Căn cứ tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này, nhưng không có nơi cư trú ổn định.
Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 30/10/2016 của Chính phủ đã bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đã quy định chi tiết hơn về các đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc[1].
Tuy nhiên, hiện nay, thực tiễn áp dụng tại Tòa án gặp rất nhiều trường hợp là người đã từng bị Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi vừa mới chấp hành xong bản án của Tòa án quay về địa phương sinh sống tái nghiện nhưng có nơi cư trú ổn định có thuộc đối tượng áp dụng hay không? Hiện nay có các quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: Trường hợp này không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bởi vì đương sự có nơi cư trú ổn định. Do đó, cần ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy nhằm giảm tải áp lực cho các trung tâm cai nghiện.
Quan điểm thứ hai: Tòa án áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Mặc dù đương sự có nơi cư trú ổn định nhưng do đương sự này đã từng bị Tòa án áp dụng 01 lần đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng vẫn tái nghiện nên cần đưa vào cơ sở cai nghiện để nâng cao hiệu quả cai nghiện.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai, trong trường hợp này là ra quyết định áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đương sự, bởi vì, mặc dù luật không quy định cụ thể nhưng chúng ta có thể thấy quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 30/10/ 2016. Có thể so sánh hiệu quả giữa áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chắc chắn thấy rằng nếu như cai nghiện tại cơ sở vẫn không chấm dứt hành vi nghiện ma túy thì nay áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn sẽ không hiệu quả. Do đó, tác giả đồng ý trong trường hợp này cần đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo tác giả thì Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành văn bản hướng dẫn khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đã bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.
2. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân
Về thẩm quyền đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, theo đó: “Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở”. Tuy nhiên, thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể như sau: Hiện nay các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thường nằm cách rất xa trụ sở Tòa án trước khi chuyển hồ sơ đến Tòa án có nhiều trường hợp nghiện ma túy nặng (ngáo đá) phải đưa vào cơ sở nghiện ma túy bắt buộc trước để cắt cơn giải độc, sau đó cơ quan lập hồ sơ và cơ quan đề nghị mới chuyển toàn bộ hồ sơ cho Tòa án xem xét, thông thường thời gian rất ngắn từ khi thụ lý đến khi Tòa án ra quyết định áp dụng có 15 ngày trong khi đó khoảng cách về địa lý rất xa trụ sở Tòa án (có nơi hàng trăm km) và Tòa án phải tống đạt nhiều văn bản (thông báo thụ lý hồ sơ, thông báo mở phiên họp vv…) cho đương sự dẫn đến rất khó khăn cho Tòa án. Hiện nay, Tòa án phải vào tận trụ sở cơ sở cai nghiện bắt buộc để mở phiên họp dẫn tới tình trạng rất khó khăn và dễ vi phạm về mặt thời gian và thẩm quyền xét xử của Tòa án.
Theo chúng tôi, Tòa án nhân dân Tối cao nên ban hành văn bản hướng dẫn theo hướng cần trích xuất đương sự nghiện ma túy về trụ sở Tòa án để mở phiên họp áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như vậy sẽ đảm bảo thẩm quyền xét xử của Tòa án và sẽ giải quyết được nhanh chóng hạn chế tối đa kinh phí cho Tòa án và đảm bảo đúng quy định pháp luật.
3. Kiểm sát viên tham gia phiên họp
Theo điểm g khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì “kiểm sát viên tham gia phiên họp phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi để thống nhất và tương thích với các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cụ thể: Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về phát biểu của kiểm sát viên “sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”.
Điều 190 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về phát biểu của kiểm sát viên: “Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án”.
Do đó, khi kiểm sát viên tham gia phiên tòa và phiên họp không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật mà còn phát biểu ý kiến về mặt nội dung giải quyết vụ việc. Việc phát biểu ý kiến của kiểm sát viên về nội dung áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là điều cần thiết sẽ giúp Tòa án hiểu rõ vấn đề để tìm ra chân lý khi giải quyết vụ việc, quy định cho phép kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, việc quy định như trên sẽ thống nhất với nội dung trách nhiệm và quyền hạn của kiểm sát viên trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Phát biểu của kiểm sát viên cũng chỉ mang tính chất tham khảo để giúp thẩm phán có sự phân tích, đánh giá đầy đủ hơn về vấn đề. Từ đó, Tòa án chỉ giải quyết căn cứ theo pháp luật còn các chủ thể khác sẽ kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án.
Ngoài ra, để đảm bảo nhanh chóng, khách quan công khai minh bạch cần quy định thêm vào Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về trách nhiệm cho kiểm sát viên đó là ngay sau khi kết thúc phiên họp, kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Một vấn đề khác đó là: Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: “Người tham gia phiên họp quy định tại khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh này phải có mặt tại phiên họp; trường hợp đại diện cơ quan đề nghị, kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp”. Pháp luật đã quy định cho cơ quan Viện kiểm sát và kiểm sát viên chức năng kiểm sát. Do đó, chủ thể này phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao theo đúng quy định pháp luật nếu không thực hiện đúng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Điều đó có nghĩa là không thể vì bất kỳ lý do gì mà sự vắng mặt của kiểm sát viên có thể là làm trì hoãn việc xem xét áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Do đó, việc quy định kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên họp là điều không cần thiết nhằm đảm bảo cho việc giải quyết việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được nhanh chóng kịp thời, đề cao trách nhiệm của kiểm sát viên, Viện kiểm sát.
Một số kiến nghị:
Thứ nhất, Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành văn bản hướng dẫn điểm g khoản 2 Điều 20 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo hướng kiểm sát viên tham gia phiên họp phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật và nội dung trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Ngay sau khi kết thúc phiên họp, kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ hai, Tòa án nhân dân tối cao nên ban hành văn bản hướng dẫn khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội theo hướng khi kiểm sát viên vắng mặt tại phiên họp áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộcthì òa án vẫn tiến hành phiên họp.
4. Việc xác định người nghiện không có nơi cư trú ổn định
Theo Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Căn cứ vào khoản 1 Điều 2 Nghị định số 221/2013 của Chính phủ ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó hiện thường xuyên sinh sống.
Theo quy định tại Điều 12 của Luật Cư trú năm 2006 thì nơi cư trú của công dân được xác định như sau:
(i) Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
(ii) Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống.
Còn theo quy định Điều 40 của Bộ luật Dân sự năm 2015 về nơi cư trú của cá nhân thì:
- Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
- Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.
- Trường hợp một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/09/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường, thị trấn quy định: “Nơi cư trú ổn định là nơi đối tượng thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống hoặc phần lớn thời gian sinh sống.
Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”.
Vấn đề là hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể xác định như thế nào là “thường xuyên sinh sống” dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau ở nhiều địa phương hoặc nhiều trường hợp khi xác minh, địa phương trả lời chung chung, mâu thuẫn, gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ.
Theo tác giả, Tòa án nhân dân tối cao nên nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn xác định rõ như thế nào là không có nơi cư trú ổn định để thống nhất trong thực tiễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang