1. Đặt vấn đề
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, là hạnh phúc của gia đình, là những chủ nhân tương lai của đất nước[1].
Ngày 26/01/1990, Việt Nam ký Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và chính thức phê chuẩn Công ước này vào ngày 20/02/1990, là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước này. Hơn ba thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em của đất nước. Ngày càng có nhiều trẻ em được pháp luật bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập những kiến thức và kỹ năng cần thiết ngay từ trường mầm non và được ưu tiên hưởng chính sách phúc lợi.
Quyền trẻ em ở Việt Nam đã được ghi nhận và khẳng định tại Điều 37 Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Trong các giai đoạn lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước, công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và môi trường mạng, nhiều trẻ em đã không được bảo vệ tốt quyền của mình trên môi trường mạng.
2. Thực trạng vi phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em Việt Nam trên không gian mạng trong những năm gần đây
Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã giúp con người, trong đó có trẻ em dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận nhiều thông tin. Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận các thiết bị có kết nối mạng ngày càng tăng (đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19).
Năm 1997, Việt Nam bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet, từ thời điểm này, Internet Việt Nam chính thức hòa vào Internet toàn cầu. Sự xuất hiện Internet tại Việt Nam chậm hơn một số nước trong khu vực khoảng 03 - 04 năm và thế giới khoảng 07 - 08 năm nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng Internet nhanh nhất trong khu vực cũng như thế giới.
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của Internet, vẫn còn đó nhiều nguy hiểm, cạm bẫy khó nhận biết để trẻ tự phòng tránh như truy cập vào những nội dung xấu, thông tin giả; bị bắt nạt, dụ dỗ trên mạng xã hội; có nguy cơ “nghiện” sử dụng mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và sinh hoạt hàng ngày...
Năm 2020, tại Việt Nam đã có hơn 700.000 vụ liên quan tới hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên mạng - đứng thứ 02 trong khối ASEAN[2]. Trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này[3]. Trong tháng 8/2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 240 cuộc gọi có nội dung liên quan tới xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, trong đó có 67 cuộc gọi liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, 22 cuộc gọi liên quan tới các tình huống trẻ em bị bạo lực, bắt nạt trên môi trường mạng... Dựa vào các cuộc gọi tiếp nhận, các nhân viên Tổng đài 111 đã thực hiện 11 ca can thiệp các tình huống xâm hại, dụ dỗ, bạo lực, xúc phạm trẻ em trên môi trường mạng[4]. Đây là con số đáng lo ngại, bởi lẽ, việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có thể dẫn đến những hậu quả thực tế về thể chất và sự phát triển tâm lý bình thường của trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Một trong những nguyên nhân chính là sự buông lỏng của gia đình trong việc quản lý con em trong hoạt động trên không gian mạng, bên cạnh đó có nguyên nhân từ việc trẻ chưa đủ kiến thức để nhận thức hết được mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng, chưa đầy đủ về các nguy cơ, tính phức tạp, mối nguy hại cũng như chưa có kỹ năng bảo vệ bản thân khi hoạt động, tương tác, có mối quan hệ tình cảm, yêu đương trên mạng nên không có khả năng bảo vệ bản thân, từ đó, chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Cùng với đó, nhiều đối tượng phạm tội còn trẻ tuổi, chưa nhận thức được đầy đủ về pháp luật, tính nghiêm trọng của hành vi, thực hiện các hành vi chỉ vì tò mò, thỏa mãn bản thân, hùa theo bạn bè. Phần khác, do trẻ em sớm tiếp cận với Internet và các loại hình thông tin, dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi các loại thông tin dâm ô, đồi trụy trên không gian mạng[5]…
Mặc dù đã có những quy định pháp luật về bảo vệ quyền thông tin của trẻ em nhưng việc vi phạm này vẫn diễn ra hàng ngày. Việc cha mẹ đăng tải hình ảnh con cái trên mạng xã hội tràn lan khắp nơi. Khách du lịch hay bất kỳ người đi đường nào, khi thấy trẻ em, vẫn thản nhiên chụp ảnh và chia sẻ lên các trang cá nhân mà không xin phép trẻ hay người đại diện của trẻ. Hơn nữa, khi công nghệ AI đang phát triển, người dùng còn thản nhiên lựa chọn những hình ảnh trẻ em trên mạng để chỉnh sửa theo công nghệ AI nhằm mục đích tăng lượt thích, lượt chia sẻ lên mạng xã hội. Một số người chia sẻ hình ảnh nhằm mục đích phi thương mại nhưng cũng có những người chia sẻ hay sử dụng hình ảnh của trẻ em, chỉnh sửa theo công nghệ AI nhằm mục đích quảng cáo tìm kiếm lợi nhuận.
Có một nghịch lý rằng, cha mẹ và người thân trong gia đình của trẻ em đáng lẽ phải là người bảo vệ thông tin, hình ảnh của trẻ một cách tốt nhất. Tuy nhiên, người đăng tải các thông tin và chia sẻ thông tin của trẻ lên không gian mạng nhiều nhất lại chính là những thành viên trong gia đình của trẻ. Mặc dù, việc cha mẹ đăng tải hình ảnh của con mình, thông thường chỉ nhằm lưu giữ lại hình ảnh đẹp của con hoặc chia sẻ niềm vui của cha mẹ với những người khác nhưng cha mẹ lại không hỏi ý kiến của trẻ (đối với trẻ từ 07 tuổi trở lên) và không dạy cho trẻ biết cách bảo vệ hình ảnh, thông tin cá nhân của mình trước những người khác. Đáng lo ngại hơn nữa là việc cha mẹ thờ ơ trước việc sử dụng hình ảnh của con mình một cách tự do đối với những người khác. Bản thân trẻ em không thể tự bảo vệ tốt quyền thông tin cá nhân của mình, nên cha mẹ hoặc người đại diện là những người có trách nhiệm hướng dẫn và bảo vệ trẻ em.
Hiện nay, không chỉ các cá nhân sử dụng mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh và thông tin của trẻ mà còn có cả những tổ chức nơi trẻ học tập, vui chơi, giải trí cũng tận dụng hình ảnh của trẻ làm truyền thông mà không xin phép. Thực tế, không chỉ pháp luật quy định trẻ em quyền tự bảo vệ mình và trách nhiệm của những người khác trong việc bảo vệ trẻ em mà ở độ tuổi này, trẻ em đã biết nhìn nhận, đánh giá cái đẹp, cái xấu và cái tốt, cho nên, trẻ em có quyền đưa ra quyết định để bảo vệ cảm xúc của mình.
Năm 2022, vụ việc xảy ra tại Tịnh Thất Bồng Lai là một ví dụ điển hình. Cục Trẻ em đã phải gửi Công văn đề nghị Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp ngăn chặn, xử lý những thông tin, hình ảnh chia sẻ tràn lan trên mạng. Thậm chí, người dùng mạng xã hội không chỉ chia sẻ hình ảnh của trẻ em ở Tịnh Thất Bồng Lai mà còn khai thác cả những thông tin của người thân liên quan đến trẻ và đưa ra những bình luận không chính thống về vụ việc. Những người chia sẻ trên mạng xã hội không chỉ chia sẻ tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân mà còn là thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư ghi trong bệnh án; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em, tài sản, số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân, địa chỉ chỗ ở, quê quán, trường, lớp, kết quả học tập…[6].
Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của trẻ em ở thời điểm hiện tại mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Không chỉ riêng về trẻ em, người trưởng thành khi bị chia sẻ thông tin cá nhân đã cảm thấy không hài lòng. Tuy nhiên, người trưởng thành lại xem nhẹ việc bảo vệ quyền thông tin cá nhân của trẻ em. Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Minh Triết thì “trẻ bị xâm hại tình dục sẽ để lại nhiều hậu quả xấu về thể chất và tâm lý cấp và mạn tính”[7]. Việc trẻ bị xâm hại tình dục để lại hậu quả vô cùng nặng nề cả về thể xác và tâm lý, trẻ có thể gây ra hành vi tổn thương cho bản thân hoặc người xung quanh, thu hẹp bản thân, có hành vi đề phòng tất cả mọi người, đặc biệt đây còn là nỗi ám ảnh lâu dài trong quá trình trưởng thành của trẻ em. Việc phòng ngừa xâm hại trẻ em trên thực tế đã khó, thì việc quản lý, phòng ngừa xâm hại trên môi trường mạng càng gặp nhiều khó khăn hơn khi mà thông tin của trẻ em ngày nay dễ dàng bị các đối tượng xấu đánh cắp trên môi trường Internet, đặc biệt qua các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube…
Một hình thức lợi dụng thông tin của trẻ để trục lợi xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây đó là lợi dụng việc sử dụng Internet thiếu kiểm soát của cha mẹ, kẻ xấu dẫn dắt trẻ tham gia vào những đường link, các trang web độc hại, các trò chơi có thưởng và sau đó dẫn dắt trẻ đến với những hoạt động trò chơi mang tính cá cược, thiếu lành mạnh, thậm chí dẫn dắt trẻ vào những đường link phim, ảnh nhạy cảm bị cấm. Nhiều trường hợp lợi dụng sự chưa trưởng thành, thông qua các ứng dụng hẹn hò dụ dỗ trẻ gặp gỡ để quan hệ tình dục. Một số đối tượng thu thập thông tin của trẻ em để thao túng tâm lý, lừa đảo người thân của trẻ em như sử dụng hình ảnh, thông tin của trẻ và gọi điện, nhắn tin báo với gia đình rằng trẻ đang trong tình trạng cấp cứu cần chuyển tiền gấp hoặc trường hợp khác như trẻ thiếu tiền do chơi trò chơi điện tử, yêu cầu cha mẹ phải chuyển tiền thanh toán gấp, nếu không sẽ không cho trẻ về nhà...
Thực trạng đáng quan tâm tiếp theo là vấn nạn bắt nạt trên không gian mạng. Hành vi bắt nạt trên không gian mạng không chỉ diễn ra giữa người lớn với trẻ em mà còn diễn ra giữa trẻ em với trẻ em. Việc trẻ em sử dụng mạng xã hội thiếu kiểm soát trong khi kiến thức và trải nghiệm của trẻ chưa đủ trưởng thành để nhận thức đầy đủ và đúng đắn trên nhiều khía cạnh, dẫn đến trẻ dễ “bốc đồng” và “hơn thua” không cần thiết với bạn bè trên mạng bằng việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh xúc phạm lẫn nhau. Điều này dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tâm lý của trẻ em. Nhiều trẻ em bị bắt nạt trên không gian mạng dẫn đến thiếu tự tin, trầm cảm, thậm chí bỏ học, bỏ trốn khỏi gia đình và rơi vào con đường vi phạm pháp luật.
3. Một số quy định của pháp luật về bảo vệ quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng
Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, những nội dung và tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền trẻ em đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó có quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, các quy định bảo vệ trẻ em còn được đề cập trong các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi năm 2010, Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự năm 2015), Bộ luật Dân sự năm 2015... Tương tự, chế tài đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em tùy theo từng mức độ có thể bị xử lý dân sự, hành chính và hình sự. Tuy nhiên, khung pháp lý về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả đạt được chưa cao, chế tài chưa đủ nghiêm khắc và răn đe, vì vậy, hành vi xâm phạm đến quyền trẻ em vẫn ngày càng gia tăng trên không gian mạng.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định về việc nghiêm cấm “công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”[8]. Trẻ em có quyền được bảo đảm bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư[9]. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định về quyền đối với hình ảnh của mỗi cá nhân trong xã hội, theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân, phải được sự đồng ý của cá nhân, chỉ trừ một số trường hợp như sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc… theo quy định của pháp luật[10]. Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng[11].
4. Nhìn nhận, đánh giá khía cạnh pháp lý về bảo vệ quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng và một số kiến nghị hoàn thiện
4.1. Quy định xử lý hành vi vi phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng
Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan đã đưa ra các nguyên tắc định hướng, các quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em. Để các quy định được thực thi vào trong cuộc sống, bên cạnh quy định mang tính khái quát, định hướng thì chế tài cũng được đưa ra nhằm bảo đảm các quy định được các cá nhân, tổ chức tuân theo. Theo đó, vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng, tùy theo mức độ, có thể bị xử lý hành chính, áp dụng chế tài dân sự, hình sự… cụ thể:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”[12]. Ngoài ra, các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin độc hại cho trẻ và các hành vi không sử dụng công cụ, bảo đảm an toàn thông tin của trẻ…có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng[13]. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng[14].
Đối với hành vi vi phạm của cá nhân, có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng là thỏa đáng. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi này rất khó xử phạt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là sự thờ ơ, thiếu hiểu biết của cha mẹ trẻ em và trẻ em dẫn đến không biết tố cáo hành vi vi phạm để tự bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, là sự thiếu giám sát chặt chẽ của người có thẩm quyền và các cơ quan chức năng, các tổ chức nơi nuôi dưỡng, giáo dục trẻ dẫn đến chỉ khi có hậu quả xấu xảy ra, hành vi vi phạm mới bị xử lý.
Đối với hành vi vi phạm của các tổ chức, mức phạt 30.000.000 đồng là còn quá thấp, chưa tương xứng với những thiệt hại lâu dài ảnh hưởng đến trẻ em. Ví dụ, những cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực giáo dục, âm nhạc, quảng cáo…, tiền lợi nhuận mà các tổ chức này có được có thể nhiều hơn số tiền phạt gấp nhiều lần. Điều này có thể dẫn đến việc các tổ chức, cơ sở kinh doanh “thờ ơ” với quy định pháp luật.
Thứ hai, bồi thường thiệt hại dân sự: Bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính, các biện pháp xử lý dân sự cũng được áp dụng trong trường hợp xác định thiệt hại về tinh thần, thiệt hại về thể chất của trẻ em bị ảnh hưởng do bị tiết lộ thông tin làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt bình thường của trẻ. Các nguyên tắc và cách thức xác định bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định thiệt hại này là không đơn giản, bởi lẽ, ảnh hưởng về tinh thần của trẻ có thể diễn biến phức tạp và qua một thời gian dài.
Đối với hành vi xâm phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em, hiện nay, phần lớn chỉ có thể dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính, còn bồi thường thiệt hại về dân sự thì phải chứng minh thiệt hại ở mức độ nào và dựa theo cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Ngoài ra, quy định pháp luật hình sự thì chỉ quy định chung, không có quy định riêng đối với tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ em về lâu dài, là hành vi gián tiếp làm hại đến sức khỏe của trẻ. Việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em chưa được đầy đủ, đặc biệt là trong việc bảo đảm an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em.
Thứ ba, xử lý hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015 không có quy định riêng biệt về tội phạm sử dụng hình ảnh hay thông tin cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định về hành vi vi phạm quyền thông tin cá nhân nhằm mục đích trục lợi hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân. Ví dụ: Tội làm nhục người khác được nêu tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ cảnh cáo, phạt tiền đến hình phạt cao nhất là đến 05 năm tù nếu làm nạn nhân tự sát hoặc khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; Tội vu khống nêu tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hành vi vu khống người khác có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng và phạt tù với mức cao nhất đến 07 năm tù khi vu khống vì động cơ đê hèn hoặc khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc khiến nạn nhân tự sát.
Chế tài hình sự không có quy định riêng đối với tội phạm vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng. Nội dung này được lồng ghép trong các quy định về vi phạm quyền thông tin cá nhân chung theo hướng chế tài hình sự chỉ áp dụng khi gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, hậu quả của việc vi phạm quyền thông tin của trẻ em trên không gian mạng đôi khi không phải là hậu quả có thể thấy ngay lập tức khi hành vi diễn ra mà có thể diễn biến lâu dài. Thậm chí, còn ảnh hưởng đến đời sống người thân của trẻ.
4.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng
Một là, cần quy định cụ thể và nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính đối với những cá nhân, tổ chức gián tiếp hoặc trực tiếp làm lộ thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng.
Hiện nay, khung phạt tiền đối với hành vi công bố, tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ em, bí mật đời sống riêng tư của trẻ đối với tổ chức là từ 20.000.000 đồng, cao nhất là 30.000.000 đồng. Theo đó, nhóm tác giả cho rằng, cần nâng cao hơn nữa mức phạt tiền vì mức phạt hiện tại còn thấp và chưa đủ mạnh để hạn chế các hành vi xâm phạm tiếp theo bởi trên thực tế nhiều tổ chức sẵn sàng bỏ ra số tiền này để có thể công khai, tiết lộ thông tin cá nhân của trẻ em. Vì vậy, việc nâng khung phạt tiền lên từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng sẽ bảo đảm tính răn đe, giáo dục.
Hai là, quy định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần trong trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng đến cuộc sống do bị tiết lộ thông tin cá nhân.
Theo Luật Trẻ em năm 2016, các cá nhân hoặc tổ chức gây ra thiệt hại về tinh thần cho trẻ em sẽ phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, Luật này không đề cập cụ thể đến mức bồi thường, cho nên, về nguyên tắc sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật về dân sự, cụ thể là Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, để xác định mức bồi thường theo pháp luật dân sự thì cần phải xác định được thiệt hại xảy ra. Trong khi đó, những ảnh hưởng về tinh thần và thể chất của trẻ em do bị tiết lộ thông tin cá nhân sau khi bị xâm hại là những ảnh hưởng âm ỉ, kéo dài và hậu quả của những ảnh hưởng này có thể chỉ được thấy qua một thời gian dài, thậm chí đến khi trưởng thành. Vì vậy, nhóm tác giả kiến nghị quy định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần từ 15.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Bên cạnh đó, cần phải chi trả khoản tiền điều trị tâm lý cho trẻ nếu trẻ bị ảnh hưởng. Chi phí điều trị tâm lý, chăm sóc tinh thần cho trẻ được chi trả cho đến khi trẻ quay trở lại cuộc sống bình thường.
Ba là, cần bổ sung điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “vi phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng”.
Hiện nay, pháp luật chỉ quy định chung, chưa có quy định riêng đối với việc xâm phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng. Vì vậy, việc quy định chung gây khó khăn cho quá trình áp dụng khi mức độ và hậu quả để lại cho xâm phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng. Việc quy định riêng điều khoản về xâm phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em trên không gian mạng và hình thức xử lý vi phạm đó là hoàn toàn cần thiết. Tất cả những hình thức xử lý này phải được áp dụng hiệu quả trên thực tiễn. Cần phải xử lý những hành vi vi phạm quyền thông tin cá nhân của trẻ em một cách nghiêm khắc nhằm tuyên truyền, tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức bảo vệ trẻ em cho tất cả mọi người.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy Đảng, mỗi tổ chức, mỗi người, cả cộng đồng bằng việc làm cụ thể, thiết thực, cùng chung tay, góp sức phấn đấu thực hiện: “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn không bạo lực, không bị xâm hại, nhằm xây dựng thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới[15]./.
ThS. Trần Kiều Nhi & Sinh viên Lê Thị Hồng Diễm
Khoa Luật - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh với “ươm mầm xanh” tương lai của đất nước, https://www.xaydungdang.org.vn/tu-tuong-ho-chi-minh/chu-tich-ho-chi-minh-voi-uom-mam-xanh-tuong-lai-cua-dat-nuoc-9472, truy cập ngày 01/4/2024.
[2]. Báo điện tử VTV (2021), Cảnh báo nguy cơ trẻ bị xâm hại trên không gian mạng, https://vtv.vn/cong-nghe/canh-bao-nguy-co-tre-bi-xam-hai-tren-khong-gian-mang-20210610201245411.htm, truy cập ngày 01/4/2024.
[3]. Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội, https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/bao-ve-tre-em-truoc-nguy-co-xam-hai-tren-mang-xa-hoi-637017.html, truy cập ngày 01/4/2024.
[4]. Thu Lan (2023), Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, https://dangcongsan.vn/xa-hoi/bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-649319.html, truy cập ngày 01/4/2024.
[5]. Xuân Mai (2022), Cảnh báo tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, https://cand.com.vn/Cong-nghe/canh-bao-tinh-trang-xam-hai-tre-em-tren-moi-truong-mang-i669939/, truy cập ngày 01/4/2024.
[6]. An Linh, (2022), Ngăn chặn việc đăng thông tin, hình ảnh trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai, https://dantri.com.vn/an-sinh/ngan-chan-viec-dang-thong-tin-hinh-anh-tre-em-tai-tinh-that-bong-lai-20220112154734948.htm, truy cập ngày 01/4/2024.
[7]. Viên An (2019), https://m.thanhnien.vn/tre-bi-xam-hai-tinh-duc-chiu-am-anh-tam-ly-nang-ne-lau-dai-post838985.amp, truy cập ngày 01/4/2024.
[8]. Khoản 1 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016.
[9]. Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016.
[10]. Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[11]. Khoản 1 Điều 29 Luật An ninh mạng năm 2018.
[12]. Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
[13]. Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP.
[14]. Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP.
[15]. Chủ tịch Hồ Chí Minh với “ươm mầm xanh” tương lai của đất nước, https://www.xaydungdang.org.vn/tu-tuong-ho-chi-minh/chu-tich-ho-chi-minh-voi-uom-mam-xanh-tuong-lai-cua-dat-nuoc-9472, truy cập ngày 01/4/2024.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 402), tháng 4/2024)