1. Thực trạng quy định các biện pháp giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Mục 2 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (Bộ luật Hình sự) quy định các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) bao gồm: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Các biện pháp giám sát, giáo dục là các biện pháp mới được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, các Bộ luật Hình sự trước đó không quy định các biện pháp này. Việc Bộ luật Hình sự quy định các biện pháp giám sát, giáo dục nhằm buộc người dưới 18 tuổi phạm tội thực hiện những nghĩa vụ nhất định khi được miễn TNHS, chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, qua đó góp phần phòng ngừa họ tiếp tục phạm tội.
Theo Điều 92 Bộ luật Hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện: (i) Đã ra quyết định miễn TNHS và (ii) Người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục. Đối với từng biện pháp cụ thể, ngoài thỏa mãn 02 điều kiện nói trên, còn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại các Điều 93, 94, 95 Bộ luật Hình sự và tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại các Điều 426, 427, 428, 429 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Trong các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS, khiển trách và hòa giải tại cộng đồng là các biện pháp mới được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành. Đối với giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp này đã được quy định trong các Bộ luật Hình sự trước đây. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội[1], không phải là biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn TNHS.
2. Một số tồn tại, hạn chế trong các quy định hiện hành
Nghiên cứu quy định của Điều 95 Bộ luật Hình sự và Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thấy rằng, trong các quy định về vấn đề này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
Thứ nhất, về trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp được miễn TNHS ngoài thỏa mãn điều kiện chung quy định tại Điều 92, còn phải thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự, đó là: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91; hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự”.
Qua nghiên cứu cho thấy, trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 1 Điều 95 giống trường hợp áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng quy định tại khoản 1 Điều 94, chỉ khác nhau là biện pháp hòa giải tại cộng đồng “được áp dụng”, còn biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn “có thể áp dụng”[2] khi thuộc một trong hai trường hợp nêu trên. Vấn đề đặt ra, khi thuộc trường hợp áp dụng thì cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng hay giáo dục tại xã, phường, thị trấn?
Tác giả cho rằng, về nguyên tắc, phải áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, vì đây là trường hợp “được áp dụng”. Hơn nữa, qua so sánh cho thấy, thời gian chấp hành và các nghĩa vụ phải thực hiện khi áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng nhẹ hơn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Do vậy, để bảo đảm nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cần ưu tiên áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng. Vậy nếu ưu tiên áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng, thì trường hợp nào sẽ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, vì đây là biện pháp “có thể áp dụng”. Việc khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự quy định “có thể áp dụng” dẫn đến tình trạng áp dụng tùy nghi, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi chưa có văn bản hướng dẫn.
Thứ hai, về Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục: Khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: “Người được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây…”. Như vậy, tùy từng giai đoạn tố tụng, cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện. Vấn đề đặt ra là Ủy ban nhân dân cấp xã nào sẽ được giao trách nhiệm giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì Bộ luật Hình sự không quy định? Đó là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị áp dụng cư trú, tạm trú; nơi người bị hại cư trú hay nơi xảy ra tội phạm? Việc xác định chính xác Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giáo dục sẽ bảo đảm cho biện pháp được thực hiện, cũng như đánh giá thái độ chấp hành của người dưới 18 tuổi để xét thời gian chấm dứt trước thời hạn biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Nghiên cứu các văn bản hướng dẫn có liên quan đến biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thấy rằng, Nghị định số 37/2018/NĐ-CP[3] và Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH[4] cũng không xác định Ủy ban nhân dân cấp xã nào sẽ giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Hạn chế này không chỉ có ở biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, mà còn có trong quy định của Bộ luật Hình sự về biện pháp khiển trách và biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
Thứ ba, về nghĩa vụ phải thực hiện: Khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự quy định các nghĩa vụ người dưới 18 tuổi phải thực hiện khi áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, bao gồm: Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động; chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn; không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép; các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Vấn đề đặt ra là nếu người dưới 18 tuổi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những nghĩa vụ quy định thì xử lý thế nào, hậu quả pháp lý ra sao? Trước khi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người dưới 18 tuổi phạm tội đã được miễn TNHS, do vậy, dù có thực hiện hay không thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 95 thì họ cũng không bị coi là có án tích. Hơn nữa, Điều 95 cũng không quy định hậu quả pháp lý bất lợi mà người bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải gánh chịu khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ. Cùng với đó, Nghị định số 37/2018/NĐ-CP chỉ quy định người bị giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu vi phạm thì theo đề nghị của người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu người được giám sát, giáo dục trình diện[5] mà không quy định hình thức xử lý nào khác. Việc Bộ luật Hình sự và Nghị định số 37/2018/NĐ-CP không quy định hình thức xử lý khi vi phạm nghĩa vụ đã làm giảm tính hiệu quả của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, chưa bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ tư, về người có thẩm quyền quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn: Khoản 1 Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành quy định các chủ thể khác nhau có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Theo đó, trong giai đoạn điều tra, thẩm quyền thuộc về Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; trong giai đoạn truy tố, thẩm quyền thuộc về Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; trong giai đoạn xét xử, thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử.
Đối với giai đoạn điều tra và truy tố, thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn không phát sinh vướng mắc. Tuy nhiên, đối với giai đoạn xét xử, khoản 1 Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử, không quy định Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Thực trạng này dẫn đến trường hợp trong khâu chuẩn bị xét xử, khi Hội đồng xét xử chưa được thành lập thì Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa không có quyền quyết định áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm thuộc trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 30 ngày (đối với tội phạm ít nghiêm trọng), 45 ngày (đối với tội phạm nghiêm trọng) hoặc 02 tháng (đối với tội phạm rất nghiêm trọng) chưa kể gia hạn. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã kéo dài thời gian giải quyết, không tạo điều kiện để người dưới 18 tuổi sớm được hưởng chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự.
3. Một vài kiến nghị
Từ những tồn tại, hạn chế trong quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như đã phân tích, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau đây:
Một là, liên ngành Tư pháp trung ương hoặc Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sớm hướng dẫn quy định “có thể áp dụng” trong khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự. Việc hướng dẫn quy định nêu trên nhằm áp dụng pháp luật thống nhất, tạo điều kiện cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án xác định chính xác trường hợp nào áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trường hợp nào áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
Hai là, sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 95 Bộ luật Hình sự theo hướng quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi phạm tội cư trú là cơ quan được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Việc quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người dưới 18 tuổi phạm tội cư trú là cơ quan có trách nhiệm giám sát, giáo dục sẽ phù hợp với quy định tại điểm g khoản 2 và khoản 3 Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng như tạo điều kiện cho việc quản lý, giáo dục.
Ba là, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 37/2018/NĐ-CP theo hướng bổ sung hình thức xử lý đối với người dưới 18 tuổi vi phạm các nghĩa vụ phải thực hiện khi thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Bốn là, sửa đổi khoản 1 Điều 429 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Khi đó, khoản 1 Điều 429 được sửa đổi thành: “1. Khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết”.
Học viện Cảnh sát nhân dân
[1]. Xem: Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[2]. Xem: khoản 1 Điều 94 và khoản 1 Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[3]. Nghị định số 37/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.
[4]. Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi.
[5]. Xem: Điều 18 Nghị định số 37/2018/NĐ-CP.