Để thực hiện chủ trương trên, Bộ Tư pháp đã thành lập hệ thống 05 Trường Trung cấp Luật ở các khu vực trên cả nước với nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật cấp cơ sở theo hướng đào tạo nghề, “cầm tay chỉ việc”, người học đáp ứng được ngay yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp, phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 của Chính phủ1. Với mục tiêu đào tạo như trên, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã được thành lập bên cạnh các khoa như: Đào tạo cơ bản; Giáo dục chính trị, thể chất và văn hóa. Khoa Đào tạo nghiệp vụ có chức năng tham mưu chuyên môn, quản lý và giảng dạy các học phần nghiệp vụ chủ yếu gắn với thực tiễn công tác của cán bộ cấp cơ sở như: Nghiệp vụ đăng ký và quản lý hộ tịch; phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; nghiệp vụ chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã; nghiệp vụ thi hành án dân sự; nghiệp vụ văn thư - lưu trữ; nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính ở xã, phường, thị trấn; kỹ năng soạn thảo một số văn bản hành chính thông dụng; quản lý môi trường ở chính quyền cấp xã; pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.
Trong những năm đầu mới thành lập, bên cạnh những thuận lợi thì Khoa Đào tạo nghiệp vụ cũng gặp nhiều khó khăn xuất phát từ đặc thù hoạt động chuyên môn của Khoa như: Cán bộ, giáo viên còn trẻ, mới tốt nghiệp, chưa trải qua công tác nghiệp vụ thực tiễn; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế; còn thiếu các kỹ năng quản lý, điều hành, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tính chủ động, sáng tạo trong công việc; thiếu biên chế giáo viên, thiếu giáo trình, tài liệu học tập, nghiên cứu, giảng dạy; thiếu trang thiết bị, giáo cụ trực quan các học phần… Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu, Lãnh đạo Khoa và sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, giáo viên, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã có những bước tiến dài trong chặng đường phát triển theo hướng đi mới, tạo nên những dấu ấn đặc trưng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cấp cơ sở là đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng nghề, nghiệp vụ, cụ thể:
Thứ nhất, xác định con người là yếu tố quan trọng, chi phối đến sự thành công và phát triển, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy các môn nghiệp vụ vững về chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết và yêu nghề. Được sự quan tâm của Lãnh đạo Nhà trường, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên tham gia các lớp đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ như: Nghiệp vụ luật sư, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, trau dồi trình độ ngoại ngữ, các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu như đăng ký hộ tịch, xây dựng văn bản, xử lý vi phạm hành chính, quản lý nhà nước; kỹ năng soạn giáo án, bài giảng… Với yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến học phần giảng dạy, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã chủ động tham mưu với Ban Giám hiệu ký kết chương trình phối hợp giữa Nhà trường với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình và Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình về việc đưa giáo viên đi thực tế tại các cơ quan này, đồng thời, có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để cho giáo viên đi thực tế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác như: Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, các tổ chức hành nghề luật, xây dựng và triển khai kế hoạch đi thực tế theo tháng đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học gắn liền với nhiệm vụ giảng dạy luôn được tổ chức thường xuyên, định kỳ, từ việc tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, trao đổi học thuật, viết bài trao đổi chuyên môn, đề tài khoa học và gắn với tiêu chí đánh giá thi đua, chất lượng của từng giáo viên.
Thứ hai, nhằm khắc phục hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn và bổ sung đội ngũ giáo viên giảng dạy các học phần nghiệp vụ, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ giáo viên cơ hữu, Khoa Đào tạo nghiệp vụ còn chú trọng mời giáo viên thỉnh giảng là cán bộ có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn đang công tác tại các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và các tỉnh khác như: Nghệ An, Khánh Hòa và Trường Đại học Luật Hà Nội…, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, hỗ trợ tối đa cho đội ngũ giáo viên cơ hữu của Nhà trường.
Thứ ba, bên cạnh yếu tố con người, Khoa Đào tạo nghiệp vụ luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, đặc biệt là việc áp dụng mô hình song giảng với sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng, trong đó, giáo viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy lý thuyết, giáo viên thỉnh giảng chịu trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn thực hành. Phương pháp này mang lại những tín hiệu tích cực, chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao rõ rệt.
Thứ tư, cùng với việc xây dựng hệ thống giáo án thống nhất, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng hệ thống bài giảng lưu hành nội bộ, giáo trình các học phần nghiệp vụ, trong đó, chú trọng tăng cường kỹ năng thực hành chiếm ít nhất 50% thời lượng học phần, tập hợp các tài liệu, biểu mẫu, hệ thống giáo cụ trực quan phục vụ dạy và học.
Thứ năm, xác định mục tiêu đào tạo phải đáp ứng nhu cầu xã hội và của người sử dụng lao động, vì vậy, định kỳ mỗi năm học, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đều thực hiện rà soát khung chương trình, điều chỉnh, bổ sung nội dung các học phần đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, năng lực của người học và yêu cầu của xã hội, sau khi tốt nghiệp, người học hoàn toàn có thể thực hiện các thao tác nghiệp vụ ngay mà không cần qua thời gian đào tạo, bồi dưỡng.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, đến nay, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã ổn định bộ máy tổ chức với 11 giáo viên cơ hữu có trình độ từ cử nhân trở lên, trong đó, 70% có trình độ thạc sỹ đều đã và đang tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan đến học phần giảng dạy, 25 giáo viên thỉnh giảng; thực hiện 05 đề tài khoa học cấp Trường gắn với thực tiễn và ứng dụng hiệu quả hoạt động giảng dạy các môn nghiệp vụ; xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, đầy đủ giáo án, bài giảng, giáo trình 11/11 học phần nghiệp vụ; xây dựng hệ thống biểu mẫu, tài liệu, công cụ trực quan của các học phần phục vụ cho việc giảng dạy thực hành; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi học thuật, hội thảo cấp khoa, cấp Trường, viết hơn 05 đầu sách tham khảo… Đặc biệt, với việc giảng dạy các học phần nghiệp vụ theo hướng đào tạo nghề, “cầm tay chỉ việc” trong chương trình đào tạo trung cấp luật của Nhà trường đã nhận được phản ánh tích cực của người sử dụng lao động và người học, được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị các tỉnh Bắc miền Trung đánh giá cao, khẳng định thương hiệu của Nhà trường trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật cấp cơ sở.
2. Tương lai cho sự phát triển bền vững
Trải qua chặng đường 05 năm xây dựng và phát triển, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc giảng dạy, bồi dưỡng các nghiệp vụ trong chương trình đào tạo pháp luật, tạo dấu ấn riêng trong việc đào tạo nguồn nhân lực tư pháp cấp cơ sở so với các cơ sở đào tạo, các bậc học khác. Tuy nhiên, hành trình còn ở phía trước, yêu cầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật đáp ứng công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta ngày càng cao. Đặc biệt, hiện nay, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chuyển sang đào tạo nghề nghiệp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, định hướng của Nhà trường về đào tạo chuyên sâu các ngành pháp luật như: Nghiệp vụ luật sư, nghiệp vụ thừa phát lại, nghiệp vụ công chứng…, thì sứ mệnh, nhiệm vụ của Khoa Đào tạo nghiệp vụ càng quan trọng, khó khăn, thách thức càng lớn. Hiện nay, Khoa Đào tạo nghiệp vụ đã xây dựng định hướng và giải pháp cho sự phát triển của mình ngay từ bây giờ và mục tiêu đến năm 2020, chú trọng các nội dung sau:
- Xây dựng và kiện toàn đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết và yêu nghề. Trong đó, ít nhất 80% giáo viên có trình độ thạc sỹ, 100% giáo viên hoàn thành ít nhất một khóa đào tạo nghiệp vụ liên quan đến học phần giảng dạy như: Nghiệp vụ công chứng, nghiệp vụ luật sư, nghiệp vụ xây dựng văn bản, nghiệp vụ hộ tịch…; 100% giáo viên đạt chuẩn nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định, đáp ứng yêu cầu sử dụng ngoại ngữ giao tiếp bình thường, khai thác tài liệu khoa học nước ngoài, áp dụng thuần thục công nghệ thông tin vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học…; 100% thực hiện việc đi thực tế thường xuyên, định kỳ, trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan đến học phần giảng dạy; đồng thời, kiện toàn, phát triển mạng lưới đội ngũ giáo viên thỉnh giảng thường xuyên, có chất lượng từ 30 - 40 người.
- Ít nhất 50%, tiến tới 100% học phần có tổ bộ môn, đáp ứng được quy mô đào tạo và yêu cầu về công tác chuyên môn, công tác tổ chức, hành chính của Khoa Đào tạo nghiệp vụ.
- Kết hợp có hiệu quả phương pháp truyền thống với phương pháp giảng dạy tích cực, đặc biệt, đảm bảo 100% học phần đều được hướng dẫn thực hành trực tiếp, theo mô hình, tình huống giả định…
- Tiếp tục hoàn thiện ít nhất 04 phòng thực hành đạt chuẩn với đầy đủ các trang thiết bị, công cụ, phương tiện, hồ sơ, tài liệu, biểu mẫu… phục vụ hướng dẫn kỹ năng thực hành nghiệp vụ cho tất cả các học phần.
- Biên soạn, bổ sung, sửa đổi hệ thống giáo trình đảm bảo đầy đủ, có chất lượng, phù hợp với đối tượng học.
Để thực hiện được các mục tiêu nói trên, Khoa Đào tạo nghiệp vụ phải tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa và có những chiến lược, biện pháp thực hiện cụ thể như: Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức, tác phong làm việc trong thời kỳ hội nhập; phối hợp với Nhà trường hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động của Khoa Đào tạo nghiệp vụ để tạo điều kiện, động viên giáo viên học tập nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…; rà soát, tuyển chọn giáo viên có năng lực, đạo đức tốt để xây dựng đội ngũ đảm bảo yêu cầu chiến lược phát triển của Khoa Đào tạo nghiệp vụ; tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của Nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược…
Nhìn lại chặng đường 05 năm xây dựng và phát triển của Khoa Đào tạo nghiệp vụ, một chặng đường không phải là dài đối với một cơ sở đào tạo, nhưng đủ để ghi nhận những nỗ lực vượt khó, những thành quả đáng khích lệ mà tập thể Khoa Đào tạo nghiệp vụ đạt được. Mỗi cán bộ, giáo viên đều cảm thấy vui mừng với những thành quả đó và cũng trăn trở với những khó khăn, thách thức trong chặng đường mới, nhưng tin tưởng rằng, với sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với trí tuệ, sự quyết tâm, đoàn kết, kỷ luật và sức trẻ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, Khoa Đào tạo nghiệp vụ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật cấp cơ sở mà điểm nhấn là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng các kỹ năng nghiệp vụ của cán bộ pháp luật nước ta nói chung và các tỉnh Bắc miền Trung và nước bạn Lào nói riêng.
TRƯỜNG TRUNG CẤP LUẬT ĐỒNG HỚI
[1]. Thủ tướng Chính phủ (2012), Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020: “Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; chất lượng giáo dục được nâng cao một cách toàn diện, gồm: Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực thực hành...”.