Tóm tắt: Bài viết tập trung vào một số vấn đề lý luận, thực trạng bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ tại Tòa án, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự.
Abstract: The article focuses on a number of theoretical issues, the current status of protecting women's equal rights at the Court, thereby proposing solutions to protect women's equal rights in civil proceedings.
1. Vấn đề lý luận về bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam
Bình đẳng, quyền bình đẳng là những thuật ngữ khá quen thuộc, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một định nghĩa chính xác, toàn diện về khái niệm “quyền bình đẳng của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự” được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự. Dưới góc độ xã hội, “quyền bình đẳng” không chỉ được hiểu với ý nghĩa là một thuật ngữ xã hội mà còn phải hiểu với ý nghĩa là một thuật ngữ pháp lý, thể hiện việc pháp luật hóa một quyền tự nhiên của con người, theo đó, con người có cơ hội ngang nhau trong việc được hưởng quyền, lợi ích và khi tham gia tố tụng dân sự họ có quyền, nghĩa vụ ngang nhau, có vị thế bằng nhau, thậm chí còn có quyền được Tòa án bảo vệ như nhau. Dưới góc độ pháp lý, quyền bình đẳng được ghi nhận tại Điều 16 Hiến pháp năm 2013: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Cụ thể hóa quyền bình đẳng, pháp luật tố tụng dân sự hiện nay đã khẳng định quyền bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ bằng một nguyên tắc tại Điều 8 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: “Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án”.
Về bản chất, quyền bình đẳng của phụ nữ được ghi nhận trong pháp luật tố tụng dân sự có nguồn gốc từ quyền bình đẳng trước pháp luật của con người, nên trên cơ sở đó quyền bình đẳng của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự trước hết phải được hiểu là một trong những quyền tố tụng rất quan trọng, thể hiện tính đặc thù quyền của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự. Quyền bình đẳng của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự không chỉ là việc pháp luật tố tụng dân sự quy định Tòa án không được phân biệt đối xử giữa các đương sự mà còn là những quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc tạo cơ hội như nhau cho các đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng, không phân biệt đối xử mà bảo vệ công bằng quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Như vậy, dưới góc độ pháp luật thì: Quyền bình đẳng của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự là tổng thể những quy định của pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận về một trong những quyền tố tụng đặc trưng của những người có quyền, lợi ích trong vụ, việc dân sự. Theo đó, họ có quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm ngang nhau, có địa vị pháp lý như nhau và đều được Tòa án bảo vệ như nhau về quyền và lợi ích hợp pháp trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự.
Về khái niệm “tố tụng dân sự”, trong nghiên cứu khoa học luật tố tụng dân sự đã có nhiều cách giải thích khác nhau về thuật ngữ “tố tụng dân sự”. Mỗi cách hiểu tuy có những điểm khác nhau nhưng đều có một điểm chung giống nhau là: Nói đến tố tụng dân sự là nói đến trình tự tố tụng hay còn gọi là quy trình tố tụng giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự, thể hiện qua hai phương diện là pháp luật tố tụng dân sự và hoạt động tố tụng dân sự bởi vì pháp luật tố tụng dân sự và hoạt động tố tụng dân sự là hai mặt không thể tách rời của một hệ thống thống nhất đó là quy trình tố tụng dân sự. Cũng như các tố tụng khác, tố tụng dân sự là quy trình giải quyết vụ việc phát sinh tại Tòa án nhân dân nhưng khác là tố tụng dân sự có đối tượng giải quyết là các vụ việc dân sự, mục đích hướng tới chỉ là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự của đương sự trong vụ việc dân sự.
2. Thực trạng bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự
Quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay về bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự chủ yếu được thể hiện qua Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, từ các quy định về thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm đến thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự… Xác định một cách khái quát nhất thì bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:
2.1. Quyền bình đẳng của phụ nữ trong quá trình tố tụng dân sự
Để bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ thì trước hết pháp luật phải ghi nhận đầy đủ, toàn diện các đương sự có vị thế pháp lý như nhau, có quyền và nghĩa vụ tố tụng ngang nhau. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã thể hiện tương đối rõ điều này, bao gồm: (i) Các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc tiếp cận Tòa án, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; (ii) Các đương sự trong tố tụng dân sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình trước Tòa án; (iii) Các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc tranh tụng tại phiên tòa; (iv) Các đương sự có quyền bình đẳng với nhau trong việc thỏa thuận về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án.
2.2. Trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong quá trình tố tụng
Bên cạnh việc ghi nhận các đương sự ngang bằng nhau về quyền, nghĩa vụ, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn có các quy định bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự từ phía Tòa án. Cụ thể là: (i) Tòa án phải có trách nhiệm bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tiếp cận Tòa án, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; (ii) Tòa án phải có trách nhiệm bảo đảm cho phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng trong việc cung cấp chứng cứ, chứng minh; (iii) Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia phiên tòa, thực hiện tranh tụng tại phiên tòa; (iv) Tòa án phải bảo đảm cho phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng thỏa thuận về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án.
Như vậy, bên cạnh các quy định ghi nhận đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 còn có những quy định khá cụ thể về trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm cho đương sự được ngang nhau khi thực hiện quyền và nghĩa vụ.
2.3. Vai trò của Viện kiểm sát trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ
Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, qua đó, giám sát quyền bình đẳng của phụ nữ trong việc tham gia phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa cũng như giám sát Tòa án trong việc bảo đảm cho phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng tham gia phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa qua một số điều luật cụ thể của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do pháp luật quy định. Tiếp đến Điều 232 quy định về sự có mặt của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm, Điều 249 quy định về thủ tục Viện kiểm sát hỏi tại phiên tòa, Điều 262 quy định về thủ tục phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm…
Như vậy, có thể thấy bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự được thể hiện qua các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về vai trò giám sát của Viện kiểm sát đối với việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ và giám sát trách nhiệm bảo đảm cho phụ nữ thực hiện được quyền bình đẳng của Tòa án. Các quy định này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và cùng với các chủ thể khác, Viện kiểm sát đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự trên thực tế.
2.4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ
Để hỗ trợ phụ nữ thực hiện hiệu quả quyền bình đẳng trong việc tiếp cận Tòa án, đưa ra yêu cầu tại Tòa án, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã khẳng định: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay của người khác. Cụ thể hóa cho nguyên tắc này, một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm đã khẳng định trong những trường hợp do pháp luật quy định thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ cho đương sự thực hiện quyền bình đẳng trong việc tiếp cận Tòa án, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Ví dụ, Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Như vậy, bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong pháp luật tố tụng dân sự được thể hiện qua các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trước Tòa án; vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bình đẳng; vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc giám sát các chủ thể thực hiện và bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự và trách nhiệm hỗ trợ đương sự thực hiện quyền bình đẳng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự là phụ nữ trong tố tụng dân sự
Một là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của đương sự để rõ hơn quyền bình đẳng của phụ nữ trong tố tụng dân sự.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để khẳng định rõ hơn quyền bình đẳng của đương sự là phụ nữ trong tố tụng dân sự. Bổ sung điều luật quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự trong việc dân sự để đương sự trong việc dân sự bình đẳng với đương sự trong vụ án dân sự. Bổ sung quyền đưa ra yêu cầu của bị đơn tại Điều 72 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để bảo đảm hơn nữa quyền bình đẳng giữa bị đơn với các đương sự khác. Bổ sung nội dung Điều 112 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong việc bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đương sự khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bổ sung quy định tại Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thời hạn Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để nâng cao trách nhiệm của Tòa án phải tiếp tục giải quyết vụ án.
Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về trách nhiệm của Viện kiểm sát trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự.
Bên cạnh chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát tại phiên tòa xét xử, cần tăng cường sự kiểm sát của Viện kiểm sát trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là giải pháp phù hợp để bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự. Khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rõ Tòa án có thể thu thập chứng cứ bằng các biện pháp cụ thể nhưng chưa có quy định về các biện pháp thu thập chứng cứ mà Viện kiểm sát được tiến hành. Viện kiểm sát cũng là một cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như Tòa án nên sẽ là phù hợp nếu Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ bằng các biện pháp được quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015”.
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của đương sự trong tố tụng dân sự.
Bổ sung nội dung của nguyên tắc trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm phối hợp với Tòa án ban hành bộ tập quán dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án trong trường hợp chưa có luật áp dụng.
NCS. Nguyễn Thanh Hiền & ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang
Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam
[1]. Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả với đề tài “Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” năm 2022.