1. Thực trạng áp dụng pháp luật về môi trường đối với các vi phạm của pháp nhân trong thời gian qua
Trong một thời gian dài trước khi Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội phạm trong lĩnh vực môi trường chỉ bị xử lý hình sự áp dụng với đối tượng là cá nhân. Việc không tội phạm hóa đối với pháp nhân là một hạn chế và được coi là lỗ hổng của pháp luật, khiến các cơ quan tố tụng không thể khởi tố hình sự và định tội các doanh nghiệp hay người đứng đầu doanh nghiệp khi họ là chủ thể các vi phạm môi trường. Việc chỉ xử lý đơn thuần bằng chế tài hành chính đối với pháp nhân không có tác dụng răn đe ngăn ngừa hành vi hủy hoại môi trường với hậu quả nghiêm trọng do các pháp nhân thực hiện. Điển hình là vụ việc Công ty bột ngọt Vedan xả thải không qua xử lý ở vùng hạ lưu sông Thị Vải, Đồng Nai được phát hiện vào tháng 09/2008 có thể coi là một minh chứng khi công cụ pháp lý tỏ ra bất lực do không quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân, trong khi biện pháp xử lý hành chính đối với Công ty Vedan theo pháp luật lại quá nhẹ[1]. Hay vụ việc chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái (Thanh Hoá) năm 2013 không thể xử lý cả về hình sự lẫn hành chính khiến dư luận rất bất bình.[2]
Sau rất nhiều sự cố về môi trường do hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, phải thừa nhận pháp luật Việt Nam về xử lý tội phạm môi trường, đặc biệt là đối với pháp nhân đã có những quy định thay đổi như việc quy định TNHS pháp nhân, thời hiệu truy cứu TNHS, cho phép khởi kiện tập thể… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập tạo nên kẽ hở pháp luật, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người dân bị thiệt hại, và các cơ quan quản lý chuyên ngành, đặc biệt trong các vấn đề như thiếu hướng dẫn chi tiết với việc tội phạm hóa hành vi vi phạm pháp nhân, xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại do tội phạm môi trường gây ra, cũng như những lúng túng người dân và các cơ quan chức năng trong việc xử lý các khiếu kiện, xung đột môi trường với doanh nghiệp vi phạm.
2. Những bất cập trong vấn đề tội phạm hóa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của pháp nhân
Sau sự cố Vedan cho thấy sự thiếu sót trong quy định của Bộ luật Hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường của pháp nhân, điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 là đã “tội phạm hóa” đối với 09 hành vi vi phạm của pháp nhân trong lĩnh vực tội phạm môi trường như: Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản); Điều 243 (tội hủy hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại).
Mặc dù có quy định nhưng đến nay vì lùi thời điểm có hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015 nên các quy định trên vẫn chưa có hiệu lực áp dụng, đồng thời chưa có hướng dẫn chi tiết để xử lý nên trên thực tế sẽ có nhiều lúng túng đối với các cơ quan thực thi pháp luật.
Trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, mức xử phạt tiền nặng nhất được quy định là 10 tỷ đồng, mức xử phạt này chưa đủ nghiêm minh hay nói cách khác vẫn còn quá nhẹ trong nhiều trường hợp so sánh với hậu quả nặng nề mà hành vi ô nhiễm môi trường gây ra. Việc xác định số tiền xử phạt có nhiều ý nghĩa, ngoài việc nhằm trừng phạt hành vi tội phạm môi trường, chế tài này cần xem xét dựa trên những thiệt hại đối với môi trường để yêu cầu bên gây ô nhiễm phải bồi thường, và xây dựng các biện pháp khắc phục sự cố ô nhiễm và phục hồi môi trường. Như vậy, chi phí liên quan đến sự cố môi trường trong nhiều trường hợp nghiêm trọng sẽ là con số rất lớn, nếu không được bù đắp bởi tội phạm môi trường thì việc chi tiêu công để khắc phục sự cố này sẽ gây thiệt hại đến ngân sách nhà nước, thời gian và tiền của nhân dân. Ví dụ, để khắc phục ô nhiễm, trả nguyên trạng 8,7 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Thành phố Hồ Chí Minh dự tính thực hiện trong gần 20 năm với chi phí 7.300 tỷ đồng, tức là khoảng gần 900 tỷ đồng khắc phục 1 km kênh ô nhiễm[3].
Ngoài hình phạt tiền, Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định việc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn của pháp nhân phạm tội[4], điều này sẽ gây ra khó khăn nếu muốn pháp nhân gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại. Việc yêu cầu pháp nhân bồi thường thiệt hại là việc dân sự, nên với xử lý hình sự đình chỉ hoạt động vĩnh viễn của pháp nhân sẽ tước đi cơ hội đòi bồi thường đối với các đối tượng bị thiệt hại, vì pháp nhân đó đã không còn tồn tại.[5] Trên thực tế, việc thực thi quy định này sẽ có nhiều kẽ hở vì nếu muốn xử lý hình sự đối với pháp nhân chỉ có thể tiến hành khi các pháp nhân còn tồn tại, nhiều doanh nghiệp sẽ tự giải thể trước khi hành vi gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện.
Đối với thời hiệu truy cứu TNHS của pháp nhân trong BLHS 2015 được căn cứ dựa trên mức độ nghiêm trọng của tội phạm qua thời gian bị phạt tù[6], ví dụ, 5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng, hay 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với pháp nhân phạm tội môi trường, việc xác định mức độ tội phạm cần căn cứ vào mức độ thiệt hại đối với môi trường, vì vậy cần có hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề thời hiệu truy cứu TNHS của pháp nhân, đặc biệt đối với tội phạm môi trường vì hành vi vi phạm có thể diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, các chủ thể của hành vi vi phạm thường cố tình che giấu, hoặc khi bị phát hiện thì hậu quả rất lớn, chủ thể có thể đã không còn tồn tại, hoặc đã rút về nước (đối với các nhà đầu tư nước ngoài).
Mặc dù còn hạn chế, nhưng nỗ lực tội phạm hóa hành vi vi phạm pháp nhân đã cởi trói cho các cơ quan thực thi pháp luật có thể tiến hành khởi tố hình sự đối với các pháp nhân vi phạm. Đây chính là điểm khác biệt của Bộ luật Hình sự năm 2015 so với vụ Vedan cách đây 8 năm. Vì vậy, trong vụ chôn lấp 100 tấn chất thải trái phép của Formosa tại Hà Tĩnh hiện nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về các hành vi liên quan đến quản lý, xử lý chất thải nguy hại để điều tra những cá nhân, công ty liên quan sau khi có kết luận của Bộ Tài Nguyên Môi trường về việc chôn lấp chất thải trái phép chất thải của Formosa. Đây sẽ là vụ kiện đầu tiên trong lĩnh vực xử lý hình sự đối với tội phạm pháp nhân gây ô nhiếm môi trường, cụ thể là các hành vi vi phạm của các công ty có liên quan như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và quản lý môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh sẽ được đưa ra trước ánh sáng pháp luật và công lý.
3. Những khó khăn trong việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội của pháp nhân
Để truy cứu TNHS, hay buộc pháp nhân phạm tội môi trường phải bồi thường thiệt hại về môi trường do hành vi vi phạm gây ra đối với môi trường sống, sức khỏe con người, tài sản.., bên bị hại phải chứng minh được có thiệt hại thực tế xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của pháp nhân với thiệt hại đó. Tuy nhiên, thiệt hại môi trường khó có thể tính toán cụ thể do hậu quả gây ra có thể liên quan đến nhiều đối tượng ở mức độ khác nhau (con người, môi trường), ở nhiều thời điểm khác nhau (hiện tại, tương lai), ở các khía cạnh khác nhau (sức khỏe, thu nhập, tinh thần,..), cũng như cơ sở khoa học để tính toán các yếu tố không chắc chắn như khả năng phục hồi của môi trường, thiệt hại của thế hệ tương lai... Đến nay, vẫn chưa có các phương pháp tính toán thiệt hại một cách khoa học và được chấp nhận rộng rãi. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã nêu ra 03 mức độ thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm i) có suy giảm; ii) suy giảm nghiêm trọng; iii) suy giảm đặc biệt nghiêm trọng[7]. Nhưng nội hàm của các mức độ này vẫn chưa được làm rõ một cách có cơ sở. Do vậy, trong tương lai để hướng dẫn việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường, cần có một văn bản cụ thể hướng dẫn ban hành để giúp các cơ quan chức năng định lượng hậu quả vi phạm môi trường.
Trong vụ Vedan, đã có những tranh cãi giữa Công ty TNHH Vedan với bên bị thiệt hại về việc xác định được mức độ gây thiệt hại do Công ty TNHH Vedan xả thải xuống sông khi hai bên dòng sông đó cũng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cũng tham gia xả thải xuống sông trong cùng thời gian xác định, kể cả các đối tượng ngay khu vực điều tra và vùng thượng nguồn. Vì vậy, Công ty TNHH Vedan đã lợi dụng điểm yếu này để thể hiện quan điểm không bồi thường thiệt hại mà “chi hỗ trợ” cho người dân trong các thỏa thuận được kí kết giữa Công ty TNHH Vedan và người dân.
Trong tương lai với các khởi kiện đòi bồi thường ở các sự cố môi trường tương tự, các nhà khoa học hình sự và môi trường, người dân bị thiệt hại phải xác định đúng chủ thể phạm tội môi trường và định lượng được mức độ gây thiệt hại do pháp nhân gây ra. Để thực hiện được việc này cần có sự tham gia quản lý môi trường, và đo lường ngay từ đầu khi các doanh nghiệp bắt đầu thực hiện dự án có tiến hành xả thải trên địa phương, như vậy việc xác định tỷ lệ gây hại của mỗi doanh nghiệp gây ô nhiễm như tình huống tương tự Công ty TNHH Vedan là khả thi.
4. Vấn đề khởi kiện vụ án dân sự đòi bồi thường thiệt hại đối với pháp nhân vi phạm pháp luật về môi trường
Đến nay qua thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án, số lượng vụ án được thụ lý và giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến môi trường được giải quyết không nhiều. Tuy nhiên, có thể kể đến một số vụ việc điển hình như vụ Công ty TNHH Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải ở Đồng Nai (2008), vụ công ty Nicotex Thành Thái chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa (2009 - 2013), vụ Công ty thép Đồng Tiến gây ô nhiễm môi trường ở Sóc Trăng (2014), vụ Công ty mía đường Sơn La nhiều năm liền gây ô nhiễm (2012 - nay)… Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về cơ chế giải quyết khiếu kiện môi trường còn tồn tại rất nhiều lỗ hổng đáng quan ngại khiến người dân lúng túng trong việc thực thi pháp luật. Cụ thể, do không có những hướng dẫn chi tiết về quy trình và thẩm quyền tiếp nhận đơn khiếu kiện cũng như sự vào cuộc chậm chạp của các cơ quan quản lý nên các hộ dân bị thiệt hại do ô nhiễm gửi đơn khiếu kiện đến rất nhiều nơi khác nhau như: Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện, tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; các hội, tổ chức đoàn thể…, và kể cả đến doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) không có cụm từ nào ghi nhận về “tranh chấp môi trường” tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi” (Điều 624), và khoản 3 Điều 161 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014[8], tranh chấp về môi trường được xác định là vụ án dân sự thuộc nhóm những tranh chấp về yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo quy định của của Điều 161 và khoản 3Điều 162, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đối với chủ thể có quyền khởi kiện, thì chỉ có hai đối tượng có quyền khởi kiện là: (i) Người bị thiệt hại tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; hoặc (ii) Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
Đối với các chủ thể là người dân bị thiệt hại khởi kiện, họ có thể khởi kiện với tư cách cá nhân, hoặc tập thể cùng bị thiệt hại. Để tạo thuận lợi cho người dân trong việc khiếu nại, khởi kiện và phổ biến kiến thức pháp luật đối với người dân, trước tiên cần có những hướng dẫn cụ thể về mẫu đơn, quy trình gửi đơn và cơ quan tiếp nhận, xử lý đơn khiếu kiện. Đi đôi với sự hỗ trợ về kiến thức pháp luật, người dân cần sự đồng hành và vào cuộc kịp thời các các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước. Điều đầu tiên nhân dân cần được hỗ trợ là việc minh bạch khi tiếp nhận và giải quyết các sự vụ tranh chấp để tránh những phản ứng tiêu cực hay thái quá của người dân đối với các doanh nghiệp như việc người dân gây áp lực thông qua việc biểu tình, tụ tập đông người hoặc ngăn chặn hoạt động của nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm. Đồng thời, chính quyền cơ sở phải thực sự đủ mạnh và kiên quyết để có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân ngay từ khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm… Thêm điểm đáng lưu ý là hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thường kéo dài trong nhiều năm nhưng người dân không có đủ điều kiện để phát hiện và chứng minh thiệt hại họ đã và đang phải gánh chịu. Do đó, việc xác định hành vi vi phạm về môi trường đòi hỏi cần có sự trợ giúp tích cực từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng.
Đối với chủ thể khởi kiện vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, theo hướng dẫn của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012: “Cơ quan Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải bồi thường thiệt hại, khắc phục sự cố gây ô nhiễm môi trường công cộng”. Tuy nhiên, điểm khó khăn ở đây là chưa có một vụ khởi kiện nào trên thực tế tiến hành bởi cơ quan quản lý, và không có văn bản hướng dẫn để xác định cơ quan tài nguyên và môi trường là cơ quan nào: Sở Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Ủy ban nhân dân các cấp. Ngoài ra, như thế nào là tổ chức có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc bảo vệ môi trường hiện nay cũng chưa được làm rõ, liệu có bao gồm các tổ chức hiệp hội hay không như: Hội nông dân, Hội bảo tồn sinh vật biển, Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam… Liệu các tổ chức này có được quyền khởi kiện vì lợi ích công cộng thuộc lĩnh vực mình phụ trách hay không. Do vậy, cần nêu rõ cơ quan nhà nước, tổ chức về tài nguyên và môi trường nào có nghĩa vụ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với môi trường tự nhiên.
Một vấn đề bất cập khác trong các khiếu kiện này là vấn đề thời hiệu khởi kiện tranh chấp về môi trường: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm kể từ ngày lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm[9]. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/7/2016 thì thời hiệu này được nâng lên thành 03 năm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, các hành vi gây ô nhiễm thường kéo dài, khó phát hiện và người dân phải mất một thời gian khá dài để thực hiện khiếu kiện tại các cấp chính quyền trước khi khởi kiện ra Tòa án. So sánh với pháp luật các quốc gia khác, thường quy định một thời hiệu kiện tương đối dài để bảo vệ quyền lợi của bên bị tổn hại, ví dụ: Điều L.152-1 Luật Môi trường của Pháp quy định thời hiệu 30 năm đối với “nghĩa vụ tài chính liên quan tới những thiệt hại gây ra đối với môi trường bởi các thiết bị, công trình và các hoạt động điều chỉnh bởi luật này…”. Thời hạn này được áp đặt nhằm tuân thủ các quy định tại Chỉ thị 2004/35/CE của Nghị viện Châu Âu. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần xem xét để điều chỉnh thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự liên quan tới những thiệt hại gây ra đối với môi trường với mức thời gian phù hợp để đảm bảo quyền tiếp cận công lý của bên bị thiệt hại.
5. Hiện thực hóa các quy định về hòa giải trong các tranh chấp môi trường và việc công nhận của Tòa án
Ngoài con đường khiếu kiện giải quyết bằng Tòa án nêu trên, hiện nay các tranh chấp về môi trường có thể được giải quyết bằng nhiều con đường phi tài phán như thương lượng, hòa giải… Mặc dù các giải pháp này cũng chỉ có thể đạt được hiệu quả khi có các bằng chứng minh thị xác định thủ phạm, và chứng minh được thiệt hại phát sinh từ bên bị hại. Con đường đạt được thỏa thuận bên ngoài Tòa án này sẽ giúp các bên tiết kiệm thời gian, hạn chế các thủ tục rườm rà, và có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận bồi thường khi các bên đều có thiện chí giải quyết tranh chấp.
Đối với vấn đề hòa giải, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo Điều 416 Bộ luật Dân sự năm 2015, kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải (chẳng hạn như tổ hòa giải, hòa giải viên theo Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013). Trong lĩnh vực môi trường, điểm d khoản 3 Điều 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định trách nhiệm hòa giải của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn.
Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành quy định này trên thực tế cần nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên cấp cơ sở về các kiến thức môi trường, kĩ năng hòa giải… và việc đảm bảo thi hành các kết quả hòa giải đã đạt được, để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên bị thiệt hại - đối tượng dễ chịu thiệt thòi trong thỏa thuận với bên gây thiệt hại.Vì vậy, áp dụng thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án quy định cụ thể từ Điều 416 đến Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trên thực tế sẽ góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý và khả năng thi hành những thỏa thuận của các bên.
6. Đề xuất ký quỹ môi trường và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Đối với pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường, việc ký quỹ môi trường phải được quy định chặt chẽ hơn. Nội dung của ký quỹ môi trường là yêu cầu các doanh nghiệp trước khi đầu tư phải đặt cọc tại ngân hàng một khoản tiền nào đó đủ lớn để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng các cam kết, số tiền ký quỹ sẽ được rút ra để chi khắc phục sự cố ô nhiễm do doanh nghiệp gây ra thậm chí khi doanh nghiệp sắp giải thể hay phá sản. Đây là giải pháp để các nước có xu hướng tiếp nhận các nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ như Việt Nam cần phải tiến hành chặt chẽ để giảm thiểu các rủi ro về môi trường do tiếp nhận công nghệ xử lý chất thải lạc hậu, hoặc không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay.
Ngoài ra, Luật bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho môi trường phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường[10]. Như vậy, cùng với sự phát triển của nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm này trong tương lai tại Việt Nam, các pháp nhân có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động của mình sẽ bắt buộc tham gia bảo hiểm nhằm hoán chuyển các rủi ro không lường trước được từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình sang các công ty bảo hiểm, và đáp ứng được khả năng bồi thường thiệt hại khi sự cố môi trường xảy ra cho người dân và cộng đồng. Trách nhiệm mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại về môi trường sẽ khiến các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng nâng cao hơn ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về xả thải, bảo vệ môi trường, để tránh đối mặt với nguy cơ tổn thất tài chính từ việc bồi thường thiệt hại. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp sẽ ngày càng nghiêm túc và tuân thủ pháp luật đầy đủ trong việc bảo vệ môi trường sống trong sạch và lành mạnh cho người dân, cộng đồng. Đồng thời điều này cũng chính là gắn liền với lợi ích bảo vệ môi trường sản xuất, kinh doanh an toàn hợp pháp cho doanh nghiệp.
Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh