1. Xác định trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài và lập hồ sơ của trẻ em
Theo khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế về bảo vệ trẻ em, cần phải rút ngắn nhất thời gian trẻ em sống trong các cơ sở nuôi dưỡng và tìm cho trẻ em một gia đình thay thế trong thời gian nhanh nhất có thể.
Luật Nuôi con nuôi quy định: “Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước”, đây cũng là một trong những nguyên tắc cơ bản của Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Một trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài phải được xem xét trên hai khía cạnh: Hoàn cảnh gia đình xã hội của trẻ và hồ sơ pháp lý của trẻ. Về hoàn cảnh gia đình, xã hội: Là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, trẻ em còn cha mẹ đẻ nhưng cha mẹ đẻ không có khả năng nuôi dưỡng trẻ. Về hồ sơ pháp lý của trẻ em: Trước hết, trẻ em phải được thực hiện các thủ tục tìm gia đình thay thế trong nước nhưng không thành, trừ những trẻ em thuộc diện được giải quyết đích danh cho làm con nuôi nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ (Nghị định số 24/2019/NĐ-CP).
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung, nếu không có công dân thường trú ở trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em bao gồm các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Nuôi con nuôi, xin ý kiến của cơ quan chủ quản.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP quy định mới về vai trò, trách nhiệm của cơ sở nuôi dưỡng trong việc thực hiện các thủ tục tìm gia đình thay thế cho trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng không còn trách nhiệm lập Danh sách 1 và Danh sách 2 mà sau khi đánh giá nhu cầu của trẻ em sống ở cơ sở nuôi dưỡng, nếu trẻ em cần tìm gia đình thay thế thì cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ trẻ em và xin ý kiến của cơ quan chủ quản. Cơ sở nuôi dưỡng không cần phải khám bệnh để phân loại Danh sách 1 và Danh sách 2 như trước đây nữa. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan chủ quản của cơ sở nuôi dưỡng có ý kiến gửi Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ của trẻ em để thông báo tìm người nhận con nuôi.
Về thành phần hồ sơ: Hồ sơ trẻ em cần được nhận làm con nuôi bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Giấy khai sinh hoặc bản trích lục khai sinh (bản gốc hoặc bản sao hợp lệ);
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (có thời hạn 12 tháng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 8 Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe);
- 02 ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha, mẹ đẻ mất năng lực hành vi dân sự;
- Bản sao quyết định tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng (theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (Nghị định số 103/2017/NĐ-CP), thì giám đốc cơ sở nuôi dưỡng có thẩm quyền ra quyết định tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng theo ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện);
- Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em.
Ngoài ra, tùy từng đối tượng trẻ em khi tiếp nhận vào cơ sở nuôi dưỡng, hồ sơ quản lý đối tượng trẻ em cần phải có các giấy tờ, tài liệu khác theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP.
Hồ sơ trẻ em phải được lập thành 03 bộ nộp cho Sở Tư pháp. Hồ sơ phải đầy đủ các giấy tờ, tài liệu và được chứng thực hoặc công chứng theo quy định của pháp luật.
2. Kiểm tra, xác minh hồ sơ trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài
Điều 33 Luật Nuôi con nuôi quy định trách nhiệm kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em đủ điều kiện được cho làm con nuôi nước ngoài do Sở Tư pháp nơi trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng thực hiện.
Việc kiểm tra, xác minh hồ sơ trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài nhằm bảo đảm về hình thức và nội dung hồ sơ. Các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao hợp lệ (chứng thực hoặc công chứng), bảo đảm sự thống nhất, không mâu thuẫn (đặc biệt về nguồn gốc của trẻ em, các thông tin liên quan đến tình trạng gia đình ruột thịt của trẻ em); các giấy tờ, tài liệu được lập phải phản ánh được thực tế hiện tại của trẻ em về sức khỏe hoặc về đặc điểm sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em được giới thiệu cho làm con nuôi. Khi kiểm tra, xác minh hồ sơ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi
Khi kiểm tra hồ sơ của trẻ em, Sở Tư pháp cần kiểm tra việc đăng ký khai sinh của trẻ em đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hộ tịch hay chưa, bao gồm Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP) và Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Đặc biệt lưu ý về các vấn đề như: Xác định ngày sinh, nơi sinh của trẻ em bị bỏ rơi; phần khai về cha, mẹ đẻ trong giấy khai sinh; thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi.
- Về xác định ngày sinh và nơi sinh của trẻ em bị bỏ rơi:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì “nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi”. Trong thời gian qua đã tồn tại một số trường hợp, việc xác định ngày, tháng, năm sinh của trẻ em chưa thực hiện đúng quy định hoặc không phù hợp với thể trạng trẻ (ví dụ, trẻ bị bỏ rơi vào ngày 03/02/2017, được xác định khoảng 05 ngày tuổi, nhưng được đăng ký ngày sinh là ngày 06/02/2017 - sau ngày trẻ em bị bỏ rơi hay vào thời điểm trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em khoảng 15 tháng tuổi nhưng vẫn lấy ngày, tháng, năm sinh là ngày trẻ bị bỏ rơi). Đối với những trường hợp này, Cục Con nuôi đã đề nghị Sở Tư pháp yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã cải chính ngày, tháng, năm sinh của trẻ em. Một số trường hợp thì xác định nơi sinh của trẻ em không đúng quy định (ví dụ, không lấy nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi là nơi sinh mà lấy nơi trẻ được chuyển đến sau khi bị bỏ rơi là nơi sinh). Đề nghị phải xác định nơi sinh của trẻ em bị bỏ rơi theo đúng quy định của pháp luật hộ tịch.
- Về phần khai của cha, mẹ đẻ trong giấy khai sinh:
Một số trường hợp, khi trẻ em bị bỏ rơi có thông tin về cha, mẹ đẻ nhưng không có căn cứ xác thực để xác định những người đó đúng là cha, mẹ đẻ của trẻ em hay không, tuy nhiên, khi đăng ký khai sinh cho trẻ em, Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn ghi các thông tin chưa xác thực đó tại phần khai về cha, mẹ đẻ của trẻ em. Đối với những trường hợp này, Sở Tư pháp cần hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ ghi tên cha, mẹ đẻ trẻ em vào giấy khai sinh của trẻ em khi có những căn cứ xác thực về cha, mẹ đẻ của trẻ em. Nếu không có căn cứ thì bỏ trống phần khai về cha, mẹ đẻ của trẻ em.
Thứ hai, biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi và biên bản bàn giao trẻ em
Một số trường hợp, hồ sơ trẻ em không có biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi hoặc biên bản trẻ em bị bỏ rơi chỉ là bản chụp (bản gốc đã bị mất hoặc thất lạc), biên bản trẻ em bị bỏ rơi không có xác nhận của Ủy ban nhân dân/Công an cấp xã (phần lớn là hồ sơ trẻ em tại cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập). Đối với những trường hợp này, Sở Tư pháp cần phối hợp với Công an tỉnh bổ sung văn bản xác minh đối với từng trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trong đó nêu rõ sự việc trẻ em bị bỏ rơi (ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện), hoặc phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã/Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi lập biên bản xác nhận thực trạng trẻ em bị bỏ rơi/bị bỏ lại hiện đang được nuôi dưỡng tại cơ sở nuôi dưỡng để bổ sung hồ sơ trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài và lưu hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Nếu biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi không có nội dung về việc bàn giao trẻ em thì Sở Tư pháp đề nghị cơ sở nuôi dưỡng bổ sung biên bản bàn giao trẻ em.
Thứ ba, về xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi
Khi hồ sơ có một số điểm không thống nhất về nội dung giữa các giấy tờ, tài liệu, đặc biệt là các thông tin liên quan đến sự việc trẻ em bị bỏ rơi và nguồn gốc của trẻ em thì khi gửi công văn đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh nguồn gốc trẻ em, Sở Tư pháp cần đề nghị Công an tỉnh xác minh, làm rõ vấn đề không thống nhất đó. Nội dung xác minh phải bảo đảm theo đúng Điều 16 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.
Nếu trong hồ sơ có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ em và địa chỉ của cha, mẹ đẻ trẻ em, Sở Tư pháp cần đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh rõ về cha, mẹ đẻ trẻ em hiện có mặt tại địa chỉ đó hay không. Văn bản trả lời của Công an cấp tỉnh cần có kết luận rõ ràng về kết quả xác minh (tìm được/không tìm được cha, mẹ đẻ trẻ em tại địa chỉ đó; cha, mẹ đẻ trẻ em vẫn cư trú tại địa chỉ đó hay đã chuyển đi nơi khác, địa chỉ nơi chuyển đến… hoặc không rõ nơi cư trú mới; tại địa chỉ đó vẫn còn/không còn những người thân của đương sự đó; địa chỉ để lại là không có thật; tại địa chỉ đó không có người có họ và tên như đã khai…). Trường hợp văn bản trả lời của Công an cấp tỉnh chỉ có kết luận chung chung, không đề cập đến việc đã xác minh tại địa chỉ đó hay chưa, đề nghị Sở Tư pháp trực tiếp/phối hợp với chính quyền địa phương nơi có địa chỉ để lại xác minh về cha, mẹ đẻ trẻ em.
Thứ tư, về lấy ý kiến của những người liên quan
Trong thực tiễn gặp phải những trường hợp như chưa có căn cứ để xác định mẹ đẻ trẻ em mất năng lực hành vi dân sự thì Sở Tư pháp vẫn phải lấy ý kiến của mẹ đẻ trẻ em về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.
Đối với những trường hợp lấy ý kiến cha đẻ/mẹ đẻ/người giám hộ/trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp lưu ý cần phải đợi hết thời hạn 30 ngày được thay đổi ý kiến của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ và trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên mới lập văn bản xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý một số vấn đề khác như: (i) Đối với trường hợp 02 trẻ em bị bỏ rơi cùng một lúc, nếu có nghi ngờ về mối quan hệ anh, chị em giữa 02 trẻ em, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với cơ sở nuôi dưỡng kiểm tra và xác định rõ vấn đề này, để đảm bảo cho 02 trẻ em được sống trong cùng một gia đình hoặc duy trì mối liên lạc sau này. (ii) Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em: Trong thời gian qua, một số cơ sở nuôi dưỡng chưa đánh giá đúng mức độ cần thiết của loại văn bản này nên lập hết sức sơ sài, thiếu thông tin hoặc thông tin không cập nhật. Điều này dẫn tới người nhận con nuôi không nắm rõ tình trạng phát triển và tình hình sức khỏe hiện tại của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi, dẫn đến việc chuẩn bị điều kiện và tâm lý không phù hợp. Do vậy, đối với văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em chưa đáp ứng các yêu cầu, Sở Tư pháp cần đề nghị cơ sở nuôi dưỡng bổ sung, cập nhật.
3. Xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài
Để xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp phải kiểm tra hồ sơ trẻ em và đối chiếu với các quy định về đối tượng, độ tuổi trẻ em được nhận làm con nuôi, trường hợp được nhận đích danh, trường hợp phải thông qua thủ tục giới thiệu. Sở Tư pháp cử cán bộ trực tiếp lấy ý kiến của những người quy định tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi (gồm cha, mẹ đẻ của trẻ em hoặc người giám hộ của trẻ; trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên) trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài. Đối với trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi ở nước ngoài thì phải có văn bản xác minh và kết luận rõ ràng của Công an cấp tỉnh về nguồn gốc trẻ em bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ em xác định được cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ thì Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ về việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài. Trường hợp không xác định được cha mẹ đẻ của trẻ em bị bỏ rơi thì Công an cấp tỉnh phải có kết luận rõ ràng là trẻ em bị bỏ rơi, không xác định được cha mẹ đẻ.
Theo quy định của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi mà Công an cấp tỉnh xác minh được thông tin về cha, mẹ đẻ và Sở Tư pháp liên hệ được với cha, mẹ đẻ thì Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi. Trường hợp không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ, Sở Tư pháp niêm yết tại trụ sở của Sở Tư pháp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, đồng thời có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cho trẻ em làm con nuôi. Thời hạn niêm yết là 60 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp. Hết thời hạn niêm yết tại Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của cha, mẹ đẻ, nếu không liên hệ được với cha mẹ đẻ thì Sở Tư pháp tiến hành xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài.
Trường hợp trẻ em có đủ điều kiện được cho làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp phải có văn bản xác nhận đối với từng trường hợp cụ thể, gửi Cục Con nuôi kèm theo văn bản xác minh của Công an cấp tỉnh đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, văn bản lấy ý kiến của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ và ý kiến của trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên về việc đồng ý cho trẻ em làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng phải có ý kiến đồng ý của giám đốc cơ sở nuôi dưỡng.
Nghị định số 24/2019/NĐ-CP giao trách nhiệm Sở Tư pháp xác định trẻ em thuộc diện giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài theo thủ tục đích danh hay phải thông qua thủ tục giới thiệu. Trước khi xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài, Sở Tư pháp căn cứ hồ sơ sức khỏe của trẻ em để xác định trẻ em thuộc diện giải quyết cho làm con nuôi theo thủ tục nào.
Kể từ ngày 25/4/2019, theo quy định tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, chỉ những trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật như sau mới được giải quyết đích danh làm con nuôi nước ngoài: Trẻ em bị sứt môi hở hàm ếch; trẻ em bị mù một mắt hoặc cả hai mắt; trẻ em bị câm, điếc; trẻ em bị khoèo chân, tay; trẻ em không có ngón hoặc bàn chân, tay; trẻ em nhiễm HIV; trẻ em mắc các bệnh về tim; trẻ em không có hậu môn hoặc bộ phận sinh dục; trẻ em mắc các bệnh về máu; trẻ em bị khuyết tật khác hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác cần điều trị khẩn cấp hoặc cả đời. Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã bãi bỏ một số bệnh thông thường thể nhẹ, dễ bị lạm dụng như thoát vị rốn, bụng, bẹn, theo đó, trẻ em thoát vị rốn, bụng, bẹn không thuộc diện được giải quyết đích danh cho làm con nuôi nước ngoài. Một số loại bệnh thông thường hoặc thể nhẹ như tinh hoàn ẩn, thiếu máu hồng cầu nhỏ, thiếu máu hồng cầu to, viêm da cơ địa, hen suyễn, hoặc một số bệnh kinh niên như viêm gan B, C… đều không được giải quyết theo diện đích danh; đối với những trẻ em mắc các bệnh thông thường như vậy, các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện thủ tục thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trước khi giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài; việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài thông qua thủ tục giới thiệu. Nghị định số 24/2019/NĐ-CP vẫn tiếp tục quy định trẻ em mắc các loại bệnh về máu, bệnh về tim được giải quyết đích danh làm con nuôi nước ngoài. Song cần phải hiểu đó là những loại bệnh hiểm nghèo về máu và tim. Nghị định số 24/2019/NĐ-CP vẫn có quy định về trẻ em bị khuyết tật khác hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác cần điều trị khẩn cấp hoặc cả đời. Trong những trường hợp này, căn cứ hồ sơ bệnh án, kết luận và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và kèm theo các kết quả xét nghiệm để có thể xác định trẻ em thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung. Bác sĩ kết luận hồ sơ bệnh án chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ bệnh án của trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài.
Trẻ em từ 05 tuổi trở lên và hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cũng không thuộc diện được giải quyết đích danh làm con nuôi nước ngoài.
Những quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BTP ngày 20/5/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tìm gia đình thay thế ở nước ngoài cho trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em từ 05 tuổi trở lên và hai trẻ em trở lên là anh chị em ruột cần tìm gia đình thay thế không còn phù hợp với Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đã bị bãi bỏ.
Một trong những điểm mới theo quy định của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP là đối với những trẻ em thuộc diện giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài đích danh thì Sở tư pháp phải tiến hành kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi nước ngoài trước khi gửi một bộ hồ sơ của trẻ em cho Cục Con nuôi để thực hiện thủ tục tìm người nước ngoài nhận đích danh trẻ em làm con nuôi.
Tóm lại, để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em có nhu cầu được nhận làm con nuôi, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường nghiệp vụ giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài thông qua việc thực hiện tốt việc lập, kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho làm con nuôi, bảo đảm việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp