Từ năm 2013, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai đồng bộ trên cả nước, gắn với phát động và tổng kết cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp. Trong hai năm 2014 - 2015, Bộ Tư pháp đã giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp, thu hút đông đảo người tham gia, tạo nên một phong trào sôi nổi, động viên, khích lệ người dân tích cực học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, giải đáp pháp luật qua thư điện tử, thực hiện các buổi giao lưu trực tuyến trên mạng internet;... Trong giai đoạn 2016 - 2020, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật càng trở lên quan trọng hơn bao giờ hết. Bài viết đã đề cập đầy đủ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn 2011 - 2015 và những thành tựu và bài học đạt được nhằm định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2011 - 2015 đã đánh dấu sự phát triển mới của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong cả nước. Kế thừa kết quả đạt được của những năm trước, giai đoạn này, công tác PBGDPL đã có những bước chuyển mình tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
1. Thực trạng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2011 - 2015
Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL ngày càng được chú trọng, tăng cường. Vấn đề thể chế, chính sách đã được hoàn thiện với việc Quốc hội thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho bước chuyển mới, căn bản trong công tác này.
Việc chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc triển khai công tác PBGDPL được quan tâm thực hiện. Ngay từ đầu năm, Bộ Tư pháp đã ban hành theo thẩm quyền và tham mưu Hội đồng phối hợp giáo dục, phổ biến pháp luật trung ương (Hội đồng trung ương) ban hành Kế hoạch công tác năm. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều ban hành Kế hoạch PBGDPL hằng năm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (hội đồng phối hợp) cấp tỉnh để triển khai thực hiện. Việc PBGDPL đối với các luật, pháp lệnh được chú trọng ngay từ giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến; tập trung vào những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận.
Kể từ năm 2013, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được triển khai đồng bộ trên cả nước với hình thức phong phú, đa dạng, gắn với phát động và tổng kết cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp. Trong hai năm 2014 - 2015, Bộ Tư pháp đã giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp đã thu hút lượng người tham gia đông nhất, với thành phần, đối tượng đa dạng nhất từ trước đến nay, có sức lan tỏa, tạo nên một phong trào sôi nổi, động viên, khích lệ người dân tích cực học tập, tìm hiểu và thực hiện Hiến pháp. Ngày Pháp luật Việt Nam đã thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Sau khi có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, các Bộ, ngành có liên quan đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL cho các nhóm đối tượng, địa bàn đặc thù thông qua triển khai thực hiện các chương trình, đề án về PBGDPL cũng như các chương trình phối hợp về PBGDPL cho một số nhóm đối tượng đặc thù. Các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng ở trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã dành thời lượng thỏa đáng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhóm đối tượng này qua nhiều chương trình, chuyên mục, tin bài, phóng sự, tiểu phẩm.
Công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường được chú trọng và tăng cường hơn, ngày càng đi vào nền nếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rà soát nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu theo tinh thần đổi mới chương trình giáo dục; thực hiện kiện toàn đội ngũ giáo viên dạy môn đạo đức, giáo dục công dân, giảng viên dạy môn học pháp luật; kết hợp giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; lồng ghép PBGDPL thông qua các tiết học, hoạt động sinh hoạt dưới cờ và nhiều hoạt động khác. Định kỳ hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho giảng viên, giáo viên dạy môn pháp luật, môn giáo dục công dân, cán bộ quản lý giáo dục. Ngành Giáo dục - Đào tạo đã phối hợp với Ngành Tư pháp và Bộ, ngành hữu quan thực hiện chuẩn hóa chương trình giáo dục công dân ở bậc giáo dục phổ thông và chương trình giảng dạy pháp luật ở bậc đại học; chỉnh lý, biên soạn tài liệu, sách giáo khoa giảng dạy pháp luật chính khóa và ngoài giờ lên lớp. Hoạt động ngoài giờ lên lớp đã có cải tiến về nội dung và cách làm để gắn việc học pháp luật với thực tiễn thi hành pháp luật, tạo hứng thú cho người học, qua đó nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư pháp đã ký kết Chương trình phối hợp về công tác pháp chế giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có phối hợp trong công tác PBGDPL. ở địa phương, nhiều hình thức PBGDPL trong các cơ sở giáo dục được tổ chức triển khai có hiệu quả như: Mô hình “Tiết pháp luật” được thực hiện tại huyện Thủ Thừa và huyện Vĩnh Hưng (Long An); Tổ PBGDPL nhà trường, Ngày giáo dục pháp luật (Cần Thơ); tổ chức PBGDPL thông qua sinh hoạt chào cờ đầu tuần; Hội thi “Rung chuông vàng”, “Phiên tòa giả định” (Phú Yên); tổ chức cho giáo viên và học sinh đi thực tế, dự phiên tòa xét xử vụ án trẻ vị thành niên phạm tội, xem phim tư liệu (Vĩnh Phúc); thành lập “Câu lạc bộ những người yêu thích môn học pháp luật” (Đại học Thái Bình); triển khai ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông, cam kết đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn...
Bên cạnh duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương đã sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới, phù hợp với đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.
Trong giai đoạn 2011-2015, các hình thức PBGDPL truyền thống tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, trong đó tập trung vào các hình thức: Phổ biến pháp luật trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn (với điểm mới theo hướng tăng cường trao đổi, đối thoại chính sách, pháp luật giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân). Các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên các loại báo chí được cải tiến, tăng về số lượng, cách trình bày hấp dẫn dưới nhiều dạng hỏi - đáp, tình huống, tiểu phẩm, phóng sự, giới thiệu văn bản, nghiên cứu, trao đổi với nội dung thiết thực. Tài liệu PBGDPL đã được biên soạn theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn. Hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cũng được chú trọng, phát triển đa dạng. Mô hình tủ sách pháp luật đã có bước phát triển mới với nhiều loại hình (tủ sách, ngăn sách pháp luật tại điểm bưu điện - văn hóa xã; ngăn sách pháp luật tại đồn biên phòng; tủ sách, túi sách pháp luật lưu động tại các vùng dân tộc, tôn giáo; mô hình ngăn sách, túi sách tại các làng, ấp; giỏ sách pháp luật tại các khu công nghiệp…).
Bên cạnh đó, ở trung ương, một số hình thức PBGDPL mới, có hiệu quả được áp dụng như: Giải đáp pháp luật qua thư điện tử, thực hiện các buổi giao lưu trực tuyến trên mạng Internet; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên cổng thông tin điện tử, qua điện thoại; tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật với doanh nghiệp. Bộ Quốc phòng đưa việc học tập pháp luật vào chương trình giáo dục chính trị trong toàn quân; tổ chức học tập mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, mỗi tuần học một điều luật. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thành lập, phát triển hơn 3.000 Tổ công nhân tự quản thực hiện tư vấn lưu động thường xuyên tại doanh nghiệp. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí nhân dịp Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10/10… Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được xây dựng và đã đi vào hoạt động cung cấp kịp thời văn bản phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước, phổ biến pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Các địa phương cũng đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo áp dụng một số hình thức mới, hiệu quả như: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL (Thanh Hóa, Cao Bằng); thực hiện chương trình tư vấn pháp luật trực tiếp trên sóng phát thanh (Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp...). Một số địa phương tổ chức lồng ghép phổ biến pháp luật trong tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (Lạng Sơn...); chiếu phim lưu động có lồng ghép PBGDPL (Lâm Đồng); lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua sinh hoạt chi bộ (Vĩnh Phúc); mô hình “Quán cà phê với pháp luật”, “100 ly cà phê miễn phí” (Cần Thơ, Đồng Tháp, Tây Ninh); tổ chức các lễ hội truyền thống lồng ghép PBGDPL (Bình Định); phổ biến pháp luật trong chùa Khmer (Sóc Trăng). Tỉnh Cà Mau đã tổ chức hoạt động “Truyền thông pháp luật tại cộng đồng” lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ với tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Triển khai thực hiện xã hội hóa hoạt động PBGDPL và giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nhà nước. Xác định đây là nhiệm vụ rất khó khăn, Hội đồng trung ương, các Bộ, ngành, đoàn thể đã tích cực, cố gắng triển khai thực hiện nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác PBGDPL. Thực hiện Điều 39 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa nội dung chi cho công tác PBGDPL theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 là một trong các nội dung hướng dẫn các địa phương trong lập dự toán chi ngân sách địa phương năm 2015 và năm 2016. Một số Bộ, ngành đã bố trí kinh phí riêng cho công tác PBGDPL và hoạt động của Hội đồng phối hợp cũng như cấp cho việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL hoặc các chương trình, đề án về PBGDPL.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã từng bước phát huy được vai trò của mình trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ủy ban nhân dân cùng cấp về công tác PBGDPL. Tổ chức, cán bộ làm công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn và bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng PBGDPL.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL giai đoạn 2011 - 2015 vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
- Chương trình, đề án về PBGDPL nhiều, mục tiêu lớn nhưng thiếu nguồn lực bảo đảm, nhất là tại các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; tình trạng trùng lắp, chồng chéo vẫn còn; chính sách xã hội hóa PBGDPL chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia hỗ trợ, tài trợ; công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù hiệu quả chưa cao.
- Nội dung PBGDPL ở một số Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu thực tiễn. Việc tuyên truyền, giải thích một số chính sách, quy định mới thiếu kịp thời (như chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014). Hình thức PBGDPL ở một số Bộ, ngành, địa phương chậm được đổi mới; chưa khắc phục được tính hình thức trong hoạt động PBGDPL; hiệu quả chưa cao.
- Một số Hội đồng phối hợp chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong tư vấn hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển khai công tác PBGDPL. Một số thành viên chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm; sự phối hợp đôi khi thiếu chặt chẽ; chế độ báo cáo, thống kê nhiều lúc còn chưa bảo đảm tiến độ.
- Kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL còn hạn chế; nhiều nơi chưa có kinh phí riêng; có chương trình, đề án về PBGDPL chưa được bố trí kinh phí riêng.
- Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp, có biểu hiện gia tăng các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, trong đó số vụ vi phạm hành chính vẫn ở mức cao.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có nhiều, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì còn có những nguyên nhân chủ quan sau: (i) Một số Bộ, ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong công tác PBGDPL, nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tổ chức triển khai kịp thời, chưa bố trí các điều kiện bảo đảm cho công tác này; việc phối hợp, lồng ghép nguồn lực trong triển khai một số đề án PBGDPL chưa được quan tâm đúng mức; (ii) Một số thành viên Hội đồng phối hợp, Ban Thư ký của Hội đồng phối hợp chưa tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chất lượng tham mưu, điều phối hoạt động của cơ quan thường trực một số Hội đồng phối hợp chưa cao; đội ngũ người làm công tác PBGDPL trình độ chưa đồng đều, nhất là tại cơ sở; (iii) Nội dung, hình thức PBGDPL ở một số Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương còn chậm được đổi mới, chưa bám sát nhu cầu của đối tượng và nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, địa phương, cá biệt có nơi vẫn chạy theo phong trào, chưa đi vào chiều sâu, thực chất.
2. Định hướng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020
Trong giai đoạn 2016 - 2020, khoa học - công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Quốc hội đã ban hành và sẽ ban hành nhiều luật quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân liên quan đến công tác PBGDPL để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Nhiều nghề pháp luật, hội pháp luật đã ra đời và tiếp tục được kiện toàn. Với bối cảnh như vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2011 - 2015 và nâng cao hơn hiệu quả công tác PBGDPL trong giai đoạn 2016 - 2020, cần tập trung vào những định hướng sau đây:
Một là, tổ chức nghiên cứu lý luận, sơ kết, đánh giá thực tiễn triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và công tác PBGDPL, qua đó xác định những tồn tại, hạn chế, bất cập có nguyên nhân từ thể chế để đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về PBGDPL, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL.
Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu thực hiện bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang giai đoạn hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm gắn kết giữa công tác PBGDPL với công tác xây dựng pháp luật, tạo chuyển biến căn bản, bền vững, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân và thi hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp các cấp trong tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp; tăng cường trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng phối hợp, Ban Thư ký Hội đồng phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng định hướng tư vấn tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới, các nội dung pháp luật thiết thực với người dân, doanh nghiệp; mục tiêu, chính sách của các văn bản luật trong quá trình soạn thảo; mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp; nội dung điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường năng lực phản ứng chính sách, đối thoại chính sách, tư vấn, hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ vướng mắc gắn với những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
Bốn là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PBGDPL; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; tổ chức thực hiện tốt công tác PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù, chính sách xã hội hóa hoạt động PBGDPL để thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội. Chuẩn hóa tài liệu PBGDPL; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; đầu tư bảo đảm kinh phí PBGDPL cho đối tượng đặc thù, tại các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và ít có tổ chức, cá nhân tham gia; quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác PBGDPL, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, chú trọng tự kiểm tra; thanh tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện công tác PBGDPL; sơ kết, tổng kết, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong PBGDPL; khai thác có hiệu quả các ứng dụng tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; nghiên cứu, xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử; phát triển mạng lưới các thiết chế hỗ trợ pháp luật cho người dân tại cơ sở.
Bộ Tư pháp