Cơ cấu của tình hình tội phạm là tỷ trọng và mối tương quan của các loại tội phạm khác nhau trong số lượng chung của chúng trong một khoảng thời gian nhất định và ở một lãnh thổ (địa bàn) nhất định. Các chỉ số về cơ cấu của tình hình tội phạm chỉ rõ đặc điểm lượng - chất của tính nguy hiểm cho xã hội của tình hình tội phạm, chỉ rõ chỉ số các đặc điểm của nó. Những nội dung này có ý nghĩa rất cơ bản đối với việc tổ chức phòng ngừa và việc phân hóa thực tiễn áp dụng các biện pháp pháp luật hình sự. Cơ cấu của tình hình các tội phạm về ma túy giữ vai trò là cơ sở chủ yếu cho việc đánh giá tính chất của tình hình tội phạm và đặc biệt là cho việc xác định nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, là một trong những cơ sở trực tiếp khách quan cho việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn một tỉnh, cũng như trong cả nước. Trong bài viết này, chúng tôi thực hiện phân tích cơ cấu tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm góp phần đánh giá tính chất, lý giải nguyên nhân và điều kiện của loại tội phạm này.
Phân tích số liệu thống kê hình sự đối với 3953 bị cáo đã xét xử giai đoạn 2008 - 2014 cho thấy, có khoảng 1/3 (chiếm 32,13%) số bị cáo phạm tội thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm nghiêm trọng chiếm tỷ lệ 16,95%; tội phạm ít nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao nhất 50,92%. Số liệu này phản ánh tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn, đặc biệt lớn của các tội phạm về ma túy đã xảy ra trong giai đoạn này. Thực tiễn đấu tranh với tội phạm về ma túy cho thấy khi phát hiện vụ án có nhiều người tham gia thì thường là người phạm tội có tâm lý dựa vào sức mạnh tập thể, có hành động liều lĩnh hơn và có khả năng gây hậu quả lớn hơn nhằm che giấu tội phạm, chống lực lượng vây bắt.
Cơ cấu theo đơn vị hành chính cho thấy, toàn tỉnh đã xét xử 3.096 vụ án với 3.953 bị cáo, trong đó, Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử 2.939 vụ án, 3.570 bị cáo. Sắp xếp theo tỷ lệ từ cao xuống thấp theo thứ tự cấp huyện như sau: Điện Biên 33%, Mường Nhé 13,58%, Tuần Giáo 10,14%, Mường Chà 9,87%, Mường Ảng 9,08%, Điện Biên Phủ 8,51%, Điện Biên Đông 6,87%, Tủa Chùa 4,29%, Mường Lay 3,16%, Nậm Pồ 1,50%. Theo thống kê, mức độ các tội phạm về ma túy trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có sự chênh lệch rất lớn. Tính riêng 5/10 huyện đứng đầu đã chiếm tỷ lệ 75,67% trên tổng số vụ án cấp huyện đã xét xử; trong các huyện còn lại thì đáng lưu ý là thành phố Điện Biên Phủ chiếm tỷ lệ 8,51%, còn lại là các huyện khác ở mức độ trung bình và thấp. Tỷ lệ số vụ án và bị cáo của các đơn vị có xu hướng gia tăng hằng năm trong cả giai đoạn. Tính trung bình, huyện Điện Biên là địa bàn có số án ma túy lớn nhất trong các đơn vị cấp huyện, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm; thị xã Mường Lay là địa bàn có số án ma túy thấp nhất trong cả giai đoạn (huyện Nậm Pồ mới thành lập năm 2013 do chia tách huyện Mường Nhé nhưng đã chiếm tỷ lệ 1,50%). Địa bàn các huyện trọng điểm về tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên có đặc điểm là giáp biên giới với Lào và Trung Quốc; tiếp giáp các tỉnh Sơn La, Lai Châu, địa hình phức tạp, hiểm trở (độ dốc lớn, mức độ chia cắt ngang và chia cắt sâu lớn; được cấu tạo bởi những dãy núi cao và các thung lũng, sông suối nhỏ, hẹp, có các lối mở, lối tắt khó kiểm soát).
Điện Biên có vị trí gần với khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới, cụ thể là các nước Nam Á và các tỉnh thuộc Bắc Lào. Thời gian qua, đã phát hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển chất ma túy lớn xuyên quốc gia từ các tỉnh Bắc Lào qua địa bàn Điện Biên để đi các tỉnh, đi nước ngoài và các tuyến nội tỉnh, gồm: Tuyến các tỉnh Bắc Lào - Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; các tỉnh Bắc Lào - Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai; các tỉnh Bắc Lào vào các xã biên giới huyện Điện Biên và vào địa bàn nội địa; các tỉnh Bắc Lào vào các xã biên giới huyện Mường Nhé, huyện Mường Chà và vào nội địa; Tuyến Điện Biên Đông - TP. Điện Biên Phủ - Hà Nội; Điện Biên Đông - TP. Điện Biên Phủ - Lai Châu - Lào Cai; Điện Biên Đông - TP. Điện Biên Phủ - huyện Mường Nhé. Trong đó, xác định rõ 3 tuyến nổi bật nhất, gồm: Tuyến biên giới Điện Biên (Việt Nam) - Lào; Tuyến Điện Biên - Hà Nội; Tuyến Điện Biên - Lai Châu. Mối liên kết thực hiện tội phạm đã tạo ra những tuyến vận chuyển, mua bán ma túy xuyên biên giới từ các tỉnh Bắc Lào vào Điện Biên và đi các tỉnh nội địa Việt Nam để tiêu thụ hoặc chuyển ra nước ngoài.
Qua nghiên cứu số liệu thống kê 3.953 bị cáo đã xét xử sơ thẩm về các tội phạm về ma túy cho thấy, nếu theo hình phạt chính, có 130 bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 3,29%; có 1.883 bị cáo bị phạt tù từ 3 năm tù trở xuống, chiếm tỷ lệ 47,64%; có 670 bị cáo bị phạt tù từ trên 3 năm đến 7 năm, chiếm tỷ lệ 16,95%; có 674 bị cáo bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, chiếm tỷ lệ 17,05%; có 434 bị cáo bị phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, chiếm 10,98%; có 108 bị cáo bị phạt tù chung thân, chiếm tỷ lệ 2,73%; có 44 bị cáo bị phạt tử hình, chiếm tỷ lệ 1,11%; có 10 bị cáo bị tổng hợp hình phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm, chiếm tỷ lệ thấp 0,25%. Cơ cấu theo mức hình phạt cho thấy tính chất nghiêm trọng ngày càng gia tăng, năm 2008, số bị cáo bị tuyên án tử hình là 4 người; tù chung thân là 16 người, thì đến năm 2014, số bị cáo bị tuyên án tử hình là 26 người; tù chung thân là 32 người.
Theo phân tích thống kê phiếu kiểm sát xét xử, các bị cáo phạm tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều có động cơ, mục đích khá rõ ràng, cụ thể: 2.046 bị cáo (chiếm 51,76% tổng số bị cáo) có động cơ, mục đích vụ lợi gắn liền với ham muốn có tiền để sử dụng ma túy, thỏa mãn nhu cầu nghiện ma túy của bản thân; 1.907 bị cáo (chiếm 48,24% tổng số bị cáo) có động cơ, mục đích vụ lợi gắn liền với mục đích kinh tế, muốn làm giàu nhanh chóng, nâng cao thể diện cá nhân, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng và sự tan vỡ gia đình mà lao vào thực hiện tội phạm đến cùng. Nguy hiểm hơn, trong số này có một tỷ lệ nhỏ những bị cáo phạm nhiều tội về ma túy hoặc các tội phạm khác như: Giết người; tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí quân dụng; trộm cắp tài sản... hoặc gây rối trật tự công cộng.
Về đặc điểm nhân thân người phạm tội, trong tổng số 3.953 bị cáo bị xét xử về các tội phạm về ma túy, có 3.273 bị cáo là nam giới và 680 bị cáo là nữ giới. Số người phạm tội về ma túy là nam giới chiếm tỷ lệ cao 79,23%, trong khi người phạm tội này là nữ giới chỉ chiếm tỷ lệ 20,77%. Nhóm người phạm tội ở vào độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến 30 tuổi chiếm 21,48%; nhóm người phạm tội có độ tuổi trên 30 chiếm 77,68%. Như vậy, nhóm người phạm tội độ tuổi trên 30 chiếm tỷ lệ cao nhất và duy trì khá đều trong 7 năm từ năm 2008 đến năm 2014 (chiếm tỷ lệ trung bình cả giai đoạn là 77,68%), đáng lưu ý năm 2014 tỷ lệ cao đột biến, chiếm 95,56%. Thành phần tội phạm về ma túy khá đa dạng, bao gồm cả công chức nhà nước dù chiếm tỷ lệ nhỏ 0,35%, đảng viên chiếm tỷ lệ 0,38%. Qua phân tích bản án hình sự sơ thẩm cho thấy tập trung lớn nhất vào các bị cáo có nghề nghiệp làm ruộng, nương với tỷ lệ 81,85%, không nghề nghiệp chiếm 17,85%, viên chức nghỉ hưu 0,30%. Trong tổng số 3.953 bị cáo phạm tội về ma túy có 2.779 bị cáo là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất cao 70,30%, có xu hướng tăng dần (so với năm 2008 thì năm 2014 tăng 14,96%); số bị cáo còn lại là dân tộc Kinh. Các bị cáo phạm tội về ma túy chủ yếu tập trung vào dân tộc Mông, Thái, Kinh, là 3 dân tộc có có tỷ lệ người phạm tội về ma túy cao nhất. Nguy hiểm hơn, số người nghiện ma túy tăng dần qua các năm trong giai đoạn nghiên cứu, đồng thời có 51,76% bị cáo là người nghiện ma túy trong tổng số các bị cáo phạm tội về ma túy, chiếm tỷ lệ 4,70% trên tổng số người nghiện trên toàn quốc, đây là con số đáng báo động vì con số trung bình cả nước chia đều mỗi tỉnh chỉ có 1,56%. Số liệu thống kê năm 2014 có 418 bị cáo nghiện ma túy, chiếm tỷ lệ 4,3% trên trong tổng số 9.597 người nghiện ma túy trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số 9.597 người nghiện ma túy năm 2014, có 8.851 người nghiện ngoài xã hội, 726 người nghiện trong trại tạm giam, nhà tạm giữ và 20 người đang cai nghiện tại trung tâm chữa bệnh - giáo dục - xã hội tỉnh.
Những chỉ số cơ bản về cơ cấu của tình hình các tội phạm về ma túy trên đây đã khái quát đặc điểm về lượng - chất của tính nguy hiểm cho xã hội. Mà cụ thể là con số, tỷ lệ về số người nghiện ma túy, số vụ án và bị cáo hằng năm chưa được kiềm chế một cách hiệu quả, liên tục gia tăng; các chỉ số đều phản ảnh rõ về mối tương quan, về tỷ lệ, giúp xác định nhân tố bộ phận cũng như tổng thể trong mối tương quan tương ứng. Nhưng ở mức toàn xã hội, tội phạm phải được coi là một bộ phận, một yếu tố được đặt trong mối liên hệ mật thiết với các quá trình và các hiện tượng khác, trong đó có hiện tượng tích cực và tiêu cực. Từ đó, mới đánh giá được chính xác những căn cứ quan trọng, giúp chúng ta tìm ra khuynh hướng của nó, cũng như nguyên nhân và điều kiện của việc thực hiện các tội phạm. Đây là một trong những cơ sở cho việc nghiên cứu dự báo và xây dựng kế hoạch phòng ngừa, góp phần làm thay đổi tình hình các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo hướng tích cực hơn mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập trong bài nghiên cứu khác.
ThS. Đỗ Thành Trường
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
Tài liệu tham khảo:
[1]. Viện Nhà nước và Pháp luật (1994), Tội phạm học, luật hình sự và tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2]. Thống kê hình sự của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.