình sự năm 1999), việc thay đổi tên của điều luật đã bao quát được các đối tượng vi phạm quy định do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh. Nói cách khác, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội rộng hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999, theo đó, chủ thể của tội phạm là “người tham gia giao thông đường bộ”.
Ví dụ như, đối với người đi bộ trên đường bộ không đúng quy định về an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông làm cho người khác bị thiệt hại về tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, về tài sản của người khác thì khi căn cứ vào quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 thường rất khó xử lý đối với người đi bộ (không phải người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ). Vì chưa có quy định rõ ràng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người đi bộ nên các Tòa án khiên cưỡng xử lý hành vi này về Tội cản trở giao thông đường bộ tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Theo đó, tại khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì “Người tham gia giao thông đường bộ gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”.
Như vậy, chủ thể của tội phạm đã có sự thay đổi phù hợp với thực tiễn khi xử lý hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hay phạt tù đến 15 năm.
- Việc thay đổi tên của điều luật đã thống nhất được quan điểm xử lý hình sự đối với phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không chỉ là phương tiện giao thông đường bộ như quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999). Theo đó, khoản 17, khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ” và “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng”.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì chỉ người điều khiển phương tiện giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng thì mới bị áp dụng xử lý hình sự. Như vậy, trong trường hợp người điều khiển xe máy chuyên dùng như ô tô chữa cháy, ô tô cần cẩu, ô tô bơm trộn bê tông… tham gia giao thông đường bộ mà gây tai nạn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì không có căn cứ tại Bộ luật Hình sự năm 1999 để giải quyết.
Mặc dù, tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông quy định “Phương tiện giao thông đường bộ gồm: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ và xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ” phù hợp với thực tiễn áp dụng nhưng lại mâu thuẫn với quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 khi xác định về phương tiện giao thông đường bộ.
Vì vậy, điểm mới của Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 không những đảm bảo đúng nguyên tắc tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 mà còn giải quyết được vướng mắc về vấn đề chủ thể của tội phạm (không chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) và phương tiện tham gia giao thông đường bộ (không chỉ là phương tiện giao thông đường bộ).
Thứ hai, quy định cụ thể hậu quả về tính mạng, sức khỏe, tài sản (điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự) do hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ gây ra để làm căn cứ định tội và định khung hình phạt.
Điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự một hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường bộ tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 đó là, hành vi vi phạm “gây thiệt hại cho tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác” hoặc “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Vì vậy, ngoài việc viện dẫn đến Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì còn viện dẫn đến văn bản hướng dẫn thi hành (như Thông tư liên tịch số 09/2013).
Trong khi đó, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã xác định cụ thể từng trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng với khung hình phạt từ khoản 1 đến khoản 3, do đó, không phải dẫn chiếu đến các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể:
“…1. a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”.
Bên cạnh việc quy định cụ thể về hậu quả giúp cho người tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật dễ dàng xác định điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự của Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì cũng có một số bấp cập trong việc áp dụng các khoản của điều luật vào trong thực tế giải quyết các vụ án về loại tội này như sau:
- Về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là “gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”: Điều này có nghĩa, chỉ khi nào người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên mới cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tỷ lệ tổn thương cơ thể được quy định theo hướng có lợi cho người thực hiện hành vi vi phạm so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Bởi, theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Thông tư liên tịch số 09/2013 thì người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi “gây tổn hại cho sức khỏe của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% trở lên”. Như vậy, với việc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên là cấu thành tội phạm này.
Hơn nữa, trong trường hợp, người tham gia giao thông có hành vi vi phạm quy định về giới hạn tốc độ, về sử dụng làn đường, chở quá trọng tải quy định… gây tai nạn làm một người bị thương tích 51%. Vậy, người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ (Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015) hay vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác (Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015) với việc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% là cấu thành tội phạm.
Trong trường hợp trên, quan điểm thứ nhất cho rằng, không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải gây thiệt hại cho sức khoẻ của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên mới cấu thành tội phạm này. Trong trường hợp này, hành vi vi phạm xâm hại khách thể nào thì áp dụng điều luật tương ứng. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản, vì thế, chỉ có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm được quy định trong nhóm tội xâm phạm an toàn giao thông đường bộ.
Quan điểm thứ hai cho rằng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vi phạm này về Tội vô ý gây thương tích theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi trong trường hợp này, người vi phạm thực hiện với lỗi vô ý (có thể là vô ý do cẩu thả hoặc vô ý vì quá tự tin): Người có hành vi vi phạm đã gây ra hậu quả nhưng do cẩu thả nên không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả đó mặc dù được điều kiện khách quan buộc họ phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả đó, hoặc tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Đồng thời, thỏa mãn điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự là gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và giữa hành vi vi phạm của người tham gia giao thông đường bộ với thương tích của nạn nhân có mối quan hệ nhân quả. Vì thế, mặc dù hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ nêu trên không cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhưng thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên vẫn bị truy cứu trách nhiệm theo điều luật này.
Với hai quan điểm nêu trên, có thể thấy, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quan điểm thứ hai thì quá khiên cưỡng bởi nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường bộ chứ không phải xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của con người.
Khi sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hậu quả của tội này là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% được quy định tại khoản 4 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (giống với quy định về hậu quả tại khoản 1 Điều 138) bị bãi bỏ. Không thể cùng một dạng hành vi nguy hiểm cho xã hội thì có hành vi bị coi là tội phạm, có hành vi không bị coi là tội phạm, hơn nữa, tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được đánh giá có mức nguy hiểm cho xã hội cao hơn lại bị bãi bỏ.
Chính vì vậy, việc sửa đổi này đã tạo nên bất cập trong thực tiễn áp dụng và không bảo đảm nguyên tắc thống nhất và công bằng trong pháp luật hình sự. Đồng thời, tiềm ẩn phát sinh các mâu thuẫn trong xã hội khi người có hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ biết mình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ coi thường pháp luật, không ý thức được hành vi vi phạm của mình, không hòa giải với nạn nhân dẫn đến phát sinh những khiếu nại và khởi kiện không đáng có.
- Về áp dụng điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015: Khi cụ thể hóa “hậu quả rất nghiêm trọng” tại Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đã bãi bỏ trường hợp “làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này” được quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013 (tương ứng với quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015). Việc bãi bỏ hậu quả này đã dẫn đến bất cập trong thực tiễn áp dụng, cụ thể qua hai tình huống sau:
(i) Người tham gia giao thông đường bộ đi quá tốc độ giới hạn, sai làn đường… nên gây tai nạn làm 01 người chết và 01 người tổn hại 90% sức khỏe. Căn cứ vào quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi của người này chỉ phạm vào Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (với mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là 05 năm tù, là loại tội nghiêm trọng).
(ii) Người tham gia giao thông đường bộ đi quá tốc độ giới hạn, sai làn đường… nên gây tai nạn làm 01 người tổn hại 68% sức khỏe và 01 người tổn hại 70% sức khỏe. Hậu quả gây ra là làm 02 người tổn hại 138% sức khỏe. Hành vi của người này đã phạm vào Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (với mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù, là loại tội rất nghiêm trọng).
Thông qua hai tình huống trên, hậu quả mà người phạm tội gây ra ở tình huống thứ nhất lớn hơn ở tình huống thứ hai nhưng trách nhiệm hình sự của người phạm tội ở tình huống thứ nhất lại nhẹ hơn ở tình huống thứ hai. Đây chính là bất cập mà Bộ luật Hình sự đã bãi bỏ hậu quả “làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này”.
Ngoài ra, khi cụ thể hóa “hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” tại khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đã bãi bỏ trường hợp “làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều này” được quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013 cũng tạo nên bất cập trong thực tiễn áp dụng như trên.
Như vậy, để việc áp dụng điều luật thực sự chính xác và hiệu quả cần sớm ban hành hướng dẫn (thông tư liên tịch…) bổ sung về điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự “làm chết một người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại Điều này”, “làm chết hai người và còn gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp hướng dẫn tại Điều này” để thống nhất trong khi áp dụng pháp luật.
Thứ ba, bổ sung hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và giảm mức phạt tù là 01 năm với hành vi “có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả” gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Thực tế cho thấy, mặc dù khoản 4 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng có quy định hành vi này nhưng chưa có trường hợp nào bị truy tố, xét xử đối với loại hành vi này. Nguyên nhân là do thiếu căn cứ để xác định mức độ nguy hiểm của hành vi đã đủ để cấu thành tội phạm này hay chưa và giả sử xác định một hành vi nào đó đã phạm tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 5 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì dựa vào căn cứ nào để đưa ra mức hình phạt cho hành vi phạm tội đó. Vì thế, nếu vẫn ghi nhận hành vi này trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các nhà làm luật cần sớm có văn bản (thông tư liên tịch…) hướng dẫn cụ thể để tránh bỏ lọt tội phạm.
Những quy định mới về Tội vi phạm những quy định về tham gia giao thông đường bộ là căn cứ pháp lý thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập nhất định cần phải sớm có hướng giải quyết, khắc phục, có như vậy, công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này trong thực tiễn mới đạt hiệu quả, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn trật tự xã hội trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ.
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I
[1]. Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 06 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2018 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì.