1. Quyền tố cáo của công dân
Quyền tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định:
1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”.
Như vậy, mọi người đều có quyền tố cáo về việc làm trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 quy định:
“Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.
Theo phương diện xã hội, tố cáo là việc thể hiện sự bất bình với hành vi vi phạm pháp luật của người khác thông qua việc báo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật đó để các cơ quan, tổ chức, cá nhân này biết và xử lý.
Theo phương diện pháp lý, tố cáo là một quyền của công dân, là một hình thức biểu hiện của dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó để công dân giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước và bảo vệ lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
2. Quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo theo Luật Tố cáo năm 2018
2.1. Các quy định chung về bảo vệ người tố cáo
Việc bảo vệ người tố cáo là thật sự cần thiết trong thực tiễn. Thực tế chứng minh nhiều trường hợp người tố cáo bị đe dọa, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của mình cũng như người thân. Điều này dẫn đến người dân không tố cáo các hành vi vi phạm do sợ bị “trả thù” vì những đối tượng vi phạm thường là những người có chức vụ, quyền hạn, địa vị và ảnh hưởng trong xã hội, thường ở "thế mạnh", còn người "tố cáo" thì thường lại ở "thế yếu".
Để giúp cho người tố cáo được an toàn, xóa đi tâm lý không dám tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ người tố cáo. Theo quy định của khoản 2 Điều 4 Luật Tố cáo năm 2018, một trong những nguyên tắc của giải quyết tố cáo là việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo. Điểm a khoản 1 Điều 5 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người tố cáo. Các hành vi đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo là những hành vi bị cấm và người thực hiện những hành vi này là vi phạm pháp luật (khoản 8 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018).
2.2. Đối tượng, phạm vi bảo vệ
Khoản 1 Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 quy định “bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ)”. Dựa vào quy định này, đối tượng được bảo vệ bao gồm người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Như vậy, pháp luật không chỉ bảo vệ người tố cáo mà còn bảo vệ cả những người thân thích của họ. Trên thực tế, không chỉ người tố cáo bị đe dọa mà rất nhiều trường hợp, những người có hành vi vi phạm pháp luật đã đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người thân của người tố cáo nhằm tạo áp lực cho người tố cáo để họ không dám tố cáo hay rút đơn tố cáo. Quy định này nhằm hạn chế đến mức tối đa các yếu tố tác động đến tâm lý của người tố cáo, khiến họ không dám thực hiện việc tố cáo.
Phạm vi bảo vệ gồm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo (trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ); bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo.
Đầu tiên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần bảo vệ các quyền nhân thân của người tố cáo. Đó là các quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người. Đây là những quyền tự nhiên của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của những người được bảo vệ là một trong những hình thức quan trọng, cần được đẩy mạnh. Bởi đây là những thứ quan trọng nhất đối với con người. Thực tế cho thấy, việc đe dọa xâm hại, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo thường xuyên diễn ra với các hình thức như đánh đập, gửi thư, tin nhắn đe dọa, tung tin đồn không đúng sự thật về hành vi tố cáo... Từ những bất cập thực tế như vậy, kế thừa những quy định của Luật Tố cáo năm 2011 và các văn bản liên quan, Luật Tố cáo năm 2018 quy định về việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 cũng có quy định về bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. Như vậy, Luật Tố cáo đã có các quy định về phạm vi bảo vệ nhằm đảm bảo sự an toàn và cuộc sống bình thường của những người tố cáo.
2.3. Các biện pháp bảo vệ
Các biện pháp bảo vệ người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo được quy định trong các điều từ Điều 56 đến Điều 58 Luật Tố cáo năm 2018, bao gồm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo.
- Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin (được quy định tại Điều 56 Luật Tố cáo 2018).
Để thực hiện bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo, khi tiếp nhận tố cáo, thụ lý giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải nghiên cứu, xác định nội dung vụ việc, những thông tin nếu tiết lộ sẽ gây bất lợi cho người tố cáo để áp dụng biện pháp phù hợp nhằm giữ bí mật thông tin cho người tố cáo.
Trong quá trình khai thác, điều tra thông tin, tài liệu người tố cáo cung cấp cần giữ bí mật về các thông tin của người tố cáo. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý tố cáo phải giữ bí mật về thông tin, địa chỉ, nét chữ, ngày tháng năm sinh… Tóm lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận, giải quyết tố cáo có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin mà từ đó, người bị tố cáo và những người có liên quan có thể tìm ra hoặc biết được người tố cáo là ai.
Trường hợp cần thiết có thể lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, đồng thời lưu trữ và quản lý thông tin về người tố cáo theo chế độ thông tin mật trong trường hợp giao đơn tố cáo và các tài liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác điều tra, xác minh nội dung tố cáo. Việc tố cáo của người tố cáo ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị tố cáo, dễ dẫn đến việc tìm người tố cáo để đe dọa hay trả thù. Người bị tố cáo thường là người có “quyền”, người tố cáo thường ở thế yếu nên việc lược bỏ thông tin khi chuyển giao đơn tố cáo và các tài liệu liên quan là việc làm cần thiết nhằm tránh nguy cơ để lộ thông tin về người tố cáo.
Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu có yêu cầu làm việc trực tiếp với người tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, người giải quyết tố cáo phải bố trí thời gian, địa điểm và lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo. Cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo khi cần thiết là việc trực tiếp cần tổ chức các biện pháp như không để lộ mặt, lộ các thông tin của người tố cáo. Các tài liệu, giấy tờ được sử dụng để làm việc với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không được chứa các thông tin của người tố cáo.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo có thể đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như cơ quan cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.
- Bảo vệ vị trí công tác, việc làm: Biện pháp bảo vệ vị trí, công tác việc làm (được quy định tại Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018).
Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm bao gồm bảo vệ vị trí công tác việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo hợp đồng lao động. Đối với mỗi đối tượng được bảo vệ khác nhau sẽ có những biện pháp khác nhau dựa vào tính chất, vị trí công việc của họ.
Đối với người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức, các biện pháp bảo vệ có thể là tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ. Các biện pháp bao gồm cả việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ và xử lý những người có hành vi trù dập, trả thù, đe dọa người được bảo vệ để tránh việc họ bị làm ảnh hưởng đến công việc, vị trí công tác.
Người được bảo vệ có thể bị trù dập bằng cách kỷ luật, cách chức, đuổi việc hay gây khó dễ trong công việc. Do đó, để đảm bảo người được bảo vệ không bị gây khó dễ, cản trở trong công việc, cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải tiến hành các biện pháp để bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. Thậm chí người được bảo vệ có thể được bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử.
Với trường hợp người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động, các biện pháp được áp dụng bao gồm yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm (biện pháp này được quy định tại Điều 58 Luật Tố cáo năm 2018). Mục đích của các biện pháp này là nhằm phòng tránh cũng như ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
2.4. Chủ thể có quyền áp dụng biện pháp bảo vệ
Các chủ thể có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ gồm có người giải quyết tố cáo, cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo, cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, cơ quan công an, Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác (được quy định tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018). Đối với mỗi biện pháp bảo vệ khác nhau sẽ có những chủ thể khác nhau phù hợp với việc áp dụng biện pháp đó. Ví dụ, biện pháp bảo mật thông tin người tố cáo sẽ do người giải quyết tố cáo, cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo thực hiện bởi họ là những người biết được thông tin của người tố cáo. Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ sẽ do cơ quan công an áp dụng vì họ là những người có đủ chuyên môn nghiệp vụ, công cụ, phương tiện để thực hiện bảo vệ một cách tốt nhất.
2.5. Trình tự, thủ tục bảo vệ
Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người được bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Nếu đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.
Trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ có thể thay đổi biện pháp bảo vệ để phù hợp với tình hình thực tế.
3. Ý nghĩa của các quy định về bảo vệ người tố cáo
Bảo vệ người tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. Thực tế cho thấy, việc tố cáo xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhưng có những người tố cáo không am hiểu pháp luật dẫn đến vấn đề tố cáo không được quan tâm, bản thân gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí bị đe dọa, trù dập; có những trường hợp phát hiện ra tiêu cực, có những vấn đề liên quan trực tiếp quyền lợi của bản thân nhưng không dám tố cáo. Do đó, để người tố cáo không bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp khi thực hiện quyền tố cáo, cần có các biện pháp để bảo vệ họ. Đây là ý nghĩa quan trọng nhất của việc bảo vệ người tố cáo.
Bảo vệ người tố cáo cũng góp phần khuyến khích phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Ðể phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật có hiệu quả tốt, việc bảo vệ an toàn cho người tố cáo nhằm khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật là yêu cầu cấp thiết. Việc quy định bảo vệ người tố cáo giúp cho người tố cáo an tâm hơn, khuyến khích họ vạch trần những hành vi sai trái, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn.
Quy định bảo vệ người tố cáo trong Luật Tố cáo năm 2018 có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích của người được bảo vệ, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra đối với người tố cáo và người thân của họ. Bên cạnh đó, việc bảo vệ người tố cáo cũng giúp cơ quan nhà nước giải quyết nhiều vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện những quy định định này cần tiếp tục được cụ thể hóa một cách rõ ràng, mạch lạc để đảm bảo tính khả thi trên thực tế.
Ý kiến bạn đọc (0)
Các tin khác
Quyết liệt áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg ngày 09/12/2024 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Quy định cụ thể, phù hợp ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh tránh tác động tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một nội dung mới, nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp trong Luật số 56/2024/QH15 vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự thảo Nghị định quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - động lực vươn mình cho các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, xu thế chung của...
Xuất khẩu trực tuyến - “sân chơi mới” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon 2024 diễn ra ngày...
Bỏ hạn mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Đây là quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, quy định này nhằm tạo điều kiện để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức đối tác công tư trong từng dự án cụ thể.